Khi tham gia một cuộc leo núi, một
hành trình vượt đường trường, một cuộc chiến đấu xa “chiến khu” dai dẳng, dài
ngày, v.v… hành trang cá nhân của mỗi người luôn phải hạn chế ở mức tối thiểu để
tránh tổn hao sức lực do mang vác trong suốt quá trình di chuyển.
Trong một bộ phim tài liệu nói về
những kỷ niệm thời chiến của thế hệ thanh niên “xếp bút nghiên lên đường chiến
đấu”, một bác kể lại rằng, khi ra chiến trường đã cầm theo một cuốn sách để vơi
bớt cảm giác nhớ trường lớp và những con chữ. Nhưng rồi chỉ vài ngày sau đã phải
để cuốn sách kỷ niệm đó lại trên đường hành quân vì chặng đường còn quá dài và
nếu không bỏ bớt những thứ không thiết yếu với sinh hoạt hàng ngày thì không thể
đủ sức mà di chuyển.
Thế mới biết, càng muốn đi “thật xa” thì hành lý mang theo càng cần
phải “thật nhẹ”. Người muốn càng làm
được nhiều việc ý nghĩa trong đời thì càng phải biết buông bỏ thật nhiều những “vật
dụng” và “nhu cầu” không cần thiết để tránh vướng víu, rườm rà.
(*)
Mỗi chúng ta đều có rất nhiều nhu
cầu từ cơ bản như ăn, uống, ngủ, nghỉ, vệ sinh, học tập, giao tiếp,…, đến không
cơ bản như ăn ngon, mặc đẹp, uống cà phê, đi thẩm mỹ viện chăm sóc sắc đẹp, đến
tiệm mát xa để được thư giãn, tắm bùn, tắm khoáng, nghe hòa nhạc, đi du lịch,
triển lãm, v.v… Lối sống tiêu thụ luôn không ngừng phát sinh những mời gọi mới khiến
danh sách nhu cầu trong cuộc sống của chúng ta dường như không bao giờ ngừng
tăng tiến.
Chúng ta dường như không bao giờ
biết “đủ” – Luôn cảm thấy “thiếu thốn” và cần được “lấp đầy”. Chúng ta không ngừng
mua sắm, không ngừng tiêu thụ, không ngừng gia tăng nhu cầu hưởng thụ trong suốt
cuộc đời mình theo sự phát triển của đời sống vật chất. Mà chúng ta càng có nhiều
“nhu cầu” thì chúng ta càng “dễ chết” và “không thể sống nổi” – Vì chỉ cần một
nhu cầu không được đáp ứng đúng ý cũng khiến chúng ta bứt rứt, khó chịu, “khó ở”
và không an ổn.
Không thể đi ra ngoài khi chưa
trang điểm, không thể tự tin khi cả năm trời chưa thay đổi quần áo mới, không
thể đi đám cưới với bộ đồ mọi người đã trong thấy vài lần, không thể ngủ được nếu
không có tiếng nhạc du dương – réo rắt bên tai, không thể ngủ được nếu không có
máy lạnh, không thể sống nổi nếu không tắm trong hai ngày, không thể nuốt nổi
những đồ ăn không ngon, không thể sống được nếu thiếu điện thoại, internet, v.v…
Càng lúc cuộc sống của chúng ta càng phức tạp, rườm rà và phải phụ thuộc vào lắm
thứ tiện nghi.
Vậy những tiện nghi đó đang trợ giúp chúng ta
trong cuộc sống hay đang từng bước khiến chúng ta trở nên yếu đuối và phụ thuộc
vào chúng nhiều hơn? Là chúng ta đang “sử dụng” chúng hay chúng đang “thao túng” - “điều khiển” cuộc sống của chúng ta?
(*)
Đàn ông đích thực cần khoảng 10 phút sửa
soạn để bước ra ngoài với tôn chỉ cơ thể
sạch sẽ, áo quần là ủi tươm tất là đủ. Đàn ông điệu đà và phụ nữ cần điểm tô
thì khó mà định vị được khoảng thời gian cần thiết cho việc “sửa soạn” là bao
nhiêu. Đời sống đơn giản vì vậy mà luôn tiết kiệm thời gian, nhẹ nhàng và “cơ động”
hơn một đời sống lủng lẳng, đeo mang nhiều thứ nhu cầu và tiện nghi lỉnh kỉnh.
