300x250 AD TOP

Trần Hải Anh (PD.Châu Nhật Vi)

Powered by Blogger.

About Me

My photo
Cuộc đời của Con là công trình của Ba, Mẹ.

VIỆT NAM & ĐẠO PHẬT

TẠI SAO??? - Ở VIỆT NAM,  CÁI GÌ HAY HO  CŨNG THUỘC VỀ/LIÊN QUAN TỚI ĐẠO PHẬT Đó là vì những điều lịch sử cơ bản như sau: (*) 1.      Thời...

Search This Blog

Search This Blog

Translate

Translate

Pages

Friday, November 30, 2018

10. Vi sinh vật nông nghiệp


Vi sinh vật (VSV) là các loài sinh vật xuất hiện đầu tiên trên Trái đất, chúng có kích thước nhỏ bé, hấp thu nhiều chất dinh dưỡng và khả năng chuyển hóa tương ứng cũng rất nhanh, tốc độ sinh trưởng và phát triển mạnh, năng lượng thích ứng mạnh và dễ phát sinh biến dị, phạm vi phân bố rộng, nhiều chủng loại như: cổ khuẩn, virus, vi khuẩn, vi nấm, vi tảo, nấm men, nấm sợi. 

Dinh dưỡng VSV cần bao gồm các yếu tố Cacbon (Năng lượng), Nito (cấu trúc), nước, các muối vô cơ và các nhân tố sinh trưởng. Các môi trường nuôi cấy VSV trong phòng thí nghiệm cũng cần phải đảm bảo đầy đủ các nguồn dinh dưỡng như trên.
Quá trình sinh trưởng của một quần thể VST đi tuần tự qua bốn giai đoạn (pha) là tiềm phát, lũy thừa, cân bằng và suy vong. 
Trong pha tiềm phát, quần thể sinh vật tăng về thể tích và khối lượng, nhưng số lượng thì hầu như không thay đổi (không tăng lên). Do trong giai đoạn này, VSV tiến hành làm quen với môi trường mới, chỉnh sửa lại hoặc tổng hợp thêm mới các bộ phận để chuẩn bị cho quá trình nhân nhanh số lượng sau này (pha lũy thừa). Số lượng VSV nhân lên nhanh chóng trong pha lũy thừa, đạt tới trạng thái cân bằng (Số sinh mới cân bằng với số chết đi) rồi giảm đi nhanh chóng trong pha suy vong. 

Ứng dụng các hiểu biết về đặc điểm của từng pha, chúng ta sẽ bổ sung thêm các chất dinh dưỡng và điều chỉnh các yếu tố môi trường cho phù hợp với nhu cầu sống của VSV để kéo dài pha lũy thừa - Nhân sinh khối của quần thể VSV ban đầu một cách liên tục. Ngược lại, với các quần thể VSV có hại thì  ta rút bớt nguồn dinh dưỡng hoặc phá vỡ môi trường sống của quần thể VSV để chúng tiến nhanh tới pha suy vong - Ức chế, hoặc khử diệt hoàn toàn quần thể VSV. Dưới đây là chi tiết các khái niệm liên quan tới việc ức chế quần thể sinh vật và các tác nhân ức chế được sử dụng phổ biến.

Mỗi năm, ở nước ta có hàng chục triệu tấn chất thải của ngành chăn nuôi cần phải xử lý, nếu không sẽ để lại trong môi trường rất nhiều nguồn gây ô nhiễm (các kim loại nặng, khí độc hại, ký sinh trùng - vi sinh vật có hại). Chưa kể các loại rác thải hữu cơ, than bùn (từ cống rãnh, ao hồ), phế phẩm công nghiệp, các loại quặng,...Nhóm các VSV phân giải xenlulo, xilan, tinh bột, protein, S, P, N,...góp công rất lớn trong quá trình xử lý các chất thải chăn nuôi, cũng như các loại chất thải công nghiệp - Không những làm sạch môi trường mà còn biến nguồn chất thải thành này thành các loại phân bón hữu ích cho cây trồng, phát triển thêm các nguồn điện năng, nhiệt năng (từ quá trình thu hồi khí trong quá trình lên men các chất thải của VSV).

Hiện nay, phương hướng sử dụng các loại VSV trong công tác bảo vệ thực vật đang được quan tâm nghiên cứu và cho ra kết quả bước đầu khá lạc quan, như tìm ra loại vi khuẩn chế thuốc trừ sâu Bt, hay siêu vi khuẩn NPV, v.v...Nói chung, thế giới VSV còn rất nhiều điều bí ẩn và rất nhiều ứng dụng tiềm năng trong lĩnh vực Nông nghiệp mà chúng ta cần phải tiếp tục tìm hiểu.

(TG Fashion - tgfashion.vn Hân hạnh tài trợ!)

9.2 - Tài nguyên Khí hậu Việt Nam


Lãnh thổ Việt Nam dài và hẹp, thấp dần từ Tây sang Đông, bờ biển trải dài từ Bắc tới Nam, đồi núi chiếm 3/4 diện tích lãnh thổ, bao gồm các hệ thống núi chạy theo bốn hướng chính là Cánh cung Đông Bắc; Tây Bắc - Đông Nam; Đông - Tây; Bắc - Nam - Khiến cho địa hình tuy bị phân cắt phức tạp nhưng nhìn chung vẫn có tính đồng nhất theo các hướng nhất định. 

