Muốn có được những sản phẩm tốt
thì trước tiên cần có điều gì? Đó là sự hiểu biết về những “nhu cầu” chưa được
đáp ứng của khách hàng – Hay nói cách khác là cần có sự hướng “tâm” ra bên
ngoài (về phía khách hàng) mà quan sát, tìm hiểu, suy ngẫm, phát hiện ra những
gì đang gây trở ngại, khó khăn cho mọi người, làm cho mọi người chưa được thuận
tiện trong đời sống - Để rồi từ đó mà tìm cách khắc phục khó khăn “giùm” họ
thông qua các sản phẩm của mình.
Muốn được người khác chấp nhận, lắng
nghe, yêu thương, gắn bó thì trước tiên ta cần phải làm cho được điều gì? Đó là
hướng suy nghĩ về tất cả mọi người, hiểu họ có đặc điểm tính cách như thế nào –
Thích gì, ghét gì; hiểu họ đang cần điều gì, đang tránh điều gì; đang thuận lợi
ở đâu, khó khăn ở chỗ nào, v.v… rồi từ đó quay trở lại tự hỏi bản thân mình rằng:
“Vậy ta có thể làm được điều gì để giúp đời sống của mọi người trở nên tốt đẹp
hơn?” – Trả lời được rồi thì bắt tay vào hành động ngay để đem tới cho tất cả sự
an ổn trong tâm hồn và niềm an vui trong cuộc sống bằng tất cả những khả năng mà
mình có.
Chúng ta có thương mến những người
luôn chú ý tới ta, quan tâm, chăm sóc và đáp ứng nhanh chóng bằng hành động thích
hợp mỗi khi chúng ta có “nhu cầu” hoặc cần tới sự trợ giúp hay không? Và khi
thương mến rồi thì chúng ta cũng sẽ sẵn lòng giúp đỡ những người ta thương mến -
Tất cả những gì họ cần và chúng ta có thể phải không?
Đó là quy luật thông thường, dễ nhận
biết của tình cảm mà bản chất sâu xa là sự khách quan, công bằng của luật Nhân Quả. Chúng ta gieo yêu thương,
nâng đỡ - Giúp người khác thành công thì chúng ta mới có thể gặt được quả yêu
thương, nâng đỡ và hỗ trợ từ phía người khác trong đời sống và sự nghiệp của
mình.
(*)
Những người đạt được thành công
hay sự nổi tiếng thật sự trong xã hội – Được nhiều người yêu mến đều là những
người đã đem tới nhiều điều “lợi ích” cho mọi người. Càng đem lại nhiều “lợi
ích” cho đời bao nhiêu thì bản thân càng nhận lại nhiều “lợi ích” và “vinh
quang” bấy nhiêu.
Công ty nào có nhiều khách hàng hơn – phục vụ được nhiều người
hơn thì thành công hơn. Người nào đem lại nhiều niềm vui, cảm xúc tích cực cho
cuộc đời hơn thì đời sống được vui vẻ, tích cực hơn. Người nào hay cho đi nụ cười
thì sẽ nhận lại nhiều nụ cười. Người nào mang đến sự lạnh lùng và thù hận cho cuộc
đời thì sẽ nhận lại sự hắt hủi, xa lánh và chối bỏ từ mọi người.
Bản năng của con người là vị kỷ,
là vun vén cho chính mình - Vì tất cả chúng ta đều đeo mang suốt đời một ảo ảnh
mãnh liệt về một “cái tôi” không thật.
Chúng ta tin rằng “Cái tôi” này là riêng biệt và khác biệt với tất cả những “Cái
tôi” khác, nên mỗi người đều cho rằng sống vì chính mình (vì “cái tôi” của
mình) mới là điều đúng và sống cho người khác – sống một cách “Vị tha” – Đem tới lợi ích và niềm vui
cho những “cái tôi” khác là điều “khờ dại”. Vậy nên, tất cả chúng ta dù ít hay
nhiều cũng đã sống một cách rất sai lầm – Đi ngược lại nguyên lý vận hành của
luật Nhân Quả. Và tới đây chắc bạn
đã hiểu tại sao thế giới của chúng ta, cuộc đời của chúng ta lại có quá nhiều đau
khổ và bất hạnh đến như vậy.
Bản thân chúng ta và hoàn cảnh sống
của chúng ta chính là sự phản chiếu từ cách nghĩ và cách sống của chúng ta
trong đời này và nhiều đời khác.
(*)
Vậy cho yêu thương để được yêu
thương, giúp người khác thành công để sau này mình được họ “trả ơn” thì có thể
thành công và được yêu thương hay không? Tất nhiên là được – vì đó là sự công bằng
và khách quan của luật Nhân Quả. Nhưng
cái chúng ta được nhận lại sẽ là những yêu thương giả dối và những thành công không
bền. Vì chúng ta đã thương yêu không thật lòng và đã giúp đỡ người khác một
cách toan tính, vụ lợi chứ không bằng một niềm mong mỏi thực sự được thấy người
khác thành công.
