Như ta đã biết, văn hóa là những thành tựu vật thể/phi vật thể phục vụ đời sống được hình thành trong suốt quá trình lịch sử lâu dài của một cộng đồng người. Mỗi cộng đồng người với bối cảnh sống khác nhau đã sáng tạo nên những nền văn hóa khác nhau (sự đa dạng văn hóa). Ngày nay, khi sự kết nối toàn cầu đang diễn ra mỗi lúc một nhanh chóng, yêu cầu của thời đại đã đòi hỏi nhiều cá nhân đến từ nhiều nền văn hóa phải quy tụ lại trong một tổ chức - cùng hợp tác với nhau để thực hiện những mục tiêu lớn lao hoặc hoàn thành những công việc mang đặc trưng của xã hội thời hội nhập (Hợp tác quốc tế, liên kết khu vực, cạnh tranh toàn cầu, v.v...)
Do đó, ta cần có một tư tưởng hợp lý để san bằng những khác biệt, loại bỏ những xung đột khi những cái tôi khác nhau (đại diện cho những nền văn hóa khác nhau) va chạm trực tiếp/gián tiếp với nhau trong cùng một tổ chức. Đây chính là lý do để những lý thuyết về quản trị đa văn hóa được hình thành. Những hiểu biết này có thể giúp cho mỗi cá nhân hội nhập toàn cầu tốt hơn, giúp cho các doanh nghiệp với thành phần nhân sự đa dạng hoạt động hiệu quả hơn.
1. Văn hóa tác động đến con người
Con người là một đối tượng mang tính xã hội đậm nét do luôn sống trong môi trường xã hội hóa suốt cuộc đời mình. Mỗi cá nhân dựa vào văn hóa của cộng đồng mình (những khuôn mẫu hành vi, hình ảnh biểu tượng) để thích ứng vào đời sống cộng đồng, học tập, chia sẻ, tương tác lẫn nhau trong cuộc sống và chuyển giao cho các thế hệ con cháu tiếp nối. Lâu dần, văn hóa xây dựng nên rất nhiều thói quen (những niềm tin cố thủ - định kiến) trong tiềm thức của mỗi thành viên. Vì vậy, khuynh hướng in sâu vào tiềm thức của các thành viên trong những nền văn hóa khác nhau là kỳ thị sự đa dạng - ghét bỏ sự khác biệt - Làm phát sinh các hiện tượng gây bất lợi cho sự hòa hợp giữa các nền văn hóa như lựa chọn xã hội - "dán nhãn" lẫn nhau, định khuôn, phân biệt "Họ" và "Chúng ta", làm mất vị thế, phân biệt đối xử, áp đặt quyền lực hay phủ nhận những cái "khác mình"!
Do đó, nếu cứ để tự nhiên thì sự hòa hợp sẽ là bất khả thi giữa các nền văn hóa khác nhau. Vì vậy, mỗi cá nhân, mỗi nền văn hóa phải dùng lý trí để mở lòng hiểu biết lẫn nhau nhiều hơn - Vượt lên trên sự khác biệt - Hóa giải hết những định kiến trên con đường hợp tác cùng phát triển.
2. Hóa giải định kiến
Nhiệm vụ hóa giải định kiến trong mỗi tổ chức/doanh nghiệp/tập thể được chia đều cho những người mang tư tưởng định kiến - người bị định kiến và môi trường xung quanh. Do định kiến sẽ gây ra thiệt hại cho tất cả các bên và sự hóa giải định kiến thì cần sự phối hợp của tất cả các bên.
Bất lợi của định kiến đối với người chịu sự định kiến là căng thẳng tâm lý, tự ti/mặc cảm, tự định kiến ngược trở lại bản thân mình, giảm cơ hội tham gia vào xã hội do không có tiếng nói, không đóng góp được gì cho xã hội. Người định kiến về người khác thì dễ đối diện với nguy cơ bị trả đũa, khiến tổ chức không huy động được tối đa nguồn lực để phát triển do hay châm ngòi mâu thuẫn, gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ. Trong một tổ chức có tồn tại định kiến thì nguy cơ bất ổn luôn tiềm tàng, tập thể bị xé lẻ thành nhiều mảnh rời rạc, phân tán, thụ động không hợp tác được với nhau, không làm nên được thành công lớn lao cho tổ chức và xã hội.
Vì vậy, ai cũng phải góp sức mình vào việc xóa bỏ định kiến. Người gánh chịu định kiến phải vượt qua tự ái, vượt qua sợ hãi mà chủ động, mạnh dạn - tự tin thể hiện mình qua những kết quả/thành tựu thiết thực, tích cực trong thực tế, chịu khó học hỏi, nâng cao năng lực và kiên nhẫn mở lòng trước khi đối tượng mang tư tưởng định kiến hiểu mình và chịu chấp nhận mình.
Những người hay định kiến phải tăng cường hiểu biết xã hội để mở rộng tầm nhìn, chủ động cảm thông, chia sẻ, thương yêu mọi người xung quanh và xây dựng tư tưởng tận dụng những khác biệt văn hóa để hỗ trợ cho sự phát triển và hòa hợp chung cho tổ chức. Các thành viên khác trong tổ chức/xã hội phải nỗ lực thúc đẩy sự hòa hợp, hóa giải những hiểu lầm, xung đột do khác biệt văn hóa để cùng xây dựng một tổ chức/một doanh nghiệp/một xã hội hòa hợp, bền vững cho tất cả mọi thành viên.
3. Ảnh hưởng của Văn hóa trong Quản lý/Quản trị
Quản trị và quản lý đều là những hành vi thực hiện mục tiêu thông qua người khác. Mà muốn sử đụng được người khác thì phải hiểu về người khác, đặc điểm tính cách/văn hóa của họ, nhu cầu/mong muốn của họ mà thúc đẩy họ hành động hướng vào việc thực hiện mục tiêu chung.
Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra những yếu tố trong hoạt động quản lý phải cân nhắc tới văn hóa như sau:
- Tính chất của hoạt động ra quyết định (tập trung hay phân cấp)
- Tác động của thưởng cá nhân và thưởng nhóm
- Hình thức thủ tục chính thức hay phi chính thức
- Sự trung thành với tổ chức cao hay thấp
- Đặc điểm hợp tác và cạnh tranh
- Tầm nhìn ngắn hạn và dài hạn
- Quan điểm ổn định và đổi mới/Đúng và Sai/Tốt và xấu/An toàn và rủi ro/Quan trọng và không quan trọng/...
Trong quá trình vận hành thực tế, nhiều xung đột sẽ nảy sinh làm cản trở sự hợp tác và phân công công việc. Hành vi xây dựng những cơ chế, chính sách quản lý có cân nhắc tới yếu tố văn hóa sẽ giúp hạn chế cơ bản những xung đột này, góp phần làm ổn định và phát triển tổ chức một cách bền vững.
(TG Fashion - tgfashion.vn - Hân hạnh tài trợ!)
(TG Fashion - tgfashion.vn - Hân hạnh tài trợ!)