Như tất cả các mô hình sản xuất kinh doanh khác, một Nông trại - Một mô hình tổ chức sản xuất nông nghiệp cũng cần có sự quản trị hiệu quả để đảm bảo các yếu tố đầu tư ban đầu sẽ sinh lời sau một khoảng thời gian canh tác (mùa vụ). Từ một nguồn lực ban đầu, qua quá trình tổ chức vận hành (có sự quản lý) sẽ đạt được một kết quả nào đó (bằng, hơn, hoặc kém so với mục tiêu đặt ra từ trước) và ta có thể điều chỉnh kế hoạch tổng thể ban đầu cho thích hợp hơn với điều kiện thực tế nếu cảm thấy cần.
Để có một hoạch định hợp lý, hiệu quả ta cần đánh giá năng lực chuyên môn; khả năng quản trị - kinh doanh, nguồn lực của mình/tổ chức mình về tài chính - Khả năng đầu tư về đất đai, tư liệu sản xuất (các công cụ lao động), nguồn nguyên vật liệu đầu vào, thuê mướn lực lượng lao động để xây dựng các dự toán ngân sách (Chi phí - lợi nhuận) trước khi quyết định có đủ sức đầu tư và có nên đầu tư hay không. Đồng thời tìm hiểu, phân tích các yếu tố bối cảnh kinh tế - chính trị, nhu cầu thị trường với những loại sản phẩm mình dự tính cung ứng, nguồn cung nguyên liệu đầu vào và các đối thủ cạnh tranh để đánh giá tiềm năng của hoạt động mà mình có dự tính đầu tư.
Kế hoạch là danh sách một loạt các hoạt động dự kiến cần thực hiện trong một khoảng thời gian xác định. Những sự việc diễn trong thực tế sản xuất phần lớn không giống với kế hoạch đặt ra, nhưng việc xác lập một kế hoạch cụ thể trước khi hành động luôn có giá trị trong việc giúp ta định hình một khung công việc rõ ràng, hạn chế rủi ro, phản ứng nhanh trước các tình thế biến động (vì đã có một phần dự tính từ trước) và có một cơ chế hiệu quả để kiểm tra, kiểm soát trong quá trình sản xuất.
Hạch toán sản xuất là các hoạt động theo dõi, tính toán, phân tích các khoản thu chi trong suốt quá trình sản xuất, nhằm đưa ra các cơ sở hợp lý để xây dựng giá thành, giá bán sản phẩm và tối ưu hóa các yếu tố chưa được tối ưu trong hoạt động sản xuất nhằm tiết giảm chi phí - tăng lợi nhuận cho nông trại.
Hai khoản chi phí cần hạch toán là chi phí trực tiếp và chi phí gián tiếp. Chi phí trực tiếp gồm chi phí cố định (khấu hao tài sản cố định, chi phí bảo dưỡng - sửa chữa thiết bị/dụng cụ, vốn, lãi vay đầu tư cho sản xuất), chi phí biến đổi (chi phí mua sắm vật tư, nguyên/nhiên liệu, thuê mướn công lao động, v.v...). Chi phí gián tiếp gồm chi phí cho văn phòng phẩm, khấu hao nhà cửa kho tàng và lương chi trả cho người quản lý.
Tổ chức tiêu thụ sản phẩm là tổ hợp những hành động nhằm đưa nông sản từ nơi sản xuất về các địa điểm tiêu thụ trước khi phân phối tới tay người dùng. Nông trại có thể tự mình đem sản phẩm tới các điểm bán (chợ đầu mối, siêu thị, hội chợ, v.v...) để tiêu thụ trực tiếp hoặc tiêu thụ gián tiếp thông qua các thương lái trung gian.
Nông sản thường có thời hạn sử dụng rất ngắn, lại phần lớn dễ bị hư hỏng nên việc nhanh chóng tìm được đầu ra - đưa sản phẩm đến nơi tiêu thụ là giải pháp hiệu quả nhất, đơn giản nhất để giảm thiểu thiệt hại kinh tế cho người sản xuất. Tuy nhiên trong thực tế, việc quảng bá - tiếp thị sản phẩm của các nông trại ở nước ta hiện nay vẫn còn là những khái niệm rất mờ hồ và yếu ớt. Phần lớn bà con ta vẫn đang hoàn toàn phụ thuộc vào thương lái và hiện tượng bị thương lái "liên hợp" ép giá trong mùa thu hoạch là rất phổ biến.
Kết thúc mỗi giai đoạn sản xuất kinh doanh, việc đánh giá hiệu quả hoạt động sẽ được căn cứ dựa trên ba loại báo cáo là bảng cân đối kế toán, bảng lưu chuyển tiền tệ và báo cáo kết quả kinh doanh (phân tích doanh thu, chi phí và lợi nhuận.). Việc so sánh giữa kết quả đạt được và mục tiêu đặt ra ban đầu sẽ đưa tới việc điều chỉnh kế hoạch hoạt động sản xuất kinh doanh của nông trại trong các giai đoạn kế tiếp.
(TG Fashion - tgfashion.vn - Hân hạnh tài trợ!)
0 comments:
Post a Comment