Văn hóa là một hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần được cộng đồng cùng nhau sáng tạo ra trong quá trình lâu dài chung sống (truyền tiếp qua các thế hệ). Văn hóa Việt Nam được xây dựng dựa trên quan điểm nhân sinh, đạo đức, thẩm mỹ - giáo dục của người Việt Nam qua quá trình phát triển lâu dài của lịch sử.
Theo tính chất mối quan hệ cộng đồng thì chia ra làm văn hóa dân gian và văn hóa chính thống - Theo địa bàn cư trú thì chia ra làm văn hóa biển, đồng bằng và vùng núi.
Theo tính chất mối quan hệ cộng đồng thì chia ra làm văn hóa dân gian và văn hóa chính thống - Theo địa bàn cư trú thì chia ra làm văn hóa biển, đồng bằng và vùng núi.
Lãnh thổ Việt Nam nằm trong khu vực khí hậu nhiệt đới gió mùa - Nóng ẩm, mưa nhiều, thiên nhiên quanh năm tươi tốt, thuận lợi cho phát triển nông nghiệp. Mặt khác lại nhiều thiên tai, bão lũ, do đó, cộng đồng nông nghiệp hình thành các tín ngưỡng tâm linh thờ cúng thiên nhiên (hình tượng hóa thành các vị thần sông núi, non nước, v.v...).
Tổ tiên ta xuất phát từ nguồn gốc nông nghiệp - đời sống cố định ở một nơi và phụ thuộc chặt chẽ vào thiên nhiên (khác với người Trung Quốc và người phương Tây có xuất thân du mục, đời sống nay đây mai đó không cố định). Nên người Việt Nam ta rất trọng tình làng xóm - họ tộc - Coi trọng sự bình đẳng (thậm chí là "cà bằng"), dân chủ - nhưng đề cao tập thể/ cộng đồng (trọng đức, trọng văn, trọng phụ nữ - theo chế độ mẫu hệ và lưu truyền tập tục thờ mẫu từ thói quen tôn thờ mẹ Âu Cơ).
Nổi bật về lối tư duy biện chứng (tư duy hệ thống - coi trọng sự tương quan trong các mối quan hệ) - hình thành nên bản năng thích nghi và linh hoạt theo hoàn cảnh/điều kiện môi trường sống cho người Việt.
Về vị trí địa lý, so với các khu vực khác trên thế giới, đất nước ta nằm trên giao điểm của nhiều nền văn minh và văn hóa lớn khác nhau (phía bắc giao lưu với Trung Quốc, phía đông giao lưu với Ấn Độ, với nam giao lưu với khu vực Đông Nam Á, phía Tây giao lưu với các nước châu Mỹ và gián tiếp với các nước châu Âu qua đường biển. ) - Do vị trí địa chính trị quan trọng như vậy nên trong suốt chiều dài lịch sử, nước ta luôn phải đối đầu với chiến tranh xâm lược do nằm trong tham muốn chính trị của nhiều cường quốc.
(*)
Từ sự gặp gỡ và kết duyên của cha Rồng (Lạc Long Quân) từ phương Bắc (Động Đình Hồ) với mẹ Tiên (Âu Cơ) ở phương nam (vùng núi Bắc Ninh) - sinh ra trăm người con (con số hình tượng), một nửa theo cha xuống biển (vùng đồng bằng) lập nên nhà nước đầu tiên của dân tộc Việt Nam - Nhà nước Văn Lang. Một nửa ở lại non cao cùng mẹ, lập nên một nhà nước mà sau này do người em là Thục Phán quản lý, sau khi xuống miền biển được người anh (Vua Hùng Vương thứ 18) truyền ngôi cho và hợp nhất hai đất nước làm một - Nhà nước Âu Lạc (Đặt họ mẹ trước họ cha: Âu Cơ - Lạc Long Quân - Do người Việt cổ theo chế độ Mẫu hệ.) - Giữ lời thề muôn đời bảo vệ đất nước với người anh là các Vua Hùng (Tảng Đá Thề còn lưu lại ở đền Hùng - Phú Thọ).
