Không có một chủng loại nào có thể sống đơn độc mà bền vững kể cả con người. Trong thiên nhiên đã có một quy luật không bao giờ thay đổi, mọi giống loài phải nương nhau để tồn tại và phát triển thì mới được bền vững lâu dài. Nhưng trong nền nông nghiệp "Hàng hóa" - Độc canh cực kỳ chuyên môn hóa được con người ngày nay xem là "hiện đại" thì hoàn toàn đi ngược lại quy luật đó - Bất kể một loài cây cỏ nào không phải loại cây trồng đang được lựa chọn để canh tác thì đều bị coi là cỏ dại và phải loại trừ bằng mọi biện pháp. Thậm chí những loại cây có giá trị dược liệu cao (Như Hà thủ ô mọc trong vườn cao su,...) cũng chịu chung số phận - Không hề có một sự phân biệt nào.
Có nhiều cách phân loại cỏ dại như tùy theo khả năng thích ứng với nước, theo mùa vụ sinh trưởng mạnh hoặc thời điểm bắt đầu xuất hiện, theo số lá mầm, đặc điểm thân cành, môi trường sống hay hệ thống phân loại thực vật, v.v...Nhưng thực tế hiện nay là, nếu không đáp ứng được cho nhu cầu sử dụng trước mắt của con người thì bất kể loài thực vật nào cũng đều bị coi là cỏ dại - Do đó, một loài cây trồng tùy nước, tùy vùng, tùy địa phương, tùy mỗi thửa canh tác mà bị xem là cỏ dại hoặc không.
Trên một diện tích rộng lớn mà chỉ tồn tại độc nhất một loại cây trồng thì điều tất yếu là các loài cây khác sẽ phát triển mạnh hơn để lấn át sự bành trướng thái quá của loại cây đó - Đây là quy luật của tự nhiên. Vì vậy mà tuy thành phần "tham dự" khác nhau nhưng đặc điểm chung của các loài cỏ dại đều là Khả năng nhân giống cao, đa dạng các phương thức sinh sản (Thích nghi tối đa với mọi điều kiện để ổn định việc truyền giống trong bất cứ hoàn cảnh nào), khả năng chống chịu cao, sức bền của hạt giống mạnh, phương thức cạnh tranh đa dạng từ thời điểm mọc mầm, hình thức sinh trưởng cho tới mật độ "dân số", v.v....
Chống lại quy luật tự nhiên, người nông dân không có khả năng tìm ra ngọn nguồn để giải quyết vấn đề nên chúng ta hoàn toàn oán trách và đổ lỗi cho các loài "cỏ dại" - Cho rằng chúng chính là những kẻ đánh cắp đất đai và thu nhập của mình. Chúng ta trở nên mù quáng và giận dữ. Quyết tiêu diệt "cỏ dại" bằng mọi giá.
Có cầu thì ắt có cung.
Các nhà sản xuất thuốc diệt cỏ nguồn gốc hóa học đã tận dụng triệt để sự nhẹ dạ cả tin, lòng tham, sự nóng vội và tính bầy đàn của những người nông dân trên khắp thế giới để nói với họ rằng những chai lọ chứa đựng đầy hóa chất này không hề độc hại với con người - chúng chỉ độc hại với cỏ dại mà thôi. Kết quả là sản phẩm của họ được đón nhận nồng nhiệt trên khắp thế giới, từng ngày, từng giờ được bơm chảy, phun xịt không ngừng nghỉ vào môi trường đất, nước và thân thể của những người nông dân - Còn họ thì trở nên cực kỳ giàu có.
Trong khi những hậu quả nặng nề của chất độc màu da cam còn đang từng ngày đè nặng lên đất nước thì ở một cánh cửa khác - Những người đem chất "cam" ấy đã quay trở lại với những chai thuốc trừ cỏ "thân thiện" và được chào đón như những "người hùng".
Việc trở thành nhân viên của những công ty hóa chất hàng đầu thế giới - Những tập đoàn kinh doanh nông dược Đa quốc gia để hưởng mức lương cao, được đi công tác bằng máy bay, được nhận một chế độ phụ cấp, phúc lợi dồi dào - Trở thành niềm tự hào lớn của bản thân, gia đình trước bạn bè, làng xóm, v.v.... là ước mơ của không ít sinh viên Nông nghiệp thuộc hàng "ưu tú".
Nhưng không có gì là chỉ toàn có lợi mà không có hại. Việc đưa chất hóa học độc hại vào sử dụng tràn lan rồi cũng tới lúc con người phải gánh chịu hậu quả. Trong đám đông nông dân chỉ biết âm thầm chịu đựng, thậm chí còn chưa ý thức được mình đang gặp phải chuyện gì thì có những người nông dân đã đứng lên khởi kiện những tượng đài "thuốc cỏ" khổng lồ và giành được chiến thắng. Một chiến thắng trong đau khổ và nước mắt vì không bao giờ có thể quay ngược lại thời gian.
Tất cả các loài sinh vật trong tự nhiên đều có những vai trò và vị trí của riêng mình. Không phải lúc nào cũng là tận diệt, là đấu tranh một mất một còn. Đi tìm một phương pháp canh tác thân thiện với tự nhiên mà năng suất vẫn cao - Thậm chí cao hơn cả những mô hình canh tác nông nghiệp được ngày nay cho là hiện đại - Với đầy phân thuốc và hóa chất tổng hợp là điều mà Masanobu Fukuoka đã chọn và đã thành công.
Tuy nhiên, ở một mức độ hạn chế hơn, ta có thể áp dụng các biện pháp xới xáo nhẹ, chăm sóc cây trồng đúng cách, xen canh, luân canh, che phủ đất, sử sụng các chế phẩm sinh học, ...để hạn chế bớt sự ảnh hưởng của các loại thực vật không mong muốn trên đồng ruộng, trước khi nghĩ tới việc sử dụng các giải pháp hóa học.
Sinh viên Nông nghiệp không được ngành công nghiệp Điện ảnh - Giải trí tô vẽ "hoành tráng" như các ngành Kinh tế, nhưng ai cũng cần ăn, và đồ ăn thì tươi hay hộp, ở nước giàu hay nước nghèo cũng đều bắt đầu từ nông nghiệp.
Trong một cuộc đời hành nghề nông nghiệp đúng đắn, sẽ có rất nhiều chai thuốc độc không được đưa vào đất, vào nước, vào bữa ăn của đồng bào - Sẽ có rất nhiều căn bệnh hiểm nghèo được làm cho bớt ngặt nghèo. Sẽ có rất nhiều người được sống khỏe mạnh hơn, vui vẻ hơn, làm được nhiều điều có ích hơn cho gia đình và cho đất nước.
(TG Fashion - tgfashion.vn - Hân hạnh tài trợ!)
0 comments:
Post a Comment