Mà nếu phải chú tâm quá nhiều vào những điều nhỏ bé, vụn vặt thường ngày thì tầm
nhìn của chúng ta sẽ không được giải phóng, tư tưởng của chúng ta sẽ không thể
thăng hoa.
Một làn da sợ ánh nắng, một cánh
tay sợ mang vác đồ nặng, một cái đầu sợ suy nghĩ nhiều vì chóng già hay một khuôn
mặt không dám cười, không dám nói vì sợ nếp nhăn nhưng lại luôn sẵn sàng qoẹo
đeo, nhăn nhó mỗi khi trái ý nghịch lòng thì sao có thể dấn thân vào gian khó,
sao có thể sống an vui trong một môi trường thiếu thốn - nghèo nàn, sao có thể
sẵn sàng vặn hết “sinh lực” mà cống hiến – hy sinh – phục vụ người khác? Mà nếu
không dám làm những việc xông pha như vậy thì biết bao giờ chúng ta mới có thể
trở thành người lớn. Biết bao giờ chúng ta mới có thể đứng lên – Vươn vai mà
gánh vác những việc khó khăn cho gia đình và xã hội. Chẳng lẽ lại “Đâu cần
thanh niên có, nhưng khó thì thanh niên vong…”?
Vì vậy, dẫu biết bản năng của mỗi
chúng ta là ưa sướng, lánh khổ. Nhưng để có thể làm một người hữu ích cho mọi
người, để có thể cống hiến được nhiều hơn cho cuộc đời – vì một hạnh phúc bền vững
trong tương lai thì chúng ta không còn cách nào khác là phải gắng sức mình mà
vượt thắng – lấn át đi cái bản năng hưởng thụ lớn lao, sâu dày nhưng quá sức tầm
thường này. Phải tập sống một đời sống đơn giản, ít nhu cầu hưởng thụ để được
thong dong, tự tại – Không sợ hãi âu lo mà luôn can đảm, vững vàng dấn thân vào
cuộc đời, làm lợi ích cho mọi người.
Đừng dại dột để cho bản năng hưởng
thụ ích kỷ, tẩm thường mặc sức kéo lui chúng ta xuống làm một cá nhân chỉ quen
sống biếng nhác, ưa nhàn hạ, thích đời sống xa hoa, sang trọng, rườm rà, phức tạp
khi vẫn còn sung sức – Vì chẳng ai sống biếng nhác và ưa hưởng thụ mà có thể hạnh
phúc tới cuối đời.
Tất cả những người biếng nhác và
hưởng thụ quá nhiều khi còn trẻ thì về già đều thảm bại, túng thiếu và khổ đau.
Cuộc đời “thất bại” của những siêu sao màn bạc khắp Âu Á, Đông Tây và ngay cả ở
nước ta đều hết sức “dư dả” để minh chứng cho “luận điểm” này của luật Nhân Quả. Thậm chí chưa cần tới cuối đời
thì ngay trong từng giây phút của đời sống sai lầm đó, họ đã tự nguyện trở
thành một kẻ nô lệ hèn mạt cho chính bản năng hưởng thụ của mình mà không biết
– Đã thể hiện ra trước mọi người một nhân cách bạc nhược, yếu đuối và vô dụng
mà không hay - Mà vẫn tưởng mình là “sành điệu” – “khôn ngoan” hơn tất cả!
Chúng ta nghĩ gì khi một người còn
khỏe mạnh - Đã nghèo mà còn biếng nhác, sống cầu kì và ưa hưởng thụ? Chúng ta
nghĩ sao về một người có địa vị cao, quyền chức lớn, được quyền lựa chọn tùy ý
trong đời sống nhưng vẫn chọn một căn nhà nhỏ, giản dị, khiêm tốn của một người
“gác vườn” và hàng ngày là ba bữa cơm đạm bạc - Định kỳ mấy bữa nhịn một bữa để
góp gạo chia sẻ với những người còn đang đói khổ? – Chỉ những con người có đời
sống đơn giản như vậy, khiêm tốn –
giản dị như vậy mới “đủ phước” để trở
thành những Nhân cách lớn - Những biểu tượng cao cả, vỹ đại giữa cuộc đời đầy rẫy
tầm thường và kém cỏi này.