Kể từ đó đến nay - Không kể Việt/ Mường hay Môn/ Khmer, không kể Tày/ Thái, Mèo/Dao hay Chàm - Không kể miền biển, đồng bằng hay non cao - tất cả các dân tộc anh em (54 dân tộc anh em) cùng chung sống trong một Nhà nước thống nhất.
"...Một - Xin rửa sạch nước thù
Hai - Xin nối lại nghiệp xưa họ Hùng..."
(Trưng Nữ Vương)
Sau thất thủ của tổ tiên trên non cao (Thục Phán), để đất nước rơi vào ách đô hộ của phương Bắc, các thế hệ người Âu Lạc xưa từ Bà Trưng, Bà Triệu, Lý Bí, Ngô Quyền, v.v... cho tới tận thế hệ người Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh ngày nay vẫn nối tiếp nhau không ngừng chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc - Đất nước mà các Vua Hùng đã dày công dựng lập - Cùng nhau gìn giữ mạch máu Tiên Rồng trước mọi thế lực ngoại bang xâm lược.
(*)
Theo dòng thời gian, tiến trình văn hóa của đất nước ta trải qua sáu giai đoạn: Tiền sử, Văn Lang - Âu Lạc, Bắc thuộc & Chống Bắc thuộc, Đại Việt, Đại Nam, Hiện đại (Việt Nam).
Thời đại Văn Lang - Âu Lạc diễn ra là thời thượng cổ (khoảng 2500 năm TCN). Các di tích lịch sử thu được ở Sũng Sàm, Tràng Kênh, Gò Bông, Đồng Đậu, Gò Mun,...Thành tựu đạt được là kỹ thuật trồng lúa nước/ thuần hóa gia súc/ làm nhà sàn/ chữa bệnh bằng thảo dược/ luyện kim - đúc đồng, văn hóa làm đồ gốm, nghề tằm tang (trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải, may mặc), văn hóa thưởng trà, bước đầu tiếp xúc với tư tưởng đạo Phật nguyên thủy đến từ Ấn Độ (vợ chồng công chúa Tiên Dung - Chử Đồng Tử là hai người Phật tử đầu tiên được ghi lại theo sử sách.).
Trình độ Văn minh của thời đại Hùng Vương ghi dấu lại trên các hiện vật Trống Đồng tìm được ấn tượng tới nỗi những nhà nghiên cứu phương Tây lúc đầu không thể tin một sản phẩm quá sức hoành tráng và tinh tế như vậy lại có thể ra đời từ tổ tiên "sơ khai" của một dân tộc "nhỏ và nghèo" như Việt Nam - Họ ra sức tìm kiếm các bằng chứng để chứng minh Trống Đồng xuất phát từ Trung Quốc hoặc phương Tây nhưng không không hề tìm thấy. Cuối cùng đành công nhận, Trống Đồng là một sản phẩm của nền Văn minh Văn Lang - Âu Lạc (Việt Nam). Trống đồng có đủ mọi kích thước lớn nhỏ, họa tiết sắc xảo, âm thanh kỳ ảo - người nam đánh ra tiếng khác/người nữ đánh ra tiếng khác rất kỳ lạ. Với tất cả những thành tựu to lớn như vậy, nhà dân tộc học người Nga D.V.Deopik (1977) đã nói: "Thế kỷ V TCN (500 năm TCN) là thế kỷ của Phương Nam".
(*)
Sau khi Âu Lạc thất thủ - Nguyên nhân từ việc chủ quan - Mất cảnh giác của Thục Phán (An Dương Vương) để bị lừa đau đớn bởi khổ nhục kế của Triệu Đà phương Bắc (Triệu Đà dùng con trai mình là Trọng Thủy để lợi dụng tình cảm của công chúc Mị Châu - Đánh cắp và phá hoại bí mật quân sự của Âu Lạc, đồng thời trừ khử "Trung thần hộ quốc" của Âu Lạc là Cao Lỗ (người chế ra nỏ thần) để dọn đường tiến quân thôn tính nước ta.)
