300x250 AD TOP

Trần Hải Anh (PD.Châu Nhật Vi)

Powered by Blogger.

About Me

My photo
Cuộc đời của Con là công trình của Ba, Mẹ.

VIỆT NAM & ĐẠO PHẬT

TẠI SAO??? - Ở VIỆT NAM,  CÁI GÌ HAY HO  CŨNG THUỘC VỀ/LIÊN QUAN TỚI ĐẠO PHẬT Đó là vì những điều lịch sử cơ bản như sau: (*) 1.      Thời...

Search This Blog

Search This Blog

Translate

Translate

Pages

Tuesday, June 18, 2019

Làm chủ lời nói


Lời nói là phương tiện giao tiếp ở con người – Là công cụ thiết lập (làm quen) và vận hành (duy trì) các mối quan hệ xã hội. Qua lời nói ta thiết lập các mối quan hệ xung quanh mình và các mối quan hệ ấy chính là chất liệu để hình thành “môi trường sống” của ta – Tác động đến tính cách, cuộc đời và số phận của ta. Do đó, “Lời nói” cũng là một trong những dữ liệu quan trọng để dự đoán quá khứ, hiện tại và tương lai của một con người theo cả Đông phương học và Tâm lý học phương Tây.

Qua lời nói, chúng ta ngầm thông báo tới mọi người nhiều “phẩm chất” nội tâm của mình như: đạo đức, cá tính, trình độ, quan điểm, cách nghĩ, lối sống, v.v… Người giọng nói vang vang có phẩm chất khác người có giọng nói thều thào, yếu ớt. Người có lời nói chua chát/khó nghe thì thường hay nóng nảy, hung dữ, dễ làm mất lòng người khác nên cũng khó thành công. Người có giọng nói êm ái mà thương yêu thì khác người có giọng nói êm ái mà lẳng lơ, đa tình, đa cảm, yếu đuối, thiếu lập trường, dễ bị dụ dỗ, lường gạt – Và hoàn toàn trái ngược với người có giọng nói “êm dịu” mà cương nghị, dứt khoát, đâu ra đó, v.v… Bởi vậy, khoa học Tướng số coi trọng “giọng nói” hơn các đặc điểm trên khuôn mặt rất nhiều.

Nói oang oang là một nội tâm nông cạn, thiếu bản lĩnh, thiếu chiều sâu; nói quá nhỏ là một nội tâm vị kỷ và thâm hiểm; hay “lầm bầm” một mình là tiểu nhân; hay xúc phạm người khác là người nhiều sân hận; nói quá nhiều là một bản ngã thích thể hiện mình, v.v…

Nếu trong lời nói của ta có những “từ” hoặc “cụm từ” mang tính cách phẫn nộ thái quá (muốn “loại bỏ”“trừ diệt” một ai đó/một cái gì đó) thì chứng tỏ trong lòng ta đang thiếu vắng lòng “từ bi” và cảm thông. Khi lời nói và tâm ý không “tương thích” với nhau (nghĩ một đường, nói một nẻo) thì ta đang “xài” lối sống giả dối. Ngay cả khi có bất đồng không thể “cho qua” mà vẫn giữ được lời nói khả ái, dịu dàng, không thô tháo, không “hiểm” ý sâu cay là biểu hiện của một tâm hồn đạo đức  sâu dày và một nội lực mạnh mẽ có khả năng “kiểm soát” bản năng của mình.

Một người muốn thành công trong công việc và đời sống thì lời nói phải có lý lẽ - Được trình bày rành mạch, rõ ràng, có khả năng hiểu và thuyết phục được người nghe. Nhưng quan trọng nhất vẫn là giữ cho được một đời sống đạo đức, vị tha, chăm chỉ rèn luyện bản thân và không ngừng nỗ lực, cống hiến vì lợi ích chung của mọi người – Số người ta phục được càng nhiều thì “giá trị” trong lời nói của ta càng “tăng cao”.

Bằng cách nào để “luyện tập” được một giọng nói “hay” – truyền cảm, đi sâu vào lòng người và có sức tác động tới hành vi của người khác?

Không gì khác hơn là phải “rèn luyện” cho tấm lòng của mình thực sự phát khởi được lòng cảm thông, thương yêu với tất cả những đối tượng mà mình tiếp xúc. Khi ta thực sự thương yêu mọi người thì ta sẽ luôn “sợ hãi” làm cho họ phải “khổ” vì lời nói của mình – Từ đó mà ta sẽ cẩn thận hơn, giữ gìn hơn, tinh tế hơn và nhẹ nhàng hơn trong tư duy cũng như lời nói mỗi ngày – Lời nói, giọng nói vì vậy sẽ dần “hay” hơn, có sức truyền cảm hơn.

Và tất nhiên là nếu mắc phải các khuyết tật về giọng nói như: nói không nên lời, nói lắp bắp (cà lăm – không suôn sẻ); nói ngọng nghịu (phụ âm không rõ ràng); nói quá nhanh (hấp tấp, vội vàng, mất chữ, nuốt chữ); nói quá nhỏ; v.v… thì ta cần phải luyện tập rất nhiều để khắc phục cách phát âm của mình.

(*)

Đức Phật dạy chúng ta, lời nói chính là một trong ba cửa ngõ làm nên số phận của mỗi người (bên cạnh ý nghĩ và hành động). Từ lời nói của chúng ta mà hoặc điều thiện được sinh ra – mọi người yêu thương, đoàn kết, thân ái với nhau; hoặc điều ác sinh ra khi mọi người bị “xúc não”: sân hận, bực bội hay đau khổ, muốn lìa bỏ nhau, v.v… Do đó, mỗi người con của Phật (Phật Tử) phải luôn ý thức đến đạo đức trong lời nói của mình. Phải luôn có ý thức giao tiếp với mọi người bằng những lời “ái ngữ” – chứa đầy thương yêu và lòng tôn trọng, bất kể đối diện mình là người nhỏ tuổi hơn, địa vị thấp hơn, vật chất ít hơn hay thậm chí phẩm giá ít hơn. Cho dù chỉ len lỏi một ý nghĩ rất nhỏ của sự “khinh thường” thì ta cũng biết rằng chính mình đã tự gieo vào dòng “nghiệp quả” của mình một hạt mầm bất thiện.
Nếu lòng mình chưa thể “ngay lập tức” mở ra để thương yêu mọi người thì phải học cách thay đổi “Lời nói” của mình trước: Cách xưng hô phải đúng mực, nhịp điệu – giọng điệu phải nhún nhường, từ ái, nhẹ nhàng. Khi ta có “thiện ý” thì trước tuy là “nỗ lực” nhưng sau sẽ dần thành “chân thật”.

Đừng chê bai người khác khi lòng mình chưa đủ tình thương yêu đối với họ. Đừng nói những điều người khác không muốn nghe dù là lời đạo lý – khi chưa phải duyên, phải thời. Và khi nói bất cứ một lời nào cũng phải cân nhắc tác động “lâu xa” cùng “tỏa rộng” của nó: Liệu khi lời mình nói với người này – trong hoàn cảnh này mà lan tới tai người khác – trong hoàn cảnh khác thì “hiệu ứng” sẽ như thế nào để lựa chọn lối nói cho phù hợp.  

(*)

Nhiều người luôn cư xử thô tháo, sẵng giọng, hấp tấp , hơn thua – chua chát vì nghĩ rằng như vậy mới là “sống thật” mới là “chân thành” – Còn làm chủ lời nói, nói lời hòa nhã, từ ái trong mọi hoàn cảnh là biểu hiện của một sự “giả dối” và “không chân thật”. Nhưng ta có đếm được biết bao nhiêu người đã đau khổ vì “sự chân thật” đó của ta hay không?

Ai cũng có cái tôi và bất kể lời nói thô tháo nào cũng có thể “khoét sâu” vào đó. Tại sao những người “chiến hữu” lại sẵn sàng đâm dao vào nhau trên bàn nhậu khi không còn tỉnh táo? Bởi cho dù “quá thân thiết” cũng không đồng nghĩa với việc chúng ta có thể hoàn toàn thoải mái với những “ngôn từ” thiếu sự tôn trọng dành cho nhau.

Những người con xa cha mẹ “hay gắt gỏng” để tìm sự ngọt ngào ở bên ngoài; những người chồng rời bỏ gia đình để đi theo những tiếng gọi “êm ái” hơn; những người mẹ bỏ con – những người vợ bỏ chồng vì những lời đương mật nhan nhản hàng ngày đâu có hiếm.

