300x250 AD TOP

Trần Hải Anh (PD.Châu Nhật Vi)

Powered by Blogger.

About Me

My photo
Cuộc đời của Con là công trình của Ba, Mẹ.

VIỆT NAM & ĐẠO PHẬT

TẠI SAO??? - Ở VIỆT NAM,  CÁI GÌ HAY HO  CŨNG THUỘC VỀ/LIÊN QUAN TỚI ĐẠO PHẬT Đó là vì những điều lịch sử cơ bản như sau: (*) 1.      Thời...

Search This Blog

Search This Blog

Translate

Translate

Pages

Saturday, March 16, 2019

Quản trị sản xuất tác nghiệp


Sản xuất là quá trình biến đổi các yếu tố đầu vào (nguyên vật liệu) thành các sản phẩm đầu ra - Quản trị sản xuất tác nghiệp là tổ hợp các hoạt động thiết kế, hoạch định, tổ chức, điều hành, kiểm tra hệ thống sản xuất theo mục tiêu của tổ chức - Sao cho chất lượng sản phẩm dịch vụ được đảm bảo, chi phí sản xuất (thời gian, vật chất) trên một đơn vị sản phẩm được tiết kiệm tối đa và tiến tới hoàn thiện một hệ thống sản xuất linh hoạt - đáp ứng yêu cầu thực tế ngày một tốt hơn - Góp phần gia tăng lợi nhuận và khả năng cạnh tranh của tổ chức. 

Các yếu tố tác động đến quá trình sản xuất là môi trường kinh tế (quốc gia, quốc tế), tình hình thị trường, cơ chế, chính sách của Nhà nước, trình độ lao động/ vốn/ công nghệ và năng lực tổ chức/ quản lý sản xuất của tổ chức. Để nâng cao năng suất trong quá trình chế tạo sản phẩm, các nhà quản trị sản xuất tác nghiệp cần xây dựng được những hệ thống chỉ tiêu đo lường chính xác, hiệu quả, đặt mục tiêu nâng cao năng suất một cách nghiêm túc, kịp thời phát hiện và ngăn chặn các điểm yếu/sai sót kỹ thuật, cũng như không ngừng động viên/ khuyến khích người lao động phát huy trí tuệ, năng lực, tinh thần sáng tạo và trách nhiệm trong công việc. 

(*)

1. Dự báo nhu cầu

Dự báo là hoạt động tiên đoán các hiện tượng/sự việc diễn ra trong tương lai dựa vào những số liệu và phân tích trong quá khứ về các yếu tố liên quan - Sử dụng các phương pháp định tính, định lượng, sử dụng chỉ số phát triển, các chỉ số bình quân, v.v... và kết quả có thể được kiểm tra lại bằng toán học trước khi thực tế xảy ra. 

Theo thời gian, có các loại dự báo ngắn hạn (dưới 3 tháng) như kế hoạch mua hàng, điều độ sản xuất/ nhân lực; trung hạn (từ 3 tháng đến 3 năm) như kế hoạch ngân sách, sản xuất, bán hàng; dài hạn (trên 3 năm) như các dự án về sản phẩm và công nghệ.  Theo lĩnh vực dự báo, có các loại dự báo về kinh tế (tốc độ tăng trưởng GDP, lạm phát, dân số, v.v...), công nghệ (các thay đổi về công nghệ, kỹ thuật,...) và nhu cầu (tiêu thụ, nguyên liệu, nhân lực,...).

Mục đích của dự báo nhu cầu là để tìm ra những thông tin định hướng quan trọng cho quá trình thiết kế  - Tạo nên những sản phẩm đáp ứng đúng nhu cầu xã hội. 


2. Thiết kế sản phẩm

Thiết kế sản phẩm là "vẽ ra" một cách chi tiết sản phẩm dự định sản xuất về hình dáng, kích cỡ, chất lượng, tiêu chuẩn, thành phần nguyên vật liệu/ phụ liệu, v.v... - Tiến hành khi tổ chức có kế hoạch cải tiến sản phẩm (về kiểu dáng, tính năng, chất liệu,...) hay phát triển sản phẩm mới với một công nghệ mới, nhằm đáp ứng nhu cầu khách hàng, giảm chi phí và thời gian sản xuất. 

