Quản trị tài chính là tổ hợp các hoạt động hoạch định, tổ chức, sử dụng và kiểm soát dòng tiền một cách hợp lý để dòng tiền liên tục sinh sôi nảy nở trong quá trình hoạt động của tổ chức.
Phân tích là công cụ giúp các nhà quản trị nhận định đúng tình hình thực tế về luồng chuyển dịch giá trị và sự vận động các nguồn lực tài chính trong tổ chức để tránh sai lầm khi đánh giá tình hình sử dụng vốn trong thời gian đã qua và đưa ra các chính sách tài chính trong thời gian sắp tới.
Quy trình tổ chức phân tích tài chính thường gồm ba giai đoạn: Lập kế hoạch, thực hiện (thu tập tài liệu, tính toán/phân tích về nguyên nhân/mức độ ảnh hưởng của các chỉ tiêu, xác định sự ảnh hưởng của các nhân tố kinh tế xã hội, tổng hợp/đánh giá và đưa ra kết luận.), cuối cùng là lập báo cáo và hoàn chỉnh hồ sơ phân tích.
1. Chính sách tài chính
Nguồn vốn là một trong những sức mạnh quan trọng của tổ chức, bao gồm vốn chủ sở hữu (vốn góp ban đầu, lợi nhuận không chia, các cổ phiếu phát hành về sau) và vốn vay (từ nguồn tín dụng bên ngoài hoặc nguồn trái phiếu do tổ chức tự phát hành). Các chính sách huy động vốn có nhiệm vụ làm lớn mạnh lên nguồn vốn một cách hợp lý, an toàn và hiệu quả - Nên tăng vốn từ bên trong nội bộ hay hướng ra tìm kiếm ở bên ngoài? tổ chức cơ cấu nguồn vốn ra sao? phương án tự điều chỉnh và tài trợ tương hỗ như thế nào cho hiệu quả? v.v...là những điều cần cân nhắc trước khi đưa ra quyết định cuối cùng về một phương án huy động vốn.
Một chính sách đầu tư cần được cân nhắc dưới tất cả các góc độ kinh tế (nền tảng tạo ra vật chất), tài chính (nền tảng tạo ra dòng tiền), kế toán (cơ sở cấu trúc và quản lý các khoản mục), kỹ thuật công nghệ (yếu tố quyết định xu hướng phát triển của các dự án đầu tư) - Đảm bảo tính khoa học và hệ thống, cân đối giữa lợi nhuận và rủi ro (tính khả thi), phù hợp với pháp luật hiện hành và nhất quán xuyên suốt trong quá trình phân tích.
Cơ cấu danh mục đầu tư có thể phân loại theo rất nhiều cách, như theo phạm vi (trong nước, nước ngoài), theo tính chất (đầu tư mở rộng hay nâng cấp), theo thời gian (ngắn/ trung/ dài hạn), theo lĩnh vực hoạt động (quản lý, sản xuất kinh doanh hay nghiên cứu khoa học), theo đặc điểm sử dụng vốn (phát triển hay chuyển dịch), theo ngành nghề đầu tư (phát triển cơ sở hạ tầng, công nghiệp, dịch vụ), v.v...
Hiệu quả đầu tư được đánh giá qua nhiều chỉ tiêu như thời gian hoàn vốn, tỷ suất lợi nhuận trên vốn đầu tư, giá trị hiện tại thuần, giá trị tương lai thuần, giá trị dòng tiền đều hàng năm, hệ số lợi ích trên chi phí, suất thu lợi nội tại, v.v...Việc phân chia lợi nhuận (giữ lại bao nhiêu để đầu tư phát triển trở lại, còn lại bao nhiêu thì đem ra chia nhau) là phụ thuộc vào những người nắm giữ cổ phần lớn của tổ chức và tài năng thuyết phục cùng tầm nhìn của người điều hành.
2. Tình hình sử dụng vốn
Nội dung và hiệu quả sử dụng vốn trong hoạt động sản xuất kinh doanh được thể hiện qua các thông tin cơ bản sau đây:
- Quy mô tài sản (Cần giữ ở mức lớn hơn trung bình ngành)
- Thành phần tài sản: Tỷ lệ vốn chủ sở hữu trong tổng tài sản, tính chất của các khoản phải thu (tỷ lệ chiếm dụng vốn lớn hay nhỏ, dễ "đòi" hay khó "đòi"), khối lượng và dạng tồn kho, quỹ dự trữ thanh khoản nhanh (tiền và đầu tư ngắn) có đủ an toàn hay không.
