image05 image06 image07

300x250 AD TOP

Lượm Lá Bồ-Đề

Trần Hải Anh (PD.Châu Nhật Vi)

Powered by Blogger.

About Me

My photo
Cuộc đời của Con là công trình của Ba, Mẹ.

VIỆT NAM & ĐẠO PHẬT

TẠI SAO??? - Ở VIỆT NAM,  CÁI GÌ HAY HO  CŨNG THUỘC VỀ/LIÊN QUAN TỚI ĐẠO PHẬT Đó là vì những điều lịch sử cơ bản như sau: (*) 1.      Thời...

Search This Blog

Search This Blog

Translate

Translate

Pages

Feature Label Area

Wednesday, May 10, 2023

VIỆT NAM & ĐẠO PHẬT


TẠI SAO??? - Ở VIỆT NAM,  CÁI GÌ HAY HO CŨNG THUỘC VỀ/LIÊN QUAN TỚI ĐẠO PHẬT

Đó là vì những điều lịch sử cơ bản như sau:

(*)


1.    Thời Hùng Vương thứ 18



Công chúa Tiên Dung và phò mã Chử Đồng Tử đã là những người đầu tiên đưa đạo Phật về nước ta và dạy cho dân chúng những điều đạo đức căn bản của đạo Phật và rất phù hợp với tâm tình, bản chất hiền hoà, hiếu nghĩa của người Việt Nam như: 

Đạo hiếu, uống nước nhớ nguồn (truyền thống thờ cúng ông bà, Tổ tiên để khắc ghi công ơn sinh thành, dưỡng dục), sự hiếu hoà với trời đất (Sống tốt và tin tưởng nơi sự phù hộ của các đấng Trời, Phật trên cao trong cuộc sống và nhất là những chuyến ra khơi, chài lưới, qua lại mua bán nhiều hiểm nguy), tin vào nhân quả công bằng (Gieo gió gặt bão, ở hiền gặp lành),…. 

Theo nhà sử học lỗi lạc Nguyễn Khắc Thuần, ở thời xa xưa, người lao động Việt Nam cũng để đầu trọc như các nhà sư trong đạo Phật, nên với sự hiền hoà, rộng lượng, hiểu biết, minh triết, lối sống giản dị mà hình thức lại rất giống người Việt, nên các sư thầy đạo Phật rất được lòng người dân. Nơi đạo Phật:

Ngoài những điều dễ thấy nhất là đạo lý hiền thiện, từ bi, vô ngã (vị tha tuyệt đối – không còn ích kỷ, cá nhân), còn có rất nhiều điều linh thiêng, màu nhiệm từ xa xưa đến tận ngày nay - Tới nỗi khái nhiệm ông Bụt (Phiên âm rồi đọc trại từ tiếng ‘’Buddha’’: Đức Phật) đã đi vào tất cả các câu chuyện cổ tích của người Việt.


 2.       Thời kỳ Bắc Thuộc và Phong kiến 


Trong suốt hơn1000 năm dưới chế độ ‘’Ngu dân‘‘, ‘’Đồng hoá’’ của phong kiến Trung hoa – Chính những mái chùa hiền lành đã cứu chữa người dân khỏi bệnh tật (là cái nôi của những danh Y tài hoa trong lịch sử nước nhà, trong đó tiêu biểu có Đại thần Y: Tuệ Tĩnh), chùa là nơi chia sẻ cơm ăn, áo mặc cho người dân bần cùng (khái niệm ‘’ăn của chùa’’ – ‘’ăn miễn phí’’ xuất hiện là như vậy; chùa cũng là nơi gìn giữ những kiến thức của tổ tiên người Việt và chia sẻ lại với người dân – Trong lịch sử các trạng nguyên Việt Nam, không thiếu những người đã được lớn lên trong chùa và nhận được sự giáo dục, truyền thụ từ các thầy tu trong chùa. 

Thiền Sư - Đại Danh Y (Ông tổ thuốc Nam): Tuệ Tĩnh

Với trí tuệ kiệt xuất và đạo đức trong sáng, thoát tục, không màng danh lợi: Rất nhiều thiền sư lỗi lạc đã nắm vai trò Quốc sư (Thầy của Vua)/những vị trí quan trọng liên quan tới Vương triều trong thời đại phong kiến Việt Nam từ thời Vua Đinh tới tận triều Nguyễn. 

Lỗi lạc nhất là hai triều đại Lý và Trần: Với tất cả các vị vua anh minh, xuất chúng nhất cùng toàn bộ triều thần đều tu hành thanh tịnh, ăn chay, ngồi thiền, giỏi cả đánh trận và trị vì đất nước – Lập nên những chiến công hiển hách mà cả Thế giới lúc bấy giờ và ngày nay phải khâm phục.

Vào thời Nguyễn, vua Gia Long buộc phải cho đạo của phương Tây du nhập vào nước ta vì đã lỡ mượn quân của người Pháp để lật đổ nhà Tây Sơn. Nhưng vẫn luôn ý thức rất rõ: Chỉ có tư tưởng đạo Phật được nuôi dưỡng trong dân chúng thì đất nước mới bền vững. Do đó, ông đã ra sức ngăn trở sự truyền bá của tôn giáo mới do người Pháp mang tới và hết sức mở mang đạo Phật, chùa chiền, đồng thời hình thành nên khái niệm ‘’Lương Dân’’ (hay nhiều người gọi là đạo Lương: Người lương thiện có thiên hướng theo Phật). Tiếc là triều Nguyễn không đủ sức mạnh để giữ gìn sự độc lập của Đất nước trước thế giặc quá mạnh và thời đại thay đổi quá nhanh.

 3.       Thời cận đại – Thời đại Hồ Chí Minh


Việc những người Cách mạng được mái chùa che chở, các nhà sư ‘’cởi áo cà sa, khoác chiến bào’’ là điều rất quen thuộc trong thời đại này.

