300x250 AD TOP

Trần Hải Anh (PD.Châu Nhật Vi)

Powered by Blogger.

About Me

My photo
Cuộc đời của Con là công trình của Ba, Mẹ.

VIỆT NAM & ĐẠO PHẬT

TẠI SAO??? - Ở VIỆT NAM,  CÁI GÌ HAY HO  CŨNG THUỘC VỀ/LIÊN QUAN TỚI ĐẠO PHẬT Đó là vì những điều lịch sử cơ bản như sau: (*) 1.      Thời...

Search This Blog

Search This Blog

Translate

Translate

Pages

Wednesday, December 26, 2018

Danh mục kiến thức mở rộng

<Trỏ chuột vào "Tên" các môn học trong danh mục bên dưới để trực tiếp đi đến nội dung chi tiết.>

I. Khối cơ bản

1, Kiến thức
- Kinh tế học
- Kinh tế vi mô
- Kinh tế vĩ mô
- Xã hội học
- Tâm lý xã hội
- Lịch sử Văn minh Thế giới
- Cơ sở văn hóa Việt Nam
- Lịch sử Việt Nam
- Kiến thức Tình yêuHôn nhân - Gia đình

2, Kỹ năng
- Kỹ năng giao tiếp
- Kỹ năng giải quyết xung đột
- Kỹ năng đàm phán
- Kỹ năng tư duy
- Kỹ năng quản trị thời gian
- Kỹ năng tự tạo động lực
- Kỹ năng lãnh đạo (Gây ảnh hưởng lên người khác)
- Kỹ năng quản trị cảm xúc
- Kỹ năng quản trị tài chính cá nhân
- Kỹ năng tối ưu hóa năng lực bản thân
- Kỹ năng thẩm định lòng tin
- Kỹ năng làm việc nhóm
- Kỹ năng ra quyết định
- Kỹ năng Marketing
- Kỹ năng bán hàng

II. Khối cơ sở
- Quản trị học
- Quản trị chiến lược
- Lãnh đạo
- Quản trị nguồn nhân lực
- Nguyên lý Kế toán
- Quản trị Tài chính
- Quản trị sản xuất/Tác nghiệp
- Quản trị Marketing
- Quản trị Bán hàng
- Quản trị hành chính văn phòng

III. Khối chuyên ngành
Thương mại
Đầu tư
Quản lý dự án
Văn hóa doanh nghiệp

(TG Fashion - tgfashion.vn : Hân hạnh tài trợ!)

Monday, December 24, 2018

21. Các mô hình canh tác nông nghiệp


Mục tiêu của mô hình canh tác nông nghiệp kiểu truyền thống là "Tự cấp - Tự túc" - Với diện tích canh tác nhỏ và thường gắn liền với khu nhà ở. Cơ cấu cây trồng đa dạng từ lương thực, rau màu, cây ăn trái, thậm chí cây dược liệu, hay tre - luồng để làm vật liệu xây dựng đơn giản v.v... Trong đó, kỹ thuật canh tác theo kinh nghiệm là chủ yếu, mức đầu tư phân bón (thường là phân chuồng, phân bắc) cũng như kỹ thuật chăm sóc không nhiều nên năng suất và chất lượng hầu như rất khó kiểm soát. 

Nền nông nghiệp hóa học là nền nông nghiệp "tôn thờ" các hợp chất hóa học. Phân bón hóa học, thuốc trừ sâu hóa học, thuốc trừ cỏ hóa học - Áp dụng rộng rãi, đồng loạt trên một diện tích độc canh quy mô lớn. Thời kỳ hoàng kim của nông nghiệp hóa học là ở những giai đoạn cuối của nền nông nghiệp truyền thống - Khi yếu tố đất đai còn phì nhiêu, màu mỡ; sức chống chịu của cây trồng còn mạnh, tỉ lệ bệnh dịch còn ít và phân tán, cũng như các loài sinh vật thiên địch trong thiên nhiên còn phong phú. Các chất hóa học thể hiện tác dụng triệt tiêu bệnh hại và "thổi" cây trồng tăng trưởng "trong nháy mắt" ở vài vụ đầu, nhưng hậu quả ô nhiễm để lại trong môi trường đất, nước, không khí, và các sản phẩm cây trồng (tích tụ trong cơ thể người tiêu dùng chờ phát tán thành bệnh), cũng như sự suy giảm đa dạng sinh học thì thời gian khắc phục không biết tới bao nhiêu chục năm mới hết. 

Đói nghèo bền vững trong nông nghiệp cũng phần lớn do sự lạm dụng các chế phẩm hóa học mà ra. Hiệu quả mỗi vụ một suy giảm mà chi phí đầu vào cho mùa vụ (phân, thuốc) lại ngày càng tăng (tăng lượng phải dùng, tăng giá bán). Chất lượng sản phẩm đầu ra lại kém - mang nhiều yếu tố độc hại cho người sử dụng nên giá bán thấp. Hệ quả là người nông dân vừa bị giảm sút sức khỏe, tăng thêm bệnh tật hiểm nghèo, nợ nần chồng chất - Đường về của bần cùng và đói khổ nông thôn. 

Trước tình hình bệnh tật và ngộ độc do các sản phẩm của nền nông nghiệp lạm dụng hóa chất diễn ra tràn lan trên thế giới, mô hình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt - sử dụng các loại hóa chất ít độc hại hơn cho con người (nằm trong danh mục được Nhà nước cho phép sử dụng) đúng trường hợp, đúng loại, đúng lúc, đúng lượng, đúng cách và đảm bảo thời gian cách ly trước khi đem sản phẩm ra tiêu thụ ngoài thị trường đã ra đời - Gọi là mô hình GAP. Mỗi nước, mỗi vùng, đều có hướng đưa ra các tiêu chuẩn GAP khác nhau, bên cạnh tiêu chuẩn Global GAP. 

Nội dung của Global GAP bao gồm mười bốn điều khoản, quy định về việc truy nguyên nguồn gốc xuất xứ, hệ thống hồ sơ lưu trữ để kiểm tra nội bộ, giấy tờ pháp lý về giống cây trồng được sử dụng, lịch sử vùng đất & quá trình quản lý vùng đất, đất và giá thể, hồ sơ về việc sử dụng phân bón, tưới tiêu, bảo vệ thực vật, thu hoạch, xử lý sản phẩm sau thu hoạch, quản lý - tái sử dụng nguồn chất thải, các vấn đề an toàn sức khỏe - phúc lợi người lao động, các vấn đề môi trường và cơ chế - hồ sơ giải quyết các khiếu nại/khiếu kiện nếu có. 