Hơn 1000 năm sau, thành Cổ Loa do Thục Phán - An Dương Vương xây dựng đã được chủ tướng Ngô Quyền chọn làm nơi đóng đô (939) - Mở ra triều đại mới, sau khi đánh tan quân xâm lược Nam Hán. Năm 1962, Nhà nước ta đã đưa thành Cổ Loa (Đông Anh, ngoại thành Hà Nội) vào danh sách di sản văn hóa quốc gia.
Trong 1000 năm Bắc thuộc, người phương Bắc đã ra sức tàn phá đất nước, cướp bóc tài sản, vơ vét các thành tựu tri thức của người phương Nam đem về phương Bắc nghiên cứu - chế biến - rồi lấy làm của riêng (như những hiểu biết về triết lý âm dương, tam tài - Thiên/ Địa/ Nhân, ngũ hành, hình tượng rồng, v.v...) - Đồng thời áp dụng song song hai chính sách là Ngu dân (chỉ cho một số ít người được tiếp cận với tài liệu học hành) và Đồng hóa văn hóa (áp đặt các phong tục ma chay/ cưới hỏi/ học hành/ trang phục/ tóc tai, v.v... theo lối phương Bắc, như bắt phụ nữ phương Nam mặc quần giống phụ nữ du mục sống trên lưng ngựa ở phương Bắc - trong khi phụ nữ phương nam nóng nực từ xưa đã quen mặc váy, v.v...).
Do đó, trong suốt thời kỳ bắc thuộc, những ngôi chùa Phật giáo đã trở thành nơi bí mật nuôi dưỡng, gìn giữ bản sắc cho dòng máu Lạc Hồng trước những nỗ lực đồng hóa quyết liệt của ngoại bang phương Bắc - Các sư thầy Phật giáo không những dạy học cho người dân và con cái họ mà còn chăm sóc thuốc thang, lo lắng sức khỏe cho cả cộng đồng - Cung cấp những tri thức/hiểu biết hữu ích trong đời sống cho số đông quần chúng - Cưu mang, giúp đỡ những người đói khổ (tư tưởng "ăn của chùa" hình thành từ đây). Danh y Tuệ Tĩnh của nước ta với câu nói nổi tiếng "Nam dược trị nam nhân" cũng là một người ở trong chùa từ nhỏ, lớn lên đi tu (Tuệ Tĩnh là pháp danh) và mặc dù đỗ đạt nhiều nhưng vẫn chọn ở trong chùa tu hành và làm nghề thuốc chăm lo cho nhân dân - Đồng hành cùng dân tộc ta trong suốt chiều dài lịch sử - Lên cùng lên (Triệu, Đinh, Lý, Trần, Hồ Chí Minh) - Xuống cùng xuống (Bắc Thuộc, Pháp - Mỹ đô hộ) - Tư tưởng đạo Phật đã hòa quyện và thấm sâu vào tiềm thức của người dân Việt Nam - Tư duy nhân quả, nghiệp báo, phước đức, v.v.. của đạo Phật được tìm thấy trong vô số các sáng tác dân gian từ truyện cổ tích, thần thoại, ca dao, dân ca, đồng dao, cho tới nhiều tác phẩm thơ văn và nghị luận xã hội từ cổ chí kim.
Một số lượng không kể xiết những dấu tích/công trình Phật giáo lớn nhỏ ở khắp mọi miền Đất nước đã thể hiện rõ nét sự đồng hành - che chở, an ủi của mái chùa cho nỗi lòng và số phận của người dân đất Việt trước những thăng trầm thế cuộc.
Đã từ bao đời nay, dù ở trong nước hay ngoài nước, ở đâu có người dân nước Việt thì ở đó có chùa. Nhà nước chưa kịp phục dựng hoặc xây dựng thì người dân tự nhau chung sức dựng lên.
