Sống trong cuộc đời, mỗi chúng ta
ai cũng cần có những mối quan hệ tốt đẹp với mọi người xung quanh. Ngay cả những
người bên ngoài tỏ ra vô cùng lạnh lùng, khắc nghiệt với cuộc đời thì bên trong
họ cũng có những khát khao rất lớn về tình yêu thương. Những người thù hận cuộc
đời nhiều nhất là những người đã từng thương yêu cuộc đời nhiều nhất, nhưng vì
một lý do nào đó, họ cảm thấy hoặc thực sự bị cuộc đời quay lưng lại, đối xử một
cách lạnh lùng, tàn nhẫn, nên họ bị tổn thương lòng tin và lòng tự trọng rồi
quay sang thù ghét đời, thù ghét người - Trở thành một sa mạc khô cằn, một ốc đảo
hoang vu giữa một thế gian vốn đã đầy rẫy những điều đau khổ, nghịch cảnh và bất
như ý.
Cuộc sống của mỗi chúng ta chất
chứa đầy rẫy những điều “ngang trái”, những nỗi khổ, niềm đau mà chỉ chính mỗi
người mới tự mình biết rõ. Có thể một vài lúc quá vui vẻ khiến ta tạm quên đi
những mệt mỏi và gánh nặng trong đời, nhưng rồi những thử thách lại trở về, những
khó khăn lại tiến đến và ta cần phải tiếp tục đối diện, tiếp tục chịu đựng. Chúng ta có thể đi xa được bao nhiêu - Thành tựu được tới mức nào là tùy thuộc hoàn toàn nơi sức chịu đựng của ta - Khả năng "chống chịu" và thích nghi (sức "Nhẫn nhục") của ta trước những thử thách của cuộc đời.
(*)
“Cho tôi một vé trở về tuổi thơ” – Là câu chuyện do một người lớn
viết và mãi mãi chỉ là ước mơ của những người lớn.
Nếu ai còn nhớ thật rõ về chặng
đường tuổi thơ đã đi qua thì chắc chắn sẽ không quên được nỗi sợ hãi đến tận cùng
vì bất cứ điều gì bị người lớn phóng tưởng, hù dọa. Không thể quên được những
cơn ác mộng, những nỗi ám ảnh về tin đồn ông kẹ, ông ba bị, bà già mặc đồ đỏ
hay đi bắt trẻ em. Không thể quên được những mệt mỏi, căng thẳng mỗi khi làm
bài tập – chiến đấu với sự ngu dốt của đầu óc, mỗi khi rèn luyện thể lực – chiến
đấu với sự yếu ớt của cơ bắp và sự yếu đuối của tinh thần.
Người lớn là những người đã hoàn
thành rất nhiều năm tháng học tập, lao động và va chạm với đời nên những hoạt động
như học tập, chạy nhạy, rèn luyện của trẻ em đối với chúng ta rất nhẹ nhàng và
thư giãn nên chúng ta mới khao khát muốn trở về, muốn tìm lại. Còn trẻ em thì vẫn
chỉ là những người chiến binh mới chập chững bước vào sàn đấu, chúng phải chiến
đấu rất vất vả và khó nhọc nên khao khát vỹ đại nhất của chúng mỗi ngày là được
trở thành người lớn thật nhanh để được quyền tự quyết định ăn cái gì, học cái
gì, vui chơi – ngủ nghỉ ra sao thỏa thích theo ý muốn! Vì sự thật là cuộc sống của
trẻ em cũng phải “chịu đựng” rất nhiều – cũng phải “kham nhẫn” rất nhiều.
Trẻ con thường xuyên giận dữ vì
những đòi hỏi của cuộc sống so với sức “chịu đựng” của chúng là quá lớn. Và trẻ
con cũng thường xuyên phải “kham nhẫn” – “chịu đựng” vì đời sống của chúng vẫn
còn phụ thuộc hoàn toàn vào ba mẹ và những người lớn xung quanh. Chúng nghĩ rằng
chúng phải “nghe lời”, phải “chịu đựng” vì chúng chưa có đủ sức mạnh và sau
này, khi trở thành người lớn như ba mẹ rồi thì chúng sẽ được hoàn toàn tự do,
hoàn toàn được sống theo ý mình.
