Khái niệm "Đầu tư" trên quan điểm của các doanh nghiệp là hoạt động đem nguồn vốn (tiền, tài sản,...) vào hoạt động kinh doanh (cung ứng hàng hóa, dịch vụ phục vụ xã hội) để tìm kiếm lợi nhuận - Trên quan điểm của Nhà nước thì đầu tư là phát triển - Đem nguồn vốn quốc gia để phục vụ mục đích gia tăng hiệu quả kinh tế & xã hội cho đất nước (đầu tư cơ sở hạ tầng, y tế, giáo dục, quốc phòng an ninh, v.v...). Tóm lại, đầu tư là hoạt động sử dụng nguồn vốn một cách có hiệu quả, đem lại nhiều lợi ích cho người/tổ chức/xã hội bỏ vốn thực hiện hoạt động đầu tư đó.
Vốn đầu tư là khoản tích lũy của một xã hội/cơ sở sản xuất kinh doanh hoặc được huy động từ nhiều nguồn tích lũy khác nhau. Các nguồn vốn thông thường trong xã hội là ngân sách Nhà nước, nguồn tín dụng công ưu đãi cho đầu tư, vốn vay nước ngoài của Chính phủ, nguồn viện trợ quốc tế cho phát triển, quỹ hỗ trợ đầu tư quốc tế, tín dụng thương mại, đầu tư cho doanh nghiệp Nhà nước, hợp tác kinh doanh, vốn huy động của chính quyền địa phương, vốn của các tổ chức kinh tế ngoài nhà nước và nhân dân, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài/các cơ quan ngoại giao và tổ chức quốc tế.
Kinh tế đầu tư là hoạt động thiết lập, tính toán các nghiên cứu, dự báo tiềm năng đang có trong giai đoạn kế hoạch của quá trình sản xuất kinh doanh để tạo cơ sở cho việc đưa ra một quyết định đầu tư (tài chính hay sản xuất) hiệu quả.
Phân loại hoạt động đầu tư có thể tiến hành theo nhiều cách khác nhau, như theo chủ đầu tư (Nhà nước, doanh nghiệp hạch toán độc lập/quốc doanh/liên doanh liên kết, tư nhân); theo nội dung kinh tế (đầu tư vào lao động/nhân sự, tài sản cố định, tài sản lưu động); theo mục đích đầu tư (đầu tư mới, cải tạo, mở rộng/ hiện đại hóa cơ sở sẵn có, đầu tư chiến lược để chuyển dịch cơ cấu kinh tế quốc dân/sản phẩm/thị trường, đầu tư ra bên ngoài/liên doanh); theo mức độ tham gia quản lý của chủ đầu tư (gián tiếp, trực tiếp, tín dụng/cho vay); theo sự phân cấp trong quản lý dự án (thẩm quyền quyết định, phân cấp quản lý); theo nguồn vốn tài trợ cho hoạt động đầu tư (ngân sách Nhà nước, hỗ trợ phát triển chính thức, tín dụng thương mại, huy động từ doanh nghiệp nhà nước, hợp tác liên doanh với nước ngoài, huy động từ nhân dân - Nhà nước và Nhân dân cùng làm, vốn đầu tư nước ngoài,...); hoặc theo vùng lãnh thổ (vùng, miền, tỉnh, thành).
Các hình thức đầu tư trong nước là doanh nghiệp Nhà nước, công ty TNHH (từ 1 đến 50 thành viên)/cổ phần/liên doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp tư nhân - Các hình thức đầu tư nước ngoài là hợp đồng hợp tác kinh doanh, liên doanh, 100% vốn đầu tư nước ngoài.
(*)
1.Phân tích môi trường đầu tư
Ba nội dung cần nghiên cứu để khái quát - đánh giá được tình hình chung về môi trường đầu tư là tình hình kinh tế xã hội, thị trường cho sản phẩm (đang có dự định phát triển) và các yếu tố kỹ thuật của dự án.
Về tình hình kinh tế xã hội, ta phần nắm được quy hoạch tổng thể của địa phương/quốc gia trong ngắn và dài hạn, điều kiện địa lý tự nhiên/ dân số/ lao động/ khuynh hướng tiêu dùng, hệ thống chính sách kinh tế, tình hình ngoại thương và các chế định liên quan.
