300x250 AD TOP

Trần Hải Anh (PD.Châu Nhật Vi)

Powered by Blogger.

About Me

My photo
Cuộc đời của Con là công trình của Ba, Mẹ.

VIỆT NAM & ĐẠO PHẬT

TẠI SAO??? - Ở VIỆT NAM,  CÁI GÌ HAY HO  CŨNG THUỘC VỀ/LIÊN QUAN TỚI ĐẠO PHẬT Đó là vì những điều lịch sử cơ bản như sau: (*) 1.      Thời...

Search This Blog

Search This Blog

Translate

Translate

Pages

Tuesday, March 12, 2019

Quản trị chiến lược


Từng hành động của con người từ rất lớn cho đến rất nhỏ cũng đều được thúc đẩy bằng một "cách nghĩ" (lối tư duy) để thỏa mãn một nhu cầu/động cơ xác định ẩn chứa bên trong tiềm thức.

Những nhu cầu đơn giản, ngắn hạn (trước mắt) thì chỉ cần lối tư duy đơn giản là có thể đạt được ngay. Nhưng những nhu cầu lớn/mục tiêu lớn thì cần có một tư duy phức tạp hơn/dài hơi hơn rất nhiều (chiến lược) thì mới có hy vọng đạt đến được. 

Chiến thuật là cách thức để thực hiện một mục tiêu ngắn hạn. Chiến lược là tư duy liên kết các mục tiêu ngắn hạn lại với nhau để kết nối tới mục tiêu lớn lao cuối cùng (giành được chiến thắng cuối cùng). Do đó, về chiến thuật, trong nhiều trường hợp có thể đặt mục tiêu thất bại thay vì thành công (tùy theo sự sắp xếp của tư duy chiến lược) - Nhưng mục tiêu chiến lược thì bắt buộc phải hướng tới việc giành được thành công. 

(*)

Như chúng ta là những sinh viên nông nghiệp. Việc chúng ta xây dựng tầm nhìn dài hay ngắn cho cuộc đời sẽ quyết định trực tiếp tới thái độ, nội dung và phương pháp học tập của mình trong suốt bốn năm học. Căn cứ theo mức độ định hướng cuộc đời từ thấp đến cao (ít đến nhiều, yếu đến mạnh), thì căn bản có ba cấp sinh viên như sau:

1.   Những người không có định hướng gì, chỉ đi học cho đủ môn để ra trường thì chăm chú học hành bài vở trong sách để đáp ứng bài thi (tư duy chụp giựt - giành lấy những phần thưởng lặt vặt - không có giá trị sử dụng cao cho sau này). 

2.  Những người có định hướng ra ngoài đi làm thuê cho một công ty lớn thì học hành nghiêm túc tất cả các kiến thức sách vở và tìm mọi cách làm "tương thích" những kiến thức đó với nhu cầu thực tế của xã hội và doanh nghiệp (tư duy chiến thuật - đạt được một mục tiêu ngắn hạn trong cuộc đời là có việc làm tốt để sống tự lập được ngay sau khi ra trường.) 

3.  Những người có định hướng sống một cuộc đời có ý nghĩa, cống hiến cho cuộc đời nhiều nhất có thể bằng kiến thức chuyên môn học được để tới khi già nua, bệnh tật, nằm trên giường bệnh cũng không có gì phải buồn phiền hay nuối tiếc (tư duy chiến lược - tính toán đến tận cùng cuộc đời - thì ngoài những kiến thức sách vở - kiến thức kết nối vào thực tế hiện tại, còn phải nghiên cứu các vấn đề xã hội đang gặp phải và tìm ra một vị trí mình có thể đảm nhận để chung sức với mọi người giải quyết vấn đề đó.)

Cũng vậy, những cá nhân có tầm nghĩ ngắn (chỉ quan tâm tới những vấn đề đơn giản, thường nhật) và những tổ chức có khát vọng nhỏ (chỉ ra đời nhằm những mục đích tạm thời - không có mục tiêu/hoài bão lớn) thì không tồn tại khái niệm chiến lược. Chỉ những cá nhân có mục tiêu lớn (hướng tới các giá trị lớn lao mà chỉ đạt được sau nỗ lực cả một đời) và những tổ chức có mục tiêu nghiêm túc lâu dài hoặc trường tồn/ vĩ đại (như các cuộc khởi nghĩa, các công ty lớn, các tập đoàn đa quốc gia, các chính phủ, v.v...) thì mới tồn tại khái niệm Chiến lượcQuản trị chiến lược. 

(*)

Chiến lược kinh doanh một tổ hợp các quyết định để giành thắng lợi cuối cùng (mục tiêu cao nhất của tổ chức). Được xây dựng dựa trên kết quả phân tích nguồn lực của tổ chức (có đặt trong sự tương quan với các yếu tố môi trường) và định hướng - tư tưởng - tầm nhìn của ban lãnh đạo (những người xác lập mục tiêu cho tổ chức). 