Tiêu biểu kể ra vài sự kiện để bạn có thể hình dung sự đồng hành và yểm trợ mạnh mẽ của đạo Phật với Đất nước ta trong suốt thời kỳ Cách mạng như sau:

 

Bác Hồ ngồi thiền trong hang đá
Ảnh: Tư liệu của Nhà văn Sơn Tùng.

(1)  Thân sinh của Bác Hồ (cụ Nguyễn Sinh Sắc) đã chống gậy đi khắp miền Nam để kêu gọi chấn hưng lại đạo Phật trước sự đàn áp dã man, xảo quyệt của người Pháp. Cụ tin tưởng rằng: Chỉ có đạo lý của nhà Phật mới là hệ tư tưởng xuyên suốt đồng hành cùng người Việt trong quá trình dựng nước và giữ nước.

(2)   Bác Hồ của chúng ta, trong suốt cuộc đời Cách mạng đã cải trang vô số lần và rất nhiều lần cải trang làm Thầy tu trong đạo Phật, nhưng không bao giờ cải trang làm người tu của tôn giáo do người Pháp mang tới – Dù ở giữa lòng nước Pháp, dù ở giữa lòng Châu Âu. Sau này, ở nơi chiến khu, trong hang đá, Bác Hồ thường ngồi thiền và có nhà nhiếp ảnh đã ghi lại được. Bác là một người kiên trì luyện tập đến thông thiền nhập định và đã đạt tới minh triết. Bác có thể Thiền ở mọi nơi, mọi lúc, trong mọi tư thế từ đi, đứng đến nằm,...Người học trò xuất sắc của Bác là Đại Tướng Võ Nguyên Giáp cũng qua đời đúng vào khung giờ mà Đại Tướng ngồi Thiền mỗi ngày.

(3)   Vô số câu chuyện thời chiến và thời bình của các cựu chiến binh có liên quan tới Phật Pháp, thậm chí, nghĩa trang Liệt Sĩ Trường Sơn cũng được bóng cây Bồ Đề  khổng lồ (Biểu tượng cho sự chứng ngộ của Đức Phật) ngày đêm che chở. Bác Hồ cũng chọn địa điểm cạnh một ngôi chùa để tuyên bố lựa chọn ngày thương binh, liệt sĩ.

Ta có thể cảm nhận rõ chất Thiền trong 14 lời khuyên về nguyên tắc ứng xử của Bác:

Điều 1:  Suy nghĩ trước khi nói.

Điều 2:  Kiên quyết khi thi hành.

Điều 3:  Thận trọng khi cầm bút.

Điều 4:  Bình tĩnh sáng suốt lúc nguy nan.

Điều 5:  Nhẫn nại ôn hòa khi tức giận.

Điều 6:  Nguyên tắc quá mất việc.

Điều 7:  Thẳng thắn quá mất lòng.

Điều 8:  Giải  quyết khéo léo từng trường hợp.

Điều 9:  Gác việc riêng mưu sự nghiệp.

Điều 10:  Bỏ đa sầu đa cảm để đời vui.

Điều 11:  Vui vẻ là liều thuốc sống.

Điều 12:  Vui vẻ phấn đấu mới hăng.

Điều 13:  Vui vẻ mới gần quần chúng.

Điều 14:  Vui vẻ mới giàu tình cảm.

 

     4. Thời hiện đại


Những tư tưởng của đạo Phật đã và đang giúp người Việt Nam hoà nhập và bắt kịp, thậm chí sẽ vượt lên hẳn với Thế giới nếu biết khôn ngoan học hỏi, vận dụng. Căn bản và dễ hiểu có 1 vài ý sau:

 


(1)    Bảo vệ môi trường, cây xanh, động vật, đất đai, nguồn nước

(2)    Ăn chay để dẻo dai sức khoẻ, ít bệnh tật, sống lâu, ít gây hại cho môi trường (Thức ăn động vật được tạo ra bằng cách tiêu tốn rất nhiều năng lượng của Thế giới và phát thải rất nhiều khí độc, khí làm nóng trái đất.)

(3)    Thiền định: Giảm bớt sự rối loạn của tư tưởng, đầu óc để tránh tác hại của trầm cảm, tăng động, bất ổn, quá khích, đa nhân cách,…. Tăng cường sức tập trung, trí nhớ, trí thông minh, sự bình an, khoẻ mạnh, tính nhân đạo, niềm vui sống và tình yêu thương, v.v….

(4)    Những nhà bác học lỗi lạc nhất thời đại, nhất là Albert Einstein đã công nhận: Đạo Phật là tôn giáo của Vũ Trụ vì đáp ứng được cả đạo đức, đạo lý một cách toàn vẹn, logic và dẫn đạo được cho cả Khoa học (đi trước khoa học, dẫn đường cho khoa học)

(5)    Luật Nhân Quả - Nghiệp Báo do Đức Phật nhìn ra và chỉ dạy đã góp phần làm nhiều người tự ý thức dừng lại các hành động xấu, gây tổn hại cho mọi người và cho xã hội – Tích cực làm điều thiện, tích cực dựng xây Đất nước.

(6)    Làm giềng mối tâm linh, tư tưởng để làm giàu đời sống tinh thần của người dân cũng như bảo vệ biên giới lãnh thổ tại khác khu vực có vị trí địa lý trọng yếu với lãnh thổ Việt Nam (Các hải đảo đều có chùa, các vùng biên cương và vùng núi đều có đền chùa do triều đình xưa xây dựng và nhà Nước ngày nay khôi phục).

(7)    Tạo các thắng cảnh và môi trường tu tập tâm linh để quảng bá hình ảnh đất nước và phát triển du lịch, đẩy mạnh công cuộc xây dựng đời sống văn hoá trong Nhân dân, v.v….