Toàn bộ lãnh thổ nằm trọn trong vùng nội chí tuyến Bắc bán cầu - Thuộc khu vực nhận nhiều năng lượng bức xạ mặt trời nhất trên Trái đất, nhưng khí hậu nước ta lại không hề khô nóng gay gắt do có bờ biển chạy dọc suốt bờ phía Đông - Như một "máy điều hòa" nhiệt ẩm, cung cấp mưa và độ ẩm không khí dồi dào cho toàn bộ lãnh thổ. Tuy nhiên, do địa hình chia cắt phức tạp nên các phân vùng khí hậu đều có những nét khác biệt nhau rõ rệt. 
Sự di chuyển của các khối không khí từ các vùng khí áp cao sang lãnh thổ nước ta đã tạo ra các đặc trưng hoàn lưu khí quyển diễn biến có quy luật theo mùa, theo năm - Biểu hiện qua các loại gió như gió Tín Phong bắc bán cầu (hướng Đông bắc), các loại gió lạnh khô thổi đến từ trung tâm áp cao ở Nga (Qua lục địa Trung Quốc - hướng Bắc, qua biển nam Trung hoa - hướng Đông bắc), gió từ vịnh Bengan (Ấn độ) thổi về bị chặn hết hơi ẩm lại bởi dãy Trường Sơn nên trở thành gió fohn khô nóng - loại gió rất khó chịu cho cả đời sống và sản xuất ở nước ta. Cuối cùng là gió Tín Phong nam bán cầu, xuất hiện ở miền Bắc vào khoảng tháng 5, ở miền Nam khoảng tháng 6, tháng 7 - với đặc trưng là nhiệt và ẩm cao.


Sự nhiễu động của các khối khí cũng như sự chuyển dịch của chúng gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan phần lớn có tác động tiêu cực lên hoạt động sản xuất Nông nghiệp như: Front cực đới (gây mưa); các đường đứt gây mưa, giảm nhiệt độ ở Bắc và Trung bộ; các cơn bão, áp thấp nhiệt đới, dải hội tụ chí tuyến (mưa nhiều, dai dẳng) và các rãnh nhiệt đới trên cao. Dự báo trước sự xuất hiện và mức độ tác động của các hiện tượng thời tiết sẽ hỗ trợ tích cực cho việc xây dựng các giải pháp phòng chống thiên tai - bảo vệ sản xuất có hiệu quả. 


Toàn bộ lãnh thổ nước ta được chia thành bảy phân vùng khí hậu khác nhau là 1.Tây Bắc (bắc Tây Bắc - nam Tây Bắc); 2. Đông Bắc (Tiểu vùng ven biển Quảng Ninh, Tiểu vùng Cao - Lạng, Tiểu vùng Việt Bắc); 3. Đồng bằng và Trung du Bắc Bộ; 4. Bắc Trung Bộ (Từ Thanh Hóa - đèo Hải Vân); 5. nam Trung Bộ (từ Đà Nẵng - Bình Thuận); 6. Tây Nguyên (phía Bắc: Kon Tum, Playku, Daklak; phía Nam: Cao nguyên Lang Biang, Gi Linh, Mơ Nông); 7. Nam Bộ (Tiểu vùng: nam Bình Thuận; Đông Nam Bộ, Trung Nam Bộ, Tây Nam Bộ). 

Căn cứ vào vị trí địa lý, đặc điểm địa hình - dòng chảy - cao độ của mỗi địa phương để lựa chọn địa điểm bố trí canh tác Nông nghiệp có kiểu khí hậu phù hợp cho đối tượng cây trồng của mình. Hoặc lựa chọn loại cây trồng cho phù hợp với đặc điểm khí hậu của địa phương mình.



Hiện nay, với sự ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng từ các hoạt động sản xuất công nghiệp và thói quen tiêu dùng bừa bãi của người dân, bầu khí quyển đang ngày càng tích trữ nhiều tác nhân gây hiệu ứng nhà kính (giữ nhiệt làm trái đất nóng lên) như CO, CO2, N2O, CFC, CH4, khói quang hóa, không những làm tan băng trên các vùng núi cao, làm dâng mực nước biển - mực nước sông gây ngập chìm nhiều vùng đất ven biển, ven sông hồ, mà còn làm suy giảm tầng ozon - gây nguy cơ bị ung thư da rất cao cho con người.

Khí hậu là một dạng tài nguyên quan trọng và quý giá với sản xuất và đời sống. Tuy nhiên, bên cạnh mặt lợi là mặt hại. Mà mặt lợi thì cũng không phải là mãi mãi - chúng vẫn luôn bị biến đổi theo chiều hướng xấu đi nếu ta không có các biện pháp bảo tồn, gìn giữ và phát triển.

(TG Fashion - tgfashion.vn Hân hạnh tài trợ!)

Thursday, November 29, 2018

9.1 - Khí tượng đại cương


Cũng như các thiên thể có khối lượng đủ lớn khác trong vũ trụ, Trái đất có trọng lực để duy trì một lớp không khí bao bọc xung quanh (Khí quyển) - Làm trung gian giữa Trái Đất và quả cầu lửa "Mặt trời" để điều hòa các yếu tố nhiệt - ẩm, giúp cho môi trường khí hậu của Trái đất không quá khắc nghiệt cũng như không bị biến đổi một cách quá đột ngột, gây bất lợi cho sự sống.

Do vai trò to lớn của khí hậu đối với không chỉ hoạt động sản xuất Nông nghiệp mà còn là toàn bộ sự sống trên Trái đất nên Khí hậu cũng được xem là một dạng tài nguyên quan trọng đối với con người.


Khí tượng là khoa học nghiên cứu về lớp khí quyển trên bề mặt Trái đất - chuyên ghi nhận, giải thích và dự đoán các hiện tượng thời tiết, khí hậu thông qua các tham số như áp suất, nhiệt độ, độ ẩm,...Các yếu tố khí hậu - thời tiết này quyết định tới sự phân bố sinh vật trên Trái đất, các loại cây trồng, đất trồng, mùa vụ, năng suất, chất lượng nông sản.

