300x250 AD TOP

Trần Hải Anh (PD.Châu Nhật Vi)

Powered by Blogger.

About Me

My photo
Cuộc đời của Con là công trình của Ba, Mẹ.

VIỆT NAM & ĐẠO PHẬT

TẠI SAO??? - Ở VIỆT NAM,  CÁI GÌ HAY HO  CŨNG THUỘC VỀ/LIÊN QUAN TỚI ĐẠO PHẬT Đó là vì những điều lịch sử cơ bản như sau: (*) 1.      Thời...

Search This Blog

Search This Blog

Translate

Translate

Pages

Tuesday, February 26, 2019

Kinh tế vĩ mô

Kinh tế vi mô và kinh tế vĩ mô là hai phân ngành của kinh tế học. Kinh tế vi mô nghiên cứu các hành vi kinh tế của hộ gia đình, một công ty/xí nghiệp, một ngành sản xuất hoặc một thị trường xác định - Có mục tiêu tối đa hóa lợi ích đối với người tiêu dùng và tối đa hóa lợi nhuận đối với người sản xuất. Còn kinh tế vĩ mô thì nghiên cứu hoạt động của toàn bộ nền kinh tế với mục tiêu phát triển hiệu quả nhưng bền vững cho toàn xã hội dựa trên nền tảng kinh tế tăng trưởng ổn định.
1. Các vấn đề Kinh tế Vĩ mô

Bốn vấn đề cơ bản của Kinh tế vĩ mô là Lạm phát - Giảm phát; Thất nghiệp; Chu kỳ kinh tế (xen kẽ giữa các - đỉnh và đáy - tăng trưởng và suy thoái - bùng nổ và khủng hoảng - Sự bất toàn của nền kinh tế tự do) và Sự thâm hụt ngân sách chính phủ/cán cân thương mại. 

Lạm phát là hiện tượng xảy ra khi giá cả của các sản phẩm và dịch vụ tăng lên đồng loạt, liên tục - Được đo lường thông qua chỉ số giá tiêu dùng. Lạm phát quá cao gây ra nhiều tác động tiêu cực cho nền kinh tế, nhưng lạm phát ở mức thích hợp - trong tầm kiểm soát là dấu hiệu của một nền kinh tế đang tăng trưởng. Trong chu kỳ kinh tế, khi tổng cầu tăng thì lạm phát tăng - sản xuất được phát triển nên làm giảm tỷ lệ thất nghiệp. Ngược lại, khi tổng cầu giảm, tuy làm giảm lạm phát nhưng hoạt động sản xuất cũng bị đình trệ và làm gia tăng số người thất nghiệp do thiếu việc làm.

Người thất nghiệp được định nghĩa là những người từ đủ 15 tuổi trở lên - Hiện không có việc làm và đang mong muốn có một việc làm - Đã và đang tích cực tìm kiếm việc làm cũng như đang ở trong tình trạng sẵn sàng làm việc. Nếu không hội đủ những điều kiện trên thì không được xét là người thất nghiệp. Trong một nền kinh tế luôn tồn tại một mức thất nghiệp tự nhiên, mục tiêu của các chính phủ là làm sao cho mức thất nghiệp không vượt quá sự kiểm soát để tránh gây ra những tác động tiêu cực cho xã hội như tổn thất sản lượng và thu nhập; xói mòn nguồn vốn con người, gia tăng tội phạm và tệ nạn xã hội cũng như tổn thất về nhân phẩm - Sự tự tin, tự trọng của các cá nhân quá lâu không tìm được việc làm phù hợp. 


Trong một mô hình kinh tế, thu nhập và chi tiêu được luân chuyển trong các khu vực hộ gia đình (Thu chi các yếu tố đầu vào, mua sản phẩm/dịch vụ tiêu dùng, tiết kiệm sau tiêu dùng); khu vực sản xuất (Chi mua yếu tố  đầu vào, doanh thu bán hàng, vốn đầu tư); khu vực công; khu vực nước ngoài, các luồng bơm vào và các luồng rò rỉ.

GDP (Tổng sản phẩm nội địa) hay GNP (Tổng sản phẩm quốc dân) là các thước đo quen thuộc trong kinh tế vĩ mô - Có thể được tính dựa theo chi tiêu (chi tiêu công, tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu ròng); theo thu nhập (Lương, lãi, thuế, lợi nhuận, các khoản gián thu và trợ cấp) hoặc theo giá trị gia tăng (sản phẩm cuối cùng, sản phẩm trung gian) tuy nhiên kết quả luôn không đạt đến độ chính xác tuyệt đối do tồn tại các khoản giá trị không tính toán được như các hoạt động phạm pháp (buôn lậu, buôn bán hàng cấm,...), các hoạt động không đăng ký - không khai báo; các hoạt động phi thương mại (nội trợ, từ thiện, tình nguyện,...).



Khối lượng sản phẩm/dịch vụ lưu thông trong nền kinh tế chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố tiền tệ - tích sản tài chính, các sản phẩm và dịch vụ trong tương lai cũng như sản xuất ở nước ngoài. Nếu kinh tế vi mô nghiên cứu về Cung/Cầu thì kinh tế vĩ mô nghiên cứu về Tổng cung - Tổng cầu. 

