Thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) là các chế phẩm mang những chất độc hại có bản chất là các chất hóa học (vô cơ, hữu cơ) hoặc sinh học (chất kháng sinh, vi khuẩn, nấm,...), có tác dụng điều tiết sinh trưởng thực vật, xua đuổi/thu hút để tiêu diệt đối tượng truyền bệnh/ruỗi muỗi hay làm khô và rụng lá đồng loạt để thuận tiện cho việc chăm sóc, thu hoạch, vệ sinh đồng ruộng.
Hiện nay, trên thị trường phổ biến các loại thuốc BVTV có nguồn gốc từ thảo mộc, các chất vô cơ và các chất tổng hợp - Được phân loại theo công dụng thành bốn nhóm sản phẩm chính.
Hiện nay, trên thị trường phổ biến các loại thuốc BVTV có nguồn gốc từ thảo mộc, các chất vô cơ và các chất tổng hợp - Được phân loại theo công dụng thành bốn nhóm sản phẩm chính.
Nhóm thuốc trừ cỏ gồm ba loại tùy theo diện phòng trừ (diệt được 1 loại cỏ, hai loại cỏ hoặc phổ tác động không rõ), nhóm thuốc trừ bệnh gồm bốn loại tùy theo thành phần chính (chứa các chất sinh học, các chất hữu cơ, các chất vô cơ gây độc - Hg, Cu, S, và các chất khác). Đối tượng phòng trừ của nhóm trừ sinh vật gây hại là các loại sâu, nhện, chim, chuột, nhuyễn thể, tuyến trùng. Cuối cùng là nhóm các chất điều hòa sinh trưởng gồm các loại Purin, etylen, gibberellin, amoni b4, dinitro aniline, nitrophenol, triazole/azole, phenyl urea, vitamin, pyrimidinyl carbinol và các chất khác với nhiều tác động phong phú trên cây trồng.
Cường độ tác động của các chất độc trong thuốc BVTV phụ thuộc vào nồng độ, mức tiêu dùng, quy mô, số lần sử dụng cũng như thời gian kéo dài hiệu lực của thuốc. Thông qua các con đường tiếp xúc, vị độc, xông hơi, thấm sâu hoặc nội hấp mà các chất độc xâm nhập vào cơ thể của sinh vật gây bệnh, truyền bệnh, rồi tác động theo những cách cục bộ (chỉ một hoặc một số mô, bộ phận xác định bị nhiễm độc), toàn bộ (toàn bộ cơ thể bị nhiễm độc), liên hợp (gia cộng, nâng cao tiềm thế), đối kháng, quá mẫn hoặc gây tác động dị hậu (không gây chết mà gây tổn thương, rối loạn trong đời sống và các thế hệ sau) lên các loài sinh vật bị nhiễm độc.
Theo mức độ vô hiệu quá dần tác dụng của thuốc, thậm chí biến thuốc trở thành một điều kiện thuận lợi cho sự sinh trưởng và phát triển của mình, các hiện tượng phản ứng với thuốc BVTV của sinh vật được ghi nhận gồm có trúng độc, chịu thuốc, quen thuốc, kháng thuốc và chống thuốc. Để tạo ra một hỗn hợp thuốc thành phẩm thì cần có rất nhiều thành phần phối hợp với nhau là hoạt chất (a.i.), chất làm loãng (dung môi, chất mang), chất hoạt động bề mặt, chất thấm ướt, chất phân tán, chất loang, chất hợp lực, ổn định, hóa sữa, hòa tan, chống lắng, chống đóng vón, chống đông, tạo bọt, tạo màu, chất bảo quản và các chất có tác dụng nâng cao hoạt tính sinh học.
Sau khi rời khỏi các chai lọ, túi đựng thuốc, các chất độc sẽ lưu tồn ở dạng ban đầu trên cây trồng, thẩm thấu vào đất, nước và môi trường không khí một thời gian, sau đó sẽ biến đổi/biến dạng và bị mất đi thông qua các con đường bay hơi, quang phân, cuốn trôi, lắng trôi, sự hòa loãng sinh học, sự chuyển hóa trong cây hoặc bị vi sinh vật phân hủy. Với dư lượng (ở dạng tự do hay liên kết) vượt quá mức giới hạn cho phép, các chất độc trong thuốc BVTV sẽ trở thành nguồn ô nhiễm phá hủy môi trường sống không những của cây trồng mà còn của tất cả các loài sinh vật khác.
Do đó, để hạn chế tối đa các nguy cơ gây nhiễm độc môi trường của các loại thuốc BVTV, chúng ta phải thực hành canh tác tốt và tới khi thật cần thiết mới sử dụng các sản phẩm có chứa chất độc hại trên đồng ruộng của mình. Khi sử dụng cần áp dụng chặt chẽ nguyên tắc 4 Đúng (Đúng thuốc, đúng liều, đúng lúc và đúng cách) - Tùy theo từng đối tượng cây trồng, bệnh hại cụ thể, cũng như từng loại thuốc, dạng thuốc tương ứng mà chọn ra cách sử dụng thuốc phù hợp nhất (phun bột, rắc hạt, phun lỏng, phun sol khí, xông hơi, xử lý hạt giống, nội liệu pháp thực vật hoặc chế bả độc) - Đồng thời đảm bảo thời gian cách ly theo khuyến cáo để tránh gây ngộ độc cho người thu hoạch, người chế biến và người sử dụng nông sản.
Yêu cầu của Nhà nước đối với các nhãn hàng của các sản phẩm thuốc BVTV là phải đảm bảo thể hiện đầy đủ các thông tin sau tới người tiêu dùng:
- Phân loại và ký hiệu độ độc
- Tên thuốc (tên hóa học, tên thông dụng, tên thương mại)
- Dạng thuốc
- Thành phần và hàm lượng
- Công dụng của thuốc
- Khối lượng tịnh
- Nguồn gốc thuốc
- Thời hạn sử dụng
- Hình vẽ biểu tượng có giá trị cảnh báo
Cùng các thông tin hướng dẫn sử dụng thuốc một cách chi tiết và cụ thể.
0 comments:
Post a Comment