Sau khi bộ phận nghiên cứu được thành lập (quá trình tập hợp lực lượng - tổ chức cán bộ, phân công trách nhiệm và xây dựng quy trình phối hợp được hoàn tất) thì quy trình thiết kế bắt đầu được triển khai.
Ở bước lên ý tưởng, ta cần quan tâm tới sự tương thích giữa công nghệ và các sản phẩm hiện có để phác thảo các tính năng kỹ thuật cũng như đặc điểm bên ngoài của sản phẩm mới. Sau khi lên ý tưởng, bộ phận thiết kế đi ra thị trường để nghiên cứu các vấn đề về nhu cầu khách hàng, chi phí sản xuất, tính toán điểm hòa vốn, ước tính các khoản lợi nhuận, phân tích thế mạnh công nghệ và lợi thế cạnh tranh của công ty có liên quan tới sản phẩm mới. 

Thiết kế sơ bộ là việc mô tả đại ý đặc điểm bên ngoài và tính năng bên trong của sản phẩm - tạo khung sườn cho một thiết kế hoàn thiện ở giai đoạn sau (gồm: bản vẽ chi tiết, hướng dẫn kỹ thuật, hướng dẫn sản xuất, yêu cầu máy móc/ nguyên liệu, mô tả công việc, bố trí nhân lực sản xuất). Cuối cùng là đưa thiết kế hoàn thiện vào giai đoạn sản xuất hàng loạt (sản xuất thử, lập bản vẽ sản phẩm cuối cùng, thực hiện và kiểm tra/ giám sát xuyên suốt trong quá trình sản xuất.)


3. Định vị doanh nghiệp & Bố trí mặt bằng sản xuất

Định vị là quá trình lựa chọn vùng (diện tích lớn) hoặc điểm (diện tích nhỏ) để bố trí doanh nghiệp/ khu vực sản xuất của doanh nghiệp đáp ứng các mục tiêu chiến lược - Được thực hiện khi tổ chức tiến hành mở thêm nhà máy, chi nhánh mới hay di chuyển vị trí doanh nghiệp. Mục tiêu là tăng doanh số (bán hàng), mở rộng thị trường (khai thác môi trường kinh doanh), huy động hiệu quả nguồn lực tại chỗ góp phần hình thành nên một cơ cấu sản xuất hợp lý. 

Các vấn đề quan trọng đối với một địa điểm định vị là diện tích mặt bằng, đặc điểm đất đai, địa thế, nguồn nước, cơ sở hạ tầng/ công nghệ, quy trình xử lý chất thải, khả năng mở rộng quy mô, tình hình an ninh/ cháy nổ/ y tế, chi phí thuê đất và các chính sách, thủ tục, pháp luật liên quan. Một địa điểm tốt sẽ giúp tổ chức tiếp xúc trực tiếp với khách hàng, thị trường, khai thác các điều kiện thuận lợi của môi trường, giúp giảm giá thành một cách tối đa. Các xu hướng định vị phổ biến hiện nay là định vị ở trong nước hay nước ngoài, trong khu công nghiệp hay chia nhỏ để bám sát theo thị trường. 



Bố trí mặt bằng là việc tổ chức, sắp xếp máy móc, trang thiết bị trong tổ chức/ khu vực sản xuất sao cho thuận tiện trong việc di chuyển lao động và nguyên vật liệu phục vụ quá trình sản xuất, giảm thiểu tai nạn và rủi ro lao động, nâng cao năng suất và tinh thần làm việc của nhân công, tiết kiệm không gian và thuận lợi cho hoạt động giám sát, phối hợp. 

Có ba phương pháp cơ bản để phân tích một mặt bằng bố trí sản xuất là cân bằng đường dây (phối hợp tuần tự công việc với thời gian - chu kỳ sản xuất), định lượng (tối ưu các chỉ tiêu về số lần đi lại giữa các bộ phận, chi phí di chuyển, độ dài khoảng cách và tổng chi phí), định tính (tính điểm trên các yếu tố đánh giá: thuận tiện di chuyển, dễ giám sát, hiệu suất sử dụng thiết bị, thuận tiện cho giao lưu - trao đổi thông tin, tham quan - học tập.)