Chỉ khi lớn lên, chúng ta mới dần
nhận thức rõ rằng, trong cuộc đời này rất ít điều được như ý muốn của mình, phần
lớn tất cả đều buộc ta phải tùy duyên mà chấp nhận nếu không muốn bị cả thế giới
quay lưng. Từ những điều vụn vặt thường ngày trong mối quan hệ chung sống, làm
việc, cho tới tình cảm riêng tư, những dự định trong sự nghiệp, thậm chí những
việc làm thiện nguyện muốn cống hiến cho đời cũng chẳng điều gì là trơn tru thuận
lợi – Những trở ngại, vướng mắc, khó khăn luôn có thể xuất hiện bất cứ lúc nào
và buộc ta phải “chấp nhận”, chịu đựng - Gồng mình vượt qua.
(*)
Có bao giờ ta nghĩ rằng, cuộc sống
của chúng ta khó khăn là vì hoàn cảnh sống của ta không cho ta cơ hội tự quyết?
Có bao giờ ta nghĩ rằng cứ phấn đấu nỗ lực để có địa vị cao, để được sang giàu –
đầy quyền uy, có nhiều người dưới trướng – nhiều người vâng lời, phục vụ thì ta
sẽ được thoải mái mọi điều, như ý mọi điều?
Tất cả chúng ta đều đã từng có những
lúc khờ khạo mà nghĩ như vậy, tin như vậy, thậm chí dốc sức cả cuộc đời để theo
đuổi những điều phù phiếm như vậy với ước mơ mưu tìm hạnh phúc – Mặc dù thừa biết
rằng những ông chúa, bà hoàng, những người giàu sang, quyền quý, v.v… chính là
những người “khó ở” nhất. Bất cứ điều
gì hơi trái ý, nghịch lòng là sẵn sàng nổi xung thiên – phỉ báng, chà đạp, hành
hạ người khác.
Trong thời phong kiến, tới cái ghế
vua đã một lần ngồi xuống cũng phải đem lên mà thờ, một cái gạt tay lỡ làm đau
vua một chút cũng đủ lý do để bị chém đầu. Trong thời hiện đại, một câu nói lỡ lời
khiến cô chủ nhỏ tức giận cũng đủ để người vú già “thọ nhận” cả chục cái bạt
tai và vô số lời mắng nhiếc từ những cái miệng “cao quý”. Một mức độ chịu đựng
nghịch cảnh yếu kém tới như vậy – Một nội tâm ích kỷ, bạc nhược, yếu kém tới
như vậy – Chỉ vài nghịch ý nhỏ nhặt như vậy cũng tự ái, cũng không thể chịu đựng
nổi thì làm sao đứng vững được trong cuộc đời đầy nghịch cảnh, sóng gió này?
Những cậu bé, cô bé không
may mắn phải từ nhỏ sinh ra trong giàu sang, lớn lên trong giàu có, quen được
nuông chiều theo “bản ngã” – “cái tôi” ích kỷ - Thì đều trở thành những cá nhân
tầm thường, kém cỏi và vô dụng nhất trong xã hội một khi không còn chỗ dựa gia
đình.
(*)
Bạc tiền tài sản, phú quý vinh
hoa trong cuộc đời có đó rồi mất đó. Triều đại nào rồi cũng lụi tàn, vọng tộc
nào rồi cũng tan hoang, chẳng có gì là mãi mãi, chẳng có gì là trường tồn để mà
dựa vào tìm yên ổn. Chỉ có trí tuệ, bản lĩnh sống – sức chống chịu, đương đầu với
khó khăn, nghịch cảnh mới là điều theo ta và chi phối ta mãi mãi. Ta chịu đựng
kém thì ngoại cảnh thuận lợi mấy ta cũng cảm thấy mình là người bất hạnh. Ta chịu
đựng tốt thì mọi chuyện ở trên đời đều là những món quà của cuộc sống, đều là
những người thầy quý giá đem tới cho ta những bài học cao quý ở trong đời.
Đi qua một cuộc đời sống gió cũng
như đi qua một trường học lớn, có những người thành công – tốt nghiệp trong vinh
quang, có nhiều người thất bại – lặng thầm trong đau khổ. Và cách ta hiểu về
nguyên nhân của những khổ đau trong đời sẽ quyết định thái độ của ta khi thành
công hoặc thất bại.