Xả qua "đường miệng" những khó chịu, bực dọc trong tâm mình không những không khiến tâm trạng tốt hơn mà còn làm mọi chuyện tồi tệ hơn rất nhiều. Ta không vui thì ta đi "vung vãi" nỗi buồn và nỗi đau cho người khác sao? - Ai cũng biết điều đó là không nên, nhưng vì chúng ta không đủ sức "làm chủ" bản thân mình - làm chủ lời nói mình nên sau cùng ta luôn là người phải hối hận.

(*)

“Lời nói ngọt ngào” thực sự là một nhu cầu căn bản trong đời sống của mỗi chúng ta. Đừng xem thường nó mà hãy cố gắng để đáp ứng nó mỗi ngày cho mọi người xung quanh mình.
“Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. 


Kín đáo


Ai trong chúng ta cũng có “Cái tôi” – Nhưng “Cái tôi” là gì? Là thân thể, ý nghĩ, quan điểm, thành kiến hay sở thích yêu ghét của mỗi người?

Nói chung là ai cũng có cảm giác về một “cái tôi” trong mình rất lớn, vì chúng ta luôn bị khó chịu, giận tức, bực bội, thậm chí khi cuồng bạo còn có thể đánh đập – mắng mỏ người khác không thương tiếc, v.v…vì “thấy” cái tôi của mình bị động chạm.

Nhưng thực tế là chẳng ai “nhìn” thấy “cái tôi” này bao giờ và thực sự là “cái tôi” của mỗi người hoàn toàn chỉ là những ảo ảnh trong tâm lý – Phụ thuộc hoàn toàn vào tâm lý và biến đổi hoàn toàn theo tâm lý nếu không học được cách “kiểm soát bản năng”..

Khi tâm lý của ta nhẹ nhàng, an vui thì “cái tôi” của ta rất dễ thương, dễ chịu với mọi người - Nhưng khi tâm lý của ta bất ổn, bực bội, nóng giận thì “cái tôi” của ta cũng trở nên rất khó chịu theo. Đó là nguyên nhân của hiện tượng ngay trong một con người – ngay trong cùng một ngày, luôn có thể xuất hiện rất nhiều trạng thái “tính cách” (cái tôi) khác nhau - Tâm lý càng bất ổn thì tính cách càng không ổn định – “Cái tôi” càng dễ bị tổn thương và chúng ta càng trở nên dễ hờn, dễ giận - Hay nói cách khác là “cái tôi” của chúng ta càng to và mọi người càng khó để “nuốt cho trôi”. Tóm lại là “tâm lý” thay đổi thì “cái tôi”  và “tính khí” đồng thời thay đổi theo.


(*)

Ego (Ảo ảnh về “Cái tôi”) luôn khao khát được “vượt trội” – “hơn người”: Nên tất cả chúng ta đều rất thích nói về bản thân mình và những điều liên quan tới bản thân mình – Từ sâu trong bản năng, tất cả chúng ta đều bị tâm lý “thèm khát mãnh liệt” sự ngưỡng mộ từ người khác “ngấm ngầm” chi phối. Tất cả chúng ta đều rất thích “khoe khoang”.

Tâm lý “khoe khoang” ẩn dấu kín đáo trong những người đã trưởng thành và đang trong trạng thái tinh thần “tỉnh táo” (Không bị các chất kích thích làm tê liệt). Nhưng khi chúng ta còn là trẻ con hoặc trong những trạng thái tinh thần bị kích động mạnh – mất sức tỉnh giác (say rượu, say thuốc kích thích, khi quá vui – quá buồn – quá giận, …)thì “cái tôi” của chúng ta hiện bày rất rõ: Chúng ta tự khen mình,tự kể lể công trạng của mình và luôn sẵn sàng thổi phồng – phóng đại mọi chuyện chỉ để làm nổi bật “cái tôi” của mình. 

Những cảm xúc hình thành thái độ “ngợi khen” hay “khinh bỉ” tuy nằm trong tâm người khác – Vừa không thật (không có hình dạng và luôn thay đổi – không cố định); vừa khó đoán định và không thể “giữ chặt” nhưng lại có tác động vô cùng lớn lao với mỗi chúng ta. Chúng ta luôn có xu hướng không ngừng tìm kiếm – Không ngừng xao động bất an, lên xuống “bất tận” (khi thì sung sướng, khi thì đau khổ) theo sự “đánh giá” của mọi người xung quanh: Khi họ khen thì ta mừng dẫu cái khen đó chẳng đúng với sự thật – Khi họ chê thì ta buồn dẫu cái chê đó chẳng đúng với sự thật.


“Cái tôi” càng kiêu mạn thì lời nói và hành động càng nặng nề chất “khoe khoang”: Sự đói khát tiếng khen càng bị bộc lộ – Tâm lý “hiếu danh” càng bị phô bày – Thậm chí, nếu quá tham muốn một thứ “danh tiếng” hay “uy tín” nào đó thì chúng ta có thể bất chấp cả việc gây tổn hại cho người khác chỉ để “tô quét” cho bản thân mình. Do đó, tâm lý háo danh, thích khoe khoang là một tâm lý nguy hiểm, có thể “dẫn dắt” ta tạo tác những ý nghĩ, lời nói và hành vi sai lầm (gây nghiệp xấu) để rồi phải gánh chịu nhiều đau khổ về sau.

Tuy cùng một hiện tượng (“khoe khoang” về mình), nhưng khác với tâm lý háo danh bản năng - Hành vi “lừa đảo” có mục đích sau cùng là khống chế, lừa đảo tinh thần, tiền bạc, tài sản của người khác. Bạn có biết hay không? Châm ngôn của Marketing là “Nói mãi một điều không thật thì nó sẽ thành sự thật” – Loài người chúng ta cực kỳ “nhẹ dạ” trước những lời “xác quyết mạnh mẽ” – Và ngành lừa đảo luôn tận dụng triệt để “điểm yếu” này mà khiến cho chúng ta rơi vào trạng thái “cả tin”.

(*)

Khoe khoang là nói quá nhiều về bản thân, nhưng “nói ít” hay “quá ít” về mình hoặc những quan điểm, ý kiến, góc nhìn của mình cũng chưa hẳn đã là người “Kín đáo” - Bởi rất nhiều khi chúng ta “ít nói” là vì thực sự chúng ta chẳng có gì/chẳng biết gì để nói; hoặc do bản tính thô lỗ, cộc cằn trong ta quá lớn – Mỗi lời nói ra đều bộc lộ sự hung dữ, ác độc, nhẫn tâm (làm người khác sợ hãi, không dám đến gần) nên ta phải cố giấu mình cho kỹ.

Người thâm sâu hiểm độc là những người không loanh quanh kiếm tìm những khoái cảm lặt vặt từ khoe khoang – khoác lác mà mưu tính những “lợi ích” sâu xa hơn, lớn lao hơn (Thiên về việc tranh đấu - giành giật phần hơn về mình) nên họ luôn ý thức giữ gìn “sự bí mật” để đảm bảo “thành công” – Họ “Kín đáo” một cách “khôn ngoan”.
Nhưng cho dù một người hoàn toàn không có ý xấu với cuộc đời, chỉ một lòng muốn làm những điều lợi ích cho mọi người thì cũng phải có ý thức “giấu mình” vì “khôn ngoan” này: Bởi song hành với “Khoe khoang – muốn mình hơn tất cả” là  “Đố kỵ - không muốn ai bằng mình” – Hai thứ bản năng sẵn sàng trở thành vũ khí sát thương “hạng nặng” vẫn luôn hiện hữu trong “lòng dạ” của mỗi “con người” suốt nhiều ngàn năm qua. Nếu bộc lộ bản thân với ý tốt mà thiếu sự khôn ngoan (không tính đến sự “thích hợp” của hoàn cảnh) thì chúng ta cũng sẽ bị “triệt hạ” ngay lập tức bởi những tâm hồn đố kỵ và ác tâm - Để rồi rốt cùng cũng chẳng còn “tồn tại” để mà làm được bất cứ điều gì tốt đẹp cho mọi người.

(*)

Nếu cho riêng mình thì lời khoe khoang nhất định phải trừ bỏ vì tâm lý “háo danh” bệnh hoạn trong mỗi chúng ta vốn đã quá nặng nề - Vấn đề là phải làm nó “thuyên giảm” chứ không phải “xoa dịu - vỗ về” để rồi bệnh càng thêm bệnh.