“Vị tha” – Sống vì người khác mới là hạt giống “đúng” đem đến thành
công và hạnh phúc thật sự cho chúng ta. Tất cả những việc làm mang “hình thức”
vị tha mà che đậy bản chất bên trong là “vị
kỷ” – Làm việc tốt chỉ vì mong cầu lợi ích cho chính bản thân mình thì đều
nhận lại những kết quả không tốt lành tương ứng. Sự vị kỷ - lối sống “ích kỷ’’
là hạt giống khổ đau – Và cho dù ta cố gắng ngụy trang, che dấu thế nào thì cuối
cùng nó cũng phải trổ ra những trái đắng cho người đã chọn gieo trồng nhân xấu.
Vì vậy, dẫu biết rằng luật Nhân Quả là công bằng, dẫu biết rằng
cho đi nhiều là sẽ nhận lại được nhiều nhưng hãy quên đi tất cả những phép tính
cộng trừ - nhân chia đó mà nỗ lực sống một cuộc đời thương yêu vô điều kiện. Dù
biết rằng giúp đỡ một ông chủ lớn sẽ được nhiều “phần thưởng” hơn nhưng đừng hờ
hững, vô tâm trước một người ăn xin đang đói khát, quằn mình trong gió lạnh. Dù
biết rằng giúp đỡ những em nhỏ lành lặn thì tương lai chúng sẽ làm được nhiều
việc có ích hơn cho xã hội nhưng cũng đừng thờ ơ, bỏ mặc một em bé tật nguyền đang
ở ngay trước mặt. Và dù biết rằng có những người nhận ơn xong là sẽ chẳng bao
giờ hồi báo nhưng cũng đừng vì vậy mà bỏ mặc họ trong những lúc éo le. Bởi “hệ
số” lớn nhất trong biểu thức “Nhân Quả”
là ý thức nội tâm của ta – Là “đạo đức”
của ta.
Nếu vì hoàn cảnh khó khăn mà ta chỉ
có thể cho đi một ly trà đá, một phần cơm chay đạm bạc – nhưng đi kèm theo đó một
niềm cảm thông sâu sắc, một tình thương đến cắt gan, cắt ruột dành cho những
thân phận nghèo khó thì ta sẽ được nhận lại một phần thưởng lớn lao hơn rất nhiều
so với một ông chủ lớn tiện tay rút trong ví ra vài triệu đồng mà quăng vào mặt
những người đói khổ rồi bước đi một cách lạnh lùng. Bởi ta biết rằng – Nguyên
nhân của mọi sự thành bại ở trên đời trong nhiều đời, nhiều kiếp đều có gốc rễ
là đạo đức. Không có đạo đức, không
có cách sống đúng thì dù “đủ phước”
để đốt tiền mà nấu chín cả nồi đậu xanh như Hắc Công Tử, Bạch Công Tử - Rồi
cũng tàn mạt, cùng quẫn trong cảnh túng thiếu và sự hắt hủi, lạnh nhạt của người
đời.
(*)
Tiền của bao nhiêu rồi cũng hết. Phước báo bao nhiêu rồi cũng cạn. Nên cho dù bản thân đã làm được rất
nhiều việc tốt, cho dù cuộc sống của mình đã được no ấm, đủ đầy, an vui, hạnh
phúc rồi thì cũng đừng khờ dại chỉ ngồi không mà tận hưởng. Sự thỏa mãn là điểm
khởi đầu cho quá trình lui lại phía sau. Vậy nên tất cả chúng ta phải hết sức siêng
năng làm những việc tốt, hết sức chăm chỉ làm những việc thiện – Nỗ lực từng
ngày đem lại hạnh phúc, an vui cho mọi người một cách không dừng nghỉ.
Đừng mất thì giờ với những trò
chơi con trẻ - “Tự ám thị” mình là người hạnh phúc trong khi biết rõ bản thân còn
quá nhiều phiền muộn, cuộc sống còn quá nhiều bất an. Làm sao có thể tự lừa dối
được chính mình trong một trạng thái tinh thần tỉnh táo? Vậy nên đừng cố gắng tỏ
vẻ an vui, tự tại khi mà một lý do để mỉm cười cũng chẳng thể tìm thấy trong sâu
thẳm tâm hồn mình.
Đừng mãi chui rúc, lẩn trốn trong
vỏ ốc của vị kỷ nữa - Hãy lần theo ánh sáng của “Vị tha” mà dũng cảm bước ra
bên ngoài, đến với mọi người, gần gũi mọi người và cảm nhận những nỗi vất vả của
cuộc đời – Gắng hết sức mình làm dịu mát đi những nóng bức, khổ đau đó và lắng
nghe sự đáp lời của luật Nhân Quả công
bằng.
“Có bao giờ em thấy
lòng khắc khoải,
Khi con người còn là
sói với nhau.
Và cuộc đời còn ray rứt
khổ đau,
Khi ác pháp vẫn lan
tràn gieo rắc.
Có bao giờ em nghe
lòng thổn thức
Vì quanh em là sự sống
đua tranh,
Suối tình thương
không tuôn chảy an lành
Đã tắc nghẽn bởi tham
lam thù hận.
Có bao giờ em mơ ước
vơ vẩn,
Về quê hương ngập ánh
sáng tình thương
Cõi nhân gian đã hiện
bóng thiên đường
Vì thiện pháp đã
giăng đầy mọi lối
Đời nhân thế sẽ không
còn u tối,
Nếu đường đi của Nhân Quả nghiệp duyên
Được tuyên dương, thắp
sáng khắp mọi miền
Trong em bé, cụ già,
trong tất cả.”
(TT.Thích Chân Quang)
0 comments:
Post a Comment