Tất cả các hoạt động trong đời sống kinh tế đều có liên quan tới "kinh phí" (tiền). Đặc biệt trong các tổ chức kinh tế - nơi chỉ có thể tồn tại được nếu số tiền chi ra nhỏ hơn số tiền thu vào thì việc giám sát chi tiết - cụ thể dòng tiền (kế toán) là nhiệm vụ không thể thiếu.
Đối tượng thao tác nghiệp vụ của Kế toán là Vốn/Tài sản của tổ chức (sự hình thành cũng như vận động trong quá trình hoạt động).
Bộ phận Kế toán có nhiệm vụ thu thập, xử lý, ghi chép - tính toán các thông tin và số liệu thu - chi, nhận định được tình hình luân chuyển tài sản, vật tư, vốn - tình hình sử dụng kinh phí của doanh nghiệp trong quá trình hoạt động để cung cấp số liệu, tài liệu hữu ích cho công tác điều hành tổ chức, kiểm tra/phân tích tình hình kinh tế/ tài chính, lập/theo dõi công tác thống kê - Kiểm tra tình hình thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh, kế hoạch thu chi tài chính, hoạt động quản lý và sử dụng tài sản. Giám sát các khoản thu chi, nghĩa vụ thu, nộp, thanh toán nợ và nguồn gốc hình thành tài sản. Phát hiện và ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật về tài chính - kế toán.
Yêu cầu đối với công tác Kế toán là đầy đủ, chính xác, kịp thời - tiết kiệm, hiệu quả - trung thực, khách quan, rõ ràng, dễ hiểu, dễ so sánh/đối chiếu.
Chứng từ là một công cụ quan trọng của công tác kế toán - là các giấy tờ ghi thông tin làm bằng chứng cho các giao dịch mua bán, trao đổi hàng hóa (căn cứ để kiểm kê, hạch toán sổ sách). Theo nội dung nghiệp vụ kinh tế phản ánh trong chứng từ thì có bốn loại chứng từ phổ biến là lao động - lương, hàng tồn kho, tiền tệ và tài sản dài. Chứng từ có thể bình thường hoặc khẩn cấp - Lập một lần hay nhiều lần (tùy loại), thực hiện các chức năng mệnh lệnh, chấp hành, thủ tục hay liên hợp. Các nghiệp vụ liên quan tới chứng từ là kiểm tra, chỉnh lý (đơn giá, số tiền, định khoản, phân loại, tổng hợp số liệu,...) luân chuyển - ghi sổ, bảo quản - lưu trữ, lập danh mục, v.v...
Tính giá là thao tác quy đổi giá trị của các loại tài sản (tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau) về cùng một thước đo là tiền tệ. Các nội dung tính giá cơ bản là tính giá tài sản cố định (hữu hình, vô hình), tính giá vật tư - hàng hóa mua vào, tính giá thành sản phẩm và tính giá thực tế các loại vật tư, sản phẩm - hàng hóa xuất kho.
Do trong thực tế hoạt động, thường xuyên xảy ra hiện tượng thông tin trong giấy tờ, sổ sách không ăn khớp với tình hình thực tế, nên cần thực hiện công tác kiểm kê (xác minh trên thực tế các số liệu/thông tin trong giấy tờ) để thu hẹp tối đa sự sai lệch, nhằm nhận định chính xác hiện trạng và tình hình sử dụng tài sản của tổ chức. Kiểm kê có thể thực hiện toàn diện (lập thành bảng cân đối hoàn chỉnh) hay chỉ kiểm tra từng phần theo yêu cầu của cấp quản lý. Tiến hành định kỳ hoặc bất thường theo chỉ đạo của cấp trên hoặc cơ quan quản lý. Việc kiểm tra số liệu kế toán luôn phải được thực hiện nghiêm túc để hạn chế sai số gây méo mó tình hình thực tế, làm bất lợi cho công tác dự báo và hoạch định ở các cấp quản lý - điều hành trên cao.
Các chứng từ phát sinh xuyên suốt trong hoạt động sản xuất kinh doanh được lưu trữ, tập hợp và phân loại về các tài khoản cụ thể (tương ứng với từng nội dung) để tiện quản lý, theo dõi và sử dụng khi cần.