Nhưng có rất nhiều khi chúng ta cũng cần phải chia sẻ về mình (làm một ví dụ, một tấm gương nho nhỏ) để cổ vũ, khích lệ mọi người tiến lên trong cuộc sống: Nếu lúc này ta từ chối vì sợ làm nặng thêm bệnh “háo danh” của mình thì ta sẽ trở thành một người ích kỷ; nhưng nếu ta cứ nói ra “ào ào” mà không có sự kiểm soát thì hẳn nhiên “cái tôi” của chúng ta sẽ càng lúc càng phình to ra và nổ tung vào một thời điểm thích hợp.

Vậy nên, làm được năm thì chỉ được nói ra một (Tỷ lệ: 5:1) – “Có” càng nhiều mà “chi” càng ít thì càng giàu – Làm được càng nhiều mà “bộc lộ - chia sẻ” càng ít thì càng “đi tiếp” được dài lâu, bền vững. Tự nói ra một “ưu điểm” của bản thân thì ngay lập tức phải chèn vào vài ba “khuyết điểm” để “tự cân bằng” lại – Điều này đồng nghĩa với việc, chừng nào ta có khả năng tự nhìn nhận ra vô vàn khuyết điểm của mình thì chừng đó ta mới có đủ năng lực“tự bộc lộ” bản thân mà “khuyến khích” người khác.

(*)

“Tôi chẳng có lỗi gì cả”, “Tôi chẳng làm gì sai cả”, “Tôi không có gì xấu để mà phải tu hay sửa”, v.v…Tôi và bạn – Tất cả chúng ta đều đã từng nói ra những lời tương tự như vậy. Vì “cái tôi” bên trong mỗi chúng ta quá lớn – Nó che lấp hết mọi lỗi lầm của ta, nó cho ta cái “ảo tưởng” rằng trong ta chỉ toàn những điều “tốt đẹp”, còn xấu xa chỉ “tồn tại” trong người khác mà thôi. Vậy nên, ai cũng tự nhận mình là người tốt (người có “tu tâm”) nhưng thực tế là thế giới vẫn luôn chật kín những thói hư tật xấu và những “cái tâm” (tâm tính) chẳng hề “có tu” một chút nào.

“Không thấy được lỗi mình” nên chúng ta không hình thành được tâm lý “sửa lỗi” và con đường “chuộc lỗi” để bản thân được ngày một tốt lên, cuộc đời ngày một tươi sáng lên. Không nhìn ra được cái hay của mọi người xung quanh nên mỗi ngày chúng ta đã “vùi dập” không biết bao nhiêu những “nụ hoa” của thế giới: Vì ta ghét nên dẫu “người” có mười điều tốt ta cũng phủ nhận tất cả, chà đạp tất cả. Vì ta không ưa nên dẫu “người” có trăm ngàn điều tốt ta cũng chẳng mảy may ngó ngàng, khích lệ. Vì ta “căm hờn” nên dẫu “người” có cả vạn điều hay ta cũng quyết lòng “tiêu diệt” cho “biến mất” khỏi mắt mình, v.v…

Ta sẽ không bao giờ có khả năng “nhìn nhận” lỗi lầm của mình và “thừa nhận” cái hay của người khác nếu không có những phút lắng lòng trong yên tĩnh – Nếu không có những khoảng thời gian lắng đọng - Không lăng xăng chạy nhảy hay tìm cầu, loạn động. Như mặt hồ nước nếu cứ cuộn sóng ào ào, bọt tung trắng xóa thì ngoài bọt ra sẽ chẳng thấy bất cứ điều gì – Nếu “tâm trí” ta cứ mãi loạn động trong kiểu suy nghĩ “cố hữu” rằng “mình hay – người khác dở” thì ta cứ việc lặn hụp cuồng điên trong những ảo tưởng về bản thân mình.

Hãy một lần đứng vào một vị trí khác, thay đổi một góc nhìn khác – một lối tư duy khác về bản thân mình: Tĩnh lặng hơn một chút, khiêm tốn hơn một chút, bao dung hơn một chút, thương yêu hơn một chút – Để dần thoát khỏi bóng tối của “cái tôi” bản năng cuồng điên, khờ dại; Để mỗi ngày một biết thêm rằng - Ta và người tất cả đều như nhau, tất cả đều đầy những thói hư tật xấu, những “tật bệnh” trong tâm lý và những “nỗi đau khổ” trong cuộc đời; Để dần biết “nghiêm khắc” với bản thân hơn và “khoan dung” với mọi người hơn -  Để đạo đức bản thân của ta mỗi ngày một hoàn thiện hơn và cuộc sống quanh ta mỗi ngày một thân ái, dễ chịu hơn cho tất cả mọi người.  

Thiền để làm gì? – Cũng chỉ là như vậy. Gột rửa sạch sẽ cái “tâm” của mình mỗi ngày.

“Tu tâm” là gì? – Chính là bất kể chuyện gì xảy ra cũng đều xoay vào bên trong để “tìm lỗi mình” trước. Bớt trách đời, dứt trách người và luôn nhận trách nhiệm về mình.

(*)

Trong chiến trận, trên thương trường, trong tâm lý, trên con đường “tu tập – sửa mình”, v.v… Bất cứ lĩnh vực nào cũng cần tới sự “bí mật” và “kín đáo”. Nếu mới có chút gì hay cũng “oang oang” phách lối thì cuối cùng cũng chẳng đi tới đâu. “Nói trước thì bước không qua” là bài học muôn đời ông bà xưa truyền lại: Trên đời này, mọi việc đều là những biến cố bất thường, dùng một lời “khẳng định” để nói về một điều “bất định” thì đủ hiểu là mang dây buộc mình. Làm được thì cũng thường (vì đã tuyên bố rồi) mà làm không được thì mất uy tín, tổn thất lòng tự tin.

Có một lý thuyết phương Tây khuyên rằng: Nên nói ra dự định của mình trước mặt “nhiều người” để tự gây sức ép buộc bản thân phải vượt qua “tính ỳ” để thành công nếu không muốn bị “mất mặt”. Điều này có thể đúng với những người sẵn sàng sống chết vì “danh dự” bản thân – Nhưng sẽ không đúng với phần lớn tất cả chúng ta. Đó là lý do vì sao câu tục ngữ của các cụ xưa vẫn truyền khẩu muôn đời còn “chiêu thức tâm lý” này thì có vẻ không phổ biến lắm. Dù sao thì, lựa chọn như thế nào là quyền của mỗi người.

(*)

Nếu đã gọi là bản năng thì vô cùng khó khăn để “ngăn trở”. Như bản năng là phải ăn – Không ai có thể không ăn. Bản năng là phải sống – Tất cả chúng ta luôn nỗ lực từng ngày để “kiếm” sống. Bản năng của các loài hữu tính là giao phối, sinh sản  - Tất cả các loài sinh vật đều phải không ngừng kết cặp và sản sinh thế hệ sau kể cả con người mặc dù chúng ta hoàn toàn có quyền “tự lựa chọn”, v.v…

Do đó, để có thể hình thành được sự "Kín đáo" trong tâm - “đi ngược” lại bản năng thích khoe khoang – Không muốn nói về bản thân mình và những cái hay của mình cho người khác biết phải cần tới một sức mạnh nội lực rất lớn.
Nhưng chừng nào còn muốn bản thân mình ngày một tốt đẹp hơn, đạo đức hơn, bình an hơn, hạnh phúc hơn, v.v… thì chừng đó ta còn phải tự dặn mình phải luôn “Kín đáo” - Không những vì sự “khôn ngoan” mà quan trọng nhất vẫn là ta phải tự mình thấy được – Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, tấ cả chúng ta thật sự chẳng có gì đáng để khoe khoang cả.

Nếu thành tựu của chúng ta là 10 thì những sai trái, lỗi lầm, thiếu sót, thiếu hụt, bất toàn, bất cập, v.v… của chúng ta còn gấp trăm ngàn lần hơn như vậy. Một phút giây thỏa mãn – Một lời nói khoe khoang là ta đã tự đẩy mình vào vị trí bất lợi hơn trên hành trình hoàn thiện bản thân. 






Friday, June 7, 2019

Sự hòa hợp

Tất cả chúng ta luôn phải chung sống với rất nhiều người - rất nhiều “nguồn” ý muốn khác nhau. Ngay trong một gia đình cũng đã là muôn vàn sự khác biệt – muôn vàn những yêu cầu, đòi hỏi, ước mong, sở thích, v.v… cần được người nhà “hiểu” “chiều” nếu không muốn xảy ra “va chạm”.

Vậy ai sẽ hiểu - sẽ chiều ai đây?