1. Nguồn lực của doanh nghiệp

Nguồn lực định lượng (các tài sản hữu hình có thể lượng hóa rõ ràng) của một tổ chức bao gồm quy mô tổng số vốn, số lượng công nhân viên, số lượng đơn vị/cơ sở kinh doanh, hệ thống máy móc - trang thiết bị, v.v...

Nguồn lực định tính (quyết định 70% sức mạnh của nội bộ của tổ chức) bao gồm chất lượng cổ đông chiến lược (những người có khả năng đưa ra những quyết định có sức ảnh hưởng lớn nhất tới đường đi của cả doanh nghiệp), chất lượng giám đốc điều hành (người cầm lái dẫn dắt doanh nghiệp), chất lượng nhân viên (chỉ tính các nhân viên có hiệu suất cao), văn hóa công ty, trình độ công nghệ, giá trị thương hiệu, v.v...

Lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp là các ưu điểm vượt trội mà doanh nghiệp sở hữu khi so với môi trường chung cả trong ngành (nguyên liệu, thị trường tiêu thụ, đối thủ trực tiếp/tiềm ẩn, sản phẩm thay thế,...) và ngoài ngành (môi trường chính trị/ kinh tế/ văn hóa/ xã hội/ công nghệ, môi trường tự nhiên, v.v...). 

Tìm được/xây dựng được lợi thế cạnh tranh là con đường giúp doanh nghiệp trở nên nổi bật hơn, hoạt động hiệu quả hơn giữa các đối tác, đối thủ và khách hàng - Là năng lực cốt lõi tạo sự khác biệt của doanh nghiệp (gia tăng hiệu quả, chất lượng, khả năng thích ứng và thỏa mãn tối đa nhu cầu của khách hàng). 

Một lợi thế cạnh tranh tốt phải đảm bảo luôn đáng giá (giá trị cao), hiếm có, khó bắt chước và không thể thay thế - Vì vậy, doanh nghiệp phải có các chính sách duy trì tính lâu bền và tính lợi thế của giá trị cạnh tranh cốt lõi mình đang nắm giữ như: cải thiện thể chế và học hỏi liên tục (không được phép thỏa mãn), theo dõi sát sao các chuẩn ngành và bước tiến của các đối thủ, vượt qua sự trì trệ của mình và không ngừng thiết lập các rào cản để hạn chế tối đa đối thủ đánh cắp ý tưởng. 


2. Các cấp chiến lược trong một doanh nghiệp

Mục tiêu công ty (lý thuyết về thẻ điểm cân bằng) sau khi kết hợp với nguồn lực là cơ sở để lập ra chiến lược cấp công ty. 

Như thành công trong sự nghiệp của một cá nhân - Theo nghiên cứu là được góp thành từ ba yếu tố ẩn (sức khỏe vật chất/tinh thần, gia đình vui vẻ/bền vững, bạn bè/cộng đồng ủng hộ) - Thành công về tài chính của một doanh nghiệp cũng được tạo thành từ sự hỗ trợ của ba nền tảng gồm tổ chức nội bộ hiệu quả, tập khách hàng lớn và đường xu hướng phát triển đi lên. 

Theo quan điểm mới của thế giới (từ năm 1992), mặc dù tài chính (lợi nhuận) vẫn là mục tiêu không thể thiếu của tất cả các doanh nghiệp, nhưng để có được một bộ máy đem lại lợi nhuận tối đa, bền vững, lâu dài - Thì những người trong ban lãnh đạo phải luôn có ý thức cân bằng cả bốn thẻ điểm: Tài chính, nội bộ, khách hàng và xu hướng ở mức tối ưu trong quá trình lèo lái doanh nghiệp. 
Các chỉ số để đánh giá thẻ điểm tài chính là tổng tài sản, doanh thu trên tổng tài sản, doanh thu từ các dòng sản phẩm (nhất là các sản phẩm mới), lợi nhuận trên nhân viên, giá trị kinh tế gia tăng, doanh thu trên vốn thuê ngoài, khả năng thanh toán, vòng quay khoản phải thu, v.v...Thẻ điểm khách hàng thể hiện qua các chỉ tiêu về sự hài lòng/trung thành/tỷ lệ phản hồi, thị phần (mới, cũ, mất), giá trị phân phối tới tay khách hàng, chất lượng/ hiệu quả/ chi phí của dịch vụ/sản phẩm, v.v...Thẻ điểm nội bộ thể hiện qua kết quả sử dụng tài sản công ty, quản lý hiệu quả chuỗi cung ứng, chất lượng đổi mới sản phẩm/ dịch vụ, xác lập mối quan hệ tốt đẹp với các đối tác, v.v...Thẻ điểm xu hướng phần nhiều tùy thuộc vào từng loại hình kinh doanh (những yếu tố giúp doanh nghiệp trụ lại vững chắc và phát triển lâu dài, tốt đẹp trong ngành), nhưng nhìn chung ngành nào cũng có các tiêu chí về chất lượng đào tạo nhân viên, số tai nạn lao động được hạn chế, giá trị gia tăng trên từng nhân viên, mức độ tham gia của nhân viên vào sự phát triển của doanh nghiệp, v.v...