Tuy đã có sự ra đời của các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (GAP), nhưng phương thức canh tác thâm canh có áp dụng các yếu tố hóa học theo thời gian lâu dài cũng đã khiến cho đất trồng trở nên cằn cỗi, các loại sâu bệnh hại ngày càng khó kiểm soát vì hiện tượng quen thuốc, kháng thuốc, môi trường bị ô nhiễm nặng nề bởi hóa chất nông nghiệp và các chất màu bị rửa trôi, v.v...Vì vậy, mô hình canh tác nông nghiệp Hữu cơ đã ra đời. Với việc tuyệt đối không sử dụng hóa chất và cả phân người (phân bắc), cùng các chất diệt cỏ, trừ sâu bệnh nguy hại tồn lưu, tích lũy trong đất trồng, cơ thể con người và các loài động vật.

Chọn lọc những kinh nghiệm tốt  nhất từ mô hình canh tác truyền thống (ít sử dụng các yếu tố bổ sung từ bên ngoài) và cải tiến chúng bằng những khám phá khoa học hiện đại, tạo ra sự cân bằng giữa hệ thống sinh thái tự nhiên và môi trường canh tác để thực vật, động vật và con người đều có thể sống tốt cùng nhau. 

Mô hình Nông - lâm kết hợp được áp dụng tại những nơi có rừng, hoặc đồi núi. Các hình thức thường thấy là xen băng, xen băng cải tiến, lập các hàng rào xanh, đai rừng phòng hộ chắn gió, rừng - đồng cỏ kết hợp, canh tác nông lâm trên đất dốc,...Đặc biệt chú trọng các giải pháp chống xói mòn đất và kỹ thuật làm thước chữ A - Xác định đường đồng mức.

Nông nghiệp công nghệ cao là kiểu mô hình canh tác có sự tham gia và hỗ trợ của máy móc, các thiết bị điều khiển tự động, đồng đều, chính xác; các công trình xây dựng che chắn, tách biệt cây trồng ra khỏi môi trường xung quanh. Nhờ đó mà có thể giảm được phần lớn nhân công lao động và sự "dư thừa" của vật tư nông nghiệp (nước tưới, phân, thuốc,...); giảm được các tác động bất lợi ở cấp độ không quá lớn của môi trường tự nhiên như nắng, gió, mưa, các sinh vật xâm nhập gây bệnh,...


Tuy nhiên, vốn đầu tư ban đầu để xây dựng công trình, mua sắm, vận hành, bảo dưỡng các máy móc thiết bị nếu muốn đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao là rất lớn so với đại bộ phận bà con nông dân nước ta, nên công nghệ cao hiện nay phần lớn chỉ là cuộc chơi của những cá nhân/tổ chức có nguồn vốn lớn.

Thêm vào đó, do sự hạn chế về tầm ảnh hưởng của công nghệ, nên các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chủ yếu là các loại rau trái, hoa màu có kích thước nhỏ, nên hình thức canh tác công nghệ cao không những không có ý nghĩa trong việc bảo vệ môi trường mà còn góp phần vào việc làm ô nhiễm môi trường do sử dụng nhiều năng lượng điện để vận hành máy móc, cùng nguồn rác thải khó phân hủy từ các thiết bị không còn sử dụng bị nông nghiệp công nghệ cao xả ra môi trường.


Do môi trường Trái đất đang ngày càng bị xuống cấp trầm trọng, nên hướng nghiên cứu được quan tâm nhất hiện nay là xây dựng các mô hình canh tác nông nghiệp sinh thái (nông nghiệp tự nhiên) với nguyên tắc là tạo nên một chu kỳ - một vòng tuần hoàn khép kín về vật chất và năng lượng trong không gian canh tác - Gần như tuyệt đối không bổ sung thêm các yếu tố (phân, thuốc - cả hóa học lẫn hữu cơ) từ bên ngoài vào hệ thống - Giảm chi phí nguyên vật liệu đầu vào và các rác thải đầu ra một cách "cùng cực"! - Vừa hiệu quả Kinh tế, vừa bảo vệ môi trường.

Các tầng không gian đều được tận dụng triệt để (cây ưa sáng, cây chịu bóng, cây trung tính), các tầng đất đều được tận dụng (cây rễ chùm, cây rễ cọc), các yếu tố đầu ra của đối tượng này là yếu tố đầu vào của đối tượng khác (phân vật nuôi là chất dinh dưỡng cho cây trồng, lá - hoa - trái của cây trồng là thức ăn cho con người và vật nuôi, v.v...) Tất cả các yếu tố tồn tại trong hệ thống đều có một vị trí thích hợp với một vai trò thích hợp - Nương nhau cùng tồn tại và phát triển một cách hài hòa, bền vững.

Người được biết đến sớm nhất trong xu hướng canh tác nông nghiệp tự nhiên này là Masanobu Fukuoka, phương pháp canh tác nông nghiệp của ông đã được chứng minh hiệu quả vượt hơn nhiều về cả chất lượng và năng suất mùa vụ, cũng như sự bền vững, khỏe mạnh của hệ sinh thái đất - nước - cây trồng - môi trường không khí tại khu vực canh tác so với các phương pháp sản xuất Nông nghiệp hiện đại có sử dụng đầy đủ phân thuốc từ hóa học cho tới hữu cơ.

Nhưng phương pháp canh tác Nông nghiệp tự nhiên của ông lại không được phổ biến rộng rãi và luôn gặp phải sự chống đối ở nhiều quốc gia do nó đe dọa tới nguồn thu nhập của những ông lớn sản xuất phân bón và hóa chất nông nghiệp.

Hãy tìm đọc các tác phẩm "Cuộc cách mạng một cọng rơm"   "Gieo mầm trên sa mạc" của ông để có cho mình những hướng suy nghĩ mới về việc tổ chức mô hình canh tác nông nghiệp bền vững  - Vừa sản xuất, vừa bảo vệ môi trường và sự đa dạng sinh học cho các thế hệ mai sau.