Trong bất cứ một đời sống chung nào – Trong bất cứ một cộng đồng nào – Tất cả các thành viên đều phải có khả năng và kỹ năng dẹp bỏ “cái tôi” của mình mà chiều ý những “cái tôi” khác khi cần – Vì lợi ích của cái “Chung”. Chừng nào lợi ích của cái “Chung” không còn được những cái “riêng” vun bồi nữa thì chừng đó, sự tan rã và đổ vỡ của khối chung đó – của cộng đồng đó chỉ còn là vấn đề thời gian.

Nhu cầu được làm theo ý mình của mỗi chúng ta đều rất lớn, vì ai cũng có một “cái tôi” khác biệt với mọi người và muốn được “tự do” không “ngăn ngại”. Chúng ta thường mù quáng chạy theo “cái tôi” – chạy theo “ý riêng” của mình mà không ý thức được rằng trong chúng ta còn một nhu cầu “to lớn” không kém cần được “thỏa mãn” là được sống chung với con người – Được thuộc về một cộng đồng phù hợp. Chỉ tới khi rơi vào trạng thái cô đơn, cô độc, bị mọi người xa lánh – chán ghét, không muốn “chơi”, không muốn “xài” thì chúng ta mới ước ao: Phải chi ngày đó chịu khó hơn một chút, hiền và ngoan hơn một chút.

Giao tiếp giữa “Người và Người” là một nhu cầu bức xúc cần được thỏa mãn từ sâu trong bản năng của mỗi con người. Sống hoàn toàn không có con người xung quanh, nhiều đứa trẻ đã trở thành “thú vật”. Sống cô đơn, cô độc trong nhiều tháng, nhiều năm (mà không có bản lĩnh, ý chí và đường lối tu tập đúng đắn) thì chúng ta sẽ trở nên bất ổn về tâm lý và xuất hiện trạng thái “thèm người” – Khao khát được nhìn thấy con người, được tiếp xúc, được nói chuyện – Tới nỗi, một khi đã rơi vào tình trạng nặng nề rồi thì hễ thấy bất cứ một ai – dù là người mình không quen hay đã từng vô cùng ghét bỏ chúng ta cũng sẵn sàng lao vào ôm lấy mà mừng vui, hớn hở.

Trong đời sống thượng tôn “cá tính” – chúng ta thường nhầm lẫn nghiêm trọng giữa “khác biệt”“dị biệt”. Mặc dù cả hai đều “không giống” với bình thường, nhưng một bên là phi thường còn một bên là “bất thường” - Chúng khác nhau “một trời một vực”.

Trong khi “Khác biệt” là những yếu tố có tác động tích cực và tới cuối cùng sẽ luôn được mọi người chấp nhận – Muốn tạo ra “khác biệt” phải trải qua một quá trình rất khó khăn, vất vả, vì không những cần hiểu biết rất nhiều mà còn phải có sự trải nghiệm thực tế cùng khả năng “tư duy sáng tạo” rất lớn; Còn “Dị biệt” thì rất dễ tạo ra vì nó thường thuận theo “bản năng” lười biếng, dễ dãi, buông tuồng, nhiều tham muốn cá nhân của chúng ta: Như rất dễ để trở thành một đứa trẻ hư hỏng bất cần đời – bất cần người, rất dễ để trở thành một người đàn ông lười biếng – dị hợm – ba hoa, rất dễ để trở thành một người phụ nữ buông thả - sa ngã – ăn chơi đua đòi, rất dễ để trở thành một cá nhân vô ích – vô kỷ luật – lập dị - tách biệt trong cộng đồng, v.v… Và càng “dị biệt” thì chúng ta càng nhanh chóng bị “đá” ra khỏi cộng đồng.

(*)

Trong thực tế, mỗi chúng ta luôn trong trạng thái “thuộc” về một cộng đồng nào đó (gia đình, làng xóm, trường học, công sở, quê hương, đất nước, nhóm bạn làm ăn, nhóm bạn học hành v.v… ) - Và cộng đồng nào cũng đòi hỏi chúng ta phải có trách nhiệm - bổn phận tương ứng trong vai trò là một thành viên. Như trong một gia đình, một người con cần chăm chỉ học hành, phụ giúp công việc vừa sức, nghe lời người lớn; một người mẹ cần quán xuyến công việc nhà, dạy dỗ con cái, phụ giúp kinh tế khi cần ; một người cha thì phải làm trụ cột trong gia đình cả về kinh tế và các mối quan hệ xã hội - đem lại “an ninh” cho cả nhà, v.v…

Khi mỗi thành viên trong cộng đồng đều hoàn thành những trách nhiệm và bổn phận “được giao” thì cộng đồng sẽ trở nên ổn định, bền vững – Làm thành một môi trường lý tưởng cho các cá nhân có thể phát huy hết mọi năng lực và phẩm chất tốt đẹp tiềm tàng. Như cách các loài cây nương nhau tồn tại trong một khu rừng vậy: Khi đứng cạnh bên nhau, chúng ta sẽ có đủ khả năng để tận dụng mọi cơ hội và đủ sức mạnh để đương đầu với mọi biến cố lớn lao.

Chúng ta không thể sống nếu thiếu tập thể và tập thể thì không thể “sống” nếu thiếu sự “hòa hợp” – Duy trì sự “hòa hợp” là giải pháp duy nhất để một tổ chức tồn tại  lâu dài - “Sống hòa hợp” là con đường duy nhất để một cá nhân tồn tại trong xã hội. Nhưng sự “hòa hợp” luôn bị đặt trong tình thế giằng co quyết liệt giữa cái “chung” và cái “riêng”, nên rất cần phải có những “Bộ quy tắc ứng xử” hợp lý, cụ thể, rõ ràng - Được cả cồng đồng tự nguyện tuân thủ để làm vị “trọng tài” công tâm trong các cuộc “giằng co” đó.

(*)

Sau đây, xin được giới thiệu với các bạn bộ quy tắc “Lục hòa” (Sáu sự hòa hợp) trong tăng đoàn của Đức Phật để chúng ta cùng nhau tìm ra những ứng dụng thiết thực cho cuộc sống của mình.

1.   Hòa hợp trong nề nếp sinh hoạt (Thân hòa đồng xứ)

Khi chung sống cùng nhau, người mới tới cần học hỏi “nề nếp sinh hoạt chung” với những người đã đến trước từ lâu. Đồng thời, cả người đến trước và người đến sau đều phải có ý thức trong việc nỗ lực “dung hòa” những “khác biệt” mang tính cá nhân để tạo dựng sự nương tựa, tin cậy, giúp đỡ lẫn nhau trong đời sống. Người tới trước phải chủ động bao dung, nhường nhịn, hy sinh cho người tới sau còn nhiều bỡ ngỡ, lạ lùng. Người tới sau phải ý thức về sự “thiếu hiểu biết” của mình trong một môi trường mới để nhún nhường, khiêm hạ, nhu thuận (dễ dàng vâng lời) theo những chỉ dẫn của những người tới trước một cách vui vẻ.

Thói quen mỗi người mỗi khác, nhưng khi vào một tập thể thì tất cả mọi người đều phải tuân thủ một “thói quen chung” – Một thời khóa chung. Và tất cả những sự khác biệt mang tính “cá thể” làm ảnh hưởng tới nề nếp chung đó thì đều bị triệt tiêu, loại bỏ không thương tiếc.

Nên rất nhiều người “sợ hãi” đời sống tập thể vì những “khó chịu” mà nó gây ra. Những nội quy giữ gìn “nề nếp sinh hoạt chung” trở thành những “vật cản” ngăn trở chúng ta nuông chiều, “thỏa mãn” bản thân theo những thói quen đã cũ (tập khí) – Mà khi những nhu cầu bản năng không được thỏa mãn “như ý muốn” thì những cảm giác khó chịu, bực bội sẽ ùn ùn phát khởi trong tâm ta. Người nào có “bản năng” càng lớn thì những thúc bách trong “nội tâm” càng bùng phát dữ dội - Càng khiến cho ta dễ dàng nóng giận, tức tối và nhanh chóng chán ghét nếp sống mới hơn.
 
Nhưng đâu phải mình ta mới có “cái tôi”? Đâu phải mình ta mới có một “bản năng” to lớn “thích được nuông chiều”? Đâu phải ta luôn luôn có thể sống đơn độc một mình mà không cần quan hệ với bất cứ ai? Không học được cách chung sống vui vẻ, hòa hợp trong một tập thể là một tín hiệu “rõ ràng” của một bản lĩnh yếu kém và một cuộc đời thất bại.