4. Hoạch định sản xuất tổng hợp

Hoạch định sản xuất tổng hợp là việc ra những quyết định (thời hạn từ 6 đến 12 tháng) về vấn đề sử dụng nguồn lực trong sản xuất nhằm thu được lợi nhuận. Nội dung gồm mức sản xuất (trong giờ, ngoài giờ), mức tồn kho, mức thuê ngoài, tổng chi phí về các nguồn nhân lực, máy móc, nguyên vật liệu, v.v...

Chiến lược bị động là dự trữ sẵn sàng để đáp ứng gia tăng nhu cầu, tăng thuê lao động và giảm tối đa việc sa thải lao động, tăng sản xuất ngoài giờ và giảm điều hòa công việc, tăng gia công (hợp đồng phụ) và lao động bán thời gian (thuê mướn có thời hạn). Chiến lược chủ động là sự chuẩn bị cho việc tăng giá, kéo dài chu kỳ phân phối (khi dự đoán cầu lớn hơn cung) - Hoặc giảm giá, tăng khuyến mãi/ quảng cáo/ v.v...(khi dự đoán cung lớn hơn cầu), sử dụng các hợp đồng mua chịu để kéo dài thời điểm thanh toán (chiếm dụng vốn) và sản xuất các mặt hàng đối trọng (ngược mùa vụ.)
I.    Hoạch định quy trình sản xuất và công suất

Quy trình sản xuất là tiến trình sản xuất ra các sản phẩm và dịch vụ của tổ chức - Mục đích nhằm  đáp ứng nhu cầu của một cá nhân (khách hàng lớn)/ một nhóm khách hàng - Có hoặc không sử dụng nhà thầu phụ - Có hoặc không có sự tham gia của khách hàng trong các công đoạn thiết kế sản phẩm và xây dựng quy trình sản xuất. 

Hoạch định quy trình sản xuất theo phương pháp nào là tùy thuộc vào đặc điểm và khối lượng sản phẩm cần sản xuất. Như cần áp dụng quy trình sản xuất theo từng lô nhỏ (sản xuất nhiều sản phẩm) với đặc trưng là một nguyên liệu/ một loại máy móc thiết bị có thể tham gia sản xuất nhiều sản phẩm khác nhau, nên không có một dây chuyền riêng); Quy trình sản xuất hàng loạt áp dụng khi cần sản xuất các sản phẩm có tính chuyên môn hóa cao (đáp ứng thị trường rộng lớn), có yêu cầu dự trữ lớn (ổn định phục vụ nhu cầu thị trường) và sản phẩm được sản xuất qua một dây chuyền ổn định gồm nhiều công đoạn liên tiếp; Quy trình sản xuất liên tục áp dụng khi các tổ chức cần sản xuất số lượng lớn hàng hóa nhưng ít chủng loại, máy móc bố trí theo dây chuyền liên tục và mức độ tự động hóa cao (điều hành sản xuất đơn giản, chi phí sản xuất tối thiểu và tính linh hoạt trên toàn dây chuyền không cao.)

Công suất là năng lực sản xuất của máy móc/ thiết bị/ dây chuyền công nghệ trong một đơn vị thời gian (đơn vị đo thường là tấn, kilogram, met, cái/chiếc/..., giá trị tiền tệ, v.v...). Công suất thiết kế là công suất tối đa theo kỹ thuật, công suất hiệu quả là công suất tối đa trong từng điều kiện sản xuất cụ thể, công suất thực tế là khối lượng sản phẩm trên một đơn vị thời gian trong thực tế. Mức hiệu quả và mức sử dụng là các thước đo đánh giá hiệu quả quản lý công suất. 

Hoạch định công suất là việc đánh giá công suất hiện tại và ước tính nhu cầu công suất trong tương lai để có sự tác động/ điều chỉnh, xây dựng phương án công suất mới - với mức công suất mới (thích hợp cho nhu cầu dự tính) đáp ứng đủ nhu cầu thị trường - Đảm bảo tính linh hoạt/ chủ động của quá trình sản xuất về năng lực công nghệ/chi phí/nguồn nguyên vật liệu. Hoạch định công suất cụ thể ở mức nào là tùy thuộc vào nhu cầu thị trường về sản phẩm, đặc điểm công nghệ/ năng lực quản lý/ điều hành và cơ sở hạ tầng của tổ chức. 