Các loại sổ sách kế toán rất đa dạng và có thể tùy chỉnh theo yêu cầu cụ thể của tổ chức. Theo nội dung thì có các loại sổ để ghi thông tin/số liệu về tài sản cố định, vật tư/ dụng cụ/ hàng hóa/ sản phẩm, chi phí sản xuất kinh doanh, bán hàng, thanh toán hay các loại vốn bằng tiền - Đóng thành tập hoặc để rời, cấu trúc hai bên hoặc một bên - nhiều cột riêng rẽ hay tổ chức thành các cửa sổ bàn cờ - Nội dung tổng hợp hay chi tiết, làm nhiệm vụ nhật ký hay phân loại, v.v...Người kế toán viên phải thành thạo các kỹ thuật ghi sổ và chữa sổ để không làm sai sót, thất thoát thông tin - Hiện nay có năm hình thức kế toán phổ biến là nhật ký sổ cái, kế toán nhật ký chung, chứng từ ghi sổ, kế toán nhật ký chứng từ và kế toán điện tử.
1. Kế toán tài chính
Kế toán tài chính là loại nghiệp vụ hướng tới việc thu thập, xử lý thông tin/ số liệu thu - chi để lập thành các loại báo cáo tài chính cung cấp cho hoạt động quản lý - điều hành của lãnh đạo công ty, các nhà đầu tư và cơ quan quản lý Nhà nước.
(*)
A. Bảng cân đối kế toán
- Xác định quy mô và cấu trúc tài sản của tổ chức tại một thời điểm xác định
- Ghi rõ ngày lập (Thời điểm lập)
(*)
B. Báo cáo kết quả Hoạt động kinh doanh
- Ghi rõ thời điểm lập
(*)
C. Báo cáo lưu chuyển tiền tệ
- Ghi rõ thời điểm lập
- Quy ước: (-) hết tiền và đang nợ; (+) tài vụ có tiền; (= 0) không nợ & không có tiền
2. Kế toán quản trị
Kế toán quản trị là nghiệp vụ kế toán được thực hiện theo yêu cầu cụ thể của nhà quản trị, nhằm phục vụ thông tin/ dữ liệu cho các hoạt động quản lý - điều hành - hoạch định chiến lược ở các cấp lãnh đạo trong tổ chức.
Các loại chi phí trong kế toán quản trị là biến phí (chi phí biến đổi - khả biến), định phí (chi phí cố định - bất biến) và chi phí hỗn hợp.
Mục đích của việc phân tích mối quan hệ chi phí - khối lượng - lợi nhuận là phân tích điểm hòa vốn, lựa chọn kết cấu chi phí, định mức hoa hồng bán hàng, v.v..Dự toán là cơ sở phân bổ nguồn lực, phương tiện truyền đạt các kế hoạch và mệnh lệnh - động viên và các hướng dẫn thực thi, là nguyên tắc để chỉ đạo và tiêu chuẩn để kiểm soát cũng như đánh giá thành quả hoạt động của tổ chức. Có năm hình thức dự toán tùy theo nội dung phản ánh là dự toán tổng thể, dự toán hoạt động (tiêu thụ, sản xuất, mua và sử dụng vật liệu, lao động trực tiếp, chi phí sản xuất chung, giá vốn thành phẩm, tồn kho cuối kỳ, giá vốn hàng bán, chi phí bán hàng và quản lý), dự toán vốn/tài chính, dự toán thu tiền bán chịu và trả tiền mua chịu vật liệu.
Biến động chi phí là sự thay đổi của chi phí thực tế so với định mức (chi phí mong muốn) ban đầu, bao gồm các biến động của chi phí sản xuất, vật liệu trực tiếp, chi phí sản xuất chung,...Căn cứ để đánh giá thành quả quản lý là chi phí, chi tiêu, doanh thu, lợi nhuận, hiệu quả đầu tư và các báo cáo phân tích của từng bộ phận (định phí, số dư, khả năng sinh lợi trong ngắn hạn/dài hạn). Quyết định quản lý là các quyết định nên mua ngoài hay tự sản xuất, đơn hàng đặc biệt và kết cấu hàng bán từ tỷ suất sinh lời kế toán, kỳ hoàn vốn, hiện giá thuần và tỷ suất sinh lời nội bộ. Mục đích cuối cùng của các phương pháp định giá sản phẩm/dịch vụ là tối đa hóa lợi nhuận/chi phí bỏ ra.
Những kiến thức cơ bản về kế toán sẽ giúp ích rất nhiều cho chúng ta trong việc tổ chức đời sống cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh. Quản lý tốt dòng tiền và theo dõi được hiệu quả đem lại của từng đồng tiền chi ra sẽ giúp ta có được những bài học kinh nghiệm trong việc sử dụng thông minh, hiệu quả nguồn vốn hữu hạn mà mình có. Càng trong điều kiện kinh tế khó khăn (nguồn vốn nhỏ hẹp) thì càng phải thắt chặt chi tiêu và kiểm soát nghiêm ngặt dòng tiền - càng cần có các kiến thức/ kỹ thuật kế toán thành thạo.
0 comments:
Post a Comment