Nghiên cứu thị trường cho sản phẩm là bước chuẩn bị/dọn sẵn đầu ra cho sản phẩm trong tương lai (đánh giá cung - cầu/ khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, xây dựng chương trình Marketing - Bán hàng). Phân khúc thị trường thích hợp với sản phẩm được xác định dựa vào mức tiêu thụ trong quá khứ/ hiện tại (số liệu) và tương lai (dự báo); các dữ liệu kinh tế tổng thể (như tổng sản lượng sản phẩm quốc nội, thu nhập hộ gia đình/bình quân đầu người, tình hình dân số/ cơ cấu sản xuất - nhân lực, chỉ số giá, quỹ dự trữ ngoại tệ, tình hình xây dựng cơ sở hạ tầng và định hướng/chủ trương phát triển kinh tế/xã hội của đất nước); các dữ liệu về thị trường sản phẩm (khối lượng sản phẩm trong 5 - 10 năm, biểu giá/biểu thuế sản phẩm, biến động thị trường do các sản phẩm cạnh tranh hoặc bổ sung/ thay thế,...).
Các yếu tố kỹ thuật trong một dự án đầu tư là mô tả sản phẩm dự tính phát triển (hình thức, đặc tính, chất lượng); cơ sở lựa chọn công nghệ, máy móc thiết bị và công suất tối ưu; chất lượng/số lượng/nguồn cung nguyên vật liệu đầu vào; yêu cầu cơ sở hạ tầng (năng lượng, điện, nước, nhà xưởng, văn phòng, v.v...); nhu cầu lao động và trợ giúp chuyên môn trong quá trình sản xuất kinh doanh (lao động/nguồn lao động, nhân công và chuyên gia trong nước/ngoài nước); phân tích lựa chọn địa điểm thực hiện dự án, kỹ thuật tổ chức/ xây dựng; công nghệ xử lý chất thải gây ô nhiễm môi trường và lịch trình/tiến độ chi tiết thực hiện dự án.
2. Tính toán lựa chọn phương án đầu tư
Bản chất của hoạt động đầu tư là làm cho đồng vốn trở nên "có giá trị" hơn sau quá trình sử dụng (đầu tư) - Hiệu quả được đo bằng ba chỉ tiêu là giá trị thực của đồng vốn, mục tiêu kinh tế và mục tiêu xã hội dự án đem lại.
Do đồng tiền hiện nay có đặc trưng là lạm phát - mất giá theo thời gian, nên muốn tính giá trị thực của đồng tiền tại các thời điểm khác nhau (làm cơ sở cho việc tính lợi nhuận) ta phải cần đến các khái niệm về lãi suất như lãi cho vay/ đi vay/ tiêu dùng, lãi đơn/lãi kép - Các dạng ngân lưu điển hình trong phân tích dự án đầu tư là vừa đầu tư - vừa khai thác, xây dựng cơ bản rồi khai thác hay xây dựng cơ bản một phần (vừa khai thác, vừa đầu tư).
Các mục tiêu kinh tế quan trọng là lợi nhuận cao nhất, chi phí thấp nhất, doanh số cực đại, thị phần tối đa, tổ chức/doanh nghiệp ổn định, bền vững, xu hướng phát triển liên tục đi lên. Mục tiêu xã hội cơ bản là nhu cầu tiêu dùng tổng hợp gia tăng, phân phối thu nhập công bằng/hiệu quả, tăng trưởng thu nhập quốc dân nhanh/bền vững, số lượng việc làm tăng cao, các nhu cầu cơ bản (giáo dục, y tế, xã hội,...) ngày càng được đáp ứng tốt hơn - Phân tích hiệu quả mang lại trong tương lai là cơ sở cho việc lựa chọn một dự án để đầu tư trong hiện tại.