(***)

Đôi điều chia sẻ vì mong rằng, dù ai đó không có nhiều cảm tình với Đạo Phật, cũng sẽ bằng: Lý trí, đạo lý và lòng biết ơn để có cánh nhìn nhận đúng mức, đúng tầm với những gì đạo Phật đã mang đến cho Đất nước này.

Đạo Phật đã đóng góp cho ta nhiều như vậy thì lẽ thường, ta nên có trách nhiệm trở lại với sự tồn vong của đạo Phật. Trước là để đền ơn, đáp nghĩa – Sau thì cũng là để cho chính bản thân mình, cho chính Đất nước của mình - Vì đạo Phật chẳng đòi hỏi gì ở ta cả! Đạo Phật càng mạnh thì càng giúp ta trở nên tốt hơn mỗi ngày mà thôi. Lịch sử đã chứng minh rõ ràng như vậy và luôn luôn là như vậy - Khác hẳn với những tôn giáo bị sự ảnh hưởng của con người – Trở thành công cụ của con người: Cứ hễ lớn mạnh là nhảy vào xâu xé chính quyền, thâu tóm lãnh thổ, nuôi mộng bá quyền - Sẵn sàng đem ác tâm mà áp đặt lên tư tưởng và đức tin của người khác.

 


 

Tuesday, August 11, 2020

Lá thư từ ông nội



Ông nội ghét những cuộc tán chuyện vô nghĩa chỉ duy nhất một tác dụng là giết thời gian – Vì khi ông nội làm việc, thậm chí ông nội còn chẳng cần phải tắm. Thiết tha gì chuyện chém gió, chém mưa?

Ông nội thích làm việc và chỉ thích làm những chuyện có ích cho công việc. Công việc của ông nội là gì? Nhiều người hỏi và theo cách nghĩ của họ thì phần lớn trường hợp ông nội luôn nói "Tớ chẳng làm gì cả".

Nay ông nội nói cho thằng cháu nội nghe, công việc của ông nội là tất cả những gì ông nội cảm thấy "Cần làm" và "Muốn làm". Như việc ngày hôm nay, ở đây, trong lúc này, ông nội đang ngồi viết lách tâm sự với thằng cháu nội của ông vậy.

Ông chả chơi!

Ngày hôm nay, đây là việc ông nội muốn làm và cần phải làm - Chính là công việc của ông nội. 

(*)

Thằng cháu nội thật đáng ghét?

Thằng cháu nội thật dễ thương?

v.v...

Ông nội chẳng bận tâm. Cho tới khi có vẻ giữa hai ông cháu dường như cũng từng có một chút nhân duyên nào đó, khi nhận thấy: Thằng cháu nói ông nội thấm và ông nội “hót” -  thằng cháu nội chịu vui vẻ "đón lắng nghe". 

Chuyện tưởng thường mà chẳng thường. Không phải dễ mà giữa ti tỉ người trên thế giới tìm được người mình nghe được và nghe mình được ku ạ.

Từ buổi còn vô minh mông muội - Chưa gặp được Phật pháp, chỉ hăng hái lẽo đẽo theo bố tới chùa để ăn chuối – Nhưng ông nội đã luôn có một cảm giác mơ hồ mà bền bỉ về mối nhân duyên giữa mình với mọi thứ xung quanh. Và cho tới ngày nghe được những lời Phật dạy - Hiểu được những lời Phật nói: Cuộc đời ông nội đã lật sang một trang mới thật "hoành tráng"! - Mọi thứ đều có cách để "đặt xuống".

Thật nhẹ.

Thật khỏe.

(*)

Có ai nói với thằng cháu nội rằng cháu rất cứng cỏi, mạnh mẽ, bản lĩnh và bất cần đời - Chẳng sợ ai chưa?

Ông nội thì thấy thằng cháu nội của ông nội chất chứa thật "quá lắm"! những nỗi buồn, sự cô đơn, mơ hồ, bất định, hoang mang, lạc lõng. Tất cả những thứ đó như một màn sương mù dày đặc che kín, phủ lấp đi: Một trái tim chân thật - Một tâm hồn cao thượng - Một tình thương yêu ấm áp. Kết quả là một cuộc sống buồn phiền và chán ngán chẳng một phút nào ngơi nghỉ - Luôn đeo bám lấy thằng cháu nội “mới nhặt về” của ông nội.

(*)

Thằng cháu nội nghĩ xem, nếu một người sự thực chỉ vay nợ thằng cháu nội 10 ngàn, nhưng tất cả mọi người đều "nhầm tưởng" tin chắc rằng người đó vay nợ thằng cháu nội tới 10 triệu đồng!

Chuyện là vậy thì liệu thằng cháu nội có vì vậy mà dù người đó đã trả đủ 10 ngàn nhưng vẫn quyết theo đòi cho đủ 10 triệu đồng không? - Đòi được thì coi như "bình thường" - Không đòi được thì oán trách, giận hờn!

(*)

Tỉ tỉ mũ *ti ti* chuyện trên cuộc đời này ông nội chẳng thể biết được, cũng chẳng thể nghe hết được, vậy nên ông nội chỉ chọn nghe một điều thôi cho khỏe tai và khỏe tâm.

Ông nội chọn nghe lời Phật nói.

Phật nói gì?

Phật nói rằng: Thế gian này chi phối bởi Nhân quả. Mỗi con người từ chính nghiệp lực mình mà sinh ra. Hoàn cảnh sống của mình thế nào, người khác đối xử mình ra sao – Yêu thương hay ghét bỏ, oán hận hay căm hờn, hiểu sai hay hiểu đúng, vu oan hay tâng bốc, khắc nghiệt hay cưng chiều, v.v… - Hết thảy đều là nghiệp của chính mình, Nhân chính mình trồng – Quả chính mình ăn. Như nợ chính mình cho vay và người khác trả lại – Như nợ chính mình đi vay và giờ mình phải trả lại.  

