Đất là một trong ba yếu tố môi trường tác động trực tiếp đến đời sống của cây trồng. Đất là lớp phủ cực kỳ mỏng trên vỏ bề mặt của trái đất - Được hình thành lâu dài và "gian khổ" nhưng lại rất dễ bị phá hủy, rửa trôi, mất mát.
Khoa học đất cơ bản nghiên cứu hai bộ phận kiến thức. Một là các yếu tố hình thành nên đất (Hình thành mẫu chất từ đá, khoáng vật qua quá trình phong và sự bổ sung các chất hữu cơ). Hai là các vấn đề liên quan tới Đất: Phân tách theo kích thước từ nhỏ tới lớn các thành phần cấu tạo nên đất (Từ keo đất cho tới các kết cấu đất lớn nhỏ), nước và dung dịch đất, tính chất vật lý và đặc tính "phì nhiêu" của đất (Sức sản xuất của đất).
Các loại đá, khoáng vật phân loại thành rất nhiều nhóm nhỏ, việc ghi nhớ đầy đủ hết tên và đặc điểm của tất cả các thông tin này đối với công việc ngoài thực tế là không cần thiết. Ở đây ta liệt kê đầy đủ tên các các loại đá, khoáng để khi cần có thể tiện tra cứu và tìm hiểu thêm.
Các quá trình hình thành đất bao gồm quá trình Hóa sét (Các khoáng vật nguyên sinh kết hợp với nước và khí cacbonic - khiến cho các chất kiềm bị rửa trôi dưới dạng cacbonat); Quá trình Glay, Hình thành đá ong - kết von hay Feralit hóa (Tích lũy ion sắt, nhôm tuyệt đối và tương đối - Biểu hiện quả quá trình thoái hóa đất). Quá trình Phong hóa các vật liệu đá, khoáng vật là cơ sở của quá trình hình thành đất. Còn sự tuần hoàn theo dạng xoáy chôn ốc của các loài sinh vật (Sau khi chết thì hoàn trả lại cho đất các vật chất nhiều hơn rất nhiều lần mức đã lấy từ đất trong suốt quá trình sống của mình) là bản chất của quá trình hình thành đất. Sau khi sự sống xuất hiện trên trái đất, thông qua hai quá trình Khoáng hóa (Quần thể vi sinh vật phân giải các chất hữu cơ trong đất thành các loại muối khoáng, cấc chất khí) và Mùn hóa (Vi sinh vật biến đổi các chất hữu cơ qua quá trình phân giải - tổng hợp - trùng hợp liên tiếp tạo thành các loại mùn), các chất hữu cơ (Xác bã thực vật, động vật, các loại vi sinh vật; các sản phẩm phân giải và tổng hợp của vi sinh vật; các loại phân hữu cơ do con người bổ sung) đã tham gia tích cực vào quá trình hình thành đất và được phân ra thành hai loại chưa bị phân giải và đã bị phân giải (Các chất ngoài mùn và Mùn)
Mùn là các Hợp chất hữu cơ phức tạp, cao phân tử, chứa nhiều hợp chất hữu cơ dạng vòng, bao gồm ba tổ hợp: Acid Humix, acid Fulvic, và acid Humin (Mùn trơ: không có giá trị trong việc cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng). So với Fulvic, acid Humix có hàm lượng đạm cao hơn, tính chua ít hơn, khả năng cố định và ngưng tụ keo cao hơn, hay nói cách khác là tính hấp phụ và ổn định cao hơn, có lợi ích hơn cho cây trồng.
Các acid mùn liên kết với các cation kim loại (nhóm IA, IIA, Fe - Al) để giữ lại các chất dinh dưỡng này ở trong đất lâu dài hơn cho cây trồng hấp thụ từng phần. Việc đánh giá hiện trạng mùn trong đất được thông qua bốn chỉ số: Mùn tổng số (%); Mùn thô (C/N > 15); Mùn nhuyễn (C/N < 15) và tỷ lệ H/F lớn hơn hoặc bằng một (Humix/Fulvic - Càng cao càng tốt).
Cấp hạt bị phong hóa - phân hủy ở mức nhỏ nhất và mang điện của các loại đá, khoáng được gọi là Keo đất (Phải dùng kính hiển vi mới thấy rõ được cấu trúc. Chủ yếu các keo đất mang điện âm, chỉ một số ít mang điện dương hoặc lưỡng tính. Các keo đất hấp phụ các ion trái chiều (Các chất dinh dưỡng nuôi cây) "để dành" lại trong đất cho cây trồng sử dụng dần.