II.    Hoạch định nhu cầu nguyên liệu

Hoạch định nhu cầu nguyên liệu là việc trả lời tổ hợp các câu hỏi đặt ra trong vấn đề chuẩn bị các nguyên liệu đầu vào cho sản xuất như: cần nguyên liệu nào?, tiêu chuẩn chất lượng ra sao?, cần bao nhiêu?, khi nào cần và thời điểm cụ thể phát lệnh đặt hàng - Cụ thể hóa bằng danh sách các nguyên liệu đặt hàng dựa trên cơ sở phân tích lịch trình sản xuất, định mức vật tư và hồ sơ tồn kho -  Mục tiêu là giảm tối đa lượng nguyên liệu dự trữ (tránh hư hỏng, lãng phí do dư thừa), rút ngắn thời gian cung ứng nguyên liệu cho sản xuất, thúc đẩy sự phối hợp hiệu quả giữa các bộ phận - đáp ứng tối đa nhu cầu của khách hàng (thông qua tăng cường chất lượng sản phẩm và giảm thời gian sản xuất). 


III.    Quản trị tồn kho

Các hình thức tồn tại của hàng tồn kho là sản phẩm dang dở, thành phẩm chưa bán tồn lại trong kho của doanh nghiệp hoặc trong kho của người bán trung gian - Có chức năng đề phòng tăng giá, lạm phát bất thường và để hưởng chính sách khấu trừ theo sản lượng từ nhà sản xuất. 

Các chi phí phát sinh trong quá trình quản trị hàng tồn kho là chi phí mua hàng, chi phí đặt hàng (chi phí hành chính thực hiện đơn hàng, chi phí vận chuyển và nhận hàng, chi phí hoa hồng cho người môi giới, v.v...) và các loại chi phí tồn trữ (thuê kho, khấu hao kho, đầu tư trang thiết bị trong kho, trả công nhân viên, mua bảo hiểm kho và đóng thuế hàng hóa trong kho, các sản phẩm bị mất mát/ hư hỏng/ hao hụt trong quá trình bảo quản.)

Các mô hình quản trị tồn kho phổ biến là quản trị theo sản lượng kinh tế (khi nhu cầu hàng hóa ổn định và dự báo được dễ dàng, kho không thiếu hàng và không có khấu trừ theo sản lượng), kho cung cấp theo nhu cầu sản xuất (áp dụng cho các doanh nghiệp ở gần nhà cung cấp), sản lượng giữ lại nơi cung ứng, khấu trừ theo sản lượng, mô hình xác suất (dự trữ an toàn tối ưu), xác định điểm đặt hàng (tái đặt hàng để không bị thiếu hàng) hay phân tích biên tế (căn cứ theo mức sản lượng tương ứng với xác suất lời - lỗ.)


IV.     Quản trị hàng dự trữ

Hàng dự trữ là các loại nguyên liệu, thành phẩm và sản phẩm dở dang - Phân loại thành hàng tích trữ, hàng dự trữ thường xuyên (theo chu kỳ), hàng dự phòng (an toàn), hàng dự trữ thời vụ (định kỳ) và các loại hàng hóa đang trên đường vận chuyển. 

Mục tiêu của quản trị hàng dự trữ là giảm tới mức tối đa tổng chi phí dự trữ nhưng vẫn đáp ứng nhanh chóng được nhu cầu của khách hàng, giảm biến động giá cả, phòng ngừa tốt rủi ro trong sản xuất và cung ứng, tiết kiệm chi phí đặt hàng và khai thác được lợi thế từ việc sản xuất và đặt mua quy mô lớn cho tổ chức. Các chi phí liên quan trong quá trình quản trị là chi phí mua hàng/ đặt hàng/ dự trữ (chi phí cơ hội, cất trữ, hàng lỗi thời, hư hỏng, mất mát)/ thiếu hàng, v.v...Các mô hình phổ biến là EOQ (đặt hàng kinh tế cơ bản), QDM (khấu trừ theo sản lượng), POQ, v.v...