Chuyện đúng – sai, phải – trái ở đời là muôn trùng, vạn bể - Nhưng ẩn bên dưới chỉ một “Quy tắc” mà thôi – Sự “Công bằng của Luật Nhân Quả”.

Thằng cháu nội thấy: Nếu “khôn lanh” thì ta nên chọn cái nào? - Nắm chỉ một đầu dây thôi! Hay cứ mãi chạy theo đám dây con con mà tua tủa - mà vây bủa mỗi lúc một nhiều hơn?

Cuộc đời là khổ nếu chọn rúc vào bụi rậm.

Cuộc đời là thông nếu chọn vào cửa “Không” con ạ.

Con đã vào chùa nhiều lần lắm rồi, nhưng đã bao giờ con thực sự bước vào cửa “Không” mà Phật vì quá thương yêu mình đã không quản ngại đến với bãi bùn này để khai mở không?

(*)

Buông đi con ạ. Buông cả thương chứ đừng nói là giận ghét.

Vì cả thương và ghét đều là những tấm vải che mắt mình, khiến cho mình không còn thấy rõ được lối đi – Khiến cho mình mỗi ngày một xa rời sự thật, xa rời những điều đúng đắn và những điều tốt đẹp.

(*)

Vì không thương con nên ông nội biết rõ: Tự trong con, cũng như trong tất cả mọi người, ai cũng có sự thông minh và hiểu biết để phân biệt điều đúng điều sai. Vì không thương con nên ông nội biết rõ nếu ông nội đá cho con vài phát trong lúc con “lên cơn điên” muốn hủy hoại chính mình thì con sẽ tỉnh táo trở lại. Vì không thương con nên cho dù con có sa đọa thì ông nội vẫn vững vàng mà làm tí tẹo chỗ dựa cho con nếu có lỡ một ngày nào con vấp ngã – Có chút còn hơn không nhỉ? Đâu có sao.

Đấy. Thế là cái ích của sự “không thương”.

Sống cần tỉnh hơn là cần “thương thường thường” con ạ. Tỉnh được rồi thì sẽ thấy rõ được những việc cần làm và đủ năng lượng để làm những việc phải làm.

 (*)

Sao lại ghét?

Chỉ là vì “đòi” mà chẳng được thôi.  Đâu có gì là cao thượng.

Người nào khác thì ông nội chả kỳ vọng hiểu hoặc chả dám nói – Nói sợ “nó” chưởi. Ngại “nó” không hiểu lại bảo ông nội ngu. Vì dẫu gì ông nội cũng còn chút “sĩ diện” cần phải giữ.

Nhưng con thì ông nội mong rằng con sẽ hiểu. Vì đây mới chính là “kiểu tình thương” mà ông nội muốn dành cho con - Muốn con hiểu những điều con chẳng bao giờ muốn hiểu khi con còn chưa hiểu. Và nếu con chả hiểu mà lại thấy ông nội “ngu”, chả thèm chơi với ông nội nữa thì thôi - Vì ông nội “không thương” con mà. Ông nội chỉ đủ sức để gắng gượng thương chính mình thôi. Loài người thật “khó thương” con ạ.

(*)

Tình đời nói rằng cha mẹ phải thương con, phải có trách nhiệm với con tới trọn đời. Nhưng thương yêu và trách nhiệm nặng nề và mệt mỏi lắm – Đó là một khoản “Nợ” rất lớn. Liệu có phải đứa con nào cũng “đã từng” cho “cha mẹ” mình “Nợ” đủ số đó hay không?

Đã là người Phật tử thì đừng nói chuyện một đời!

Ta đi trong luân hồi vay vay – trả trả chẳng tính kể hết số đời, số kiếp. Đã hiện thân là con người thì ngoài chút phước ít ỏi, còn lại chẳng phải toàn là nghiệp sao? Chẳng phải ngoài chút tiền ít ỏi trong túi là những món nợ “đại bác” trong ngân hàng Nhân Quả sao?

Thế cho nên đời mới lắm nỗi buồn, thế cho nên đời mới nhiều nỗi khổ.

Thế cho nên bất hạnh có gì lạ? – Thế cho nên người đối xử xấu mình có gì phải oan ức?

Ta chẳng đủ thiện lành để cuộc đời này luôn là “công bằng” – Kiểu “đong đếm” mắt thấy tai nghe thường tình trong thế giới này đâu con ạ.

Người đó xấu với mình không phải vì người đó xấu mà vì thật sâu xa muôn đời - Chính do ta đã ngu si mà tạo tác nghiệp xấu.

Vậy nên không trách người – Không ghét người vì sự thật từ “nguyên thủy” là: “Người” đâu có lỗi?

Vậy nên không trách mình vì quá khứ đã qua không thể quay trở lại: Chỉ có Hiện tại là giây phút nhiệm màu: Để cải tạo quá khứ - Để “tô vẽ” tương lai.



Đóng vết thương mình lại mà nhìn ra xa cuộc đời đi con!

 

Nơi ngoài kia bao phận người đau khổ,

Biết bao nhiêu oan trái ở trên đời.

Khi con chịu Thấy - Nhìn bất hạnh,

Muôn triệu người chẳng ai kém hơn con.  

 

Còn nếu con chọn “Oán trách” làm đầu,

Đừng hỏi sao tim con đầy lỗ thủng.

Khi đã chọn tắm mình trong đau khổ,

Đừng hỏi sao hạnh phúc lánh xa con.

 

Khi còn thở là “Vẫn” còn sự sống,

Có biết không – “Đó” hạnh phúc nhất đời!

Con cần gì mong ước xa xôi?

Những ước vọng chóng tan vào hư ảo,

Theo bóng chớp giả dối mang thân người.