Xét theo lợi thế cạnh tranh và nguồn lực cụ thể tại từng thời điểm để định vị đúng doanh nghiệp của mình - Từ đó lựa chọn được chiến lược hành động phù hợp - Xác lập những mục tiêu phù hợp là việc làm của các nhà lãnh đạo cấp cao. Định vị sai thì đặt mục tiêu sai, dẫn tới lựa chọn cách đánh sai và kết quả là sẽ làm thiệt hại rất lớn cho tổ chức, nên trong quá trình lập chiến lược tuyệt đối không được chủ quan, cảm tính mà cần hết sức tỉnh táo, khách quan, trên cơ sở thông tin đã thu thập và phân tích đầy đủ, chính xác. 

Chiến lược tấn công chỉ được dùng khi doanh nghiệp có tiềm lực lớn và môi trường đang thuận chiều cho sự phát triển của lĩnh vực doanh nghiệp kinh doanh. Khi doanh nghiệp có tiềm năng lớn mà môi trường không thuận lợi thì doanh nghiệp phải tìm mọi cách đa dạng hóa các sản phẩm/dịch vụ, đối tượng khách hàng, phạm vi tiêu thụ, v.v...mọi biện pháp để tìm kiếm lợi nhuận cao nhất trong điều kiện cho phép (chiến lược đa dạng hóa). Khi môi trường thuận lợi (thị trường rộng lớn, chính quyền ủng hộ, v.v...) mà bản thân doanh nghiệp nội lực không mạnh thì chọn chiến lược tầm gửi - nương nhờ các thế lực lớn trong ngành để phát triển "ăn theo" - tích tụ nguồn lực - chuẩn bị cho sự phát triển lớn hơn trong tương lai. Còn khi môi trường không ủng hộ mà tiềm lực doanh nghiệp cũng quá yếu thì bắt buộc phải chọn chiến lược phòng thủ - cắt giảm tối đa chi phí và các hoạt động không hiệu quả để bảo toàn lực lượng (tránh thất thoát) - tập trung quay vào bên trong tái thiết/nâng cấp nội bộ, chờ thời điểm khó khăn đi qua và đón đầu thời cơ phát triển mới. 

Chiến lược cấp Kinh doanh (còn được gọi là chiến lược Cạnh tranh) là những chiến lược về hoạt động sản xuất (sản phẩm/dịch vụ) và bán hàng phù hợp với chiến lược công ty được cấp trên đưa xuống. Bao gồm các phương án là tối thiểu hóa chi phí, khác biệt hóa sản phẩm, lựa chọn một số ít để tập trung đầu tư hay đầu tư nâng cấp đồng bộ hay kết hợp nhiều phương án. Chiến lược cấp Chức năng là các nội dung liên quan tới việc tổ chức các hoạt động hỗ trợ quá trình vận hành của doanh nghiệp (như nhân sự, tài chính, marketing, v.v...) - Góp phần thực hiện thành công chiến lược kinh doanh 

3. Quản trị chiến lược

Để toàn bộ hoạt động của tổ chức không đi chệch so với tư tưởng chiến lược, ta cần thiết lập các cơ chế quản lý, kiểm soát thường xuyên mức độ phù hợp giữa thực tế và phương hướng chiến lược như quản trị theo mục tiêu (MBO), kiểm soát chi phí theo hoạt động (ABC), hoặc kiểm soát chất lượng toàn diện (TQM). Các điều chỉnh (phản ứng chiến lược) thường xuất hiện trong một tổ chức là điều chỉnh triết lý hoạt động, nhiệm vụ/ mục tiêu dài hạn, chiến lược/ chính sách vận hành công việc, cơ cấu tổ chức doanh nghiệp/ bộ phận hay đề xuất các biện pháp dự phòng rủi ro, v.v....


Chiến lược có ý nghĩa và vai trò to lớn với mỗi cá nhân và mỗi tổ chức. Hoạch định được một chiến lược tốt thôi chưa đủ mà còn phải tổ chức các phương án triển khai chiến lược trong thực tế và kiểm soát, điều chỉnh thường xuyên để cả cuộc đời/hệ thống tổ chức không đi chệch phương hướng ban đầu. Một tổ chức hoạt động không có chiến lược cũng giống như một cá nhân không có định hướng cuộc đời - Hoạt động bộc phát không phương hướng, tới đâu hay tới đó và luôn phải đối diện với rất nhiều rủi ro, cám dỗ, cũng như nguy cơ gây ra thất bại đến từ bên ngoài. 

(TG Fashion tgfashion.vn - Hân hạnh tài trợ!)



0 comments:

Post a Comment