Hệ thống canh tác là một chỉnh thể của nhiều hợp phần khác nhau lấy cây trồng làm trung tâm. Bao gồm các hợp phần sinh thái (điều kiện tự nhiên, môi trường, khí hậu, đất đai), các hợp phần thuộc phạm vi Kinh tế - Xã hội (dân cư, văn hóa, trình độ khoa học kỹ thuật, giáo dục, mức thu nhập,...), các hợp phần canh tác (biện pháp kỹ thuật, nguồn cung nước - dinh dưỡng, nguồn tàn tích sinh vật thải ra môi trường bên ngoài) và các loại nông sản do hệ thống cây trồng sản xuất ra (rau củ, hoa, trái, thân, lá, gôm nhựa,...)
Sản phẩm của hệ thống canh tác nông nghiệp rất đa dạng, từ các loại lâm sản (từ gỗ hoặc không phải gỗ), các loại lương thực - thực phẩm (nuôi sống con người, vật nuôi), các loại nguyên vật liệu cho quá trình sản xuất công nghiệp, các loại chất đốt, v.v...
Cơ cấu cây trồng trong hệ thống sản xuất nông nghiệp được xây dựng dựa trên các điều kiện về khí hậu, đất đai - địa hình, đặc tính sinh vật học của cây trồng/của quần thể cây trồng trong hệ, đặc điểm của thành phần lao động tham gia và điều kiện cơ sở vật chất của chủ đầu tư. Các cây trồng trong hệ thống cần được tổ chức canh tác theo một thiết kế không gian, thời gian hợp lý, đạt hiệu quả kinh tế cao và bền vững (Luân canh, xen canh, tăng vụ, gối vụ, chuyển vụ,...)
Tùy theo điều kiện đặc thù của từng khu vực, từng vùng (nông thôn, thành thị, vùng núi,...), tùy theo khả năng kinh tế, trình độ canh tác của người thực hiện mà ta lựa chọn đối tượng cây trồng và loại hình hệ thống tổ chức sản xuất phù hợp. Từ việc săn bắt, hái lượm (những tộc người cư trú nơi hoang dã), tuyển chọn hạt giống và vật liệu giống để tổ chức trồng trọt sơ khai (chọc lỗ - bỏ hạt ở các dân tộc cư trú trên vùng núi cao), sử dụng công cụ thô sơ (những nơi nền nông nghiệp còn chưa được cơ giới hóa), hình thức canh tác tập thể (hợp tác xã) hoặc sở hữu tư nhân, sản xuất tự cấp tự túc hay sản xuất chuyên môn hóa để làm hàng hóa trao đổi số lượng lớn với thị trường bên ngoài. Sản xuất theo hướng đầu tư ứng dụng công nghệ cao hoặc nương tựa hòa hợp với hệ sinh thái tại chỗ (Nông nghiệp bền vững.)
Hệ sinh thái đồng ruộng chỉ là một trong năm hợp phần của tổng thể hệ sinh thái Nông nghiệp. Có chức năng cân bằng nhiệt độ - nước - năng lượng - sự cạnh tranh giữa các giống cây trồng khác nhau để tạo năng suất chung cao nhất.
Những yếu tố để đánh giá chất lượng của một hệ thống canh tác nông nghiệp là tính bền vững; các đặc điểm về mục tiêu, tính hiệu quả, tính thứ bậc (theo quốc gia, theo vùng, khu vực canh tác, nông trại, loại hình sản xuất - trồng trọt/chăn nuôi), ranh giới, thuộc tính và những yếu tố thay đổi; những đặc tính về sức sản xuất, khả năng sinh lợi, tính ổn định - cân bằng và tự chủ.
Việc quá chú trọng vào yếu tố công nghệ hiện đại hoặc quá đề cao tính hoang dại của tự nhiên đều gây bất lợi với việc sản xuất nông nghiệp bền vững. Nhưng việc áp dụng một tỷ lệ như thế nào cho hợp lý thì phải tùy thuộc từng trường hợp cụ thể và được thử nghiệm qua thời gian lâu dài.
Cũng vậy, các kiến thức được đào tạo trong chương trình đại học chỉ là cơ sở cho quá trình thực hành và nghiên cứu dài lâu trên thực địa trước khi đạt tới thành công.
0 comments:
Post a Comment