 

Buông đi con cả buồn thương, giận ghét

Chẳng ích gì rước vướng mắc vào tim

Để óc tim và ruột gan trống rỗng!

Cho tỉnh giác mãi mãi chảy tuôn trào.

 

Hạnh phúc thực chỉ do mình cấy hái,

Đừng đợi trông bóng hư ảo từ ai

Không còn mong thì chẳng còn khắc khoải,

Lẽ giận hờn – thương ghét bỏ ngoài tai.

_Thương tặng “Thằng Cháu Nội.”_



 

Sunday, May 10, 2020

TÌNH ĐỜI "XẤU XÍ"

Đức Phật là một Vĩ nhân được cả Nhân loại Kính trọng - Ngay cả Liên Hiệp Quốc cũng quyết định lấy ngày Tưởng Niệm Đức Phật hàng năm (Đại lễ Vesak) làm ngày Văn Hóa Thế Giới để Tôn vinh NGƯỜI vì những đóng góp lớn lao cho Hòa bình Thế giới.
Những vĩ nhân kiệt xuất của Đất Nước trong suốt chiều dài Lịch sử Dựng nước và Giữ nước của dân tộc Việt Nam như vua Lý Thái Tổ, danh Y Tuệ Tĩnh, Quốc Công Tiết chế Trần Hưng Đạo, Ba Vua -  Ba lần đánh tan  Đế quốc Nguyên Mông: Trần Thái Tổ, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, v.v… đều được trưởng thành và hun đúc đạo đức, tài năng, bản lĩnh trong tinh thần Yêu Nước và những lời Đức Phật dạy.
Đạo Phật từ xa xưa đã là một di sản Văn hóa - Tinh thần quan trọng bậc nhất của Đất nước ta. Giữa thời kỳ giặc Pháp đô hộ, đàn áp, kìm kẹp không lối thoát – Cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc (Thân sinh  ra Bác Hồ) đã khẳng định: Muốn giải phóng Đất nước thì trước hết phải DỰNG lại Đạo Phật sau sự “Đánh phá & Đàn áp” dã man của Ngoại bang Xâm lược.

Trong hơn 4000 năm qua: Từ hơn ngàn năm chống Phong kiến Phương Bắc, hơn trăm năm chống Đế quốc/Thực dân - Đạo Phật luôn đồng hành cùng Dân tộc - Chở che cho Nhân dân ta, Chiến sĩ ta, Tướng Lãnh ta, Chủ soái của ta – Giúp cho Dân tộc ta biết bao phen thoát hiểm nguy, vượt nạn tai, khổ ách.

(*)

Trong khi dân Việt ở khắp nơi trên Thế Giới đi tới đâu cũng xây chùa, đúc tượng, tổ chức thờ phượng Đức Phật trang nghiêm thì việc đặt hình ảnh Đức Phật ở những quán ăn, quán rượu, hay quán massage là không hợp thuần phong mỹ tục – Do đó, thời gian vừa qua: Quán “Buddha Bar” đã bị thu hồi giấy phép kinh doanh vì sử dụng hình ảnh Đức Phật để trang trí – Làm mất tôn nghiêm của NGƯỜI.

Tới bây giờ thì lại là chuyện của chủ tiệm “Budd spa & retreat.”
Hình ảnh của Đức Phật có liên hệ gì với những việc: giảm béo cấp tốc, trị mụn đông y, viêm da cơ địa, thần kinh tọa, tê bì chân tay, hay thậm chí là trị yếu sinh lý nam nữ, vô sinh hiếm muộn, chăm sóc bầu… mà lại trang trí hình Phật ở những nơi như thế?
Là một người bình thường, liệu chúng ta có chấp nhận hình ảnh người mà chúng ta kính yêu treo ở những nơi như thế không?
Xét về khía cạnh Đạo đức: Tôn trọng tín ngưỡng tôn giáo của một Quốc gia – Dân tộc đạo đức căn bản của một con người Văn minh, có hiểu biết – Hành vi của chủ tiệm Budd spa & retreat là không phù hợp với đạo đức căn bản của một người bình thường chứ đừng nói là những người có lòng Tôn kính Đức Phật – Như “Tinh thần” mà chủ tiệm lợi dụng để “Xảo biện” cho hành vi yếu kém đạo đức của mình.
Xét về khía cạnh Kinh doanh: Nhìn thấy một quán lớn (Buddha Bar) vừa bị tước giấy phép hoạt động mà vẫn tiếp tục hành vi tương tự - Thậm chí cho chạy “Quảng Cáo” mạnh mẽ! – Liệu có hợp lý không? Đây có phải là hành vi Kinh doanh "đơn thuần" vì lợi nhuận hay không?
Như vậy, động cơ phía sau của chủ tiệm Budd spa & retreat có là gì thì chắc chắn cũng là “Mờ ám” “Mất đạo đức” - Cần phải nhận được sự xử lý thích đáng cả về “Lý và Tình” – cả về “Đời và Đạo”.


(***)

ĐẠO PHẬT ĐỒNG HÀNH CÙNG DÂN TỘC


















Tuesday, March 31, 2020

Nếu Hành Thiền Mà Không Có Phật


"Thiền" là "Mô đen" mới của thời đại và sẽ là "Tương lai" của "Nhân loại" trong thời gian không xa. 
"Thiền" là điều duy nhất ở trên đời mà "Robo" không thể nào làm tốt hơn con người. 