Để dễ chấp nhận mọi chuyện hơn, chúng ta phải luôn ghi nhớ rằng: Mặc dù mình đang phải vì mọi người mà từ bỏ “lối sống cá nhân” nhưng sự thật là tất cả mọi người cũng đã phải “vì mình” mà từ bỏ những lối sống cá nhân của họ - Đây là sự công bằng và tình thương yêu mà chúng ta cần phải có để dành cho nhau. Mỗi người nhường nhịn một chút, hy sinh một chút để đem tới sự “dễ chịu tối đa” cho tất cả mọi người.

Vì vậy, chung sống trong một tập thể càng lớn thì những “cái tôi” càng nhanh chóng bị tịch thu “đất sống” – Càng giúp cho chúng ta tiêu diệt “bản ngã” nhanh hơn, tăng cường bản lĩnh chịu đựng gian khó và khả năng “điều phục” (chế ngự - chuyển hóa) những bản năng tiêu cực trong nội tâm mình (biếng nhác, ham ăn, ham ngủ, vô ý thức, vô kỷ luật, v.v...).

Bước số một tiến vào đời sống tập thể: Từ bỏ “thói quen” cá nhân.

2.    Hòa hợp trong ngôn ngữ (Khẩu hòa vô tranh)

Đức Phật dạy ta phải biết nói những lời êm dịu, tao nhã, khả ái, đem lại lợi ích cho mọi người – Khiến mọi người cảm thấy dễ nghe, dễ chịu và muốn nghe hoài – nghe mãi để thiết lập nên nhiều mối quan hệ tốt đẹp với nhau. Mà lời nói khả ái, êm dịu, dễ nghe thì chỉ có thể đến từ một nội tâm giàu lòng yêu thương, nhân ái – Nên nếu trong tâm ta không có những hạt mầm thương yêu lành thiện thì càng luyện tập nhiều “thủ thuật” về giọng nói - Ta càng trở nên “không thật” trong mắt mọi người.  
Sự chung đụng giữa những điều khác biệt (những “cái tôi”) không thể nào tránh khỏi “va chạm”. Không xử lý tốt những va chạm nhỏ thì chuyện bé xe ra to, chuyện to thành đổ vỡ. Ghi nhớ rằng: Trong bất cứ tình huống nào, giải pháp tối ưu luôn luôn là “Nhẫn nhục”: Không phản ứng vội vàng – Định tĩnh trong nội tâm (chỉ) để không nóng giận làm phức tạp tình hình - Nhìn nhận toàn diện sự việc (quán): Xét lỗi mình, “hiểu cho” góc độ của người đối diện – Cuối cùng là ý thức sửa lỗi mình, rút kinh nghiệm để không “tái phạm” và bình an để mọi chuyện đi qua.

Những nguyên nhân căn bản gây ra xung đột trong đời sống cộng đồng là nói xấu người khác (dù có ác ý hay chỉ đơn thuần là muốn “mua vui”); Có bất đồng nhưng không trực tiếp đến với nhau để “gỡ bỏ” mà lại đi “lòng vòng” làm mọi chuyện ngày càng thêm phức tạp; luôn “xét lỗi” người mà không lo sửa lỗi mình hoặc “sửa lỗi nhau” không đúng lúc, đúng chỗ.

Đặc biệt trong tiếng Việt còn có một nguyên nhân gây xung đột rất lớn đến từ những đại từ “xưng hô”: Những đại từ phổ thông trong “dân gian” (thằng, con, nó, mày, tao,…) khi bình thường thì có vẻ bình dị, gần gũi, thậm chí “thân thiết” – Nhưng khi xảy ra xung đột (khi “tâm thức” của tất cả mọi người đều “sục sôi” ý nghĩ đối phương đang “nhục mạ - coi thường” mình) thì chẳng khác nào xăng A92 đổ thêm vào lửa.

Bước số hai tiến bào đời sống tập thể: Luôn tự dặn lòng mình thương yêu tất cả mọi người để nói được những lời ái ngữ. Có ý thức trong việc loại bỏ các nguyên nhân gây “bùng nổ” xung đột và thành thạo kỹ năng “Nhẫn nhục” để giải quyết xung đột trong bình yên.

3.    Cùng nhau tuân thủ những điều luật chung (Giới hòa đồng tu)

Một tập thể cấu thành từ nhiều cá thể khác nhau, cũng giống như một cỗ máy lớn cấu thành từ nhiều chi tiết nhỏ - Cần tuân thủ “tuyệt đối” những nguyên tắc và quy định “bắt buộc” trong quá trình vận hành để đảm bảo bộ máy hoạt động “trơn tru”. Cũng vậy, bất cứ tổ chức nào muốn có sự hoạt động ổn định, hài hòa giữa nhiều “cá thể” khác biệt thì bắt buộc phải “lên” cho được hai danh sách đầy đủ - hợp lý về những điều “phải làm” và “không được phép làm” (Những chuẩn mực, điều luật và nguyên tắc) để mỗi thành viên có cơ sở tự điều chỉnh hành vi của mình cho thích hợp.


Kỷ luật trong đời sống hay “Giới luật” trong nhà Phật đều là tập hợp những công cụ “bảo hiểm” cho đời sống của chúng ta “đi” trong an toàn và “hiệu quả”. Bởi “cái tôi” trong chúng ta thực sự rất ngu si và thường hay sai lầm. Nếu cái gì cũng nghe “bản năng mách bảo” thì chúng ta sẽ “lầm lạc” rất nhiều. 

Từ mấy ngàn năm qua, đạo Phật không hề có một “chế tài xử phạt” nào trong hầu hết tất cả các trường hợp vi phạm “Giới luật”. Vậy tại sao các “Giới luật” đó còn được bảo lưu tới tận ngày hôm nay? Sức mạnh thực sự đã “duy trì” những “Giới luật” này nằm ở đâu? - Đó chính là tính “hợp lý tự thân” của mỗi một giới luật. Bất cứ ai nghiêm túc thực hành thì đều nhận thấy được “công năng” của “Giới” và rồi “tự nguyện” ra sức giữ gìn - Nhiều người cùng tự nguyện giữ gìn khiến “Giới luật” được lưu truyền đầy đủ tới tận ngày hôm nay.

Mấy ngàn năm qua cũng vậy mà mấy ngàn năm sau cũng vậy: không sát hại sinh vật thì được an ổn, không dối trá gian manh thì được an ổn, không tà dâm ngoại tình thì được an ổn, không đua đòi trộm cắp thì được an ổn, khi ngủ nằm nghiêng về bên phải thì “bảo hộ” được tim – thuyên giảm “mộng mị”, giữ gìn nơi ở sạch sẽ và đặc biệt trú trọng giữ sạch nhà vệ sinh thì đời sống được mạnh khỏe – an vui (Lưu ý rằng, vào mấy ngàn năm trước – chả có ai “bận tâm” tới cái “toilet” cả!), v.v…  

Như vậy, muốn giữ được “kỷ luật” một cách “thoải mái” – không “khó chịu” thì ta phải thay đổi cách nhìn và quan niệm của mình về những quy định bắt buộc trong một tập thể -  Ý thức rõ đây là những bức tường “bảo hộ” mình khỏi những nguy hiểm, sai lầm và thất bại – Thay vì luôn nghĩ chúng là những bức tường giam hãm - tước bỏ “tự do” của mình.

Phải biết rằng: Buông bỏ những “tự do” bản năng tầm thường, ta sẽ có được những “Tự do” lo lớn hơn trong đời sống.

Bước số ba tiến vào đời sống tập thể: Tuân thủ kỷ luật chung.

4. Hòa hợp trong những cái “Thấy – Biết” (Kiến hòa đồng giải)

Nếu mọi kiến thức và hiểu biết may mắn có được ta đều cất giấu kín, “giữ chặt” cho riêng mình – Không chia sẻ với ai thì chuyện gì sẽ xảy ra?

Phương Đông “huyền bí” là nơi khai hóa ra rất nhiều kiến thức và hiểu biết khoa học trước cả Phương Tây “năng động”, nhưng vì người phương Đông có “tập tính” quá ích kỷ - không chịu chia sẻ hiểu biết và kinh nghiệm cho cộng đồng mà chỉ truyền trao luẩn quẩn trong gia đình, họ tộc nên “quả báo” là xã hội phương Đông ngày nay gần như toàn bộ đều trở thành kẻ chạy theo “đuôi” xã hội phương Tây: từ lối sống, cách ăn mặc, cách tư duy, cách giáo dục cho tới mọi thứ phương tiện – công cụ thường ngày.