- Tỷ lệ các thành phần tài sản đang ở mức nào (Có hợp lý và hiệu quả hay không).
3. Chiến lược tài chính
Các phương án phổ biến trong chiến lược giá là đặt giá theo giá thành (người bán công khai giá thành và đặt giá), đặt giá theo thị trường (giá thành được bảo mật và khách hàng là người đặt giá), đặt giá biên tế (tìm mức giá cho lợi nhuận cao nhất), hay đấu thầu công khai, v.v...
Chiến lược sản lượng là phương án tìm một sản lượng đem lại lợi nhuận tối ưu (sản lượng biên tế) để đưa vào kế hoạch sản xuất. Chiến lược công nghệ là phương án đưa ra dựa trên cơ sở mối tương quan giữa sản lượng và quy mô (tương ứng năng lực sản xuất với sức mạnh của công nghệ để tránh đầu tư lãng phí). Chiến lược chớp thời cơ được ứng dụng khi nhà quản trị nhận thấy một xu hướng tiềm năng đang nổi lên và cần phải đầu tư để đón đầu lợi nhuận. Chiến lược cân đối là chiến lược "ăn chắc mặc bền" (Giữ được cân đối là đạt được sự vững chãi). Việc lựa chọn một chiến lược tối ưu để tập trung triển khai hay tạo lập một tổ hợp chiến lược bổ trợ lẫn nhau để đi song hành là việc các tổ chức tùy tình hình cụ thể phải ra quyết định.
Thị trường tài chính và các định chế tài chính trung gian là nơi giúp thêm sức mạnh cho các chiến lược tài chính của tổ chức - Đó là những cây cầu nối dẫn vốn từ nơi thừa tới nơi thiếu - Khơi thông nguồn vốn của toàn xã hội và dẫn tới đúng nơi có khả năng sinh lợi để đáp ứng nhu cầu kinh tế.
Thị trường tài chính phân theo thời hạn luân chuyển vốn được chia thành thị trường tiền tệ và thị trường vốn; theo tính chất chuyên mô hóa gồm thị trường công cụ nợ/ vốn và phái sinh; theo cơ cấu gồm thị trường sơ cấp và thứ cấp. Định chế tài chính bao gồm ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng phi ngân hàng (công ty tài chính, bảo hiểm, quỹ đầu tư, công ty cho thuê tài chính, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô, công ty chứng khoán, v.v...)
Có ba loại rủi ro trong định chế tài chính là rủi ro thị trường (lãi suất, tỷ giá hối đoái, chứng khoán), rủi ro tín dụng (vỡ nợ, sự cố tín dụng) và rủi ro hoạt động (giao dịch thất bại/ bất hợp pháp). Rủi ro cần thường xuyên được đo lường (bằng định tính, định lượng, kết quả phân tích ngành/đối thủ cạnh tranh/xu hướng phát triển, v.v...) để có giải pháp ứng xử thích hợp, kịp thời - Đi đôi với các đối sách phòng thủ cố định tùy theo đặc trưng của mỗi loại rủi ro (Yêu cầu vốn tối thiểu để phòng ngừa rủi ro thị trường; sử dụng hoạt động thanh tra kiểm soát và giám sát độc lập để phòng ngừa rủi ro tín dụng; Áp dụng nguyên tắc công khai, minh bạch để phòng ngừa các rủi ro hoạt động).
Trên đây là những vấn đề và đầu mục kiến thức chính yếu trong lĩnh vực quản trị tài chính nhằm giúp chúng ta hình dung được môi trường tài chính đang vận động hàng ngày xung quanh mình (các khái niệm xuất hiện nhiều trong báo chí mạng, trên bản tin, các bảng hiệu ngân hàng - công ty tài chính đầy khắp trên đường phố, v.v...) - Tạo lập cho ta một khung tư duy căn bản về tổ chức tài chính áp dụng được vào việc kinh doanh nhỏ của gia đình hoặc chính mình sau khi ra trường.
Nếu muốn đi sâu hơn để hiểu kỹ về từng vấn đề thì các bạn và các em có thể xem đây như một sơ đồ gợi ý. Xin chào và hẹn gặp lại trong các môn học sau :)
0 comments:
Post a Comment