Thông qua "Hơi thở Chánh niệm" - Thông qua việc được "Hành Thiền" dưới một sự chỉ dẫn cụ thể, chính xác những gì Đức Phật truyền lại trong Kinh điển  - Mỗi con người nhỏ bé với "Cái Tôi vỹ đại!" dần phá bỏ bớt được sự ích kỷ, tham lam, sân hận mà hòa vào cái "Vô Ngã" - Chung đồng của toàn thể Vũ Trụ - Ngày càng vị tha hơn, ngày càng ít tham muốn hơn, ngày càng bớt sân hận hơn: Nhờ vào sự "đủ đầy" trong nội tâm cũng như hoàn cảnh sống: Thông qua việc có khả năng sử dụng được ngày càng nhiều hơn những nguồn lực lớn lao của thế giới bên ngoài chứ không chỉ riêng "chút ít ỏi" mà một cái "Tôi nhỏ bé" có thể khư khư nắm giữ.  

(*)

"Thiền" là "Trí Tuệ" - Là sự thật khách quan - Là nhãn quan không thành kiến, không phân biệt nên ai cũng có thể đạt được cùng một kết quả nếu thực hiện "trọn vẹn" cùng những bước đi đúng đắn được Đức Phật chỉ bày rành rõ. 

Nhưng ta sẽ chọn lên đường bằng cách nào? 

Sẽ đi "Độc bước" (Tự Lực) hay chọn "Nép mình" (Tự Lực + Tha Lực) dưới sự che chở và gia hộ của Đức Phật?

"Người" đã đi trọn vẹn Con đường - Quay trở lại chỉ bày cặn kẽ về Con đường - Và luôn nâng đỡ, chắp cánh cho tất cả những ai trọn lòng mình hướng về "Vô ngã". 

"Không thầy đố mày làm nên" - "Không thể đi xa nếu không đi cùng đồng đội" và Không thể thành tựu được bất cứ điều gì nếu chúng ta là một người kém may mắn

(**)

Nếu "May mắn": chúng ta sẽ được sinh ra trong một gia đình giàu có, được ba mẹ trí tuệ thương yêu dạy dỗ, có sức khỏe phi thường, có ý chí nghị lực kiên cường, có đầy đủ mọi điều kiện vật chất tối tân - có vô vàn người tài năng giúp đỡ để thành tựu được mọi điều ta mong muốn một cách dễ dàng chứ chẳng bao giờ phải trầy trật, khổ sở: Trồi lên, chụp xuống - Ngụp lặn không ngơi nghỉ trong "bãi chiến trường" (Nơi vạn vật tranh nhau sự sống - Sự sống của loài này được tạo dựng bởi cái chết của loài kia) lầy lội khổ đau của cuộc đời này. 

Nhưng thực tế là: 

Mỗi chúng ta sinh ra nhỏ bé và yếu ớt, nghèo nàn và ngu si, bệnh hoạn và khổ sở vì đủ mọi thứ ràng buộc ở trên đời - Từ thể xác tới tâm hồn. 

Chúng ta chẳng thể đạt được bất cứ vinh quang nào, thành công nào, chiến thắng nào một cách dễ dàng. Chúng ta chẳng thể nào kiểm soát được mọi chuyện xảy tới với mình, chẳng thể nào kiểm soát được mọi điều ở xung quanh và thậm chí chẳng thể nào kiểm soát nổi những hoạt động tâm sinh lý diễn ra mỗi ngày ngay trong chính cơ thể mình, v.v...

Nhiêu đây thôi đã đủ thấy, chúng ta kém sức mạnh, kém trí tuệ tới nhường nào! - Kém "may mắn" tới nhường nào!

(*)

Ta thì như thế! 

Kém may mắn như thế!

Mà con đường "Vô ngã" - Con đường "Thiền" thì dặm dài gian khó biết bao nhiêu...

(*)

Như một chú kiến bé nhỏ - Cho dù có khả năng mang vác một vật có khối lượng gấp đôi, thậm chí gấp ba trọng lượng cơ thể mình thì vất cả cả một ngày - Cả một đời cũng chẳng thể làm nên chuyện gì lớn lao. Vậy nên, nếu không có một sự "Trợ Giúp Phi Thường" thì một con kiến nhỏ đừng bao giờ mơ tới một "Kết Quả Phi Thường". 

Cũng như vậy, nếu không có "Tha Lực" - Sự "Trợ Giúp Phi Thường" của Đức Phật thì một con người tầm thường như chúng ta đừng bao giờ mơ tưởng tới thành công trong "Thiền Định". 

Với tí chút sức lực "vặt vãnh" của riêng ta thì đừng nói là đi tới cuối con đường - Chỉ không bị lạc một bước thôi cũng đã là cả một "Công trình lao tác" đầy mệt mỏi. 

(*)

Chẳng thế mà trên con đường Thiền: 

Rất nhiều người đã hóa điên không bao lâu sau khi "nhặt nhạnh" được vài món thần thông phép lạ. Rất lắm người còn chưa kịp nhặt nhạnh được bất cứ thứ gì thì đã bị hóa điên. Rất lắm người kiên nhẫn cả đời vẫn chẳng có gì, chẳng được gì, ngoài cái "Tôi" luôn căng tràn ích kỷ: Luôn tự cho mình là hay ho rồi mặc sức mắc mỏ, câu mâu, giận hờn, biếng nhác - Làm phiền lòng, bực bội biết bao người xung quanh. 

Rất nhiều người cố gắng nhiều năm mà chẳng "thấy" gì rồi đâm ra chán nản, mất lòng tin vào bản thân, thậm chí "hoài nghi" luôn cả con đường Phật dạy. Biết bao người đến rồi đi - Thử rồi Bỏ - Rồi cũng chẳng tới đâu, về đâu trên con đường "Thiền" ngút ngàn, vô tận.

Số những người chỉ sau một lần bắt thế "Hoa Sen" là lập tức ra đi không hẹn ngày trở lại thì: Vô vàn - Vô số - Không thể nào tính kể được từ xưa tới nay - Từ nhiều đời trước cho tới tận đời này và mãi mãi về sau. 