"Chuông vẳng nơi nao nhớ lạ lùng...Ra đi ai chẳng nhớ chùa chung
Mái chùa che chở hồn dân tộc - Nếp sống muôn đời của tổ tông ..."
(*)
Lớp văn hóa bản địa được hình thành trong thời thượng cổ khiến nhân dân ta mang những nét đặc trưng về bản tính là thuần hậu, hiền lành, uống nước nhớ nguồn (tục lệ thờ cúng ông bà tổ tiên), yêu thiên nhiên - sống hòa hợp với thiên nhiên - thuận theo thiên nhiên. Ước vọng sống ổn định, hòa bình mãnh liệt nên không tham lam - không ham thích chiến tranh (Tuy trải qua chiến tranh ác liệt và dai dẳng hàng đầu thế giới nhưng trong kho tàng văn hóa của nhân dân ta không hề có những trường ca/ tác phẩm nghệ thuật lớn về chiến tranh!) Yêu quê hương, gắn bó với quê hương - kiên quyết bảo tồn những giá trị truyền thống tổ tiên để lại chứ không khuất phục theo sự cưỡng ép của ngoại bang.
Không những tùy thuận được tất cả các đặc trưng đó của người Việt Nam mà còn cung cấp một kho tàng mênh mông những tư tưởng/ tri thức/ kiến thức/ phương pháp thực hành, rèn luyện - Có khả năng làm thăng hoa - phát triển lên tới đỉnh cao những giá trị tinh thần quý giá đó (Đạt đỉnh cao trong thời đại Lý - Trần) nên suốt thời kỳ Bắc thuộc, nhân dân ta đã không có bất cứ một sự chống cự nào mà vô cùng nhanh chóng tiếp nhận và phát huy mạnh mẽ giáo lý nhà Phật trên khắp cả nước.
Sau khi dành được độc lập trước phong kiến phương Bắc, các triều đại phong kiến nước ta từ thời Lý, Trần, Lê mới bước đầu áp dụng các tư tưởng trị nước an dân của phương Bắc (Nho, Lão) vào kết hợp với đạo Phật để xây dựng đất nước - Tam giáo đồng quy. Vào thời Nguyễn, theo các đoàn tàu buôn của người Pháp, các giáo sĩ Kito bắt đầu xuất hiện ở nước ta và rất tích cực truyền đạo - chuẩn bị một hệ tư tưởng mới trước khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược - bắt đầu thời kỳ đô hộ nước ta.
Như vậy, xét về cấu trúc phân lớp - Lộ trình giao lưu văn hóa của nước ta xuất phát từ lớp văn hóa bản địa (có nhiều nét tương đồng với văn hóa của các dân tộc Đông Nam Á) đã diễn ra tuần tự như sau:
1. Thời Văn Lang (TCN): Tiếp nhận tư tưởng của đạo Phật nguyên thủy (truyền trực tiếp qua các đoàn buôn Ấn Độ).
2. Thời Lý (Thế kỷ 11) Bắt đầu chấp nhận và áp dụng các tư tưởng triết học của Trung Hoa (Nho, Lão, Phật giáo Bắc Tông)
3. Thời Nguyễn (thế kỷ 17, 18): Tiếp nhận văn hóa phương Tây (Đạo Kito và lối sống/ tư duy tư bản)
4. Thời đại Hồ Chí Minh (Thế kỷ 20, 21): Tiếp nhận chủ nghĩa Mac-Lê Nin bằng tư tưởng Hồ Chí Minh. Đem Tinh thần Vô sản và Chủ nghĩa Xã hội đặt vào trong vào thế trận "Lòng dân" - Tinh thần yêu nước của dân tộc Việt Nam và tình anh em Lạc Hồng chung dòng máu cha Rồng, mẹ Tiên - Cùng chung sức gìn giữ quê hương (không phân chia giai cấp.)