Nghề nghiệp có trở nên cao quý hay không là ở động cơ của người lao động. Xin chúc tất cả các bạn và các em mỗi ngày một thêm yêu, thêm quý ngành học của mình và tìm được niềm vui, hạnh phúc từ mỗi công việc mình làm. 

(TG Fashion tgfashion.vn - Hân hạnh tài trợ!)

Sunday, December 23, 2018

20. Khuyến nông


Nông nghiệp là ngành sản xuất vật chất cơ bản của nền kinh tế, cung cấp lương thực - thực phẩm nuôi sống con người, cung cấp các loại nguyên nhiên vật liệu cho nhiều ngành công nghiệp khác nhau. Tất cả các lĩnh vực sản xuất trong nền kinh tế và mọi thành phần trong xã hội đều có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp tới hoạt động sản xuất Nông nghiệp. 

Khuyến nông là tổng thể các nỗ lực (chủ yếu là của Nhà nước) nhằm thúc đẩy sự tiến bộ của nông nghiệp  cũng như nguồn nhân lực tham gia sản xuất nông nghiệp. Bao gồm các hoạt động thúc đẩy sự phát triển của ngành trồng trọt, chăn nuôi, chế biến - bảo quản nông sản, dịch vụ thú y, bảo vệ thực vật và các hoạt động tổ chức quản lý sản xuất.

Việt Nam là một đất nước nông nghiệp với vị tổ đầu tiên là Thần Nông. Bắt đầu từ cách nay hơn 3000 năm, các đời Vua Hùng kế tiếp nhau đã quy tụ người dân và tổ chức, hướng dẫn cho nhân dân canh tác nông nghiệp. 

Vào thời Hùng Vương thứ sáu, công chúa Thiều Hoa đã truyền dạy cho người dân tại bãi sông Hồng nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa. Thời vua Đinh, vua Lê có hoạt động tổ chức lễ Hạ Điền vào đầu năm mới - Vua xuống ruộng cày, Hoàng Hậu ngồi quay tơ để khuyến khích tinh thần hăng hái lao động của người dân. 

Thời nhà Trần có cắt đặt chính thức các chức vụ - bộ phận chuyên lo những việc đê điều, đồn điền, khuyến nông - hướng dẫn, hỗ trợ người dân các kỹ thuật canh tác Nông nghiệp. Ở khu vực Tiền Hải  - Thái Bình, Kim Sơn - Ninh Bình, khó ai mà không biết tới câu khẩu hiệu "Khẩn ruộng hoang, an nghiệp dân nghèo" của ngài Nguyễn Công Trứ. Sự trọng vọng vai trò của nông nghiệp với quân sự được vua Quang Trung khẳng định rõ ràng qua lời tuyên bố " Thực túc thì Binh cường!"

Trong thời đại Bác Hồ, để ủng hộ miền Nam ruột thịt kháng chiến cứu nước, nhân dân miền Bắc hưởng ứng nhiệt tình lời kêu gọi "Một người làm việc bằng hai", "Cuốc cày là vũ khí, nhà nông là chiến sĩ" của Bác và ngày nay, nhân dân cả nước vẫn nhớ lời Bác dạy: "Mùa xuân là tết trồng cây" để có ý thức phủ xanh quê hương đất nước mình. 

Hoạt động khuyến nông ấn tượng nhất trên thế giới có lẽ là Cuộc cách mạng Xanh ở Ấn Độ với sự ra đời của các loại giống cây trồng có năng suất cao (đặc biệt là các loại cây lương thực) trong sự hỗ trợ "nhiệt tình" của các loại phân bón hóa học, cứu đói được rất nhiều người vào thời điểm đó và gây ra rất nhiều vấn nạn ô nhiễm môi trường kéo dài dai dẳng tới tận ngày nay. Ít được biết tới hơn là các cuộc Cách mạng Trắng (sữa bò, sữa trâu) và Cách mạng Nâu (xuất khẩu thịt). 

Trục xương sống của hoạt động Khuyến Nông Nhà nước được tổ chức xuyên suốt từ trung ương tới địa phương, có nhiệm vụ làm cầu nối cho người Nông dân được tiếp cận với Nhà nước, các nhà khoa học, các chính sách môi trường, các thông tin thị trường, những nông dân ưu tú - sản xuất giỏi, các doanh nghiệp, nhóm ngành nghề, các đoàn thể xã hội và các tổ chức quốc tế. 

Nội dung hoạt động của các cơ quan Khuyến nông là thông tin tuyên truyền, bồi dưỡng - tập huấn - đào tạo nguồn nhân lực khuyến nông, xây dựng mô hình trình diễn - chuyển giao khoa học công nghệ, tư vấn các dịch vụ hỗ trợ Nông nghiệp, hợp tác quốc tế về khuyến nông, khuyến ngư. Ngoài các cơ quan khuyến nông do Nhà nước tổ chức quản lý thì còn có các tổ chức khuyến nông của các ngành, các cơ quan tự lập ra; các tổ chức khuyến nông tự nguyện của cá nhân/tổ chức trong và ngoài nước; các hội khuyến nông của cộng đồng như câu lạc bộ khuyến nông, hội nông dân cùng sở thích, hợp tác xã, v.v...
Để xây dựng được các kế hoạch khuyến nông hiệu quả, cần thu thập và phân tích đầy đủ các thông tin về điều kiện tự nhiên, điều kiện Kinh tế - Xã hội, hoạt động sản xuất, văn hóa, giáo dục, sức khỏe cộng đồng, cũng như những chương trình - dự án khuyến nông đã được triển khai trên địa bàn trước đó. Rồi đem những thông tin cụ thể về chương trình, kế hoạch, thông tin khuyến nông muốn chuyển giao cho bà con thể hiện lên các phương tiện nghe (Phát thanh, loa đài, truyền hình,...), hay nhìn (sách báo, tạp chí, pano apphich, tờ gấp - tờ rơi, tranh ảnh, mẫu vật, poster,...)

Để tiếp cận được tới người nông dân và chuyển giao thành công những tiến bộ kỹ thuật mới thì người khuyến nông viên cần nắm rõ được đặc điểm xã hội nông thôn, cũng như những yếu tố đặc trưng tâm lý của người nông dân - đối tượng mình trực tiếp làm việc. Thường hoạt động khuyến nông phải tiếp cận được những "quyền lực nông thôn" để các thông tin khuyến nông có thêm sức uy tín trước khi lan tỏa tới số đông bà con. Thành phần của khối quyền lực có sức ảnh hưởng mạnh tại địa bàn nông thôn là 1.Lãnh đạo Đảng, chính quyền, ban ngành, đoàn thể; 2.Người đứng đầu dòng họ, dòng tộc; 3.Thủ lĩnh tôn giáo; 4.Những người có học vấn cao; 5.Những người làm ăn thành đạt; 6.Các thầy mo, thầy bói, thầy cúng, thầy phù thủy,...