Bộ môn khí tượng đại cương không đi chi tiết vào từng vấn đề cụ thể của ngành khí tượng nhưng khái quát tổng thể về phạm vi nghiên cứu và các khái niệm quan trọng trong lĩnh vực khí tượng. 


Trong lõi mặt trời không ngừng diễn ra các phản ứng nhiệt hạch có công suất bức xạ rất lớn, làm lan tỏa các bức xạ sóng và các dòng hạt (electron, pozitron) mang năng lượng cao ra môi trường xung quanh - Gọi là Bức xạ Mặt trời. Dòng năng lượng bức xạ này được lọc và làm suy yếu bớt khi đi xuyên qua lớp khí quyển Trái đất, hình thành hai loại bức xạ Trực tiếp và Khuyếch tán. Đây là dòng năng lượng mang ánh sáng , nhiệt độ - sưởi ấm và nuôi sống toàn bộ sinh vật trên Trái đất. 

Sự khác nhau giữa chế độ nhiệt, quang chu kỳ (Độ dài ngày) góp phần tạo nên các loại cây ưa bóng hoặc ưa sáng; ngắn ngày, dài ngày hay trung tính. 

Ranh giới giữa các tầng khí quyển khác nhau không hoàn toàn rõ ràng. Trong đó, tầng đối lưu là tầng ở gần sát với mặt đất - Là nơi diễn ra các hiện tượng thời tiết thông qua sự biến thiên áp suất, nhiệt độ, độ ẩm của các khối không khí - Chiếm 80% trọng lượng và 90% lượng hơi nước của toàn bộ lớp khí quyển. 

Thành phần không khí trong khí quyển bao gồm Nito, oxi, ozon, cacbonic, hơi nước, bụi (bụi bay, bụi lắng),... Thành phần không khí trong đất thì chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau như áp suất khí quyển, bức xạ mặt trời, thành phần cơ giới - cấu trúc đất, gió, nước mưa, nước tưới. Trong quần thể thực vật thì luôn cần phải duy trì sự cân bằng giữa oxi, cacbonic và hơi nước thông qua các biện pháp tỉa cành, tạo tán, che bóng để tối ưu hóa quá trình quang hợp, điều tiết độ ẩm, hạn chế - kìm hãm sự phát triển của các loại nấm bệnh và vi sinh vật có hại. 

Khác với các loài động vật trên cạn, thực vật cùng một lúc sống trong cả môi trường đất và môi trường không khí. Vì vậy, chế độ nhiệt cả trong đất và không khí đều có ảnh hưởng lớn tới sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng.

Gốc rễ là yếu tố quyết định trước tiên tới sự sống và sự phát triển của cây trồng - Một hạt giống nảy mầm bao giờ cũng hình thành rễ trước khi hình thành lá. Nếu nhiệt độ trong đất quá cao hoặc quá thấp thì các tế bào lông hút yếu ớt sẽ bị tổn thương và hư hại. Do đó, ta cần hiểu biết về chế độ hoạt động của nhiệt trong đất để có các biện pháp kỹ thuật nhằm duy trì nhiệt độ đất thường xuyên ở mức thích hợp như cải tạo thành phần cơ giới đất, kết cấu đất; che phủ đất, tưới nước, hay bố trí hướng trồng, mật độ trồng,...

Nhiệt độ trong đất không cố định mà biến thiên luân phiên qua các điểm cực đại, cực tiểu, điểm cân bằng và khoảng biên độ nhiệt đặc trưng cho từng vùng theo từng ngày, từng tháng, từng mùa và từng năm. Mỗi loại đất có khả năng tích trữ nhiệt lượng (Nhiệt dung đất), khả năng dẫn truyền nhiệt (tính theo hệ số) và lưu lượng nhiệt (Tổng lượng nhiệt truyền xuống các lớp đất phía dưới trong một khoảng thời gian không đổi) khác nhau. Từ đó dẫn tới khả năng nhận nhiệt và mất nhiệt cũng khác nhau.

Tùy thuộc vào lượng nhiệt nhận được từ bức xạ mặt trời mà các vùng trên trái đất được phân ra thành ba đới rõ rệt với ba chế độ nhiệt hoàn toàn khác nhau là: Nhiệt đới, Ôn đới và Hàn đới (Nơi nhận được lượng nhiệt ít nhất). Theo phương thẳng đứng thì cứ lên cao 100m, nhiệt độ sẽ giảm đi trung bình 0,64 độ C. Theo phương ngang từ xích đạo ra hai cực, cứ xa 10 vĩ độ (1100m) thì sẽ giảm 10 độ C.

Nhiệt độ không khí được theo dõi hằng giờ, hằng ngày để góp phần đưa ra các dự báo thời tiết thông qua các chỉ số: Nhiệt độ trung bình, tối cao, tối thấp, và trong nông nghiệp thì còn phải quan tâm tới tổng tích ôn, nhiệt độ hoạt động, nhiệt độ hữu hiệu để có phương án thích hợp điều chỉnh tốc độ phát dục của cây trồng, xây dựng thời vụ canh tác và tổ hợp các giải pháp kỹ thuật tối ưu cho sự phát triển và hình thành năng suất.

Vòng tuần hoàn của nước là sự chuyển hóa liên tục của nước tuần tự qua ba trạng thái Rắn - Lỏng - Khí.