Các yếu tố ảnh hưởng tới tổng cầu là lãi suất, lạm phát được dự đoán, lợi nhuận dự đoán, tỷ giá hối, đoái, khối lượng tiền tệ, sự giàu có của người dân, nhu cầu sản phẩm/dịch vụ của khu vực công, dân số, thu nhập ngoại quốc, thuế và chi chuyển nhượng. Các yếu tố ảnh hưởng tới tổng cung là nguồn nhân lực, cơ sở vật chất - kỹ thuật, vốn con người, nguồn nguyên liệu, thời tiết - khí hậu - đặc điểm tự nhiên, công nghệ, những thay đổi trong thành phần GDP thực và những yếu tố kích thích. Tổng cung ngắn hạn bị ảnh hưởng bởi lượng và giá của các yếu tố sản xuất, tổng cung dài hạn được đo lường theo các xu hướng và các hàm số sản xuất. 


Tổng chi tiêu có liên hệ mật thiết với tổng cầu và tổng cung. Tổng chi tiêu của nền kinh tế được hình thành từ các yếu tố tiêu dùng cá nhân (thu nhập khả dụng/dự đoán; khuynh hướng tiêu dùng/tiết kiệm), hoạt động đầu tư (ảnh hưởng bởi lãi suất, lạm phát/lợi nhuận dự đoán, khấu hao tài sản) và xuất khẩu ròng (ảnh hưởng bởi GDP, mức độ chuyên môn hóa của nền sản xuất toàn cầu, giá tương đối của hàng hóa trong nước so với nước ngoài và tỷ giá hối đoái)

2. Các vấn đề Tài chính - Tiền tệ

Tiền tệ là một phương tiện đóng nhiều vai trò quan trọng trong thực tế sản xuất và đời sống như làm vật trung gian trao đổi, là phương tiện thanh toán, đơn vị hạch toán, công cụ dự trữ giá trị,...với các hình thái đa dạng từ các loại hàng hóa, giấy có thể chuyển đổi, cho tới các loại tiền được đảm bảo bằng sắc lệnh hay ghi nợ. 

Khối tiền tệ cơ bản bao gồm ba thành phần (M1, M2 và M3). Trong đó, M1 gồm các loại tiền mặt lưu thông ngoài ngân hàng (Tiền giấy hay kim loại), tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi tài khoản sec (ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian tài chính). M2 gồm M1 và các khoản ký gửi ở ngân hàng thương mại và tổ chức tài chính. M3 gồm M2 và các khoản ký gửi định kỳ. Khối tiền tệ Quốc gia được kiểm soát thông qua tỷ lệ dự trữ bắt buộc, lãi suất chiết khấu và các nghiệp vụ thị trường mở (mua bán tín phiếu kho bạc, tín phiếu ngân hàng Nhà nước, chứng chỉ tiền gửi và các giấy tờ có giá trị ngắn hạn khác trên thị trường tiền tệ).


Tiền tệ được cất trữ bởi các động cơ chủ yếu là giao dịch, đầu cơ và dự phòng. Các công cụ truyền dẫn tiền tệ trong nền kinh tế là lãi suất, tác động cán cân thực/của cải/tỷ giá hối đoái. Các chính sách tiền tệ nhằm điều tiết nền kinh tế của Chính phủ luôn có độ trễ thời gian trong chi tiêu và sự điều chỉnh giá cả các loại hàng hóa.

Trong các giao dịch quốc tế, ta cần quan tâm tới tỷ giá hối đoái và các chế độ tỷ giá hối đoái (cố định, thả nổi hoặc có quản lý) do mỗi quốc gia đều có một loại nội tệ khác nhau. Việc giao dịch mua bán ở cấp độ quốc gia giữa các nước trên thế giới đã hình thành nên khái niệm về Cán cân thanh toán. Các tài khoản được tính đến trong cán cân thanh toán là Tài khoản vãng lai (xuất khẩu ròng, trả lãi ròng, các khoản chuyển nhượng ròng khác); Tài khoản vốn (các giao dịch vay mượn quốc tế) và Tài khoản bù trừ.

Trạm trung chuyển tiền tệ quen thuộc trong tất cả các nền kinh tế là các ngân hàng. Các ngân hàng thương mại có nguồn tiền được cơ cấu theo hai bộ phận - Cho vay và Dự trữ (thực tế, bắt buộc). Ngân hàng Trung ương có chức năng quản lý các ngân hàng thương mại/ các tổ chức tín dụng/ thị trường tiền tệ và thực thi các chính sách tiền tệ quốc gia (Kiểm soát lạm phát, điều hòa chu kỳ kinh tế). 

Bằng các công cụ tái cấp vốn, lãi suất, tỉ giá hối đoái, dự trữ bắt buộc, nghiệp vụ thị trường mở cùng các công cụ khác do thống đốc quyết định, ngân hàng Nhà nước chủ trì xây dựng các chính sách tiền tệ quốc gia, các kế hoạch bổ sung cho lưu thông tiền tệ hàng năm trình lên Chính phủ; điều hành các công cụ thực hiện chính sách tiền tệ, đưa tiền vào lưu thông, rút tiền ra khỏi dòng lưu thông theo tín hiệu được phê duyệt và báo cáo lên Chính phủ cùng Quốc hội các kết quả thực hiện chính sách tiền tệ Quốc gia. 

