Xã hội là khái niệm dùng riêng cho thế giới loài người (loài vật dùng khái niệm bầy/đàn). Xã hội/nhóm xã hội được hình thành từ một tập hợp người có mối quan hệ hữu cơ với nhau về không gian sinh sống và các điều kiện vật chất/tinh thần để tồn tại - Ở đó, mọi người cộng tác, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau để cùng phát triển. Xét về quy mô, các nhóm nhỏ (số lượng thành viên ít như nhóm bạn thân, nhóm học chung, nhóm bạn cùng sở thích,...) được duy trì bởi các tiếp xúc và quan hệ cá nhân, còn các nhóm lớn (đất nước, làng, xã,...) thì phải có một hệ thống giá trị/quan niệm chung để quản lý/điều chỉnh hành vi của mỗi cá nhân trong nhóm cho phù hợp thì mới đảm bảo được sự tồn tại
Xã hội học là bộ môn khoa học xã hội nghiên cứu về xã hội và các vấn đề phát sinh trong xã hội do sự tương tác của các thành viên - Từ đó, xây dựng nền tảng và phương hướng phát huy thế mạnh chung của xã hội cũng như loại bỏ những khác biệt/mâu thuẫn/nguy cơ gây chia rẽ để mang lại lợi ích cho tất cả mọi người.
Sinh viên Nông học (cũng như các sinh viên chuyên ngành kỹ thuật khác) đều có mối quan hệ cả trực tiếp và gián tiếp với những kiến thức của các bộ môn xã hội nói chung và xã hội học nói riêng - Do mỗi chúng ta trước hết đều là những con người xã hội - có không gian sống/học tập/rèn luyện/tạo dựng sự nghiệp nằm trọn vẹn trong phạm vi của các cộng đồng người/các nhóm xã hội. Vì vậy, chúng ta rất cần những hiểu biết căn bản về Xã hội học.
1. Các khái niệm cơ bản
Xã hội được cấu thành từ các nhóm, giai cấp/tầng lớp và cộng đồng. Trong đó bao gồm các phân hệ cơ bản là nhân khẩu, nghề nghiệp, lãnh thổ, dân tộc và giai cấp xã hội. Mỗi cá nhân trong xã hội đều có một vị trí/vị thế nhất định - về tự nhiên (già/trẻ, nam/nữ, màu da,...) và xã hội (cấp bậc, chức vụ, nghề nghiệp,...). Khác với vị thế tự nhiên (hiển nhiên mà có), các vị thế xã hội đòi hỏi người mong muốn nắm giữ phải đảm nhiệm được các vai trò tương ứng với xã hội (về chuẩn mực hành vi/nghĩa vụ) trước khi được thụ hưởng các quyền lợi từ vị thế đó.
Những người có cùng một điều kiện về tài sản/thu nhập, trình độ học vấn/văn hóa, địa vị/vai trò/uy tín xã hội thì lập thành một tầng lớp xã hội riêng. Sự phân tầng xã hội có thể xem xét dưới nhiều góc độ như có chung địa vị kinh tế/chính trị/xã hội; có chung nghề nghiệp, học vấn, kiểu nhà ở, nơi cư trú, phong cách sinh hoạt/ứng xử hay thị hiếu nghệ thuật, v.v...Các cá nhân có chung điều kiện tồn tại (quan điểm sống, tín ngưỡng, giá trị, lợi ích, truyền thống, lịch sử, phong tục tập quán) thì lập thành một cộng đồng.
Thông qua nhu cầu và kế hoạch sống đặc trưng, các chủ thể xã hội (cá nhân, dân tộc, giai cấp, tầng lớp,...) hình thành nên các lối sống khác biệt về mức sống và chất lượng sống. Tuy nhiên, lối sống nào cũng phải hài hòa với hệ giá trị chung được tất cả các thành viên trong xã hội coi là tốt đẹp và tự nguyện/bắt buộc tuân thủ. Những giá trị đó hình thành nên những hệ thống tương tác biểu trưng, những chuẩn mực được thừa nhận - Làm quy tắc sống, ứng xử và nhắc nhớ các cá nhân phải dựa vào đó mà suy nghĩ, phán đoán, ứng xử cho phù hợp, góp phần gìn giữ những giá trị tốt đẹp và sự bền vững của xã hội. Nếu một xã hội không có hệ thống chuẩn mực đúng đắn để đi theo hoặc hệ giá trị xã hội đúng đắn bị làm cho lệch lạc thì sự bất ổn, xung đột, suy thoái, đổ vỡ sẽ xảy ra.