Nước tồn tại ở dạng rắn - trong các các khối băng tuyết trên đỉnh núi cao, tan chảy vào mùa nóng tạo thành các dòng chảy lớn (Nước ở dạng lỏng) đổ xuống sông hồ, đại dương và chảy tràn trên mặt đất, qua các thảm thực vật. Rồi từ bề mặt nước, mặt đất, các khí khổng trên tàng lá của các loài thực vật, nước ở dạng lỏng lại hóa hơi thành nước ở dạng khí để phát tán vào môi trường xung quanh, tạo ra độ ẩm không khí. Đó là lý do tại sao khi trời nắng nóng, đi dưới những hàng cây lớn, nằm trên bãi cỏ hoặc ở gần các vùng mặt nước rộng lớn (sông, biển, hồ,...) ta vẫn cảm thấy mát mẻ, dễ chịu.

Bốc thoát hơi nước là động lực chính cho quá trình vận chuyển ở thực vật, duy trì độ bão hòa nước cho các tổ chức mô cây, giảm nhiệt độ thân lá và tiếp nhận khí CO2 cho quá trình quang hợp.

Từ dạng hơi - Dưới áp suất hơi nước và các hạt nhân ngưng kết (hạt đất, tinh thể muối/vi khuẩn/phấn hoa/tro bụi/...) hơi nước ngưng kết thành các dạng Sương/Sương muối/Sương mù; Mây, để rồi tới khi đủ lượng sẽ rơi xuống bề mặt đất trở thành dạng lỏng (mưa).

Các loại mưa phùn, mưa dầm, mưa rào với diện (vài nơi, rải rác, nhiều nơi) và lượng (không đáng kể, nhỏ, vừa, to, rất to) khác nhau có ảnh hưởng nhiều, ít khác nhau tới mỗi loại cây trồng và mỗi giai đoạn phát triển khác nhau trong vòng đời của chúng.

Các phương án điều tiết và sử dụng nguồn nước mưa phổ biến trong canh tác nông nghiệp là:
- Làm thủy lợi, xây dựng bể chứa nước
- Cố định bờ vùng, bờ thửa
- Xây dựng cơ cấu mùa vụ và hình thức canh tác phù hợp.
- Tăng cường độ che phủ mặt đất.

Lớp không khí dày hàng ngàn kilomet bao bọc xung quanh trái đất (Khí quyển) chịu tác động của lực hút trái đất đã gây ra một áp lực lên mọi nơi trên bề mặt trái đất - gọi là Khí áp. Các khối khí khác nhau về thành phần và khối lượng sinh ra các lực khí áp cao, thấp khác nhau - Sự chuyển động của các khối không khí từ nơi khí áp cao sang nơi khí áp thấp, dưới tác động của lực ma sát, ly tâm, criolit (từ chuyển động quay của Trái đất) sẽ tạo ra các loại gió, những cơn gió có vận tốc và phương hướng khác nhau.

Sự phân bố khí áp hình thành nên hoàn lưu khí quyển và tạo nên các loại gió đặc trưng cho từng khu vực địa lý và/hoặc từng mùa, từng khoảng thời gian. Gió nhẹ có tác động tích cực tới quá trình quang hợp, thụ phấn của cây trồng. Nhưng gió mạnh, thậm chí tố lốc thì ảnh hưởng rất xấu, hoặc gây trốc gốc, thiệt hại hoàn toàn cho cây trồng nên bắt buộc phải có biện pháp trồng cây chắn gió nghiêm ngặt.

Nội dung của các bản tin dự báo thời tiết nông nghiệp bao gồm các thông tin về: Thời kỳ trọng yếu của cây trồng (Gieo hạt, ra hoa, thu hoạch); dự báo năng suất - xác định các yếu tố ảnh hưởng và xây dựng giải pháp ứng phó; dự báo các điều kiện thời tiết bất lợi như sương muối, bão, gió mạnh, sâu bệnh hại,...và các thông tin tổng hợp về thời vụ, cơ cấu giống, các biện pháp kỹ thuật cần trú trọng trong mỗi giai đoạn cụ thể.

(TG Fashion - tgfashion.vn Hân hạnh tài trợ!)






Sunday, November 25, 2018

8. Độ phì Phân bón


Phân bón là sản phẩm của con người. Từ khởi nguyên ban đầu, hệ sinh thái vận động tự nhiên hoàn hảo, cân bằng không cần con người và không cần cả phân bón. 

Tuy nhiên, khi dân số ngày càng tăng, con người có nhu cầu sử dụng lương thực, thực phẩm và các nguyên nhiên vật liệu trực tiếp hoặc gián tiếp từ một số loài thực vật cụ thể (cây trồng) ngày càng lớn thì hệ sinh thái tự nhiên dường như bị "kiệt sức" - Cây trồng buộc phải sản xuất quá nhiều nên lấy đi từ đất cũng rất nhiều chất dinh dưỡng trong một khoảng thời gian ngày càng bị rút ngắn, không đủ để hệ sinh thái tự nhiên tái tạo lại nguồn chất dinh dưỡng bổ sung thay thế. 

Do đó, con người đã phát triển rất nhiều loại phân bón khác nhau cả về nguồn gốc, chức năng và chất lượng để "trợ sức" cho môi trường đất của hệ sinh thái tự nhiên trong việc thỏa mãn các nhu cầu không giới hạn của thế giới công nghiệp.

