Nông nghiệp là ngành sản xuất vật chất cơ bản của nền kinh tế, cung cấp lương thực - thực phẩm nuôi sống con người, cung cấp các loại nguyên nhiên vật liệu cho nhiều ngành công nghiệp khác nhau. Tất cả các lĩnh vực sản xuất trong nền kinh tế và mọi thành phần trong xã hội đều có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp tới hoạt động sản xuất Nông nghiệp.
Khuyến nông là tổng thể các nỗ lực (chủ yếu là của Nhà nước) nhằm thúc đẩy sự tiến bộ của nông nghiệp cũng như nguồn nhân lực tham gia sản xuất nông nghiệp. Bao gồm các hoạt động thúc đẩy sự phát triển của ngành trồng trọt, chăn nuôi, chế biến - bảo quản nông sản, dịch vụ thú y, bảo vệ thực vật và các hoạt động tổ chức quản lý sản xuất.
Việt Nam là một đất nước nông nghiệp với vị tổ đầu tiên là Thần Nông. Bắt đầu từ cách nay hơn 3000 năm, các đời Vua Hùng kế tiếp nhau đã quy tụ người dân và tổ chức, hướng dẫn cho nhân dân canh tác nông nghiệp.
Vào thời Hùng Vương thứ sáu, công chúa Thiều Hoa đã truyền dạy cho người dân tại bãi sông Hồng nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa. Thời vua Đinh, vua Lê có hoạt động tổ chức lễ Hạ Điền vào đầu năm mới - Vua xuống ruộng cày, Hoàng Hậu ngồi quay tơ để khuyến khích tinh thần hăng hái lao động của người dân.
Thời nhà Trần có cắt đặt chính thức các chức vụ - bộ phận chuyên lo những việc đê điều, đồn điền, khuyến nông - hướng dẫn, hỗ trợ người dân các kỹ thuật canh tác Nông nghiệp. Ở khu vực Tiền Hải - Thái Bình, Kim Sơn - Ninh Bình, khó ai mà không biết tới câu khẩu hiệu "Khẩn ruộng hoang, an nghiệp dân nghèo" của ngài Nguyễn Công Trứ. Sự trọng vọng vai trò của nông nghiệp với quân sự được vua Quang Trung khẳng định rõ ràng qua lời tuyên bố " Thực túc thì Binh cường!"
Trong thời đại Bác Hồ, để ủng hộ miền Nam ruột thịt kháng chiến cứu nước, nhân dân miền Bắc hưởng ứng nhiệt tình lời kêu gọi "Một người làm việc bằng hai", "Cuốc cày là vũ khí, nhà nông là chiến sĩ" của Bác và ngày nay, nhân dân cả nước vẫn nhớ lời Bác dạy: "Mùa xuân là tết trồng cây" để có ý thức phủ xanh quê hương đất nước mình.
Hoạt động khuyến nông ấn tượng nhất trên thế giới có lẽ là Cuộc cách mạng Xanh ở Ấn Độ với sự ra đời của các loại giống cây trồng có năng suất cao (đặc biệt là các loại cây lương thực) trong sự hỗ trợ "nhiệt tình" của các loại phân bón hóa học, cứu đói được rất nhiều người vào thời điểm đó và gây ra rất nhiều vấn nạn ô nhiễm môi trường kéo dài dai dẳng tới tận ngày nay. Ít được biết tới hơn là các cuộc Cách mạng Trắng (sữa bò, sữa trâu) và Cách mạng Nâu (xuất khẩu thịt).
Trục xương sống của hoạt động Khuyến Nông Nhà nước được tổ chức xuyên suốt từ trung ương tới địa phương, có nhiệm vụ làm cầu nối cho người Nông dân được tiếp cận với Nhà nước, các nhà khoa học, các chính sách môi trường, các thông tin thị trường, những nông dân ưu tú - sản xuất giỏi, các doanh nghiệp, nhóm ngành nghề, các đoàn thể xã hội và các tổ chức quốc tế.
Nội dung hoạt động của các cơ quan Khuyến nông là thông tin tuyên truyền, bồi dưỡng - tập huấn - đào tạo nguồn nhân lực khuyến nông, xây dựng mô hình trình diễn - chuyển giao khoa học công nghệ, tư vấn các dịch vụ hỗ trợ Nông nghiệp, hợp tác quốc tế về khuyến nông, khuyến ngư. Ngoài các cơ quan khuyến nông do Nhà nước tổ chức quản lý thì còn có các tổ chức khuyến nông của các ngành, các cơ quan tự lập ra; các tổ chức khuyến nông tự nguyện của cá nhân/tổ chức trong và ngoài nước; các hội khuyến nông của cộng đồng như câu lạc bộ khuyến nông, hội nông dân cùng sở thích, hợp tác xã, v.v...
Để xây dựng được các kế hoạch khuyến nông hiệu quả, cần thu thập và phân tích đầy đủ các thông tin về điều kiện tự nhiên, điều kiện Kinh tế - Xã hội, hoạt động sản xuất, văn hóa, giáo dục, sức khỏe cộng đồng, cũng như những chương trình - dự án khuyến nông đã được triển khai trên địa bàn trước đó. Rồi đem những thông tin cụ thể về chương trình, kế hoạch, thông tin khuyến nông muốn chuyển giao cho bà con thể hiện lên các phương tiện nghe (Phát thanh, loa đài, truyền hình,...), hay nhìn (sách báo, tạp chí, pano apphich, tờ gấp - tờ rơi, tranh ảnh, mẫu vật, poster,...)