Ngoài những đặc tính tốt và vô cùng đáng quý như Giản dị, chất phác, cần cù lao động, đoàn kết thương yêu nhau, yêu ruộng đất, tôn trọng truyền thống, gắn bó sâu sắc với quê hương, làng xóm - Người nông dân Việt Nam vẫn còn chịu ảnh hưởng bởi rất nhiều thói quen xấu được huân tập lâu đời như Gia trưởng - độc đoán, bảo thủ - thiếu sáng tạo, tùy tiện - xuê xoa, tâm lý nghèo - tầm nghĩ hẹp, tư duy ngắn hạn - cảm tính - sợ rủi ro (Tâm lý ăn chắc mặc bền), dễ hùa theo đám đông, dễ thỏa mãn, dễ bỏ cuộc, sĩ diện, thiếu nguyên tắc, thiếu kỷ luật, v.v... Khuyến nông viên phải có khả năng khắc phục những điểm yếu và tận dụng các điểm mạnh trong tâm lý của đối tượng học viên trong quá trình huấn luyện, tuyên truyền thì hoạt động khuyến nông mới có thể thành công được. 


Các phương pháp khuyến nông được áp dụng phổ biến hiện nay là Tập huấn kỹ thuật, đào tạo cán bộ khuyến nông theo chủ đề, chuyển giao tiến bộ qua học kỹ thuật mới thông qua các mô hình trình diễn, hội thi, hội chợ, v.v...Người khuyến nông viên luôn cần trau dồi trình độ chuyên môn, giữ gìn phẩm chất đạo đức và tăng cường rèn luyện các kỹ năng truyền thông khuyến nông để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của công tác khuyến nông trong thời đại mới - Khi công nghệ phát triển ngày càng nhanh, nguồn thông tin tiếp cận ngày càng lớn, người nông dân ngày càng bị ảnh hưởng bởi nhiều nguồn thông tin kém chất lượng - Cạnh tranh trực tiếp với hoạt động khuyến nông chính thức.

Quá trình truyền thông khuyến nông tới bà con nông dân thường đi qua sáu giai đoạn. Đầu tiên là truyền tải các thông tin - chương trình - dự án khuyến nông lên các phương tiện truyền thông đại chúng hoặc các hội thảo giao lưu khoa học. Sau đó, hệ thống khuyến nông cơ sở sẽ đi tuyên truyền trong nhân dân, tiến hành các cuộc họp thôn - bản, họp nhóm nông dân, lựa chọn ra các nông dân tiêu biểu (đào tạo thành các tiểu giảng viên khuyến nông) để xây dựng các mô hình thử nghiệm phương pháp kỹ thuật mới rồi từ đó tạo lòng tin cho nhiều nông dân khác mạnh dạn áp dụng vào trong hoạt động sản xuất.

Mặc dù nhận được sự quan tâm đầu tư rất lớn từ phía Nhà nước, nhưng vai trò của khuyến nông trong thực tế sản xuất tại mỗi địa phương còn mờ nhạt, bà con vẫn tự mình mò mẫm tự làm tự chịu là chính. Do hoạt động khuyến nông hiện nay phần lớn còn nặng về hình thức - Kỹ thuật chung chung, dự đoán thị trường yếu kém, khả năng tiếp cận - hỗ trợ bà con hạn chế, trình độ năng lực chuyên môn, tính sáng tạo, nhiệt tình, yêu ngành yêu nghề và sức uy tín với người nông dân của các khuyến nông viên không đáng kể.

(TG Fashion tgfashion.vn - Hân hạnh tài trợ!)

Saturday, December 22, 2018

19. Quản trị Nông trại


Như tất cả các mô hình sản xuất kinh doanh khác, một Nông trại - Một mô hình tổ chức sản xuất nông nghiệp cũng cần có sự quản trị hiệu quả để đảm bảo các yếu tố đầu tư ban đầu sẽ sinh lời sau một khoảng thời gian canh tác (mùa vụ). Từ một nguồn lực ban đầu, qua quá trình tổ chức vận hành (có sự quản lý) sẽ đạt được một kết quả nào đó (bằng, hơn, hoặc kém so với mục tiêu đặt ra từ trước) và ta có thể điều chỉnh kế hoạch tổng thể ban đầu cho thích hợp hơn với điều kiện thực tế nếu cảm thấy cần. 

Để có một hoạch định hợp lý, hiệu quả ta cần đánh giá năng lực chuyên môn; khả năng quản trị - kinh doanh, nguồn lực của mình/tổ chức mình về tài chính - Khả năng đầu tư về đất đai, tư liệu sản xuất (các công cụ lao động), nguồn nguyên vật liệu đầu vào, thuê mướn lực lượng lao động để xây dựng các dự toán ngân sách (Chi phí - lợi nhuận) trước khi quyết định có đủ sức đầu tư và có nên đầu tư hay không. Đồng thời tìm hiểu, phân tích các yếu tố bối cảnh kinh tế - chính trị, nhu cầu thị trường với những loại sản phẩm mình dự tính cung ứng, nguồn cung nguyên liệu đầu vào và các đối thủ cạnh tranh để đánh giá tiềm năng của hoạt động mà mình có dự tính đầu tư.


Kế hoạch là danh sách một loạt các hoạt động dự kiến cần thực hiện trong một khoảng thời gian xác định. Những sự việc diễn trong thực tế sản xuất phần lớn không giống với kế hoạch đặt ra, nhưng việc xác lập một kế hoạch cụ thể trước khi hành động luôn có giá trị trong việc giúp ta định hình một khung công việc rõ ràng, hạn chế rủi ro, phản ứng nhanh trước các tình thế biến động (vì đã có một phần dự tính từ trước) và có một cơ chế hiệu quả để kiểm tra, kiểm soát trong quá trình sản xuất. 