Keo tán thì thành dạng Sol, keo tụ thì thành dạng Gel. Đặc tính của keo đất góp phần tạo nên tính hấp phụ của đất (Thu giữ, biến đổi về nồng độ, số lượng các vật chất trên bề mặt đất) - Góp phần hình thành nên độ phì nhiêu cho đất. Khả năng lưu trữ nước và các chất dinh dưỡng cho cây của đất được đặc trưng bởi CEC (Dung tích hấp phụ của đất).
Lớn hơn keo đất là các cấp hạt đất (Cát, thịt, sét) - các cấp hạt lại kết hợp tạo thành các hạt kết đất với kích thước và khối lượng lớn hơn. Từ đây hình thành nên các loại đất có tính chất vật lý khác nhau, có cấu trúc khác nhau (Lá dẹp, khối, cục,..), Liên quan tới tính chất vật lý của đất, ta cần nắm vững các khái niệm về: Tỷ trọng, Dung trọng, Độ xốp, Tính liên kết, Tính dính, Tính dẻo, Tính trương co và sức cản của đất.
Trong các loại hạt kết đất thì dạng viên là dạng phù hợp nhất với sự phát triển của bộ rễ cây trồng. Và giun đất là một trong những người hùng của lòng đất đã ngày đêm cần mẫn cống hiến cho sự tăng trưởng của các hạt kết viên này.
Hình thái của đất được thể hiện thông qua các phẫu diện đất. Trên đó thể hiện các tầng phát sinh đất, thành phần cơ giới, kết cấu, độ chặt và nhất là màu sắc của các lớp vật chất xếp chồng lên nhau, đặc trưng cho từng loại đất. Ví dụ như Đất rừng tự nhiên - do thường xuyên có lớp phủ thực vật che phủ nên có đầy đủ các tầng O (Hữu cơ), A (rửa trôi), B (Tích tụ), C (Mẫu chất), Đá mẹ. Còn đất ruộng lúa nước thì lại đặc trưng bởi các tầng: Canh tác, Đế cày, Tích tụ (Loang lổ đỏ vàng), Glay.
Nước có rất nhiều vai trò đối với thế giới sinh vật nói chung và thế giới sinh vật trong đất nói riêng. Ở trong đất, nước tồn tại dưới nhiều dạng khác nhau: Nước liên kết hóa học (Cấu tạo, kết tinh); Nước hấp thụ (Chặt hay hờ); Nước mao quản, Nước trọng lực, Nước ngầm (Tạm thời, vĩnh cửu), nước dạng hơi/dạng rắn.
Trong quá trình canh tác, để quản lý nước hiệu quả trong suốt quá trình sinh trưởng và phát triển của cây trồng, ta cần chú ý các hệ số của nước trong đất sau đây: Độ ẩm héo cây, Độ hút ẩm tối đa, Độ ẩm hấp phụ tối đa, Độ ẩm mao quản, Độ chứa ẩm đồng ruộng, Độ ẩm bão hòa.
Nước vô cùng quan trọng với cây trồng, còn cây trồng thì vô cùng quan trọng với sự sống trên Trái đất. Nếu các chất hữu cơ - các chất mùn là kho chứa nước và dinh dưỡng cho giới thực vật, thì giới thực vật chính là con đường lưu trữ nước và năng lượng cho toàn bộ sự sống trên Trái đất trong đó bao gồm cả con người.
Trong vòng tuần hoàn liên tục của nước, cây trồng dẫn nước từ những cơn mưa xuống sâu trong lòng đất (Nước ngầm) rồi khi khô hạn thì dẫn nước ngầm lên để sử dụng. Trong suốt chu kỳ sống của mình, cây trồng lại điều hòa khí hậu và không ngừng tích trữ các nguồn năng lượng từ vũ trụ (Mặt trời, không khí, mây mưa, khoáng vật,...) trong những sản phẩm rễ, thân, hoa, lá của mình cho con người và các loài động vật sử dụng - Sáng tạo và cân bằng cho sự sống trên Trái đất. Vì vậy, cây trồng thiệt hại tới đâu thì nước và sự sống của con người cũng như toàn bộ sự sống trên trái đất sẽ suy kiệt theo tới đó. Do đó, việc bảo vệ nước, bảo vệ độ phì nhiêu của đất (Sức sản xuất của đất) thông qua con đường hồi phục lại một lớp phủ thực vật đa dạng, giàu có như trước là yêu cầu khẩn cấp trong bối cảnh thoái hóa môi trường nghiêm trọng hiện nay.
(TG Fashion - tgfashion.vn - Hân hạnh tài trợ!)
0 comments:
Post a Comment