Để tiếp cận được tới người nông dân và chuyển giao thành công những tiến bộ kỹ thuật mới thì người khuyến nông viên cần nắm rõ được đặc điểm xã hội nông thôn, cũng như những yếu tố đặc trưng tâm lý của người nông dân - đối tượng mình trực tiếp làm việc. Thường hoạt động khuyến nông phải tiếp cận được những "quyền lực nông thôn" để các thông tin khuyến nông có thêm sức uy tín trước khi lan tỏa tới số đông bà con. Thành phần của khối quyền lực có sức ảnh hưởng mạnh tại địa bàn nông thôn là 1.Lãnh đạo Đảng, chính quyền, ban ngành, đoàn thể; 2.Người đứng đầu dòng họ, dòng tộc; 3.Thủ lĩnh tôn giáo; 4.Những người có học vấn cao; 5.Những người làm ăn thành đạt; 6.Các thầy mo, thầy bói, thầy cúng, thầy phù thủy,...
Ngoài những đặc tính tốt và vô cùng đáng quý như Giản dị, chất phác, cần cù lao động, đoàn kết thương yêu nhau, yêu ruộng đất, tôn trọng truyền thống, gắn bó sâu sắc với quê hương, làng xóm - Người nông dân Việt Nam vẫn còn chịu ảnh hưởng bởi rất nhiều thói quen xấu được huân tập lâu đời như Gia trưởng - độc đoán, bảo thủ - thiếu sáng tạo, tùy tiện - xuê xoa, tâm lý nghèo - tầm nghĩ hẹp, tư duy ngắn hạn - cảm tính - sợ rủi ro (Tâm lý ăn chắc mặc bền), dễ hùa theo đám đông, dễ thỏa mãn, dễ bỏ cuộc, sĩ diện, thiếu nguyên tắc, thiếu kỷ luật, v.v... Khuyến nông viên phải có khả năng khắc phục những điểm yếu và tận dụng các điểm mạnh trong tâm lý của đối tượng học viên trong quá trình huấn luyện, tuyên truyền thì hoạt động khuyến nông mới có thể thành công được.
Các phương pháp khuyến nông được áp dụng phổ biến hiện nay là Tập huấn kỹ thuật, đào tạo cán bộ khuyến nông theo chủ đề, chuyển giao tiến bộ qua học kỹ thuật mới thông qua các mô hình trình diễn, hội thi, hội chợ, v.v...Người khuyến nông viên luôn cần trau dồi trình độ chuyên môn, giữ gìn phẩm chất đạo đức và tăng cường rèn luyện các kỹ năng truyền thông khuyến nông để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của công tác khuyến nông trong thời đại mới - Khi công nghệ phát triển ngày càng nhanh, nguồn thông tin tiếp cận ngày càng lớn, người nông dân ngày càng bị ảnh hưởng bởi nhiều nguồn thông tin kém chất lượng - Cạnh tranh trực tiếp với hoạt động khuyến nông chính thức.
Quá trình truyền thông khuyến nông tới bà con nông dân thường đi qua sáu giai đoạn. Đầu tiên là truyền tải các thông tin - chương trình - dự án khuyến nông lên các phương tiện truyền thông đại chúng hoặc các hội thảo giao lưu khoa học. Sau đó, hệ thống khuyến nông cơ sở sẽ đi tuyên truyền trong nhân dân, tiến hành các cuộc họp thôn - bản, họp nhóm nông dân, lựa chọn ra các nông dân tiêu biểu (đào tạo thành các tiểu giảng viên khuyến nông) để xây dựng các mô hình thử nghiệm phương pháp kỹ thuật mới rồi từ đó tạo lòng tin cho nhiều nông dân khác mạnh dạn áp dụng vào trong hoạt động sản xuất.
Mặc dù nhận được sự quan tâm đầu tư rất lớn từ phía Nhà nước, nhưng vai trò của khuyến nông trong thực tế sản xuất tại mỗi địa phương còn mờ nhạt, bà con vẫn tự mình mò mẫm tự làm tự chịu là chính. Do hoạt động khuyến nông hiện nay phần lớn còn nặng về hình thức - Kỹ thuật chung chung, dự đoán thị trường yếu kém, khả năng tiếp cận - hỗ trợ bà con hạn chế, trình độ năng lực chuyên môn, tính sáng tạo, nhiệt tình, yêu ngành yêu nghề và sức uy tín với người nông dân của các khuyến nông viên không đáng kể.
(TG Fashion - tgfashion.vn - Hân hạnh tài trợ!)Mặc dù nhận được sự quan tâm đầu tư rất lớn từ phía Nhà nước, nhưng vai trò của khuyến nông trong thực tế sản xuất tại mỗi địa phương còn mờ nhạt, bà con vẫn tự mình mò mẫm tự làm tự chịu là chính. Do hoạt động khuyến nông hiện nay phần lớn còn nặng về hình thức - Kỹ thuật chung chung, dự đoán thị trường yếu kém, khả năng tiếp cận - hỗ trợ bà con hạn chế, trình độ năng lực chuyên môn, tính sáng tạo, nhiệt tình, yêu ngành yêu nghề và sức uy tín với người nông dân của các khuyến nông viên không đáng kể.
0 comments:
Post a Comment