(***)
I. Văn hóa Nhận thức của người Việt
Qua quá trình lâu dài quan sát đời sống, người Việt nhận thấy rằng trong thiên nhiên luôn tồn tại những cặp đối lập như ngày đêm, đẹp xấu, thiện ác, cao thấp, ngắn dài, nóng lạnh, mưa hạn, v.v...nên ông cha ta đã khái quát lên thành triết lý Âm - Dương để giải thích cấu trúc tạo lập và vận hành thế giới với hai quy luật cơ bản là Âm/Dương mang tính tương đối (đan xen trong mọi vật) và Âm/Dương chuyển hóa lẫn nhau. Đời sống phụ thuộc thiên nhiên (Trời - Đất) cùng sự sinh sôi nảy nở của con người là sự kết hợp của Mẹ/Cha khiến người dân ta hình thành khái niệm Cha Trời - Mẹ Đất.
Do tư tưởng như vậy nên quan niệm của người Việt mang tính lưỡng phân - lưỡng hợp (nhị nguyên). Biểu hiện qua các cặp đối lập kết hợp một cách hài hòa, như quan niệm Tổ quốc là Đất Nước - một khối âm dương hòa hợp; hình tượng Vuông-Tròn thể hiện sự hoàn hảo trên các trống đồng; lối sống đặc trưng là quân bình, hòa hợp (Thích nghi, linh hoạt, lạc quan trong mọi hoàn cảnh.)
Từ nguồn gốc Triết lý Âm - Dương, Ngũ Hành (Kin - Mộc - Thủy - Hỏa Thổ) - Người Việt ưa thích số lẻ nên phát triển thành thuyết Tam Tài (Thiên - Địa - Nhân); còn người Trung Hoa ưa số chẵn nên sau khi "du nhập" từ phương nam về thì phát triển thành các thuyết Lưỡng nghi - Tứ tượng - Bát quái.
Các dấu vết của thuyết Tam tài và Ngũ Hành trong văn hóa Việt tiêu biểu như - người Việt cho rằng có năm (5) phương trời (Ngũ phương chi thần), có chín (9) hướng trong không gian (9 phương trời - 10 phương đất), bộ ba (3) động vật tiêu biểu (Chim, Rồng, Rùa) - Nước ta nằm ở phương Nam, mà chim thì có thiên hướng bay về phương Nam nên chim Hồng Bàng (một loài sếu lớn) được xem là biểu tượng cho văn hóa Việt thời đại Văn Lang (các họa tiết trống đồng và vật dụng trang sức bằng lông chim). Rồng là biểu tượng kết hợp từ Rắn & Cá sấu - Tượng trưng cho sự cao quý, hiền lành, linh hoạt (ở trong nước nhưng có thể bay lên trời và phun ra lửa!). Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng, trong văn hóa cổ xưa: Rồng là đại diện cho phương Nam; Rùa là đại diện cho phương Bắc và Hổ là đại hiện cho phương Tây.
II. Văn hóa Tổ chức của người Việt
Nông thôn Việt Nam được tổ chức từ đơn vị cơ bản là Gia đình - Từ Gia đình phát triển thành Gia tộc với những khái niệm đặc trưng là trưởng họ/trưởng tộc, nhà thờ họ, từ đường, gia phả, ruộng kỵ, giỗ họ/ giỗ tổ,...mang đặc tính tôn ti, gia trưởng, tư hữu (tiêu cực xuống thành tư tưởng ích kỷ, bè phái, cục bộ). Văn hóa "Làng" nổi bật bởi tính cộng đồng, tự cấp, tự túc, tinh thần tự trị (Phép vua thua lệ làng) - với biểu tượng lũy tre làng "bất khả xâm phạm" (đốt không cháy, trèo không qua, đào hầm không được!). Bố trí sản xuất ở nông thôn thường theo cấu trúc mỗi làng chuyên sản xuất một nghề hoặc một số ít cá nhân buôn bán/làm nghề đứng ra tổ chức thành các Phường - Hội với các ngành nghề chủ yếu là xây cất, chài lưới, dệt vải, làm nón, làm giấy, nghề mộc, thợ tiện, đúc đồng. Nguồn gốc của làng - xóm là các công xã thị tộc (các thành viên có quan hệ máu mủ với nhau) - Phát triển thành công xã nông thôn (ngoài quan hệ máu mủ còn có quan hệ sản xuất) với nền tảng là sinh đẻ nhiều (gia tăng lực lượng sản xuất) và đổi "công" cho nhau - Tư tưởng phổ biến là bán anh em xa mua láng giềng gần. Tuy nhiên, do hoạt động tập thể không có sự phân chia trách nhiệm cá nhân nên đã tạo điều kiện làm sản sinh ra các nếp nghĩ tiêu cực trong nông thôn Việt Nam như thói dựa dẫm, ỷ lại, đố kỵ, cào bằng, v.v...