Xã hội hóa là một quá trình biến đổi một cá nhân mới trở thành một thành viên của xã hội. Trong quá trình đó, sự tiếp diễn văn hóa sẽ diễn ra qua các hoạt động giao tiếp, học hỏi, cùng chung sống,...để mỗi người từng bước hiểu và hòa nhập vào xã hội mới, thích ứng, tương tác, tuân thủ các giá trị chung. Dần học hỏi, hoàn thiện mình để có những đóng góp tích cực cho xã hội. Tất cả các yếu tố từ gia đình, nhà trường, các phương tiện thông tin đại chúng, giai cấp, chủng tộc, dân tộc, văn hóa, công nghệ, các nhóm bạn cùng tuổi tác/địa vị/nghề nghiệp/nơi làm việc, v.v...đều có ảnh hưởng tới quá trình xã hội hóa của một cá nhân.
2. Xã hội
Một xã hội được cấu thành từ nhiều thiết chế xã hội.
Thiết chế xã hội là cấu trúc có chức năng quản lý và kiểm soát xã hội thông qua các công cụ thưởng/phạt thích hợp với mỗi hành vi của cá nhân thành viên. Các thiết chế quen thuộc trong một xã hội là thiết chế chính trị/ pháp luật/ kinh tế/ gia đình/ giáo dục/ văn hóa,...Xu hướng của các thiết chế là bảo thủ và rất kém nhạy cảm do chức năng của thiết chế là giữ gìn sự bền vững, ổn định lâu dài cho hoạt động vận hành xã hội.
Đặc trưng của xã hội được hình thành từ đặc trưng của các thiết chế cấu thành. Như đặc trưng của xã hội phương Tây là chủ nghĩa cá nhân, tinh thần trọng động - Đặc trưng của xã hội phương Đông là tính cộng đồng, tinh thần trọng tĩnh - Nguyên nhân có thể tìm thấy từ các thiết chế cấu thành nên mỗi xã hội. Như trong thiết chế gia đình - phương Tây tổ chức gia đình ở mức quy mô nhỏ (số lượng thành viên ít - hai thế hệ cùng chung sống), lỏng lẻo/rời rạc, không gắn bó, không có thứ bậc (do thành viên trong gia đình tôn thờ cái tôi và nếp sống/sở thích cá nhân của riêng mình), trong khi gia đình phương Đông lại có quy mô lớn (nhiều thế hệ cùng chung sống - tam/tứ/... đại đồng đường), chặt chẽ/ bền vững/ gắn bó (do các thành viên có xu hướng hy sinh cái tôi/sở thích cá nhân/...để nhường nhịn lẫn nhau vì coi trọng sự hòa hợp).
Giáo dục phương Tây trọng động, khuyến khích các hoạt động về cơ bắp, thể lực mạnh mẽ, dồn dập, thậm chí đến cả các hình thức vận động trí não (các trò chơi chiến lược, chiến thuật, phối hợp trên máy tính) cũng phải làm cho cho hệ thần kinh phải vận động căng thẳng, liên tục không ngừng thì mới gọi là tốt! - Trong khi giáo dục phương Đông trọng tĩnh lại coi trọng các phương pháp luyện tập giúp đạt được trạng thái an tĩnh nội tâm để phát huy năng lực trí não và khả năng kiểm soát cảm xúc cá nhân.
Và mặc dù chứa đựng khuynh hướng bảo thủ nặng nề, các thiết chế vẫn bị biến đổi dần qua thời gian đúng theo theo quy luật vô thường để tự hoàn thiện mình - Ngày nay, các quá trình giao lưu, học hỏi, trao đổi tri thức/tư tưởng giữa các nền văn hóa khác nhau được sự hỗ trợ mạnh mẽ của công nghệ/kỹ thuật, đã thúc đẩy sự biến đổi ấy diễn ra theo một tốc độ nhanh chưa từng thấy.