Sự “chiếm đoạt” kiến thức và hiểu biết cho riêng mình sẽ không giúp ta đạt được thành công trong cuộc sống vì chẳng ai muốn “hợp tác” với những người chỉ bo bo nắm giữ lợi thế cho riêng mình – Mà thành công càng lớn thì càng cần nhiều sự trợ sức và giúp đỡ của mọi người. Hơn nữa, khi ta không chia sẻ những điều ta biết cho tập thể thì cả tập thể chỉ còn mình ta giỏi! – Và khi một tập thể hầu hết là người dở thì nó buộc phải tan rã – Ta vì vậy cũng sẽ chẳng còn “đất sống” mà tiếp tục “huênh hoang”.

Vậy nên, biết được gì hay, học được gì mới hãy chia sẻ cho tất cả mọi người để chúng ta cùng nhau đi lên. Nếu mỗi người có một cái hay “chịu” chia sẻ thì cả tập thể sẽ có rất nhiều cái hay để “trao đổi” cho nhau – Mỗi một có nhân sẽ có rất nhiều cái hay để cùng nhau góp sức xây dựng tập thể. Đi chung với tập thể tuy không nhanh nhưng chắc chắn sẽ được xa hơn rất nhiều khi đơn bước độc hành.

Bước số 4 tiến vào đời sống tập thể: Hãy chia sẻ tất cả những kiến thức và hiểu biết mình có được với tất cả mọi người.


5. Hòa hợp trong “Tâm ý” (Ý hòa đồng duyệt)

“Bằng mặt mà không bằng lòng” là phương châm sống của rất nhiều người trong số chúng ta. Để tránh bị “mích lòng”, nhiều khi chúng ta cứ tỏ ra vui cười, đồng thuận cho “qua” mọi chuyện mà chẳng hề cảm thấy vui vẻ hay yêu thích gì người đối diện. Tệ hơn nữa là trước mặt thì đồng tình mà sau lưng lại chống phá. Một tập thể không bao giờ hòa hợp được nếu trong nội bộ còn dung dưỡng những cá nhân gian dối như vậy.

Nhiều thành viên “giả đối” sẽ làm nên một tập thể giả gối. Một tập thể giả dối – không có sự cảm thông – hòa hợp thật sự, thậm chí luôn âm thầm chống phá, công kích lẫn nhau thì không có được sức mạnh đoàn kết. Tuy đứng chung một chỗ nhưng bản chất là đã rời nhau rất xa.

Luôn phải ý thức rằng: Chỉ “tập thể “ nào được xây dựng trên nền tảng của tình yêu thương thì mới có sự “hòa hợp” thật sự. Chừng nào chúng ta không còn muốn dành cho nhau sự thấu hiểu, cảm thông và chia sẻ nữa thì chừng đó tập thể của chúng ta đã bắt đầu đánh mất sự hòa hợp – đánh mất đi sức mạnh đoàn kết.

Đức Phật dạy ta, muốn tạo dựng được một đời sống “hòa hợp” thật sự thì phải lấy “tình thương” làm cái “nhân” chung để mọi người cùng chuyên tâm hướng về gieo trồng, chăm sóc - Từng bước “xóa nhòa” đi những khác biệt – Từng bước làm cho lòng yêu thương ăn sâu bén rễ, đâm chồi nảy lộc trong sâu thẳm tâm thức của mỗi người.

Bước số 5 tiến vào đời sống tập thể: Luyện tập phát khởi lòng yêu thương để “tâm ý” có được sự hòa hợp – đồng cảm với tất cả mọi người.

 6. Hòa hợp trong việc phân chia lợi ích (Lợi hòa đồng quân)

Sự “chính xác” đạt được khi lấy các “dụng cụ đo lường” làm tiêu chuẩn phân chia.

Sự “hòa hợp” đạt được khi lấy “tình thương và trí tuệ” làm tiêu chuẩn để phân chia.

Cân đo đong đếm để phân chia cho “chính xác” thì dễ, tất cả mọi người phải mặc nhiên công nhận. Nhưng sự phân chia cho “hợp lý” (theo nhu cầu và mức độ đóng góp cho tập thể) không những cần đảm bảo tính công bằng và thuận lợi tối đa cho số đông - mà còn phải nhận được sự “đồng lòng” rất lớn mỗi thành viên trong đoàn thể. Bởi lợi ích thì tới ngay một lúc, nguyên tắc là phải “chia đều” – Nhưng thực tế từng lúc thì bao giờ cũng có nhiều chênh lệch: Như trong lúc đó ta chưa cần nhưng người khác thì cần, trong lúc đó ta còn “nhịn” được nhưng người khác lại cần “nhiều” hơn mới đủ, v.v… Cho dù đã phân chia “hợp lý” rồi, nhưng không nhận được sự “đồng thuận” của tất cả mọi người thì tập thể đó cũng không đạt được sự hòa hợp.

Bước số 6 tiến vào đời sống tập thể: Chấp nhận rằng, rất nhiều khi trong đời sống, mắt ta nhìn và các loại “dụng cụ đo lường” không đủ khả năng để thể hiện một sự hợp lý. Phải có tình thương và con mắt trí tuệ để nhìn sâu hơn vào thực tế mà hiểu và chấp nhận mọi “chênh lệnh” trên hình thức thì mới có thể thoát khỏi những đố kỵ chi ly, vụn vặt, nhỏ nhặt của bản năng ích kỷ - Mới có thể chung sống hòa hợp, lâu dài với mọi người và được mọi người “bao bọc”, chở che mỗi khi xảy ra “biến cố”. Bởi gieo nhân hy sinh, chia sẻ thì mới có thể nhận được “quả” bảo bọc, giữ gìn.

(*)

Tóm lại, cội gốc của sự hòa hợp là lòng thương yêu. Vì chỉ có lòng thương yêu mới phát xuất ra được những chất liệu quý giá để xây dựng sự “hòa hợp” trong một tổ chức/đoàn thể/ tập thể/….như: tinh thần hy sinh, nhường nhịn, bảo bọc – che chở, đoàn kết - giúp đỡ lẫn nhau, v.v…
Bốn nguyên tắc bắt buộc phải tuân thủ trong quá trình xây dựng tinh thần hòa hợp là: Củng cố ý thức vượt lên trên sự “khác biệt” của mỗi cá nhân vì “sự hòa hợp” chung (không “tôn thờ” cái riêng thái quá); Tìm thật nhiều điểm tương đồng giữa mình và mọi người để tăng cường sự gắn kết; Mở rộng tầm nhìn và tự đặt cho bản thân những “sứ mệnh lớn lao” để không bị hao tâm tổn trí vào việc “so đo” những điều nhỏ nhặt – gây chia rẽ đoàn thể; Đặc biệt, với những người con Phật (Phật Tử): Phải luôn ghi khắc trong tâm – Mỗi ngày chúng ta sống là một ngày chúng ta bước đi trên con đường tiến về “Vô ngã” – Do đó, chúng ta không cần quan trọng “cái tôi” hay những cái “của tôi”. Nếu vứt bỏ “cái tôi” tới đâu mà tạo nên được sự “hòa hợp” - thăng tiến cho tập thể trong lâu dài thì cứ việc vứt bỏ tới đó. 

(*)


Trên đây là quy tắc “Lục hòa” để tạo dựng một đời sống hòa hợp trong “tập thể” những người đi theo con đường Đức Phật chỉ dạy. Hãy thử lấy bất cứ một trường hợp “xung đột” -  bất hòa nào, trong bất kỳ một tổ chức nào – bất cứ gia đình nào, ở bất cứ lĩnh vực/phương diện nào mà bạn biết - Đem ra phân tích theo sáu góc độ này, bạn sẽ thấy những “căn nguyên” đổ vỡ “hiện ra” vô cùng rõ ràng và cụ thể.

Những lời dạy này ra đời cách đây đã mấy ngàn năm, trong khi những khóa học về “Làm việc nhóm” hay “Quản lý xung đột”“Quản trị sự khác biệt” chỉ rầm rộ xuất hiện ở nước ngoài mấy chục năm trước và ở nước ta trên dưới chục năm nay nhưng bạn thấy đó: Những lời dạy của Đức Phật vẫn thể hiện được một lối tư duy toàn diện, sắc bén, cập nhập “bức xúc” thời đại chứ chẳng hề thua kém nếu không muốn nói là vượt trội hơn hẳn về tính cô đọng – súc tích thiết thực.