Các khái niệm cơ bản trên được xây dựng từ các kiến thức liên quan của hóa học, vật lý, sinh học, sinh hóa, sinh lý và khoa học đất. Từ các khái niệm này, ta sẽ hiểu và phân tích được một cách bản chất và toàn diện về tất cả các loại phân bón hiện đang lưu thông trong nền nông nghiệp. Đó là:

1.      Phân đơn (Đạm, lân, Kali)
2.      Phân bón trung lượng, vi lượng, trung lực bổ sung vi lượng.
3.      Phân phức hợp (DAP, APP, MAP, MKP)
4.      Phân hỗn hợp (NPK, NP, NK, PK)
5.      Phân khoáng hữu cơ (Đạm/Lân/Kali hữu cơ, phức hợp hữu cơ, hỗn hợp hữu cơ)
6.      Phân khoáng sinh học (Đạm/Lân/Kali sinh học, phức hợp sinh học, hỗn hợp sinh học
(*Yếu tố sinh học: acid Humix, acid Fulvic, adid amin, vitamin,…)
7. Phân hữu cơ (Truyền thống, vi sinh, sinh học, khoáng)
8. Phân vi sinh (*Yếu tố vi sinh: vi sinh vật có ích hoặc mật độ nấm rễ cộng sinh)
9. Phân bón lá
10. Các chất cải tạo đất (Cải tạo tính chất Vật lý, Hóa học, Sinh học của đất)


Trong quá trình sản xuất và lưu thông tiêu thụ, các loại phân bón có thể chứa nhiều yếu tố gây hại cho cây trồng, môi trường và con người như Arsen (As), Cadimi (Cd), Chì (Pb), Thủy ngân (Hg), Vi khuẩn Samonela, Vi khuẩn E.coli. (Các yếu tố gây hại có giới hạn tồn tại tối đa được Pháp luật quy định cụ thể và bắt buộc các nhà sản xuất phải tuân theo.)


Như ta đã biết, đất trồng là một thực thể sống - một chỉnh thể của nhiều yếu tố như chất khoáng, không khí, các dạng nước, các chất hữu cơ, các loài vi sinh vật,....Và cây trồng cũng như con người, cần nước, cần không khí, cần một môi trường sống cân bằng về pH, nhiệt độ, độ ẩm, và đa dạng các chất dinh dưỡng chứ không riêng một nhóm nguyên  tố dinh dưỡng nào. 

Trong khi đó, mỗi loại phân bón chỉ chuyên biệt về một hoặc một vài chất dinh dưỡng hoặc tính chất sinh, hóa, lý nào đó. Mà muốn cây trồng có thể phát triển tốt, ít bệnh tật, cho năng suất cao thì ta cần duy trì một mối quan hệ hài hòa cân đối giữa nhu cầu của cây trồng, đặc điểm - tính chất của từng loại đất để đưa ra phương án lựa chọn một loại phân phù hợp. 

Đất chua thì hạn chế các loại phân khoáng có chứa gốc acid mạnh đồng thời bón vôi để giảm bớt nồng độ ion H+, nâng cao độ pH. Đất chai cứng, nghèo dinh dưỡng thì phải bổ sung nhiều vật liệu hữu cơ, các loại phân hữu cơ chứa nhiều mùn (nhất là acid Humix), kết hợp thêm các loại phân khoáng có nguồn gốc hóa học, hấp thụ nhanh nếu đang phải canh tác đảm bảo nhu cầu kinh tế, v.v...

Việc tính toán và xây dựng một công thức phân bón và một quy trình bón phân hợp lý, hiệu quả cũng giống như việc giải một bài toán khó khăn với nhiều yếu tố ràng buộc là: Đặc điểm cây trồng, tính chất đất đai, mùa vụ - khí hậu phương thức canh tác. Giữa Cây và đất phải cân nhắc các yếu tố dinh dưỡng, tính đệm, độ pH. Giữa đất và phân bón phải làm sao cho bổ sung, hỗ trợ nhau đạt đến sự tối ưu về các tính chất Vật lý (Thành phần cơ giới, kết cấu đất, chế độ nước, không khí); Hóa học (pH, mùn,  CEC, dinh dưỡng tổng số/dễ tiêu); Sinh học (về thành phần và số lượng các loại sinh vật phân giải, tổng hợp)
Căn cứ theo các dấu hiệu biểu hiện trên thân, lá, rễ và đặc biệt là trên lá, ta có thể dự đoán một cách tương đối các yếu tố dinh dưỡng mà cây trồng đang thiếu để bổ sung. Việc nắm bắt được các quá trình chuyển hóa đạm, lân, kali, các loại dinh dưỡng trung vi lượng giữa đất, cây trồng và môi trường không khí sẽ giúp cho chúng ta lựa chọn các loại phân bón thích hợp với cây trồng và ruộng vườn của mình. 

(TG Fashion - tgfashion.vn Hân hạnh tài trợ!)

Monday, November 19, 2018

7. Khoa học đất cơ bản

Đất là một trong ba yếu tố môi trường tác động trực tiếp đến đời sống của cây trồng. Đất là lớp phủ cực kỳ mỏng trên vỏ bề mặt của trái đất - Được hình thành lâu dài và "gian khổ" nhưng lại rất dễ bị phá hủy, rửa trôi, mất mát. 

Khoa học đất cơ bản nghiên cứu hai bộ phận kiến thức. Một là các yếu tố hình thành nên đất (Hình thành mẫu chất từ đá, khoáng vật qua quá trình phong và sự bổ sung các chất hữu cơ). Hai là các vấn đề liên quan tới Đất: Phân tách theo kích thước từ nhỏ tới lớn các thành phần cấu tạo nên đất (Từ keo đất cho tới các kết cấu đất lớn nhỏ), nước và dung dịch đất, tính chất vật lý và đặc tính "phì nhiêu" của đất (Sức sản xuất của đất).