(*)
Chúng ta không có tham vọng trở
thành vỹ nhân, không mơ ước cao xa được trở nên cao cả. Nhưng tất cả chúng ta đều
cần có một đời sống ít hưởng thụ; phù hợp với bổn phận, trách nhiệm của mình và
hòa hợp được với bối cảnh xung quanh - Để không bị ràng buộc vào quá nhiều “tiện nghi” vật chất mà tự do, thoải
mái “đầu tư” trọn vẹn những gì mình
có cho những điều ý nghĩa - Cho những điều có khả năng mang lại lợi ích lâu dài
cho chúng ta và tất cả mọi người.
Nếu có thể ăn hai món là đủ thì đừng
ăn 5 món, 6 món. Nếu chỉ 5 bộ đồ là đủ thì đừng mua cả chục, cả trăm bộ đồ đẹp
mắt mà kém chất lượng để rồi bỏ đi uổng phí. Nếu vẫn có thể chịu nóng để ngủ thì
đừng đòi hỏi thêm quạt cây hay máy lạnh. Nếu chiếc xe vẫn còn chạy tốt thì cũng
không cần ráng vay tiền mua chiếc khác đẹp hơn cho bằng bạn bằng bè. Bản năng
hưởng thụ là không giới hạn, nhưng sức chi trả của ta - “Phước đức” của ta thì hạn hẹp vô cùng. Nên cứ phóng túng, xa hoa,
chiều chuộng theo bản năng hưởng thụ, làm mười ăn hết mười bốn thì chỉ tàn mạt
mà thôi.
(*)
Khi ta sống một đời sống hợp lý, đơn
giản, không phung phí những vật chất ít ỏi mà mình có theo sự xúi bảy của bản
năng hưởng thụ - Cưỡng lại được “khuyết tật” cố hữu, sâu dày này trong tự thân
- Thì ta sẽ có được một sức mạnh “kiềm chế” và “nhẫn nhục” rất lớn để thắng lướt
nhiều nghịch cảnh bên ngoài, Vượt qua được nhiều khó khăn, thử thách trong đời
sống để phát triển năng lực bản thân, làm được nhiều điều ích lợi cho mọi người.
Từ đây ta sẽ dần xử lý được nhiều vấn đề khó khăn hơn cho xã hội – Được đảm nhận
nhiều bổn phận hơn trong gia đình, lối phố, công sở,… và sẽ có một mức sống
“dâng cao” bền vững - Thậm chí, ta khó lòng giữ được một mức sống quá thấp khi
ta đang phải đảm nhận một chức vụ quá cao. Đó chính là lúc luật Nhân Quả “ép” chúng ta phải “gặt hái” –
“hưởng thụ” những quả ngọt mà ta đã gieo nhân trước đó. Lúc này càng phải tỉnh
táo và thông minh hơn bội phần thì ta mới có thể khéo léo duy trì một đời sống
đơn giản để “tiết kiệm” phước báo –
Không xài hết vào việc hưởng thụ mà “để
dành” – “đầu tư” phát triển những điều quý giá khác như đạo đức, trí tuệ, bản
lĩnh sống, v.v…
Khi có ít tiền, ta rất dễ lướt
qua nhanh một cửa tiệm quần áo lớn, một nhà hàng sang trọng, một khách sạn xa
hoa. Nhưng khi ta dư sức để chi trả cho những điều đó thì ta khó lòng mà cưỡng
lại “ham muốn” được “hưởng thụ” của bản thân. Do đó, những khách hàng “có khả năng chi trả” luôn là những con
mồi béo bở mà các nhà kinh doanh tập trung “chăm
sóc”. Và khi đã xài hết tiền vào những chốn “tiêu thụ” như vậy thì ta sẽ không còn tiền để đi học nữa. Không
còn tiền để tái đầu tư nữa. Không còn tiền để dự phòng rủi do nữa, v.v… và muôn
ngàn khó khăn lại ùa tới, làm lung lay đời sống vừa mới chớm “ngóc dậy” của
chúng ta – Đây là dấu hiệu cảnh báo của luật Nhân Quả rằng chúng ta đã sắp “tiêu xài” hết “Phước”.