Về sau này, theo hành trình nam tiến, do phải thích nghi với đời sống thiên nhiên bấp bênh, nhiều thử thách, những người khai hoang lập ấp tại các làng nam bộ đã tổ chức nông thông một cách cởi mở hơn, linh động về thành phần dân cư trong các thôn ấp (làng mạc), đồng thời lựa chọn địa thế mở làng lập ấp ưu tiên thuận tiện cho giao thương trao đổi hành hóa (nhất cận thị, nhị cận lân, tam cận giang, tứ cận lộ, ngũ cận điền) thay vì đời sống tự cấp tự túc - khép kín, đóng chặt trong các lũy tre làng như cha ông xưa ở phía Bắc.
Khác với tổ chức quốc gia ở các nước phương Bắc cùng thời đại, tổ chức quốc gia của nước ta có tính dân chủ rất cao. Đặc trưng bởi các hội đồng già làng, song hành hai hệ thống quy tắc ứng xử là luật lệ (của làng) và luật pháp (của nước) - trong đó, công nhận quyền bình đẳng nam nữ, thậm chí còn cấp cho phụ nữ cả quyền được ly hôn!
Quan lại phục vụ Nhà nước phải thông qua thi tuyển công khai chứ không tùy ý người có quyền bổ nhiệm theo ý riêng. Các tầng lớp trong xã hội theo thứ tự được ưu tiên là Sĩ - Nông - Công - Thương.
Bên cạnh các đô thị cổ nổi tiếng do nhà nước lập ra như Văn Lang, Cổ Loa, Luy Lâu, Thăng Long, Phú Xuân,...là các đô thị tự phát ở những nơi giao thông thuận lợi để phục vụ hoạt động thương mại do người dân lập nên như Vĩnh Bình (Lạng Sơn), Vân Đồn (Quảng Ninh), Phố Hiến (Hưng Yên), Hội An (Quảng Nam). Thông thường, các làng cũng kiêm nhiệm luôn chức năng tổ chức đời sống và chức năng kinh tế (như các làng Bát Tràng, Đại Bái, Bưởi, Nhị Khê, Phù Lưu, Đa Ngưu, ....), một số ít người hành nghề trung gian buôn bán đứng ra lập thành Phường/Hội, ở trong các đô thị thì vẫn bị đời sống nông thôn ảnh hưởng rất nhiều và phải gánh chịu các phản ứng tiêu cực của xã hội do tư tưởng trọng nông - ức thương.
III. Văn hóa trong đời sống cá nhân
Trong hôn nhân, người Việt coi trọng sự môn đăng hộ đối - khả năng sinh sản - khả năng chăm sóc gia đình và tạo ra của cải vật chất. Ưu tiên lấy người cùng làng và các thế kỷ về sau (sau khi "nhiễm" thêm văn hóa Trung Hoa) thì rất coi trọng việc xem tuổi.