Các yếu tố ảnh hưởng tới độ nhạy (phản ứng/ thay đổi) của một dự án đầu tư gồm biến động của các đại lượng đầu vào (như mức lãi suất tính toán, doanh số, tuổi thọ dự án, giá bán sản phẩm, chi phí sản xuất, chi phí cơ hội, v.v...) và đầu ra (như giá trị tuyệt đối của lợi nhuận thu được/giá trị kinh tế - xã hội gia tăng, hiện giá thu hồi ròng - NPV, chỉ số lợi ích trên chi phí - BCR, suất thu hồi nội bộ - IRR, điểm hòa vốn - BEP, thời gian hoàn vốn,...).
Những dự trù tài chính (dự trù vốn đầu tư cần thiết/ nguồn tài trợ/ hiệu quả sử dụng vốn, dự trù chi phí sản xuất/ khả năng sinh lợi nhuận/ rủi ro bất trắc và khả năng huy động vốn) là khả thi khi chúng thể hiện được sự hợp lý trong mối tương quan với những hiệu quả "ước chừng" đem lại (mức tối ưu chi phí/lợi nhuận trên một đơn vị sản phẩm, thời gian hoàn vốn, khả năng thu hồi vốn, NPV, IRR, BEP, ...).
3. Lập dự án đầu tư
Dự án đầu tư là căn cứ để một doanh nghiệp quyết định việc có bỏ vốn ra đầu tư cho một dự án hay không - Là cơ sở để các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nghiên cứu, xem xét (thẩm định) trước khi đưa ra quyết định phê duyệt/cấp phép/tài trợ cho một dự án đầu tư.
Dựa vào dự án đầu tư, các doanh nghiệp sẽ được tạo thuận lợi trong quá trình xin cấp phép nhập khẩu các máy móc thiết bị, gọi vốn hoặc phát hành trái phiếu/ cổ phiếu, tìm đối tác liên doanh, hòa giải tranh chấp và tiếp nhận các chính sách ưu đãi (tương ứng nếu có trong lĩnh vực đầu tư) của Nhà nước.
Nghiên cứu cơ hội đầu tư là làm rõ sự cần thiết của hoạt động đầu tư cũng như các mục tiêu cần đạt được, ước đoán số vốn để mua sắm tài sản cố định/ lưu động phục vụ dự án, cơ cấu vốn (tỷ lệ vốn tự có, đi vay và các khoản khác), cùng những mục tiêu thể hiện tính hiệu quả về mặt kinh tế. Nghiên cứu tiền khả thi là vẽ ra bố cảnh chung về kinh tế, xã hội, pháp luật; tình hình thị trường cho sản phẩm/dịch vụ, cơ hội tài chính cho dự án, các lợi ích mà xã hội đang hướng tới có liên quan tới hoạt động của dự án. Nghiên cứu khả thi là bước sàng lọc cuối cùng để quyết định tiềm năng phát triển của một dự án (đánh giá lần cuối về kinh tế, xã hội, thị trường, công nghệ/ kỹ thuật/ tài chính, các nghiên cứu hỗ trợ, v.v...liên quan tới dự án).
Bộ kế hoạch đầu tư cũng đã có các tài liệu hướng dẫn chi tiết về nội dung của các dự án đầu tư theo từng lĩnh vực để mọi người tham khảo khi cần - Trên đây là tám nội dung cơ bản sẽ được xem xét trong quá trình cơ quan chức năng thẩm định một dự án trước khi quyết định cấp phép đầu tư.
4. Tổ chức nhân sự vận hành dự án
Nguyên tắc tổ chức nhân sự trong một dự án là đảm bảo hoàn thành các mục tiêu đặt ra, thống nhất về mặt lãnh đạo và quản lý, mỗi thành viên biết rõ nhiệm vụ - trách nhiệm của mình, phân định quyền hạn, quyền lợi tương xứng với trách nhiệm, lãnh đạo đi đôi với kiểm tra, phạm vi lãnh đạo - chỉ đạo - kiểm tra minh bạch, quy định tinh thần hợp tác chặt chẽ vì nhiệm vụ chung.
Các yếu tố cần quan tâm về một nhân sự là quốc tịch, chuyên môn - kỹ năng, trình độ văn hóa, giới tính, tuổi đời, bối cảnh gia đình, để đánh giá sự phù hợp với tổ chức/dự án. Những kế hoạch về lương, thưởng, chế độ phúc lợi, chương trình đào tạo, cơ cấu - số lượng công nhân viên trực tiếp/gián tiếp tham gia dự án, phương thức/chi phí đào tạo/tuyển dụng, v.v...cần tính toán cụ thể để làm căn cứ rõ ràng cho việc triển khai trong quá trình tổ chức thực hiện và quản lý dự án sau này.