Do đó, cả những người giàu có,
trong cuộc đời gặp nhiều may mắn cũng phải ráng “tu luyện” một đời sống đơn giản
để tiết kiệm phước chứ không chỉ riêng những người đang chật vật, khó khăn.
Sự an vui, sung sướng trong cuộc
đời này rất linh động chứ không hề cố định. Ngày hôm nay ta giàu nhưng ngày mai
ta có thể ngay lập tức rơi vào túng thiếu. Bởi luật Nhân Quả luôn theo sát từng bước đi của ta, từng hành vi, cử chỉ của
ta để “cập nhập” vào dòng phước nghiệp của ta mà “phân phối” phước báo (sự giàu có, an vui,
sung túc, v.v…) cho phù hợp, chính xác và công bằng.
(*)
Đây là lý do Đức Phật tổ chức cho những học trò của mình một đời sống vô cùng “tối giản”.
Không có tóc để không cần bận tâm
về giai cấp, địa vị (trong thời Đức Phật,
xã hội Ấn Độ nhận diện giai cấp qua các kiểu “làm tóc”) và việc vệ sinh, gội rửa.
Sống gần gũi với thiên nhiên, ngủ ở gốc cây, bờ đá chứ chẳng nhất định phải có
mái có nhà. Không điểm tô, không trang sức, không tích trữ tài sản – thậm chí một
chút đồ ăn “để dành” qua đêm cũng không được. Không ca múa nhạc, không bàn luận
phước báo thế gian (nói chung là không “Bà tám”). Chỉ dùng ba bộ đồ giống y hệt
nhau và không hề đổi mốt suốt hai mùa mưa nắng và suốt cả cuộc đời. Một chiếc
chén lớn (bình bát) để đi khất thực – Vừa không bận rộn việc bếp núc, vừa gieo
duyên với cuộc đời – Khuyến khích mọi người phát khởi tâm “bố thí – xả bỏ” để
triệt phá tâm “ tham lam - chấp giữ”; gieo
nhân lành qua việc giúp đỡ những người có đạo đức - những bậc chân tu suốt
đời đem đến những lành thiện cho cuộc đời để đời này cùng nhiều đời sau được thụ
hưởng nhiều phước báo trong đời sống
và sự tu tập.
Ngay cả những người học trò chưa đủ
nhân duyên để “ly khai” khỏi đời sống thế tục (các Phật Tử tại gia) cũng được Đức
Phật chỉ dạy phải đơn giản trong cách ăn uống, phục sức và lối sống để dành
hết thời gian, tâm sức tu hành Thiền định,
học hỏi Chánh pháp bên cạnh bộn bề
những bổn phận với gia đình và xã hội.
Vậy nên khi tới chùa – Bất luận đẹp
xấu, giàu nghèo, tất cả chúng ta đều phải ăn mặc kín đáo, giản dị, thậm chí “đồng phục” luôn! - Để tránh làm động tâm
“phân biệt” của tất cả mọi người và
“kích động” bản năng hơn thua, thích “cá tính” – thích “nổi bật” của chúng ta. Đã
vào chùa là phải “đồng loạt” giữ
thái độ thành kính, khiêm cung, nhịn nhường – nhu thuận, thương yêu, chăm sóc lẫn
nhau bất phân tuổi tác. Người lớn tuổi không ỷ thế “tuổi tác” mà phách lối, lên
đời buộc mọi người phải lắng nghe. Người nhỏ tuổi không được vin vào tình
thương của mọi người mà mè nheo, nhõng nhẽo, đòi hỏi mọi người phải chiều chuộng
thái quá. Bước qua cửa chùa là phải bỏ hết mọi đòi hỏi và nhận hết mọi trách
nhiệm san sẻ, yêu thương, hy sinh – Để chuyên tâm thực hành diệt trừ “Bản ngã”.