Có ba loại đá mà Macma (Đá núi lửa), Đá trầm tích và Đá biến chất. Trong mỗi loại lớn (Nhóm) lại phân ra thành nhiều loại nhỏ. Khoáng vật thì bao gồm khoáng nguyên sinh và khoáng thứ sinh. Các loại khoáng vật có thể nằm độc lập hoặc nằm lẫn bên trong các khối đá. 
Các loại đá, khoáng vật phân loại thành rất nhiều nhóm nhỏ, việc ghi nhớ đầy đủ hết tên và đặc điểm của tất cả các thông tin này đối với công việc ngoài thực tế là không cần thiết. Ở đây ta liệt kê đầy đủ tên các các loại đá, khoáng để khi cần có thể tiện tra cứu và tìm hiểu thêm. 

Các quá trình hình thành đất bao gồm quá trình Hóa sét (Các khoáng vật nguyên sinh kết hợp với nước và khí cacbonic - khiến cho các chất kiềm bị rửa trôi dưới dạng cacbonat); Quá trình Glay, Hình thành đá ong - kết von hay Feralit hóa (Tích lũy ion sắt, nhôm tuyệt đối và tương đối - Biểu hiện quả quá trình thoái hóa đất).  Quá trình Phong hóa các vật liệu đá, khoáng vật là cơ sở của quá trình hình thành đất. Còn sự tuần hoàn theo dạng xoáy chôn ốc của các loài sinh vật (Sau khi chết thì hoàn trả lại cho đất các vật chất nhiều hơn rất nhiều lần mức đã lấy từ đất trong suốt quá trình sống của mình) là bản chất của quá trình hình thành đất. Sau khi sự sống xuất hiện trên trái đất, thông qua hai quá trình Khoáng hóa (Quần thể vi sinh vật phân giải các chất hữu cơ trong đất thành các loại muối khoáng, cấc chất khí) và Mùn hóa (Vi sinh vật biến đổi các chất hữu cơ qua quá trình phân giải - tổng hợp - trùng hợp liên tiếp tạo thành các loại mùn), các chất hữu cơ (Xác bã thực vật, động vật, các loại vi sinh vật; các sản phẩm phân giải và tổng hợp của vi sinh vật; các loại phân hữu cơ do con người bổ sung) đã tham gia tích cực vào quá trình hình thành đất và được phân ra thành hai loại chưa bị phân giải và đã bị phân giải (Các chất ngoài mùn và Mùn) 

Mùn là các Hợp chất hữu cơ phức tạp, cao phân tử, chứa nhiều hợp chất hữu cơ dạng vòng, bao gồm ba tổ hợp: Acid Humix, acid Fulvic, và acid Humin (Mùn trơ: không có giá trị trong việc cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng). So với Fulvic, acid Humix có hàm lượng đạm cao hơn, tính chua ít hơn, khả năng cố định và ngưng tụ keo cao hơn, hay nói cách khác là tính hấp phụ và ổn định cao hơn, có lợi ích hơn cho cây trồng.

Các acid mùn liên kết với các cation kim loại (nhóm IA, IIA, Fe - Al) để giữ lại các chất dinh dưỡng này ở trong đất lâu dài hơn cho cây trồng hấp thụ từng phần. Việc đánh giá hiện trạng mùn trong đất được thông qua bốn chỉ số: Mùn tổng số (%); Mùn thô (C/N > 15); Mùn nhuyễn (C/N < 15) và tỷ lệ H/F lớn hơn hoặc bằng một (Humix/Fulvic - Càng cao càng tốt).



Cấp hạt bị phong hóa - phân hủy ở mức nhỏ nhất và mang điện của các loại đá, khoáng được gọi là Keo đất (Phải dùng kính hiển vi mới thấy rõ được cấu trúc. Chủ yếu các keo đất mang điện âm, chỉ một số ít mang điện dương hoặc lưỡng tính. Các keo đất hấp phụ các ion trái chiều (Các chất dinh dưỡng nuôi cây) "để dành" lại trong đất cho cây trồng sử dụng dần.
Keo tán thì thành dạng Sol, keo tụ thì thành dạng Gel. Đặc tính của keo đất góp phần tạo nên tính hấp phụ của đất (Thu giữ, biến đổi về nồng độ, số lượng các vật chất trên bề mặt đất) - Góp phần hình thành nên độ phì nhiêu cho đất. Khả năng lưu trữ nước và các chất dinh dưỡng cho cây của đất được đặc trưng bởi CEC (Dung tích hấp phụ của đất).

Lớn hơn keo đất là các cấp hạt đất (Cát, thịt, sét)  - các cấp hạt lại kết hợp tạo thành các hạt kết đất với kích thước và khối lượng lớn hơn. Từ đây hình thành nên các loại đất có tính chất vật lý khác nhau, có cấu trúc khác nhau (Lá dẹp, khối, cục,..),  Liên quan tới tính chất vật lý của đất, ta cần nắm vững các khái niệm về: Tỷ trọng, Dung trọng, Độ xốp, Tính liên kết, Tính dính, Tính dẻo, Tính trương co và sức cản của đất.
Trong các loại hạt kết đất thì dạng viên là dạng phù hợp nhất với sự phát triển của bộ rễ cây trồng. Và giun đất là một trong những người hùng của lòng đất đã ngày đêm cần mẫn cống hiến cho sự tăng trưởng của các hạt kết viên này.
Hình thái của đất được thể hiện thông qua các phẫu diện đất. Trên đó thể hiện các tầng phát sinh đất, thành phần cơ giới, kết cấu, độ chặt và nhất là màu sắc của các lớp vật chất xếp chồng lên nhau, đặc trưng cho từng loại đất. Ví dụ như Đất rừng tự nhiên - do thường xuyên có lớp phủ thực vật che phủ nên có đầy đủ các tầng O (Hữu cơ), A (rửa trôi), B (Tích tụ), C (Mẫu chất), Đá mẹ. Còn đất ruộng lúa nước thì lại đặc trưng bởi các tầng: Canh tác, Đế cày, Tích tụ (Loang lổ đỏ vàng), Glay. 