Nếu hiểu rằng đau khổ trong đời
là sự bất công thì khi thất bại ta sẽ oán trách cuộc đời, cho rằng cuộc đời “thiên
vị” cho những người khác và đối xử “bất công” với ta – Còn khi thành công thì ta
sẽ dương dương tự đắc, tự cho mình là hay, tự nghĩ mình là giỏi nên trong “bất
công” mới có thể “thành công”! - Để rồi những chịu đựng gian khó trong suốt quãng
đường hướng tới thành công trở thành niềm tự hào của ta, trở thành “nguồn dinh
dưỡng” nuôi lớn bản ngã của ta, cái tôi của ta – Khiến cho ta càng thành công
thì càng kiêu căng, ngạo mạn, ngông cuồng, dễ dàng khinh miệt – coi thường người
khác và rồi lại phải trở về với thất bại, khổ đau.
(*)
Đạo Phật không chấp nhận bất cứ một điều gì được lý giải một cách qua
loa như “hiển nhiên” ,“ngẫu nhiên” hay duy ý chí từ một thế lực cao siêu nào đó
mà ta không cần phải thắc mắc. Với đạo Phật,
bất cứ điều gì xảy ra cũng đều phải có lý do của nó - Và lý do đó luôn xuất
phát từ luật Nhân Quả công bằng.
Bất cứ người con nào của Phật (Phật Tử) cũng đều phải biết rằng - Dưới
sự kiểm soát và vận hành của luật Nhân
Quả công bằng, trên đời này không có gì là “bất công”, không có gì là “vô
lý”. Tất cả đều có lý và tất cả đều tương ứng với nghiệp “Lành – Dữ” mà chính bản thân mỗi chúng ta đã gieo trồng,
chăm bón trong nhiều đời nhiều kiếp.
Vì tất cả chúng ta đều sống ích kỷ
nhiều hơn vị tha, đều tranh đoạt nhiều hơn nhịn nhường, đều tham lam nhiều hơn chia
sẻ, đều biếng nhác nhiều hơn chăm chỉ, v.v…nên cuộc sống của phần lớn chúng ta
không chỉ đời này mà còn nhiều đời khác sẽ còn phải gánh chịu rất nhiều nghịch
cảnh và khổ đau. Bởi với lối sống ích kỷ, sai lầm của mình, chúng ta đã gây ra
nhiều buồn thương, đau khổ, thiệt hại, tổn thất cho mọi người, cho xã hội. Và một
ý nghĩ xấu thù ghét thế nhân, một lời nói độc địa rủa xả mọi người, một cái bạt
tai – hay chỉ là một cái liếc háy, cười cợt trên nỗi đau khổ, bất hạnh của người
khác, v.v… tất cả đều không thoát khỏi sự phán xử công bằng của luật Nhân Quả.
(*)
Chứng ngộ tột cùng sự vận hành của
luật Nhân Quả, Đức Phật dạy chúng là phải luôn có tinh thần “Nhẫn Nhục” trong đời sống. Ai mắng con - con nguyện không mắng lại,
ai đánh con - con nguyện không đánh lại, luôn luyện tập trải lòng từ bi – yêu thương
tới tất cả chúng sinh vạn loài để “giải
oan kết” nhiều đời nhiều kiếp và để gieo
trồng thật nhiều những hạt mầm tốt
tươi trong từng thời khắc sống.
Tin hiểu vững chắc vào luật Nhân Quả, những người con của Phật
(Phật Tử) phải luôn giữ trong mình một
tinh thần “Nhẫn nhục” dũng mãnh và bền
bỉ . Dũng cảm đối diện với nghịch cảnh – Không phản ứng lại để tiếp tục gây
thêm nghiệp xấu. Không oán than, không bỏ cuộc, không thụ động, không tuyệt vọng
- Mà phải luôn lạc quan, vững vàng, tự tìm niềm vui trong đau khổ để đứng lên mạnh
mẽ - Xây lại cuộc đời, làm nên thật nhiều điều có ích cho mọi người – Dũng cảm trả
nghiệp một cách tích cực như cách chị Hướng Dương đã làm, như cách anh Lưu Nguyễn
đã làm, v.v…
Vì vậy mà cách sống “Nhẫn nhục” của đạo Phật hoàn toàn khác với lối sống nhu nhược, yếu đuối - Hay buồn khổ,
sợ hãi trước cuộc đời, không biết làm gì cũng không dám làm gì để tự chuyển
nghiệp của mình. Khác với lối sống hung hăng, sân hận, bất luận hoàn cảnh nào
cũng cũng không thể bình an, tự tại đối diện mà tâm thức luôn sục sôi, tinh thần
luôn phản kháng, lời nói - hành vi luôn bạo tàn. Khác với lối sống vô liêm sỉ,
sẵn sàng luồn cúi, xu nịnh vì đói khát lợi ích cá nhân. Khác với lối sống ích kỷ
- cầu an riêng cho bản thân – Luôn né tránh mọi điều gây bất lợi cho mình
- Không dám lên tiếng, không dám chiến đấu bảo vệ lẽ phải, không dám bảo vệ những
người cô thế - kém may mắn trong cuộc đời dù sức mình có thể.