Chính bởi vậy mà đạo Phật vốn ban đầu được dựng lên trên nền móng "Thiền Tập" nhưng tới nay,  phần lớn người Việt mình chỉ biết đạo Phật là vái lạy "sì sụp" và những niềm tin ảo ảnh, mơ hồ, mê tín - Chính bởi vậy mà cho dù "Khoa học" cách mấy, tối tân hiện đại cách mấy: Sau nhiều chục năm nghiên cứu, các nhà Khoa học phương Tây cũng chỉ mới "bòn mót" được tí chút tác dụng "tâm sinh lý" (Vệ sinh Tâm Thần Kinh) siêu việt do "Thiền" mang lại. 

Ấy vậy mà nhiều "ông Tây" đã vội vã tưởng rằng: Không cần "Đức Phật" - Không cần tu dưỡng niềm Kính Tin, sự Hiểu Biết, Tựa Nương nơi Đức Phật - Họ cũng "đủ sức" để "khám phá" con đường Thiền

Đừng vội cười "ông Tây" - Nhiều Phật Tử mình cũng chẳng đủ lòng tin mà "Tựa Nương" nơi Đức Phật - Cứ mải học cái này cái kia, nghe người này người kia, tu môn này pháp kia mà "Lơ bẵng!" chuyện Lễ PhậtCầu Phật Gia Hộ trên công cuộc "Tu Hành" trong: Mỗi ngày - Mỗi phút giây cuộc sống.

..Mặc dù đã chính thức "mang danh" là một người con Phật - Mặc dù đã nhận điệp "Quy Y" không biết bao nhiêu lần!


Đã "Quy" rồi sao còn không "Y"?

Đã "Quay Về" rồi sao còn không mau "Nương Tựa"?

Đức Phật luôn ở bên cạnh tất cả chúng ta: Yêu thương và che chở, chờ đợi và dẫn đắt, bảo bọc và dưỡng nuôi cho cả người Phật Tử - Cho cả người Khoa Học  cho cả những người chống phá, bài bác đạo Phật vì chưa đủ Phước để Tin, chưa đủ Duyên để Hiểu

Như chính tôi trước đây: Một đứa trẻ nít có tí chút tài vặt mà tưởng rằng mình thật "lớn lao"! Tới một ngày chợt "Bừng tỉnh" - Chợt nhận ra: Từ biết bao lâu nay, vẫn luôn được sống trong tình thương và sự che chở của Người mà không hay, không biết.

Tôi "Quy Y" từ bao giờ mà bấy giờ mới "đến" để Quy Y?

(*)

"Quy Y" là niềm hạnh phúc lớn lao vẫn luôn dành sẵn cho tất cả mọi người. Chỉ là chúng ta không hay - Chỉ là chúng ta chưa biết. Vậy nên: Hãy mau tìm về!


(Cảm hứng từ "Niềm vui" khi nhận được tin: Một người hd thân yêu của tôi đã biết cách "Nương Tựa" nơi Đức Phật trên con đường Thiền.)











Tuesday, June 18, 2019

Làm chủ lời nói


Lời nói là phương tiện giao tiếp ở con người – Là công cụ thiết lập (làm quen) và vận hành (duy trì) các mối quan hệ xã hội. Qua lời nói ta thiết lập các mối quan hệ xung quanh mình và các mối quan hệ ấy chính là chất liệu để hình thành “môi trường sống” của ta – Tác động đến tính cách, cuộc đời và số phận của ta. Do đó, “Lời nói” cũng là một trong những dữ liệu quan trọng để dự đoán quá khứ, hiện tại và tương lai của một con người theo cả Đông phương học và Tâm lý học phương Tây.

Qua lời nói, chúng ta ngầm thông báo tới mọi người nhiều “phẩm chất” nội tâm của mình như: đạo đức, cá tính, trình độ, quan điểm, cách nghĩ, lối sống, v.v… Người giọng nói vang vang có phẩm chất khác người có giọng nói thều thào, yếu ớt. Người có lời nói chua chát/khó nghe thì thường hay nóng nảy, hung dữ, dễ làm mất lòng người khác nên cũng khó thành công. Người có giọng nói êm ái mà thương yêu thì khác người có giọng nói êm ái mà lẳng lơ, đa tình, đa cảm, yếu đuối, thiếu lập trường, dễ bị dụ dỗ, lường gạt – Và hoàn toàn trái ngược với người có giọng nói “êm dịu” mà cương nghị, dứt khoát, đâu ra đó, v.v… Bởi vậy, khoa học Tướng số coi trọng “giọng nói” hơn các đặc điểm trên khuôn mặt rất nhiều.

Nói oang oang là một nội tâm nông cạn, thiếu bản lĩnh, thiếu chiều sâu; nói quá nhỏ là một nội tâm vị kỷ và thâm hiểm; hay “lầm bầm” một mình là tiểu nhân; hay xúc phạm người khác là người nhiều sân hận; nói quá nhiều là một bản ngã thích thể hiện mình, v.v…

Nếu trong lời nói của ta có những “từ” hoặc “cụm từ” mang tính cách phẫn nộ thái quá (muốn “loại bỏ”“trừ diệt” một ai đó/một cái gì đó) thì chứng tỏ trong lòng ta đang thiếu vắng lòng “từ bi” và cảm thông. Khi lời nói và tâm ý không “tương thích” với nhau (nghĩ một đường, nói một nẻo) thì ta đang “xài” lối sống giả dối. Ngay cả khi có bất đồng không thể “cho qua” mà vẫn giữ được lời nói khả ái, dịu dàng, không thô tháo, không “hiểm” ý sâu cay là biểu hiện của một tâm hồn đạo đức  sâu dày và một nội lực mạnh mẽ có khả năng “kiểm soát” bản năng của mình.