V.      Quản trị vận hành - Điều độ sản xuất

Điều độ sản xuất diễn ra từng ngày, từng giờ theo sự tương ứng giữa thứ tự thực hiện các công việc và thời gian hoàn thành. Mục tiêu là cực tiểu thời gian hoàn thành, cực đại hệ số sử dụng thiết bị, cực tiểu tồn kho bán phẩm và cực tiểu thời gian chờ đợi của khách hàng. 
Cơ sở cho việc thực hiện điều độ sản xuất là kế hoạch thông tin của các bộ phận chức năng, quy trình công nghệ, thông tin gia công, các kế hoạch điều khiển công việc thực tế, các mô tả công việc (chi phí, thời gian hoàn thành), định hướng công suất và yêu cầu của tổ chức. Công cụ áp dụng trong Quản trị vận hành - Điều độ là biểu đồ Gantt, luật điều độ (FCFS - đến trước phục vụ trước; SPT - thời gian thực hiện ngắn nhất; EDD - thời hạn hoàn thành ngắn nhất; LPT - Thời gian thực hiện dài nhất), nguyên tắc Johnson, v.v...



5.  Quản trị chất lượng sản phẩm

Chất lượng sản phẩm là khả năng đáp ứng nhu cầu hiện rõ/ tiềm ẩn của khách hàng trong những điều kiện tiêu dùng xác định, thể hiện trên hiệu năng, mức độ hoàn thiện, giá cả và mức độ thời điểm phục vụ tương ứng với thời điểm phát sinh nhu cầu.

Các yếu tố bên ngoài ảnh hưởng tới sự đánh giá chất lượng sản phẩm là nhu cầu của nền kinh kế (đòi hỏi thị trường, trình độ sản xuất,...); sự phát triển của khoa học - công nghệ (vật liệu, thiết kế, kỹ thuật sản xuất); hiệu lực của cơ chế quản lý (kế hoạch phát triển kinh tế, chính sách giá cả/ đầu tư, quy định về quản lý chất lượng.) - Yếu tố con người, phương pháp quản trị, nguồn cung đầu vào là các yếu tố từ bên trong tổ chức tác động đến chất lượng sản phẩm. 

Chi phí sai hỏng/ thẩm định/ phòng ngừa/ đánh giá chất lượng là các chi phí phát sinh trong hoạt động quản trị chất lượng sản phẩm của một tổ chức. 
Phạm vi đảm bảo chất lượng cho sản phẩm trải rộng từ khâu thiết kế cho tới các nội dung đầu tư công nghệ phục vụ sản xuất (thiết kế chất lượng, kiểm soát nguyên vật liệu, tiêu chuẩn hóa, quản trị quá trình sản xuất, quản lý các khuyết tật của sản phẩm, giải quyết khiếu nại liên quan tới chất lượng sản phẩm, v.v....). Các xu hướng đảm bảo chất lượng thường được sử dụng là các loại kiểm tra, xây dựng quy trình sản xuất/ quản trị chất lượng xuyên suốt trong chu kì sản phẩm, ngăn ngừa việc lặp lại các nguyên nhân gây sai lỗi.

Chương trình cải tiến chất lượng được khởi động bởi sự cam kết của ban giám đốc, sự chuẩn bị nhân lực, đặt mục tiêu và xây dựng kế hoạch hành động, thực hiện cải tiến và quay vòng chu trình liên tục cho tới khi đạt được mức chất lượng mà tổ chức mong muốn. Có nhiều loại tiêu chuẩn của nhiều tổ chức được đưa ra để các nhà quản trị tùy nghi lựa chọn áp dụng vào việc kiểm soát chất lượng sản phẩm của cơ sở mình (TCVN, ISO các loại,....)

(*)

Như vậy, để sản xuất ra những sản phẩm đạt chất lượng cao cần một sự đầu tư rất nghiêm túc và bài bản. Đó chính là nguyên nhân rất ít sản phẩm của nước ta đạt chất lượng để xuất sang các thị trường có tiêu chuẩn chất lượng cao. 


Hiện nay, lĩnh vực công nghiệp chế biến ở nước ta chưa mạnh nên các sản phẩm nông nghiệp chủ yếu xuất khẩu ở dạng thô - tươi, nên quy trình sản xuất còn rất thô sơ, đơn giản. 

Hy vọng sẽ có một ngày nông nghiệp nước ta có cơ hội áp dụng những quy trình quản trị sản xuất tác nghiệp bài bản để tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao - đem lại giá trị gia tăng cao hơn gấp nhiều lần cho bà con nông dân ta.

(TG Fashion tgfashion.vn - Hân hạnh tài trợ!)


0 comments:

Post a Comment