(*)
Nhưng không phải ý thức được là sẽ
ngay lập tức thực hiện được. Cả chị Hướng Dương và anh Lưu cũng đã phải trải
qua một quãng thời gian dằn vặt, đau khổ, oán than cuộc đời trước khi bước đi vững
vàng được trên con đường “Nhẫn nhục” –
Đối diện “Nghiệp”, chấp nhận “Nghiệp” và chuyển hóa “Nghiệp”.
Đó là vì mỗi chúng ta đều có cái
tôi rất lớn – có sự chấp ngã, tự tôn về mình rất lớn. Khi nghịch cảnh tới, nó
khiến chúng ta bị “tổn thất”, bị yếu kém đi và khiến ta có cảm giác mình trở nên
thấp bé, bị người khác khinh rẻ, coi thường hay thương hại. Khiến chúng ta
không còn “tự hào”, “kiêu mạn” về mình được nữa mà thay vào đó là sự xấu hổ, tự
ti, mặc cảm – hay “Nhục nhã”.
Nghịch cảnh có thể là những tai nạn bất ngờ, có thể là sự sỉ nhục –
xem thường của những người xung quanh, những thất bại, những oan trái mà người
khác cố ý gieo rắc cho mình, v.v…Nói chung, nghịch cảnh là tất cả những gì đánh
vào “cái tôi” của chúng ta, đánh vỡ “danh dự” của chúng ta – Và bản ngã của chúng ta luôn có xu hướng chống
lại, muốn đẩy ra xa những nghịch cảnh thay vì mở lòng để đón nhận. Do đó - Do
còn có “cái tôi” nên thất bại nào cũng cần một khoảng thời gian thích nghi trước
khi được chấp nhận, mất mát nào cũng cần có một khoảng thời gian đau khổ để làm
quen. Giai đoạn chế ngự hoàn cảnh bên ngoài chỉ có thể bắt đầu chừng nào chúng
ta có thể chế ngự được sự thúc đẩy “chối bỏ” – “không muốn chấp nhận” nghịch cảnh của nội tâm bên trong.
Và có vượt lên được cái “ta”, có dấn thân hành động – đem lại an
vui, hạnh phúc cho người khác thì luật
Nhân Quả mới có đủ cơ sở để mang trở lại cho ta những niềm an vui, hạnh phúc
trong cuộc đời.
Không ai sống nổi khi luôn chỉ chú tâm vào bất hạnh của mình, nỗi đau của mình, mất mát của mình. Hoàn cảnh chỉ tốt lên, tinh thần chỉ mạnh mẽ lên, cuộc đời chỉ tươi sáng hơn lên khi chúng ta biết tạm quên đi cái "ta" của mình mà mở lòng hướng về nỗi đau của người khác, thấu hiểu những nỗi bất hạnh của người khác - Đồng cảm, an ủi – sẻ chia và nỗ lực hết sức mà xoa dịu niềm đau cho họ.
Không ai sống nổi khi luôn chỉ chú tâm vào bất hạnh của mình, nỗi đau của mình, mất mát của mình. Hoàn cảnh chỉ tốt lên, tinh thần chỉ mạnh mẽ lên, cuộc đời chỉ tươi sáng hơn lên khi chúng ta biết tạm quên đi cái "ta" của mình mà mở lòng hướng về nỗi đau của người khác, thấu hiểu những nỗi bất hạnh của người khác - Đồng cảm, an ủi – sẻ chia và nỗ lực hết sức mà xoa dịu niềm đau cho họ.
(*)
Muốn được an vui phải gieo nhân an vui. Muốn được thoát khổ,
phải giúp người thoát khổ.
Nghịch cảnh là nghiệp, thuận cảnh
cũng là nghiệp. Nhân duyên đầy đủ thì thành công, nhân duyên đầy đủ thì thất bại.
Nghiệp duyên tốt lành thì an vui, nghiệp duyên xấu ác thì “Nhẫn nhục” mà an
vui.
"Không có gì phải buồn, không có
gì phải khổ. Điều quan trọng là phải đi đúng con đường."
0 comments:
Post a Comment