Dễ nhận ra nhất là sự biến đổi trong các thiết chế gia đình và giáo dục giữa hai nửa Đông - Tây địa cầu. Trong khi thiết chế gia đình phương Đông đang có xu hướng ngày càng nhỏ lại - ngày càng tan rã nhanh hơn (ly hôn, đổ vỡ) do ảnh hưởng từ tư tưởng tự do, phóng khoáng, nếp sống hưởng thụ và chủ nghĩa cá nhân của xã hội phương Tây - Một bộ phận cha mẹ phương Đông có tư tưởng ưa thích đưa con vào các trường quốc tế để được tiếp nhận nền giáo dục phương Tây - Thì ở các xã hội phương Tây lại đang bắt đầu xuất hiện các bộ phim ca ngợi tình cảm gia đình (anh em hy sinh cho nhau, cha mẹ hy sinh cho con cái) theo tinh thần phương Đông. Nước Mỹ và nhiều nước Tây Âu lại đổ xô đưa thiền học Phật giáo vào áp dụng trong nhiều trường học, đại học, công sở, công ty, bệnh viện, trại giam, các tổ chức xã hội, v.v... - Nổi bật trong số đó là sự kiện tập đoàn Google mời một thiền sư người Việt Nam (Hòa thượng Thích Nhất Hạnh) đến giảng dạy về thiền cho lãnh đạo và nhân viên của hãng ngay tại trụ sở chính - Rất tự vào nhưng nhiều trăn trở. Mải chạy theo tư tưởng và lối sống phương Tây - Xã hội phương Đông mà trong đó có Việt Nam ta liệu có đang chọn đúng con đường?
3. Văn Minh - Văn hóa - Sự xung đột
Văn minh thiên về trình độ phát triển đạt tới đỉnh cao của cộng đồng về mặt vật chất (các kỹ thuật, máy móc, công nghệ sản xuất, v.v...) - Những thành tựu tiến bộ khoa học, kỹ thuật này được thừa nhận rộng rãi (tùy ý/không giới hạn phạm vi địa lý) hoàn toàn tùy thuộc vào khả năng lan tỏa, sức thuyết phục và tính hiệu quả về giá trị vật chất mà nó mang lại.
Văn hóa thiên về các giá trị xã hội (quan điểm sống, cách thức vận hành/tổ chức cuộc sống) - các giá trị tinh thần sâu xa được hình thành trong các cộng đồng người qua quá trình tương tác lâu dài - Tính chất đặc trưng là đa dạng (trái với tính phổ quát của văn minh).
Văn hóa bao gồm nhiều khía cạnh như ngôn ngữ, lý tưởng, giá trị hiện thực, giá trị trung tâm/cục bộ, các quy tắc, chuẩn mực nhân văn (điều chỉnh mối quan hệ giữa các cá nhân) hay pháp lý (điều tiết mối quan hệ của các nhóm người/quốc gia/dân tộc); các giá trị biểu tượng (vật tượng trưng nghĩa đen/nghĩa bóng, trực quan/cảm tính) để khởi đầu các tư duy lý tính,...
Văn hóa được chia làm nhiều loại như văn hóa phi vật thể (các ý tưởng, ngôn ngữ, giá trị, niềm tin, hành vi, thiết chế xã hội), văn hóa vật thể, văn hóa cao cấp/đại chúng. Văn hóa rất đa dạng và phần lớn có sự khác biệt rất sâu sắc giữa các cộng đồng người/nhóm xã hội khác nhau. Mà đặc điểm tâm lý của con người là luôn có xu hướng bài trừ những gì không giống/không hợp với mình - Do đó, khi di chuyển từ cộng đồng này sang cộng đồng khác, các cá nhân luôn phải đối mặt với nguy cơ "Sốc văn hóa" rất lớn.
Khi sự khác biệt về văn hóa/lối sống/tư tưởng đưa tới sự bất đồng về lợi ích/giá trị/nhu cầu/quyền lực bị đẩy lên đỉnh điểm, các xung đột xã hội sẽ bắt đầu bùng vỡ dưới nhiều hình thức như xung đột giữa các cá nhân, giữa cá nhân với tập thể, giữa các nhóm xã hội/các sắc tộc/các quốc gia hay trong nội bộ tổ chức, v.v... Và dù tích cực hay tiêu cực, chủ động hay bị động, trực tiếp hay gián tiếp, các xung đột đều gây ra nguy cơ xáo trộn, bất ổn, thậm chí đổ vỡ cho xã hội. Do đó, mỗi cá nhân trong xã hội đều cần có thái độ bình tĩnh, ôn hòa cùng tinh thần sẵn sàng chia sẻ và thấu hiểu để tránh những tổn hại chung cho bản thân và toàn xã hội.
0 comments:
Post a Comment