Người Việt thích đi thăm viếng nhau để thể hiện tình cảm/tình nghĩa dành cho nhau nhằm thắt chặt các mối quan hệ - Rất hiếu khách nhưng lại rất nhút nhát (trong môi trường quen thì cởi mở nhiệt tình, trong môi trường lạ thì e dè, khép nép) do bị ảnh hưởng bởi môi trường sống (sống trong các làng biệt lập, khép kín, chỉ quen tiếp xúc với những người thân quen.) - Tò mò mọi chi tiết, kể cả đời sống cá nhân của đối tượng giao tiếp. Trọng sĩ diện nên sợ dư luận và gần như sống tuyệt đối theo dư luận của những người xung quanh.
Người Việt rất hay cười và chào hỏi để tạo không khí vui vẻ, hòa thuận - Ưa tế nhị, ý tứ nên không bao giờ đi thẳng vào vấn đề mà nói chuyện thường vòng vo, loanh quanh. Đặc biệt, trong văn hóa giao tiếp, người Việt có một hệ thống đại từ nhân xưng độc đáo bậc nhất thế giới - Vừa thể hiện được tính thân thiện, gần gũi (tính chất gia đình), vừa mô tả được tính tôn ti, trật tự trong nếp sống mà không một nền văn hóa nào khác có thể đạt được.
IV. Văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên
Ẩm thực Việt Nam mang tinh thần tận dụng thiên nhiên triệt để - Từ các sản phẩm thực vật của nền nông nghiệp lúa nước (lúa gạo, rau củ, rau gia vị - mùa nào thức nấy, cùng phương pháp chế biến khác nhau tạo thành đủ loại đồ uống, trà, thuốc, v.v..), tới các loại thủy sản (nổi tiếng có các loại mắm), gia súc, gia cầm.
Tư duy tổng hợp (biện chứng - hệ thống) dựa trên âm dương, ngũ hành của văn minh Việt cổ thể hiện trong văn hóa ẩm thực Việt Nam rất rõ nét như: về chất phải đảm bảo đủ ngũ chất (bột, nước, khoáng, đạm, béo), hương vị phải hòa quyện - độc đáo, đủ ngũ vị (chua, cay, mặn, ngọt, đắng), bày biện phải hòa hợp ngũ sắc (trắng, xanh, vàng, đỏ, đen) sao cho đẹp mắt, thơm mũi, vui tai (khi nhai phát ra tiếng rồm rộp, sần sật, v.v...), xúc giác được huy động thích hợp (cầm, gặm, xé,...). Trong bữa ăn phải tổng hợp nhiều món cơm, canh, rau/dưa, cá/thịt (xào, nấu, luộc, kho, v.v...) để đánh thức vị giác - Bữa ăn hoàn hảo nhất khi đảm bảo được các yếu tố trên trong thời tiết hài hòa và bạn bè cùng chia sẻ.
Tất cả mọi người cùng dùng chung một chén nước chấm (thể hiện tính cộng đồng) - Ăn với lượng và tốc độ vừa phải (thể hiện sự quân bình và mực thước), đôi khi phải chừa lại tí xíu để thể hiện sự dư giả! Dùng đũa để gắp (thể hiện sự linh hoạt của công cụ và sự khéo léo của bàn tay) - Kiêng kỵ bày dao/nĩa trên bàn ăn vì chúng tượng trưng cho các loại vũ khí sát thương, không phù hợp với không khí ấm áp, thân tình cần có trong các bữa ăn (khác hẳn với văn hóa ẩm thực phương Tây).
Ngày nay, rất nhiều đầu bếp nổi tiếng khắp trong và ngoài nước hết sức bất ngờ, thán phục và say mê nghiên cứu, tìm hiểu, thực hành các tri thức/kiến thức trong nghệ thuật ẩm thực Việt Nam - Một nền ẩm thực giàu có - Đầy bản sắc. Vừa tạo sự tò mò, ham thích, hấp dẫn - Vừa ngon miệng - Vừa có lợi cho sức khỏe.