3. Lao động xã hội

Lao động (Nhân lực) là yếu tố đầu vào duy nhất có khả năng tạo ra giá trị thặng dư thông qua hoạt động sản xuất kinh doanh. Năng suất lao động, tài nguyên thiên nhiên, nguồn vốn tích lũy và các tiến bộ kỹ thuật công nghệ quyết định sự tăng trưởng kinh tế (sự khuếch trương năng lực sản xuất của nền kinh tế) - Quá trình tích lũy vốn và cải tiến/đổi mới kỹ thuật làm gia tăng năng suất lao động, kéo theo sức sản xuất tăng lên, tạo đà tăng trưởng cho nền kinh tế. Bên cạnh đó, các tác động của thiên tai, chiến tranh, rào cản thương mại, v.v...sẽ làm giảm sút năng lực sản xuất. 


Lao động là yếu tố sản xuất không thể phân chia và được trả "chi phí" bằng các suất tiền lương (danh nghĩa/thực tế). Các đối tượng không thuộc lực lượng lao động là sinh viên, học sinh, người nội trợ, người không đủ sức khỏe và các đối tượng thuộc lực lượng lao động bao gồm những người thất nghiệp tạm thời/bị sa thải/ tự xin nghỉ để tìm việc khác tốt hơn và những người đang có việc làm.

4. Tăng trưởng Kinh tế 

Những trở ngại đối với tăng trưởng kinh tế quốc gia là sự bùng nổ dân số (thường xảy ra ở các nước nghèo, các nước chậm phát triển), mức tiết kiệm thấp (vốn nhỏ thì nguồn lực cho phát triển kinh tế sẽ yếu ớt), các khoản nợ nước ngoài và vòng luẩn  quẩn của tình trạng kém phát triển. Việc kiểm soát dân số, sử dụng hiệu quả nguồn viện trợ nước ngoài, cởi bỏ bớt rào cản mậu dịch để thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy tổng cầu tương ứng với tổng cung dài hạn là các giải pháp được đưa ra nhằm vượt qua chướng ngại, dọn đường cho tăng trưởng kinh tế.

Hiện nay, các nước châu Phi được phân loại vào nhóm các nước chưa/chậm phát triển. Các nước châu Á, Trung Đông, Trung - Nam Mỹ là các nước đang phát triển. Các nước Hàn Quốc, Israel, Đài Loan là các nước công nghiệp mới. Các nước Tây Âu, Mỹ, Canada, Nhật, Úc, New Zealand là các nước công nghiệp lâu đời, ngoài ra còn có các nước dầu mỏ giàu có và các nước chuyển đổi từ mô hình kinh tế tập trung sang mô hình kinh tế thị trường. 

5. Ổn định hóa Kinh tế.

Sự ổn định luôn là yếu tố quyết định sống còn tới sự phát triển bền vững của một nền kinh tế. Mang bản chất cạnh tranh về vật chất, nền kinh tế luôn chứa đựng các mâu thuẫn quyết liệt giữa các chủ thể tham gia, do đó luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn. Nếu không có một trọng tài đứng ra phân xử và điều tiết các các mối quan hệ gay gắt đó - Giữ lấy một sự ổn định tương đối thì nền kinh tế sẽ nhanh chóng đi vào khủng hoảng. Và trong nền kinh tế của mỗi quốc gia, vai trò trọng tài này thuộc về Chính phủ và Ngân hàng Trung ương.


Bằng các chính sách tiền tệ/ thuế/ chi tiêu, dự kiến thâm hụt/thặng dư ngân sách - Ngân hàng Trung ương phối hợp với Chính phủ  thực hiện các mục tiêu kiểm soát thất nghiệp, kiểm soát lạm phát (giữ lạm phát ở mức thấp và có thể dự đoán), thúc đẩy tăng trưởng GDP thực, giữ ổn định tỷ giá hối đoái và điều chỉnh cán cân thương mại quốc tế theo chiều hướng có lợi để toàn bộ nền kinh tế luôn được giữ trong tình trạng ổn định và phát triển thuận lợi. 

Các cơ sở để đánh giá hiệu quả điều hành nền kinh tế Quốc gia của một Chính phủ bao gồm: Tỉ lệ tăng trưởng GDP/GNP; tỉ lệ lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá sản xuất, chỉ số sản xuất công nghiệp (thu hút vốn đầu tư), mức thặng dư/thâm hụt cán cân thương mại chỉ số việc làm - Với các căn cứ này, trong những năm gần đây - Ngay cả khi phải trải qua giai đoạn suy thoái kinh tế toàn cầu, chính phủ Việt Nam vẫn luôn nhận được sự đánh giá cao của giới học giả và chính phủ các nước trên thế giới.

(TG Fashion - www.tgfashionstyle.com - Hân hạnh tài trợ!)






0 comments:

Post a Comment