(*)

Đời sống có bao nhiêu lĩnh vực quan tâm thì Đức Phật có bấy nhiêu lời dạy hữu ích cho ta “tùy nghi” áp dụng: Từ vật lý – Toán học (cấu trúc “rỗng không” của vật chất, chiều kích không gian – thời gian trong vũ trụ, sự gợi mở về muôn ngàn sự sống trên các hành tinh khác, những con số cực lớn và cực nhỏ, sự tương đối  và tuyệt đối của vũ trụ, v.v…); Hóa học – Sinh học – Tâm lý học  - Y học (giải phẫu học, cơ chế tâm thức sinh tâm lý, căn nguyên bệnh tật, cách chữa bệnh béo phì – khô gầy – mất ngủ - căng thẳng/stress,…; thế giới của các vi sinh vật, sự hình thành của chúng ta cả trước và trong thai mẹ; cách thức luyện tập để có sự cân bằng cảm xúc và trí não, v.v…); Kinh tế học (quy luật phân phối của cải – vật chất, nguyên nhân gây sụp đổ nền kinh tế, cách thức làm giàu, cách phân phối thu nhập định kỳ, cách đầu tư và vận hành doanh nghiệp hiệu quả, mối tương quan giữa năng suất làm việc và trạng thái tinh thần của người lao động, nguyên nhân phản bội trong kinh doanh, hóa giải biến cố trong doanh nghiệp bằng tư duy Nhân Quả, cân bằng đời sống gia đình và việc làm ăn, …),v.v… 

Thế mới biết, không phải ngẫu nhiên mà phần lớn các nhà khoa họcBác học vỹ đại với tư duy logic,  lý tính - “khó lòng” tiếp nhận những sự “huyền hoặc” “kỳ bí” lại vô cùng yêu quý và ngưỡng mộ đạo Phật: Ngoài sự cao siêu, huyền bí, vô cùng khó hiểu và khó cảm nhận với trình độ của chúng ta - Đạo Phật còn vô vàn, không kể xiết những lý thuyết thực hành thiết thực - cụ thể trong đời sống hàng ngày - Những gì phần lớn người trẻ chúng ta ngày nay biết về đạo Phật (được "truyền thừa" từ các thế hệ ông bà, cha mẹ cách đây trên dưới vài trăm năm) chỉ là một "góc nhỏ" vô cùng "khiêm tốn" trong biển Phật Pháp bao la, vi diệu mà thôi.

Càng đi trong giáo Pháp nhiều bao nhiêu thì ta càng phải ngỡ ngàng bấy nhiêu trước sự “đứng lặng” của thời gian trong những lời Đức Phật dạy. Đức Phật hiểu rõ những con người của thế kỷ 20 - 21 chúng ta hôm nay tới từng chi tiết nhỏ - Trong khi chúng ta – Những con người tự cho mình là các “trí thức” thời hiện đại, gọi thời đại Đức Phật xuất hiện trên đời là "Cổ đại" thì mức độ “hiểu biết” về Người lại chẳng đáng “cát bụi” gì…



Wednesday, June 5, 2019

Niềm tin


Loài người chúng ta tổ chức đời sống theo sự quần cư thành các cộng đồng chứ không sống riêng lẻ theo từng cá nhân. Mỗi người ngay từ khi sinh ra đã ngay lập tức có một “cộng đồng” -  có ba, có mẹ, ông bà, anh chị, v.v… (một gia đình nhỏ) “bao quanh” - Ảnh hưởng. Thậm chí, nếu không may mắn nhận được sự bao bọc từ người thân thì chúng ta cũng phải “chung sống” với rất nhiều người trong một “cộng đồng” không có quan hệ máu mủ (trại trẻ, mái ấm, người đỡ đầu, v.v…) – Tóm lại, nếu rời xa cộng đồng thì chúng ta không thể tồn tại.

Cách nghĩ, cách sống của cộng đồng người mà từ nhỏ tới lớn chúng ta tiếp xúc (gia đình, bạn bè, làng xóm, trường học, vùng miền, đất nước, v.v…) cung cấp một “tư tưởng nền” cho chúng ta “ứng xử” hàng ngày. Bên cạnh đó, trong quá trình học tập, trải nghiệm – ngày càng gia tăng kiến thức, hiểu biết thì chúng ta sẽ có ngày càng nhiều “quan điểm cá nhân”. Những quan điểm này có thể trùng hợp hoặc không còn ăn khớp với “tâm thức chung” của cộng đồng chúng ta đang chung sống vì nó phụ thuộc rất nhiều vào những điểm “đặc trưng” trong cấu trúc vật lý, tâm sinh lý và nghiệp báo của mỗi người.  

Những “quan điểm cá nhân” trong tư tưởng làm cơ sở để mỗi người nhìn nhận, phán đoán và lựa chọn những “Niềm tin” trong cuộc sống của mình. Mà khi chúng ta “tin” vào điều gì thì đồng nghĩa với việc chúng ta “cho” đó là sự thật mà mình buộc phải “tuân phục”Đi theo. Do đó, niềm tin có khả năng chi phối thái độ, cách ứng xử và cả “nghiệp báo” – “số phận” của chúng ta.

Như nếu chúng ta có niềm tin sai lầm rằng: “Sống trong đời là lấy mắt trả mắt, lấy răng trả răng” – Thì chúng ta phải luôn hơn thua, luôn dung dưỡng ý định trả đũa – “báo thù” mọi hành vi làm tổn hại/ tổn thương đến cá nhân mình – Chúng ta sẽ không bao giờ “hòa giải” được những bất hòa/những hiểu lầm và xung đột, vì trong chúng ta không có sự nhẫn nhịn, tha thứ và khoan dung. Cuộc đời chúng ta  vì vậy mà sẽ luôn cô độc, cô đơn và đau khổ vì hiếm ai “dám” có ý muốn lại gần, kết thân, gắn bó.

Ngược lại, nếu chúng ta có lòng tin vững chắc vào luật Nhân Quả - Nghiệp báo, thì mỗi khi bị động chạm/xúc phạm, chúng ta sẽ ngay lập tức tự xét lại  “Nhân – Quả” trong quá khứ của mình. Nếu mình có lỗi thì “bình an” chấp nhận “quả báo khổ” – Nếu mình không có lỗi thì vững tin rằng luật Nhân Quả công bằng sẽ tự có sắp xếp thích hợp và mình không cần phải bận tâm thêm nữa. Do đó, chúng ta không cần nuôi dưỡng ý nghĩ trả thù, không cần "hao tâm tổn trí" - tìm mọi thủ đoạn và phương tiện làm tổn hại tới “đối phương” để “truy tìm” sự công bằng cho bản thân – Cuộc đời vì vậy cũng dễ dàng cho ta và dễ chịu cho tất cả mọi người.
Tác động của “Niềm tin” đến “Vận mạng” của chúng ta là vô cùng lớn lao. Nếu chọn đúng thì ta sống đúng và đời sống ta thăng hoa. Nếu chọn sai thì ta tin sai, hiểu sai, sống sai và sẽ phải trả giá bằng chính cuộc đời của mình. Do đó, trước khi quyết định “đặt trọn” cuộc đời vào một "niềm tin" nào đó thì ta phải thật khôn ngoan, sáng suốt trong việc thu thập – nghiên cứu, cân nhắc, đánh giá các thông tin liên quan – Phải thật cảnh giác và cẩn thận – Tuyệt đối không cẩu thả, dễ dãi mà tùy tiện “tiếp nhận" để rồi tự xô đẩy cuộc đời mình vào hầm chông, hố thẳm một cách ngu ngốc, dại khờ.

(*)

Bất cứ nguồn thông tin nào đi qua đầu óc của ta với mục đích “chinh phục” lòng tin của ta thì đều phải được cân nhắc kỹ lưỡng. Những nguồn tin đó thường là gì?

Đó là những câu chuyện “truyền miệng” được đưa đẩy qua lời đồn. Dạng này cực kỳ nguy hiểm khi nó được “nói ra” từ miệng của những người chúng ta đã thân quen, tin tưởng - Vì niềm tin mà chúng ta đã “trao” cho những “đối tượng” này sẽ khiến chúng ta dễ dàng dỡ bỏ những hàng rào “phòng thủ” trong tư tưởng mà nhanh chóng chấp nhận những câu chuyện được họ “kể lại” (Sức “thuyết phục” của những câu chuyện phụ thuộc rất lớn vào mức độ “uy tín” của người “truyền tin”). Tuy nhiên, ta phải luôn ghi nhớ rằng, ai trong cuộc đời cũng đầy rẫy sai lầm và hạn chế - Người ta thân/ ta quen cùng những gì họ nói ra hoặc tin tưởng cũng vậy – cũng không bao giờ là luôn đảm bảo đúng sự thật hoàn toàn. 