Hạch toán sản xuất là các hoạt động theo dõi, tính toán, phân tích các khoản thu chi trong suốt quá trình sản xuất, nhằm đưa ra các cơ sở hợp lý để xây dựng giá thành, giá bán sản phẩm và tối ưu hóa các yếu tố chưa được tối ưu trong hoạt động sản xuất nhằm tiết giảm chi phí - tăng lợi nhuận cho nông trại. 

Hai khoản chi phí cần hạch toán là chi phí trực tiếp và chi phí gián tiếp. Chi phí trực tiếp gồm chi phí cố định (khấu hao tài sản cố định, chi phí bảo dưỡng - sửa chữa thiết bị/dụng cụ, vốn, lãi vay đầu tư cho sản xuất), chi phí biến đổi (chi phí mua sắm vật tư, nguyên/nhiên liệu, thuê mướn công lao động, v.v...). Chi phí gián tiếp gồm chi phí cho văn phòng phẩm, khấu hao nhà cửa kho tàng và lương chi trả cho người quản lý.

Tổ chức tiêu thụ sản phẩm là tổ hợp những hành động nhằm đưa nông sản từ nơi sản xuất về các địa điểm tiêu thụ trước khi phân phối tới tay người dùng. Nông trại có thể tự mình đem sản phẩm tới các điểm bán (chợ đầu mối, siêu thị, hội chợ, v.v...) để tiêu thụ trực tiếp  hoặc tiêu thụ gián tiếp thông qua các thương lái trung gian.

Nông sản thường có thời hạn sử dụng rất ngắn, lại phần lớn dễ bị hư hỏng nên việc nhanh chóng tìm được đầu ra - đưa sản phẩm đến nơi tiêu thụ là giải pháp hiệu quả nhất, đơn giản nhất để giảm thiểu thiệt hại kinh tế cho người sản xuất. Tuy nhiên trong thực tế, việc quảng bá - tiếp thị sản phẩm của các nông trại ở nước ta hiện nay vẫn còn là những khái niệm rất mờ hồ và yếu ớt. Phần lớn bà con ta vẫn đang hoàn toàn phụ thuộc vào thương lái và hiện tượng bị thương lái "liên hợp" ép giá trong mùa thu hoạch là rất phổ biến. 


Kết thúc mỗi giai đoạn sản xuất kinh doanh, việc đánh giá hiệu quả hoạt động sẽ được căn cứ dựa trên ba loại báo cáo là bảng cân đối kế toán, bảng lưu chuyển tiền tệ và báo cáo kết quả kinh doanh (phân tích doanh thu, chi phí và lợi nhuận.). Việc so sánh giữa kết quả đạt được và mục tiêu đặt ra ban đầu sẽ đưa tới việc điều chỉnh kế hoạch hoạt động sản xuất kinh doanh của nông trại trong các giai đoạn kế tiếp.

(TG Fashion tgfashion.vn - Hân hạnh tài trợ!)

18. Hệ thống canh tác


Hệ thống canh tác là một chỉnh thể của nhiều hợp phần khác nhau lấy cây trồng làm trung tâm. Bao gồm các hợp phần sinh thái (điều kiện tự nhiên, môi trường, khí hậu, đất đai), các hợp phần thuộc phạm vi Kinh tế - Xã hội (dân cư, văn hóa, trình độ khoa học kỹ thuật, giáo dục, mức thu nhập,...), các hợp phần canh tác (biện pháp kỹ thuật, nguồn cung nước - dinh dưỡng, nguồn tàn tích sinh vật thải ra môi trường bên ngoài) và các loại nông sản do hệ thống cây trồng sản xuất ra (rau củ, hoa, trái, thân, lá, gôm nhựa,...)

Sản phẩm của hệ thống canh tác nông nghiệp rất đa dạng, từ các loại lâm sản (từ gỗ hoặc không phải gỗ), các loại lương thực - thực phẩm (nuôi sống con người, vật nuôi), các loại nguyên vật liệu cho quá trình sản xuất công nghiệp, các loại chất đốt, v.v...

Cơ cấu cây trồng trong hệ thống sản xuất nông nghiệp được xây dựng dựa trên các điều kiện về khí hậu, đất đai - địa hình, đặc tính sinh vật học của cây trồng/của quần thể cây trồng trong hệ, đặc điểm của thành phần lao động tham gia và điều kiện cơ sở vật chất của chủ đầu tư. Các cây trồng trong hệ thống cần được tổ chức canh tác theo một thiết kế không gian, thời gian hợp lý, đạt hiệu quả kinh tế cao và bền vững (Luân canh, xen canh, tăng vụ, gối vụ, chuyển vụ,...)

Tùy theo điều kiện đặc thù của từng khu vực, từng vùng (nông thôn, thành thị, vùng núi,...), tùy theo khả năng kinh tế, trình độ canh tác của người thực hiện mà ta lựa chọn đối tượng cây trồng và loại hình hệ thống tổ chức sản xuất phù hợp. Từ việc săn bắt, hái lượm (những tộc người cư trú nơi hoang dã), tuyển chọn hạt giống và vật liệu giống để tổ chức trồng trọt sơ khai (chọc lỗ - bỏ hạt ở các dân tộc cư trú trên vùng núi cao), sử dụng công cụ thô sơ (những nơi nền nông nghiệp còn chưa được cơ giới hóa), hình thức canh tác tập thể (hợp tác xã) hoặc sở hữu tư nhân, sản xuất tự cấp tự túc hay sản xuất chuyên môn hóa để làm hàng hóa trao đổi số lượng lớn với thị trường bên ngoài. Sản xuất theo hướng đầu tư ứng dụng công nghệ cao hoặc nương tựa hòa hợp với hệ sinh thái tại chỗ (Nông nghiệp bền vững.)

Hệ sinh thái đồng ruộng chỉ là một trong năm hợp phần của tổng thể hệ sinh thái Nông nghiệp. Có chức năng cân bằng nhiệt độ - nước - năng lượng - sự cạnh tranh giữa các giống cây trồng khác nhau để tạo năng suất chung cao nhất. 
Những yếu tố để đánh giá chất lượng của một hệ thống canh tác nông nghiệp là tính bền vững; các đặc điểm về mục tiêu, tính hiệu quả, tính thứ bậc (theo quốc gia, theo vùng, khu vực canh tác, nông trại, loại hình sản xuất - trồng trọt/chăn nuôi), ranh giới, thuộc tính và những yếu tố thay đổi; những đặc tính về sức sản xuất, khả năng sinh lợi, tính ổn định - cân bằng và tự chủ. 