Đức Phật dạy dỗ ta, răn nhắc ta, chỉ cho ta con đường thực tập để sống
được một cuộc đời đơn giản không chỉ trong đời sống vật chất mà trong cả nội
tâm – Hướng chúng ta “xả ly” mọi sự
cố chấp, mọi thành kiến, mọi đòi hỏi với cuộc đời. Dạy ta không xa hoa cầu kì,
không hơn thua tật đố, không tham lam tranh giành, không nói lời xúc não mọi
người – Luôn ý thức lỗi mình, luôn nhận lỗi về mình, nâng đỡ - cảm thông – tha
thứ mọi điều dù là xấu ác mà người khác có lỡ gây ra cho mình. Mong mỏi chúng
ta từng chút vượt lên, thoát khỏ chấp ngã
“vô minh” của mình, cái tôi “ích kỷ”
của mình để tung bay giải thoát – Làm một người ung dung tự tại giữa cõi đời lắm
ràng buộc, khổ não, bon chen này mà đủ sức thương yêu tất cả - Kiên trì, nhẫn nại
độ thoát muôn loài vượt qua bể khổ - Tới bờ an vui.
(*)
Ấy vậy mà chúng ta chẳng chịu
nghe lời!
Chúng ta chẳng lo học hỏi – thực
tập những điều suốt cả cuộc đời Đức Phật
khổ công chỉ dạy, răn nhắc, dặn dò mà chỉ mải lo săm soi, xỉa sói lỗi lầm –
khuyết điểm của người khác để rồi “cái
tôi” trong mình cứ mỗi lúc một “to” ra
theo từng năm tháng đi chùa cũng chẳng hay, chẳng biết - “Chẳng thèm” nhìn lại.
Phật dạy ta phải “ngoái vào” để lo sửa tâm mình mà ta thì cứ “ngoái
ra” để lo “sửa” thiên hạ!
Cứ đến chùa được vài năm, vài chục
năm - Cứ lạy phật được vài trăm, vài ngàn là tự cho rằng mình đã được “tung bay
giải thoát” – đã “vượt trên phàm trần” – đã “hơn hẳn” mọi người - Để rồi càng tới
chùa, càng lễ Phật thì càng kiêu căng, tự phụ, chẳng coi ai ra gì. Đụng đâu
cũng gọi người này, người kia là “chúng sinh”, đụng đâu cũng sân si mắng mỏ người
khác là vô minh, tầm thường, kém cỏi, không biết đạo lý, v.v…
Chúng ta độ ai tới bờ an vui thì
chẳng thấy mà cứ hễ nhìn thấy chúng ta là mọi người không sợ hãi thì chán ghét
tất cả mọi thứ liên quan tới chùa chiền, kinh điển – Tất cả những gì liên quan
tới chúng ta. Chúng ta càng đi chùa nhiều bao nhiêu, càng mặc áo tràng lễ Phật
nhiều bao nhiêu thì Đức Phật - Đạo Phật càng bị hoài nghi nhiều bấy nhiêu. Những
người tu hành chân chính càng khó khăn trong việc hoằng pháp, độ sinh – Thuyết
phục mọi người tìm về bến giác bấy nhiêu.
Vậy nên, xin hãy ý thức thật kỹ tấm
áo tràng quý giá mà chúng ta đang được khoác trên mình. Xin hãy ý thức rõ những trách nhiệm và bổn phẩn của chúng ta trước
Đức Phật, Giáo Pháp và những bậc Tu
Hành Chân chính khi chúng ta mang danh là một người “Phật Tử” mà ráng chuyên tâm học hiểu giáo pháp cho thật nhiều, ráng
chuyên tu thực hành lời Phật dạy cho
thật nhiều chứ đừng vội vã chưa có gì trong tim, chưa có chi trong óc đã muốn
nhảy lên làm “Thầy đời” tất cả - Làm xấu đi bản thân mình. Làm xấu đi Đạo Phật. Làm xấu đi Đức Phật cao quý - và “Thiêu rụi” mọi
duyên lành của những người chưa từng được tiếp xúc với những lời chỉ dạy thiết
thực, nhiệm màu của Đức Phật - Chỉ vì
mới thấp thoáng thấy “dáng ta” là họ đã muốn chạy đi cho thật xa.