Cuộc đời ta thì ta phải tự chịu trách nhiệm, nên “niềm tin” của ta – Ta nhất định phải tự mình “cân nhắc”.
Đó cũng có thể là những học thuyết khoa học trên mọi lĩnh vực. 

Và bởi  khoa học là “Người hùng” – là “vị cứu tinh” của toàn thể Nhân loại – Đưa nhân loại đến với ánh sáng của “Sự thật” – Những điều bị che đậy, kìm hãm, bóp nghẹt bởi Tôn giáo Thần Quyền trong suốt nhiều thế kỷ (Giai đoạn “Đêm Trường Trung Cổ").  Do đó, rất nhiều người trong chúng ta đặt niềm tin tuyệt đối vào khoa học – biến “khoa học” từ một tinh thần tư duy lý tính trong sáng - cởi mở - Thành một loại “tôn giáo biến tướng” mà không hay.

Trong khi khoa học vẫn còn rất nhiều vấn đề chưa đủ sức làm sáng tỏ - Tới nỗi nhà bác học vỹ đại Isacc Newton phải thốt lên rằng: “Những gì chúng ta đã biết là giọt nước mà những gì chúng ta chưa biết là cả một Đại Dương” – Chúng ta thực sự vẫn chỉ là một đứa trẻ đang trong quá trình “lớn khôn” giữa biển sóng bao la những điều bí ẩn của Vũ trụ. Những giả thuyết hôm nay được cho là đúng thì ngay hôm sau có thể trở thành sai nếu một giả thuyết “thuyết phục” hơn xuất hiện. Vì vậy, một mực cho rằng Khoa học là “tất cả” – Khoa học là “chân lý – bất di bất dịch, không bao giờ thay đổi” - Đích thực là một “Tôn giáo” đáng sợ nhất – Mù quáng nhất.

Nếu không có sự soi sáng của lý trí và trí tuệ thì “Niềm tin” xây đắp trong cảm tính – Trong cảm xúc ghét thương sẽ khiến cho chúng ta trở nên vô cùng “bất hợp lý” giữa cuộc đời - Cả trong ý nghĩ, lời nói và hành động – Cho dù đó là niềm tin dành cho “Khoa học”.
(*)

Người thật thà giản đơn, không có bản lĩnh trí và trí tuệ, không có thói quen suy xét “đa chiều” mà dễ dãi chấp nhận, “tin tưởng” mọi điều được “nghe” thì gọi là người “Cả tin”.

Người cả tin có thể là người thật sự khờ khạo, không đủ năng lực để phân định đúng sai ; Có thể là người tư duy đơn thuần không gian dối nên mất sự cảnh giác trước cuộc đời; Nhưng phần lớn “Cả tin” là những người thích “buôn chuyện”, có thói quen ưa nghe ngóng và “tuyên truyền” những câu chuyện “lạ” để thỏa mãn trí tò mò và tham muốn được mọi người “chú ý” - lắng nghe. Trong khi người đa nghi “thái quá” (đa nghi như Tào Tháo) thì chẳng tin ai bao giờ - Trong lòng chỉ chứa chấp đầy những hoài nghi, gian dối, ác tâm và kiêu mạn.

Nhiều khi ta “tin tưởng” vì đã quá nhiều lần được “làm cho tin tưởng” – Nhưng hãy luôn nhớ rằng: “Gây tạo uy tín” là chìa khóa của nghệ thuật “Lừa đảo lòng tin”.  Kẻ lừa đảo lòng tin chỉ ra đòn quyết định vào lần thứ 100 sau 99 lần đã giữ đúng những “lời hứa hẹn”.

Rất nhiều khi chúng ta “tin” vì nhiều người khác “cũng tin”. Rất nhiều phong tục, thậm chí hủ tục hết sức “vô lý” – Thậm chí gây nguy hiểm cho cả cộng đồng nhưng vẫn được cả cộng đồng “đồng lòng” gìn giữ vì cùng “chung một niềm tin” - Như những lễ hội đầy khát máu - sân hận kiểu chọi trâu, đâm trâu, chém lợn, hay đầy tính ái dục bừa bãi như các phiên chợ tình v.v…
Mặc dù Phật Hoàng Trần Nhân Tông khi xưa đã cất công đi khắp mọi miền đất nước vừa dạy dân tu tập trong đời sống, vừa nỗ lực dỡ bỏ các “biểu tượng” - “phong tục” mang tính dục nhiễm ra khỏi văn hóa của dân ta nhưng tới nay vẫn còn rất nhiều tàn dư sót lại được phụng dựng tản mát ở đâu đó khắp cả nước. Vậy mới thấy: Khi hợp lý - “Truyền thống” là sức mạnh giữ gìn cả dân tộc. Nhưng khi vô lý thì “Truyền thống” sẽ trở thành những con ác quỷ thiêu đốt cả cộng đồng trong lối sống sai lầm và cố chấp.

Phụ nữ có trực giác mạnh hơn đàn ông và vì vậy, phụ nữ rất “hay xài” và cũng rất “hay tin” vào trực giác của mình. Thế nhưng “đúng” thì đôi khi mà “sai” thì thường trực nên phụ nữ là “lực lượng” chiếm phần “đông đảo” trong các “sự kiện” mê tín dị đoan - Những hoạt động mang tính tâm linh đơn thuần dựa vào “tình cảm”“niềm tin vô căn cứ”.

Người may mắn có nhiều “tài năng” thì thường hay “mê tín” vào ý nghĩ chủ quan của mình – Luôn dễ dàng đánh giá mọi người là sai và chỉ mình ta là đúng. Người tin vào thuyết Định mệnh – Bói toán thì ưa cúng cầu – Luôn mong mỏi lợi ích “cá nhân” và luôn biếng nhác làm việc thiện theo đạo lý Nhân – Quả.

Một khi để cho “Niềm tin” tăng trưởng tới mức “cực đoan” – “cực độ” (Cuồng tín) thì ta sẽ luôn bị “thiêu đốt” trong một trạng thái tâm thức sục sôi căm hận – Sẵn sàng cuồng điên “Tạo nghiệp” -  Cuồng điên “ép uổng” mọi người không được sống “trái” với “niềm tin” của ta – Không thể chịu đựng nổi bất cứ một quan điểm “khác biệt” nào dù chỉ là rất nhỏ. Luôn muốn tất cả mọi người PHẢI tin giống ta - PHẢI làm như ta - PHẢI sống theo cách như ta đã chọn - Nếu không chịu “tuân theo” thì bất chấp tất cả mà “Tiêu diệt” cho bằng sạch.
(*)

Trên thế giới có bao nhiêu tỉ người thì có cấp số nhân bấy nhiêu tỉ quan điểm và “Niềm tin”. 

Có những niềm tin “xây dựng” cá nhân, vun bồi Thế giới và có rất nhiều những niềm tin “hủy hoại” nhân cách – “phá nát” tâm hồn của các cá nhân rồi qua đó mà đào mồ, đánh bom, khủng bố -  Quyết tâm “như núi” một lòng hủy diệt cả thế giới dám “ngoan cố” đi ngược lại “niềm tin” của cộng đồng mình.

Do vậy, việc lựa chọn “Niềm tin” của mỗi cá nhân không chỉ ảnh hưởng tới đời sống của riêng mỗi người mà còn có tác động đến cả cộng đồng, đến cả nhân loại. Chúng ta kể từ khi sinh ra đã bị buộc chung trong cùng một vận mệnh – Mà chỉ vì chưa bao giờ đủ tĩnh lặng để nhìn lại thật sâu nên chúng ta mới thường xuyên thờ ơ, lạnh nhạt.
Xin hãy mở rộng lòng mình – Vượt thoát bức tường “cá nhân” - Để nhìn thấy, để cảm nhận sâu sắc những nỗi đau của thế giới, hay chí ít cũng là những rạn vỡ trong đất nước mình - cộng đồng mình – những người thân xung quanh mình mà sáng suốt lựa chọn một “Niềm tin” đúng đắn - Có khả năng mang lại hạnh phúc, an vui cho tất cả: Để tin - Để sống. 

Bởi "Niềm tin" không chỉ cho riêng ta - "Niềm tin" của ta còn liên quan tới an vui và hạnh phúc của tất cả mọi người