Tổ chức nhân sự cho một dự án thường gọn nhẹ - cơ động (linh hoạt) hơn rất nhiều so với cơ cấu tổ chức nhân sự của một công ty.
(*) Mỗi tổ chức/công ty có một kiểu cấu trúc (mô hình tổ chức) nhân sự khác nhau. Dưới đây ta tìm hiểu qua về mô hình tổ chức nhân sự của dạng công ty cổ phần đang rất phổ biến hiện nay, để có những định hướng cơ bản trong quá trình tìm hiểu thông tin về các tổ chức kinh tế.
Thông qua phim ảnh và nhiều tài liệu chia sẻ, phần lớn chúng ta đều đã quen với các nhân sự ở cấp điều hành (các giám đốc, phó giám đốc, trưởng ban, trưởng phòng,...) và thừa hành (bộ phận quản lý chức năng, phân xưởng, công nhân viên,...) - Tất cả nhân sự ở hai cấp này đều là người lao động (được thuê).
Đại hội cổ đông là cơ chế quyền lực cao nhất trong một công ty cổ phần (nhiều chủ) - Có quyền quyết định phương hướng, mục tiêu phát triển tầm chiến lược cho tổ chức; phân tích, đánh giá các tài liệu tổng kết theo từng năm tài chính, bầu/ bãi/ miễn các kiểm sát viên/ thành viên hội đồng quản trị; quyết định phân chia/sử dụng lợi nhuận (tỷ lệ trích lập quỹ, chia phần cho cổ đông); phân chia trách nhiệm về các thiệt hại trong hoạt động sản xuất kinh doanh; xem xét/ quyết định các giải pháp khắc phục vấn đề tài chính; xem xét sai phạm của hội đồng quản trị đã gây ra thiệt hại cho công ty. Hội đồng quản trị có chức năng nhân danh công ty quyết định mọi vấn đề liên quan tới định hướng/ chính sách phát triển của tổ chức. Có quyền bầu chủ tịch và đề cử tổng giám đốc, chịu trách nhiệm trước đại hội đồng về các sai phạm trong quản lý, phạm vi điều lệ và những thiệt hại pháp lý của công ty.
5. Quản lý dự án đầu tư
Quản lý dự án là việc thực hiện các chức năng lập kế hoạch, tổ chức, điều hành (điều phối), kiểm tra/giám sát để kịp thời điều chỉnh/ sửa chữa các vấn đề phát sinh trong quá trình vận hành dự án đi đến mục tiêu cuối cùng. Những nội dung cơ bản cần quản lý là phạm vi hoạt động, thời gian, chi phí, chất lượng, nhân sự, thông tin, rủi ro và hoạt động cung ứng - Thông qua các công cụ như cây phân tích công việc, đường cong lũy tích chi phí, sơ đồ mạng, hoạch định tài nguyên, tính toán thời gian, v.v...
(*)
Tất cả các hoạt động của chúng ta trong đời sống hàng ngày đều mang bản chất của hoạt động đầu tư. Đầu tư sức khỏe vào đâu thì hiệu quả (học hành, vui chơi, làm việc,...); đầu tư thời gian vào đâu thì hiệu quả (ăn, ngủ, nghỉ, tập thể dục, tụ tập bạn bè,...); đầu tư tiền bạc vào đâu thì hiệu quả (quần áo, sách vở, đồ ăn/thức uống,...); v.v...
Như vậy, việc ứng dụng lối tư duy đầu tư của các nhà kinh tế (phân tích nguồn lực, bối cảnh, tìm cơ hội, đặt mục tiêu và xây dựng đường lối thực hiện thông minh/ sáng tạo/ tiết kiệm/ hiệu quả nhất trong phạm vi nguồn lực mình có) ở tất cả các hoạt động thường ngày của một người học sinh, sinh viên chắc chắn cũng đem lại nhiều lợi ích tích cực lâu dài.
0 comments:
Post a Comment