Một hệ thống đạt tới đỉnh cao của sự bền vững là một hệ thống có khả năng tận dụng được tất cả các đặc điểm hỗ trợ của môi trường sinh thái tại chỗ - Hay nói cách khác là được tổ chức hài hòa, khép kín, trở thành một hợp phần trong chỉnh thể của hệ sinh thái tự nhiên tại địa phương. Càng ít cần sự can thiệp từ con người thì hệ thống canh tác càng đạt hiệu quả kinh tế và tính bền vững cao.
Việc quá chú trọng vào yếu tố công nghệ hiện đại hoặc quá đề cao tính hoang dại của tự nhiên đều gây bất lợi với việc sản xuất nông nghiệp bền vững. Nhưng việc áp dụng một tỷ lệ như thế nào cho hợp lý thì phải tùy thuộc từng trường hợp cụ thể và được thử nghiệm qua thời gian lâu dài.

Cũng vậy, các kiến thức được đào tạo trong chương trình đại học chỉ là cơ sở cho quá trình thực hành và nghiên cứu dài lâu trên thực địa trước khi đạt tới thành công.

(TG Fashion tgfashion.vn - Hân hạnh tài trợ!)



Friday, December 21, 2018

17. Giống cây trồng


Hạt là sản phẩm cuối cùng trong một chu kỳ sống của cây, là phương tiện duy trì sự sống của loài.  Trong hạt tích lũy đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho cây mầm hình thành và phát triển. Sau một quá trình ngủ nghỉ (ngoại sinh, nội sinh, thứ cấp), mỗi mầm hạt "thức giấc" là một điểm khởi đầu cho sự sống của một cá thể mới. 

Chỉ hạt chín sinh lý đầy đủ mới có khả năng nảy mầm tốt thành cây con. Trong suốt quá trình hạt giống vận động tạo cây, ta phải đáp ứng các điều kiện môi trường ngoại cảnh thích hợp (ẩm độ, nhiệt độ, ánh sáng,...). Hạt giống sẽ hút nước vào và đánh động hệ thống enzyme tiến hành hoạt hóa các phản ứng sinh lý sinh hóa để phá vỡ các mô dự trữ (cacbohydrat, lipit, protein, các hợp chất phosphorus), kích thích phôi sinh trưởng, hình thành rễ rồi hình thành thân, lá. 


Nhiều loài thực vật khác nhau cùng sinh tồn trên lớp vỏ trái đất đã tạo ra một sự đa dạng ngoạn mục cho thế giới sống. Mỗi giống loài, thậm chí mỗi cá thể đều sở hữu một bộ gen khác nhau, rồi từ nhiều cá thể, nhiều giống loài góp lại thành một nguồn đa dạng di truyền phong phú. Các loại cây hoang dã (tồn tại ở các trung tâm khởi nguyên) sau khi di chuyển tới một vùng đất mới, thích nghi và phát triển  mạnh tại các trung tâm trồng trọt thứ cấp này thì được gọi là các thực vật du nhập. Các giống loài được tạo ra bằng con đường chọn lọc, điều khiển nhân tạo thì được gọi là giống cây trồng.
Để đáp ứng được nhu cầu phong phú trong đời sống và ứng phó với các điều kiện ngoại cảnh đa dạng, con người cần tạo lập một "nguồn dự trữ" đa dạng nguồn gen thực vật (Các cấp tập đoàn từ Cơ bản, hoạt động, cho tới công tác).

Các nhà khoa học tới với các nguồn đa dạng di truyền - Thu thập các giống loài thực vật khác nhau rồi đem về tiến hành công tác bảo tồn (ex-situ hoặc in-situ) ở cấp quốc gia, quốc tế hoặc vùng lãnh thổ. Sau khi thu thập, bảo tồn thành công các nguồn gen mới đưa về, công tác đánh giá, mô tả và lập cơ sở dữ liệu cần phải tiến hành nhanh chóng để có thể sử dụng hợp lý, dễ dàng ngay khi hoạt động sản xuất trong thực tế phát sinh nhu cầu (Trực tiếp làm giống, xuất nhập nội, cải tạo vật liệu di truyền).

Hạt và cơ quan sinh dưỡng có khả năng sinh sản thì nhiều, nhưng chỉ số ít các cá thể có phẩm chất cao nhất mới được lựa chọn làm giống và sản xuất hàng loạt thành các sản phẩm thương mại dùng trong sản xuất. Việc lựa chọn các cá thể có kiểu gen tốt từ nguồn đa dạng di truyền thực vật để sản xuất hoặc cải tạo là nhiệm vụ của chọn tạo giống, còn việc từ các giống ưu tú này để sản xuất hàng loạt là nhiệm vụ của công nghệ sản xuất hạt giống.
Giá trị gieo trồng của hạt giống được đánh giá qua các chỉ tiêu về độ thuần di truyền, khả năng nảy mầm (sức nảy mầm và tỷ lệ nảy mầm), độ tổn thương của hạt, tỷ lệ bệnh hại trên hạt (nấm, vi khuẩn, vius). Các phương pháp được sử dụng trong việc chọn tạo giống rất đa dạng như gây đột biến, ứng dụng đa bội thể - đơn bộ thể, lai xa, tạo giống lai - ứng dụng ưu thế lai, ứng dụng công nghệ sinh học (nuôi cấy mô, dung hợp tế bào trần, v.v...).

Ở cây tự thụ phấn, ta áp dụng các biện pháp như kỹ thuật đơn bội kép, tạo dòng thuần, lai lại,...Cây giao phấn dùng các biện pháp như chọn lọc cải tiến một quần thể hay đồng thời hai quần thể, đa giao tổng hợp. Cây sinh sản vô tính tự nhiên (vô phối, chồi - thân ngầm, thân bò, củ) hoặc nhân tạo (nhân giống bằng gié hành, cành giâm - hom, ghép mắt, tách cây, nuôi cấy mô) được chọn tạo giống bằng các biện pháp như lai giống, chọn dòng vô tính hoặc xử lý đột biến.

Trước khi được đưa vào sản xuất hàng loạt, các giống mới tạo cần trải qua giai đoạn kiểm nghiệm (DUS, VCU) để xác định sự khác biệt, tính đồng nhất, độ ổn định và đánh giá giá trị canh tác cũng như giá trị sử dụng.