Nước có rất nhiều vai trò đối với thế giới sinh vật nói chung và thế giới sinh vật trong đất nói riêng. Ở trong đất, nước tồn tại dưới nhiều dạng khác nhau: Nước liên kết hóa học (Cấu tạo, kết tinh); Nước hấp thụ (Chặt hay hờ); Nước mao quản, Nước trọng lực, Nước ngầm (Tạm thời, vĩnh cửu), nước dạng hơi/dạng rắn. 
Trong quá trình canh tác, để quản lý nước hiệu quả trong suốt quá trình sinh trưởng và phát triển của cây trồng, ta cần chú ý các hệ số của nước trong đất sau đây: Độ ẩm héo cây, Độ hút ẩm tối đa, Độ ẩm hấp phụ tối đa, Độ ẩm mao quản, Độ chứa ẩm đồng ruộng, Độ ẩm bão hòa.
Nước vô cùng quan trọng với cây trồng, còn cây trồng thì vô cùng quan trọng với sự sống trên Trái đất. Nếu các chất hữu cơ - các chất mùn là kho chứa nước và dinh dưỡng cho giới thực vật, thì giới thực vật chính là con đường lưu trữ nước và năng lượng cho toàn bộ sự sống trên Trái đất trong đó bao gồm cả con người. 

Trong vòng tuần hoàn liên tục của nước, cây trồng dẫn nước từ những cơn mưa xuống sâu trong lòng đất (Nước ngầm) rồi khi khô hạn thì dẫn nước ngầm lên để sử dụng. Trong suốt chu kỳ sống của mình, cây trồng lại điều hòa khí hậu và không ngừng tích trữ các nguồn năng lượng từ vũ trụ (Mặt trời, không khí, mây mưa, khoáng vật,...) trong những sản phẩm rễ, thân, hoa, lá của mình cho con người và các loài động vật sử dụng - Sáng tạo và cân bằng cho sự sống trên Trái đất. Vì vậy, cây trồng thiệt hại tới đâu thì nước và sự sống của con người cũng như toàn bộ sự sống trên trái đất sẽ suy kiệt theo tới đó. Do đó, việc bảo vệ nước, bảo vệ độ phì nhiêu của đất (Sức sản xuất của đất) thông qua con đường hồi phục lại một lớp phủ thực vật đa dạng, giàu có như trước là yêu cầu khẩn cấp trong bối cảnh thoái hóa môi trường nghiêm trọng hiện nay.

(TG Fashion - tgfashion.vn Hân hạnh tài trợ!)

Sunday, November 18, 2018

6. Nông học Đại cương

Từ các loài thực vật hoang dại trong thiên nhiên, con người tuyển chọn ra một số loại cây có các sản phẩm phù hợp với nhu cầu sử dụng của mình (ngũ cốc, trái cây, rau, xơ sợi,...) rồi "huấn luyện" các loại cây này theo hướng ngày càng phát triển về các bộ phận mà con người có nhu cầu sử dụng (dùng trái thì trái lớn hơn, ngọt hơn; dùng lá thì lá nhiều hơn, diện tích lớn hơn; dùng xơ sợi thì thân cây cao hơn, thẳng hơn, v.v....) và gọi chúng là các loại Cây trồng

Cũng như các loài thực vật hoang dã trong tự nhiên, Cây trồng cũng phải sống trong môi trường gồm Khí hậu, Thủy văn, Đất đai bao quanh. Ngành học nghiên cứu về mối quan hệ giữa các loại Cây trồng và môi trường sống của chúng rồi đưa ra các biện pháp có cơ sở Khoa học rõ ràng để làm gia tăng năng suất cây trồng gọi là ngành Nông học - và Nông học Đại cương là môn học khái quát một cách sơ lược  nhưng tổng quát về toàn bộ ngành Nông Học. Cung cấp cho chúng ta một Tấm bản đồ - Một cái nhìn khái quát ngay từ buổi ban đầu về những gì sẽ được học trong toàn bộ chương trình đào tạo. 

Dựa trên các đặc điểm về sinh lý của mỗi loại cây trồng (Sinh lý thực vật) - Tương quan với các nhu cầu sinh thái của chúng, cũng như nhu cầu sử dụng các sản phẩm từ cây trồng của con người, đặc điểm canh tác đối với mỗi loại cây trồng mà ngành Nông học đưa ra nhiều cách phân loại Cây trồng khác nhau.

Có thể phân loại theo công dụng của từng loại cây trồng (Làm lương thực, Dược liệu, nguyên liệu cho các ngành Công nghiệp); Phân loại theo nhu cầu về Khí hậu của Cây trồng (Ôn đới, Nhiệt đới, Á Nhiệt đới), Chu kỳ sinh trưởng (Hằng niên, lưỡng niên, đa niên); Còn nếu phân loại theo Phương pháp Canh tác thì gồm có hai loại dưới đây
Các loại cây trồng đồng ruộng có yêu cầu về mức độ thâm canh (Đầu tư vật liệu và công chăm sóc) ít hơn rất nhiều so với các loại cây trồng nghề vườn - Nhưng yêu cầu về diện tích đất canh tác lại lớn hơn rất nhiều. Vậy cách phân loại này có rất nhiều đóng góp trong việc phân tích Kinh tế trong các Kế hoạch sản xuất Nông nghiệp.

Có rất nhiều các yếu tố tác động đến cây trồng trong suốt quá trình canh tác. Chúng ta phân loại các yếu tối môi trường tác động này thành ba nhóm lớn: Khí hậu, Thủy văn và Đất đai.