(*)
Ngày nay, dệt may Việt Nam nắm giữ vị trí thấp kém nhất trong chuỗi giá trị dệt may toàn cầu (công đoạn gia công), nhưng lịch sử đã ghi dấu rất nhiều thành tựu trong lĩnh vực vải vóc, may mặc của người Việt. Các chất liệu may mặc trong văn hóa Việt Nam rất phong phú, đa dạng, độc đáo như tơ tằm (tơ, lụa, tượt, là, gấm, vóc, nhiễu, the, đoạn, lĩnh, đũi, địa, nái, sổi, thao, vân, v.v...), tơ chuối, tơ đay, tơ gai, sợi bông (du nhập sang Trung Quốc vào thế kỷ 10, 11).
Trang phục (Đồ mặc trên, đồ mặc dưới, đồ đội đầu/ đi chân/ trang sức) được cấu trúc (cắt may) và sử dụng chất liệu sao cho phù hợp với từng kiểu thời tiết/ thao tác công việc, theo giới tính nam/nữ, trong từng bối cảnh lao động/lễ hội. Trang phục truyền thống của nam giới thì có áo the, của nữ giới thì có áo yếm, áo cánh, áo bà ba, áo tứ thân/năm thân, áo mớ ba/ mớ 7, áo dài.
(*)
Với địa hình nhiều sông lớn hiểm trở - Bơi lội, lặn hụp và thuyền bè - Giao thông đường thủy và thủy chiến là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam (danh tướng Yết Kiêu đời Trần có tài lặn dưới nước như đi trên cạn, sông Bạch Đằng diễn ra nhiều trận thủy chiến hùng tráng của dân tộc quét sạch quân xâm lược với lực lượng lớn mạnh hơn ta gấp nhiều lần hay chiến thuyền thời Lê Trịnh được các sử gia nước ngoài ghi nhận là ưu việt hơn cả các chiến thuyền của Hà Lan cùng thời đại.) Niềm tự hào về kỹ thuật đóng thuyền ảnh hưởng cả vào trong lĩnh vực kiến trúc từ lâu đời của dân tộc ta. (Kiến trúc mái nhà cong lên của người Việt là phỏng theo mũi cong của các chiếc thuyền).
Đặc trưng của Những ngôi nhà Việt xưa là sàn/nền cao hơn so với mặt đất để tránh côn trùng, lụt lội, ẩm ướt. Trần cao hơn nền để đối lưu không khí - tạo sự thông thoáng trong nhà. Mái cao, dốc để thoát nước trong mùa mưa. Cửa thấp (tránh nắng) nhưng rộng (đón gió - nhưng phải chọn đúng hướng để tránh gió độc). Phần lớn kết cấu nhà không có móng nên không chịu được lực - tường bằng đất, vách đất hay ván bưng. Dạng kết cấu khung có cột - vì kèo (chiều dọc) và xà nóc - xà chân (chiều ngang), ghép mộng theo nguyên lý âm dương (kể cả nhà ở lẫn giường, tủ, bàn, ghế) để linh hoạt thay thế các bộ phận hay tháo lắp/ di chuyển dễ dàng.
Hướng và địa thế làm nhà phải giao lưu hài hòa với thiên nhiên xung quanh để con người thuận lợi trong đời sống thể chất và tinh thần (Thiên - Địa - Nhân hòa hợp)
(*)
Tuy diện tích lãnh thổ nước ta là rất nhỏ so với các cường quốc khác như Ấn Độ, Trung Hoa, Mỹ, Nga, v.v...Nhưng tổ tiên ta đã gây dựng và trao truyền lại cho ta một đời sống văn hóa phong phú, sâu sắc, nhiều thành tựu lớn lao mà giới nghiên cứu toàn cầu cũng phải ngả đầu ngưỡng mộ.
Hy vọng sẽ ngày càng có nhiều người trẻ trở về tìm hiểu nền văn hóa - văn minh cha ông đã để lại mà tự hào với gốc rễ của mình - biết ơn tổ tiên mình và có động lực sống - cống hiến cho xứng đáng với những gì lớp người đi trước đã truyền trao.
0 comments:
Post a Comment