Quy trình chế biến hạt giống gồm tám bước: Thu hoạch, chế biến, phơi sấy, làm sạch, phân loại, xử lý, đóng gói, bảo quản. Tùy theo hàm lượng nước trong hạt giống mà thời hạn bảo quản hạt giống dài ngắn khác nhau. Hạt chứa 5% nước thì bảo tồn được dài hạn (trên 15 năm), chứa từ 7 - 8% nước thì bảo quản được từ 10 - 15 năm; chứa 8 - 10% nước thì chỉ bảo quản được ngắn hạn trong khoảng từ 2 - 3 năm.

Giống tốt là điều kiện trước tiên ảnh hưởng tới chất lượng mùa vụ, nếu chọn nhầm giống xấu, nhất là với các loại cây lâu năm như cây công nghiệp, cây ăn quả (cần thời gian kiến thiết cơ bản kéo dài trước khi cho thu hoạch) thì thiệt hại về kinh tế cho nông hộ là rất lớn. Nhưng hiện nay, ý thức của bà con nông dân về việc lựa chọn giống đạt chất lượng cho mùa vụ lại chỉ dựa vào kinh nghiệm cá nhân và các mối quan hệ thân tình là chủ yếu - Rất cảm tính và thiếu cơ sở pháp lý (sự cam kết đảm bảo từ phía người sản xuất giống theo quy định của Nhà nước).

Còn ở một mặt khác thì việc thuần hóa một số ít các loại giống cây trồng để sử dụng trên diện rộng lớn trong sản xuất (quy mô toàn thế giới) để đảm bảo độ đồng đều cho hoạt động chăm sóc, thu hái, chế biến, giao lưu thương mại lại khiến cho tính đa dạng di truyền thực vật bị thu hẹp lại một cách nhanh chóng, rất nhiều loài đã và đang từng ngày bị tuyệt chủng vì chưa có ứng dụng thương mại nên không còn đất sống. Theo các nhà khoa học, rất nhiều loài thực vật đã tuyệt chủng trong khi con người còn chưa kịp phát hiện và nhận dạng.

Sự mất đa dạng sẽ kéo theo sự mất ổn định - mất cân bằng của toàn bộ hệ sinh thái. Kết quả là, các đại dịch sẽ bùng phát nhanh chóng và dữ dội trên diện rộng tới mức khó - thậm chí không thể khống chế được một khi xảy ra. Tóm lại, hình thức canh tác nông nghiệp của nền kinh tế hàng hóa hiện nay đang tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ bất ổn lớn lao cho môi trường tự nhiên và sự sống của loài người.

(TG Fashion tgfashion.vn - Hân hạnh tài trợ!)










Monday, December 17, 2018

16. Bảo quản sau thu hoạch

Đối với người nông dân, thời điểm được mong chờ nhất trong năm là lúc thu hoạch những loại nông sản mình đã cực công gieo trồng, chăm sóc. Mà thời điểm thu hoạch thì lại phải tùy thuộc vào thời điểm chín của các loại nông sản. Trong thực tế có ba loại hình xác định độ chín của nông sản là độ chín sinh lý, chín thu hoạch và chín chế biến.

Độ chín xác định theo giai đoạn phát triển mạnh nhất của bộ phận chọn thu hoạch làm nông sản gọi là độ chín thu hoạch (như cây ăn lá thu trong giai đoạn sinh trưởng sinh thực, cây lấy bông thu khi quá trình sinh thực bắt đầu, cây ăn trái thu khi cây hoàn tất trọn vẹn quá trình sinh thực). Độ "chín" gắn với trạng thái cây trồng tích lũy chất dinh dưỡng đạt mức tối đa và các quá trình già hóa bắt đầu xuất hiện gọi là độ chín sinh lý. Còn độ chín xác định dựa theo tính chất cần có của nguyên liệu sản xuất thì được gọi là độ chín chế biến (Áp dụng với các nguyên liệu trong công nghiệp chế biến thực phẩm)

Nông sản là những sản phẩm của cây trồng có giá trị sử dụng với con người. Giữa việc thu hoạch và tiêu thụ nông sản là một khoảng cách từ nhỏ tới rất lớn về cả không gian và thời gian. Khoảng cách này chứa đựng nhiều nguy cơ tổn thất về khối lượng, cũng như giá trị sử dụng của nông sản do tự thân sự biến hoại của nông sản, cũng như sự ảnh hưởng của các loại sinh vật gây hại (có khả năng bùng phát thành dịch hại) và các yếu tố khí hậu bao quanh khu vực tồn trữ nông sản (đại khí hậu/tiểu khí hậu/vi khí hậu). 

Qua quá trình nghiên cứu lâu dài, mức tổn thất nông sản sau thu hoạch được các nhà khoa học ước tính là 10 - 20% đối với sản phẩm hạt và 30 - 40% đối với các sản phẩm rau/hoa/quả - Mức thiệt hại này không những gây ảnh hưởng nặng nề tới kinh tế nông hộ mà còn gây ra nguy cơ ô nhiễm môi trường trầm trọng vì những sản phẩm độc hại do quá trình phân hủy các thành phần dinh dưỡng trong nông sản. Do đó, khoa học bảo quản sau thu hoạch đã ra đời với mục tiêu tìm ra nguyên lý của sự tổn thất nông sản, để từ đó xây dựng nên phương pháp quản lý tốt nguồn nông sản sau thu hoạch - Trước khi chúng được vận chuyển, phân phối tới tay người tiêu dùng. 
Các đại lượng được sử dụng để đánh giá về tính chất vật lý của các loại hạt nông sản là khối lượng 1000 hạt, dung trọng hạt, khối lượng riêng của hạt, độ trống rỗng, góc nghiêng tự nhiên của khối hạt (Khi được bỏ ra từ một ống trụ), hệ số ma sát, tính tự động phân cấp, tính hấp thụ khí và hơi nước của khối hạt và nhiệt dung riêng. 