Ánh sáng (Bức xạ mặt trời) là nguồn năng lượng tạo ra mọi sự sống trên Trái đất. Tùy thuộc và khả năng thích ứng với Cường độ bức xạ mặt trời mà phân ra làm ba nhóm cây trồng Ưa bóng, Ưa sáng, Ưa sáng trung bình. Hay với độ dài ngày thì có các loại cây Dài ngày (Dâu tây, hoa cúc, xà lách), ngắn ngày (Cà tím, đu đủ) hay Trung gian (Cà chua, ớt);...
Giáng thủy là sự chuyển thể của nước (Hơi nước, mưa, sương, đá, tuyết). Ứng dụng to lớn nhất của Giáng thủy là Mưa - Biểu hiện qua Lượng mưa nhiều hay ít, đều đặn hay bất thường (Vũ lượng). Các yếu tố địa hình ảnh hưởng đến sự di chuyển của các khối không khí nên cũng qua đó cũng ảnh hưởng tới Lượng mưa ở từng vùng, từng thời điểm. 
Gió không những ảnh hưởng tới quá trình thụ phấn của cây trồng - Sự phát tán các yếu tố gây hại (hạt cỏ dại, bào tử nấm, côn trùng,...) mà còn ảnh hưởng tới quá trình bốc thoát hơi nước từ bề mặt lá (ảnh hưởng tới lượng hơi nước trong không khí => Ảnh hưởng tới lượng mưa) hay nếu gió quá mạnh thì có thể gây đổ gãy, hủy hoại hoặc làm giảm tuổi thọ của cây trồng.

Các yếu tố nhiệt độ và ẩm độ -  Sự bốc thoát hơi từ mặt đất cũng có liên hệ mật thiết với hai yếu tố trên. Tùy từng loại cây trồng mà các dải Nhiệt độ - Ẩm độ:  Tối thấp - Tối ưu - Tối cao cũng khác nhau. Đặc điểm bề mặt từng loại đất và mật độ, tính chất của lớp che phủ thực vật trên mặt đất dẫn tới sự bốc thoát hơi nước cũng nhanh chậm khác nhau. Các yếu tố khí hậu chi phối chu kỳ chuyển hóa của nước nên hệ quả là tạo ra các yếu tố thủy văn khác nhau như các dòng chảy sông ngòi lớn nhỏ, hiện tượng lũ lụt và các mức lên xuống của thủy triều. Phẫu diện đất là bức tranh tổng thể về tính chất của một loại đất, khả năng cung cấp dinh dưỡng và môi trường sống phù hợp cho các loại cây trồng về mặt vật lý, hóa học, và sinh học (Vi sinh vật đất thực hiện các quá trình Khoáng hóa, Mùn hóa).
Sự hiểu biết về đặc điểm Sinh lý và nhu cầu Sinh thái (Môi trường ngoại cảnh) của mỗi loại cây trồng, tùy thuộc vào mục đích và nguồn lực của người thực hành sản xuất Nông nghiệp mà có nhiều Hệ thống canh tác khác nhau để lựa chọn trong thực tế. 

Độc canh là chuyên môn hóa trong việc khai thác giá trị kinh tế của duy nhất một loại cây trồng trên một đơn vị diện tích - Mô hình này trái với sự vận hành tự nhiên, phát sinh nhiều vấn đề về cả môi trường và năng suất kinh tế lâu dài của cây trồng.

Đa canh được xem là giải pháp thân thiện với môi trường và có hiệu quả kinh tế về lâu dài bền vững hơn. Có nhiều phương pháp đa canh khác nhau như đa canh liên tục - Trồng liên tiếp các loại cây trồng khác nhau; Tận dụng độ ẩm và sự che phủ (khống chế cỏ dại) của các cây trồng cuối vụ để gieo hạt cho vụ mới (Gối vụ); Trồng xen kẽ các loại cây trồng khác nhau (Xen canh); Trồng nhiều tầng để tận dụng cả các tầng không gian theo chiều cao, gia tăng hiệu suất sử dụng diện tích đất sản xuất - Đặc biệt đạt đỉnh cao ở mô hình Đa canh Lập thể, triệt để tận dụng các tầng không gian khác nhau thông qua sự kết nối trung gian của các loại cây dây leo.

Ngoài ra còn nhiều hình thức canh tác khác là: Luân canh (Trồng xen các cây họ đậu với các cây trồng chính để cải tạo đất), Canh tác theo băng (Ở vùng núi cao) hay Canh tác Tổng hợp (kết hợp giữa Trồng trọt với một hay nhiều hình thức sản xuất khác như Chăn nuôi, Thủy Sản, Lâm nghiệp).

Ở mỗi hệ thống canh tác, việc sử dụng và phối hợp các biện pháp kỹ thuật (Làm đất, Chọn gống, Quản lý nước - độ phì - cỏ dại - dịch bệnh, Chống xói mòn - Trồng cây chắn gió, Cắt tỉa tạo tán - Xử lý ra hoa) là khác nhau. Khi xem xét, so sánh và đánh giá các hệ thống canh tác, ở góc độ kinh tế, ta cần căn cứ vào sức sản xuất bền vững lâu dài của cây trồng - Điều này lại tương quan với tính bền vững của toàn bộ hệ thống ở góc độ môi trường. Với những hiểu biết lý thuyết và quan sát thực tế, chúng ta cần liên tục suy nghĩ để cải tiến các hệ thống canh tác ngày một hoàn thiện hơn - Hiệu suất cao hơn - Thân thiện với môi trường hơn.

(TG Fashion - tgfashion.vn Hân hạnh tài trợ!)