Một người muốn thành công trong công việc và đời sống thì lời nói phải có lý lẽ - Được trình bày rành mạch, rõ ràng, có khả năng hiểu và thuyết phục được người nghe. Nhưng quan trọng nhất vẫn là giữ cho được một đời sống đạo đức, vị tha, chăm chỉ rèn luyện bản thân và không ngừng nỗ lực, cống hiến vì lợi ích chung của mọi người – Số người ta phục được càng nhiều thì “giá trị” trong lời nói của ta càng “tăng cao”.

Bằng cách nào để “luyện tập” được một giọng nói “hay” – truyền cảm, đi sâu vào lòng người và có sức tác động tới hành vi của người khác?

Không gì khác hơn là phải “rèn luyện” cho tấm lòng của mình thực sự phát khởi được lòng cảm thông, thương yêu với tất cả những đối tượng mà mình tiếp xúc. Khi ta thực sự thương yêu mọi người thì ta sẽ luôn “sợ hãi” làm cho họ phải “khổ” vì lời nói của mình – Từ đó mà ta sẽ cẩn thận hơn, giữ gìn hơn, tinh tế hơn và nhẹ nhàng hơn trong tư duy cũng như lời nói mỗi ngày – Lời nói, giọng nói vì vậy sẽ dần “hay” hơn, có sức truyền cảm hơn.

Và tất nhiên là nếu mắc phải các khuyết tật về giọng nói như: nói không nên lời, nói lắp bắp (cà lăm – không suôn sẻ); nói ngọng nghịu (phụ âm không rõ ràng); nói quá nhanh (hấp tấp, vội vàng, mất chữ, nuốt chữ); nói quá nhỏ; v.v… thì ta cần phải luyện tập rất nhiều để khắc phục cách phát âm của mình.

(*)

Đức Phật dạy chúng ta, lời nói chính là một trong ba cửa ngõ làm nên số phận của mỗi người (bên cạnh ý nghĩ và hành động). Từ lời nói của chúng ta mà hoặc điều thiện được sinh ra – mọi người yêu thương, đoàn kết, thân ái với nhau; hoặc điều ác sinh ra khi mọi người bị “xúc não”: sân hận, bực bội hay đau khổ, muốn lìa bỏ nhau, v.v… Do đó, mỗi người con của Phật (Phật Tử) phải luôn ý thức đến đạo đức trong lời nói của mình. Phải luôn có ý thức giao tiếp với mọi người bằng những lời “ái ngữ” – chứa đầy thương yêu và lòng tôn trọng, bất kể đối diện mình là người nhỏ tuổi hơn, địa vị thấp hơn, vật chất ít hơn hay thậm chí phẩm giá ít hơn. Cho dù chỉ len lỏi một ý nghĩ rất nhỏ của sự “khinh thường” thì ta cũng biết rằng chính mình đã tự gieo vào dòng “nghiệp quả” của mình một hạt mầm bất thiện.
Nếu lòng mình chưa thể “ngay lập tức” mở ra để thương yêu mọi người thì phải học cách thay đổi “Lời nói” của mình trước: Cách xưng hô phải đúng mực, nhịp điệu – giọng điệu phải nhún nhường, từ ái, nhẹ nhàng. Khi ta có “thiện ý” thì trước tuy là “nỗ lực” nhưng sau sẽ dần thành “chân thật”.

Đừng chê bai người khác khi lòng mình chưa đủ tình thương yêu đối với họ. Đừng nói những điều người khác không muốn nghe dù là lời đạo lý – khi chưa phải duyên, phải thời. Và khi nói bất cứ một lời nào cũng phải cân nhắc tác động “lâu xa” cùng “tỏa rộng” của nó: Liệu khi lời mình nói với người này – trong hoàn cảnh này mà lan tới tai người khác – trong hoàn cảnh khác thì “hiệu ứng” sẽ như thế nào để lựa chọn lối nói cho phù hợp.  

(*)

Nhiều người luôn cư xử thô tháo, sẵng giọng, hấp tấp , hơn thua – chua chát vì nghĩ rằng như vậy mới là “sống thật” mới là “chân thành” – Còn làm chủ lời nói, nói lời hòa nhã, từ ái trong mọi hoàn cảnh là biểu hiện của một sự “giả dối” và “không chân thật”. Nhưng ta có đếm được biết bao nhiêu người đã đau khổ vì “sự chân thật” đó của ta hay không?

Ai cũng có cái tôi và bất kể lời nói thô tháo nào cũng có thể “khoét sâu” vào đó. Tại sao những người “chiến hữu” lại sẵn sàng đâm dao vào nhau trên bàn nhậu khi không còn tỉnh táo? Bởi cho dù “quá thân thiết” cũng không đồng nghĩa với việc chúng ta có thể hoàn toàn thoải mái với những “ngôn từ” thiếu sự tôn trọng dành cho nhau.

Những người con xa cha mẹ “hay gắt gỏng” để tìm sự ngọt ngào ở bên ngoài; những người chồng rời bỏ gia đình để đi theo những tiếng gọi “êm ái” hơn; những người mẹ bỏ con – những người vợ bỏ chồng vì những lời đương mật nhan nhản hàng ngày đâu có hiếm.

Xả qua "đường miệng" những khó chịu, bực dọc trong tâm mình không những không khiến tâm trạng tốt hơn mà còn làm mọi chuyện tồi tệ hơn rất nhiều. Ta không vui thì ta đi "vung vãi" nỗi buồn và nỗi đau cho người khác sao? - Ai cũng biết điều đó là không nên, nhưng vì chúng ta không đủ sức "làm chủ" bản thân mình - làm chủ lời nói mình nên sau cùng ta luôn là người phải hối hận.

(*)

“Lời nói ngọt ngào” thực sự là một nhu cầu căn bản trong đời sống của mỗi chúng ta. Đừng xem thường nó mà hãy cố gắng để đáp ứng nó mỗi ngày cho mọi người xung quanh mình.
“Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”.