Thành phần hóa học của các loại nông sản (giá trị dinh dưỡng) là nước, carbohydrat, các hợp chất chứa nito, các hợp chất bay hơi, lipit, sắc tố, acid hữu cơ, vitamin và khoáng chất. Hàm lượng các chất này là khác nhau giữa các loại nông sản khác nhau. Sự biến đổi sinh hóa, sinh lý (sự phát triển cá thể, sự chín - già hóa, sự ngủ nghỉ, sự nảy mầm, thoát hơi nước một cách tự nhiên hoặc bị rối loạn) là nguyên nhân tự thân nơi nông sản gây ra tình trạng hao hụt, tổn thất sau thu hoạch. Các nguyên nhân còn lại bao gồm các loại sinh vật gây hại (vi sinh vật, côn trùng), dịch hại, điều kiện môi trường (nhất là nhiệt độ không khí), và rất nhiều các nguyên nhân "lặt vặt" khác như lông, tóc (gia súc, người tham gia thu hoạch, bảo quản nông sản), bụi đất, cát sỏi, các mẩu vụn của bao bì (kim loại, thủy tinh, giấy, nhựa, sợi thực vật, v.v...), các loại dầu mỡ từ máy móc - trang thiết bị,...
Dựa theo các nguyên nhân gây hư hại, tổn thất cho nông sản, các nhà khoa học đã đề xuất ra nguyên lý bảo quản nông sản sau thu hoạch gồm việc kích thích hoạt động của các loại vi sinh vật và enzyme đặc biệt có tác dụng duy trì trạng thái ổn định của nông sản, loại bỏ (lọc, ly tâm) các vi sinh vật và tác nhân gây nhiễm bẩn, ức chế các hoạt động trao đổi chất của bản thân nông sản/các enzyme/các vi sinh vật không mong muốn (thông qua việc giảm nhiệt độ, thay đổi pH môi trường bảo quản, giảm hoạt độ nước, giảm oxi, bổ sung chất kháng vi sinh vật và chiếu xạ), hoặc thông qua các biện pháp tiệt trùng/thanh trùng/chiếu xạ để tiêu diệt các vi sinh vật không mong muốn. 
Loại chất lượng nông sản là các khía cạnh chất lượng của nông sản được chú trọng để xem xét -  đánh giá, như xem xét về giá trị dinh dưỡng, cảm quan - ăn uống (thị giác, vị giác), phẩm chất hàng hóa, vệ sinh (an toàn thực phẩm), chất lượng bảo quản, giống hay chất lượng chế biến. Tất cả các khía cạnh  này đều chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố giống, điều kiện ngoại cảnh, công nghệ sau thu hoạch và công nghệ chế biến. Vậy, bảo quản nông sản là một quá trình xuyên suốt trong cả ba khâu - Sản xuất, sau thu hoạch và trong quá trình chế biến.
Chỉ tiêu đánh giá chất lượng nông sản dạng hạt là độ tạp chất, hàm lượng thủy phần, độ sạch bệnh, khối lượng riêng, dinh dưỡng hạt (nếu là hạt giống thì phải thêm các chỉ tiêu về sức sống, sức nảy mầm, tỷ lệ nảy mầm, độ thuần đồng ruộng, tỷ lệ nhiễm virus). Chỉ tiêu đánh giá chất lượng thực phẩm là ở hai mặt vệ sinh và dinh dưỡng, nếu là hàng hóa xuất khẩu thì phải đảm bảo chất lượng vệ sinh thực phẩm theo một quy trình được chứng nhận quản lý chất lượng và hệ thống bao bì, nhãn hiệu phù hợp các quy định pháp luật liên quan.


Kho bảo quản nông sản phải chắc chắn - bền vững, thuận lợi giao thông, được cơ giới hóa hợp lý - hiệu quả và có những thiết kế chuyên dụng cho từng đối tượng nông sản cần bảo quản. Trong quá trình vận hành kho, ta phải chú ý tới công tác vệ sinh kho tàng, có kế hoạch theo dõi, kiểm tra phẩm chất nông sản một cách thường xuyên và định kỳ hiệu chỉnh hệ thống thông gió, điều tiết nhiệt độ của kho theo đúng yêu cầu kỹ thuật. Tùy thuộc vào thời gian tồn trữ, độ cao chứa hạt, mức cơ giới hóa và nhiệt độ tồn trữ mà ta phân loại cũng như định danh thành nhiều kiểu kho bảo quản khác nhau. 
Để tới được bàn ăn của một gia đình, các loại nông sản phải vượt qua một cuộc hành trình gian nan qua rất nhiều giai đoạn. Nông sản có thể được di chuyển bằng đường bộ (xe tải, xe bán tải, xe lạnh, tàu hỏa,...); đường thủy (tàu thường, tàu lạnh,...) hay đường hàng không (đối với những nông sản có giá trị kinh tế cao và khó bảo quản). Để giữ được cao nhất giá trị dinh dưỡng của nông sản trước khi tới tay người tiêu dùng thì nông sản cần được đảm bảo sắp xếp - bốc dỡ một cách cẩn thận; tối thiểu hóa thời gian vận chuyển; tránh tối đa sự tổn thương cơ giới; hạn chế các chuyển động nhồi/lắc; tránh hiện tượng tăng nhanh nhiệt độ trong khối nông sản; hạn chế sự thoát hơi nước; đảm bảo môi trường khí hậu (chủ yếu là tiểu khí hậu) phù hợp trong suốt quá trình di chuyển.


Ta cần thiết kế khối lượng hàng hóa cho phù hợp với khả năng chuyên chở của phương tiện mà mình có. Đồng thời, khi chất hàng hóa lên phương tiện chuyên chở thì phải đảm bảo sao cho nông sản không bị tổn thương cơ giới và vẫn có một khoảng không thích hợp để lưu thông không khí, cũng như được che chắn cẩn thận để tránh phải tiếp xúc với các điều kiện thời tiết bất lợi (như nắng mạnh, gió lớn, ánh sáng gay gắt, mưa to,...) và chú ý trước khi bắt đầu cuộc hành trình luôn phải hiệu chỉnh phương tiện vận chuyển về trạng thái tốt nhất nhằm hạn chế những rủi ro có thể xảy ra trên đường di chuyển.

Tóm lại, chưa cần bàn tới sự vất vả của người nông dân trong suốt quá trình canh tác thì riêng hành trình di chuyển thôi cũng đã là một chuyện không hề dễ dàng để những món ăn (dù đơn giản) có thể hiện diện trong mỗi gia đình. Vậy nên ăn ngon miệng và không lãng phí chính là sự biết ơn chân thành nhất với cuộc đời và với xã hội.

(TG Fashion tgfashion.vn - Hân hạnh tài trợ!)