300x250 AD TOP

Trần Hải Anh (PD.Châu Nhật Vi)

Powered by Blogger.

About Me

My photo
Cuộc đời của Con là công trình của Ba, Mẹ.

VIỆT NAM & ĐẠO PHẬT

TẠI SAO??? - Ở VIỆT NAM,  CÁI GÌ HAY HO  CŨNG THUỘC VỀ/LIÊN QUAN TỚI ĐẠO PHẬT Đó là vì những điều lịch sử cơ bản như sau: (*) 1.      Thời...

Search This Blog

Search This Blog

Translate

Translate

Pages

Tuesday, June 18, 2019

Kín đáo


Ai trong chúng ta cũng có “Cái tôi” – Nhưng “Cái tôi” là gì? Là thân thể, ý nghĩ, quan điểm, thành kiến hay sở thích yêu ghét của mỗi người?

Nói chung là ai cũng có cảm giác về một “cái tôi” trong mình rất lớn, vì chúng ta luôn bị khó chịu, giận tức, bực bội, thậm chí khi cuồng bạo còn có thể đánh đập – mắng mỏ người khác không thương tiếc, v.v…vì “thấy” cái tôi của mình bị động chạm.

Nhưng thực tế là chẳng ai “nhìn” thấy “cái tôi” này bao giờ và thực sự là “cái tôi” của mỗi người hoàn toàn chỉ là những ảo ảnh trong tâm lý – Phụ thuộc hoàn toàn vào tâm lý và biến đổi hoàn toàn theo tâm lý nếu không học được cách “kiểm soát bản năng”..

Khi tâm lý của ta nhẹ nhàng, an vui thì “cái tôi” của ta rất dễ thương, dễ chịu với mọi người - Nhưng khi tâm lý của ta bất ổn, bực bội, nóng giận thì “cái tôi” của ta cũng trở nên rất khó chịu theo. Đó là nguyên nhân của hiện tượng ngay trong một con người – ngay trong cùng một ngày, luôn có thể xuất hiện rất nhiều trạng thái “tính cách” (cái tôi) khác nhau - Tâm lý càng bất ổn thì tính cách càng không ổn định – “Cái tôi” càng dễ bị tổn thương và chúng ta càng trở nên dễ hờn, dễ giận - Hay nói cách khác là “cái tôi” của chúng ta càng to và mọi người càng khó để “nuốt cho trôi”. Tóm lại là “tâm lý” thay đổi thì “cái tôi”  và “tính khí” đồng thời thay đổi theo.


(*)

Ego (Ảo ảnh về “Cái tôi”) luôn khao khát được “vượt trội” – “hơn người”: Nên tất cả chúng ta đều rất thích nói về bản thân mình và những điều liên quan tới bản thân mình – Từ sâu trong bản năng, tất cả chúng ta đều bị tâm lý “thèm khát mãnh liệt” sự ngưỡng mộ từ người khác “ngấm ngầm” chi phối. Tất cả chúng ta đều rất thích “khoe khoang”.

Tâm lý “khoe khoang” ẩn dấu kín đáo trong những người đã trưởng thành và đang trong trạng thái tinh thần “tỉnh táo” (Không bị các chất kích thích làm tê liệt). Nhưng khi chúng ta còn là trẻ con hoặc trong những trạng thái tinh thần bị kích động mạnh – mất sức tỉnh giác (say rượu, say thuốc kích thích, khi quá vui – quá buồn – quá giận, …)thì “cái tôi” của chúng ta hiện bày rất rõ: Chúng ta tự khen mình,tự kể lể công trạng của mình và luôn sẵn sàng thổi phồng – phóng đại mọi chuyện chỉ để làm nổi bật “cái tôi” của mình. 

Những cảm xúc hình thành thái độ “ngợi khen” hay “khinh bỉ” tuy nằm trong tâm người khác – Vừa không thật (không có hình dạng và luôn thay đổi – không cố định); vừa khó đoán định và không thể “giữ chặt” nhưng lại có tác động vô cùng lớn lao với mỗi chúng ta. Chúng ta luôn có xu hướng không ngừng tìm kiếm – Không ngừng xao động bất an, lên xuống “bất tận” (khi thì sung sướng, khi thì đau khổ) theo sự “đánh giá” của mọi người xung quanh: Khi họ khen thì ta mừng dẫu cái khen đó chẳng đúng với sự thật – Khi họ chê thì ta buồn dẫu cái chê đó chẳng đúng với sự thật.


“Cái tôi” càng kiêu mạn thì lời nói và hành động càng nặng nề chất “khoe khoang”: Sự đói khát tiếng khen càng bị bộc lộ – Tâm lý “hiếu danh” càng bị phô bày – Thậm chí, nếu quá tham muốn một thứ “danh tiếng” hay “uy tín” nào đó thì chúng ta có thể bất chấp cả việc gây tổn hại cho người khác chỉ để “tô quét” cho bản thân mình. Do đó, tâm lý háo danh, thích khoe khoang là một tâm lý nguy hiểm, có thể “dẫn dắt” ta tạo tác những ý nghĩ, lời nói và hành vi sai lầm (gây nghiệp xấu) để rồi phải gánh chịu nhiều đau khổ về sau.

Tuy cùng một hiện tượng (“khoe khoang” về mình), nhưng khác với tâm lý háo danh bản năng - Hành vi “lừa đảo” có mục đích sau cùng là khống chế, lừa đảo tinh thần, tiền bạc, tài sản của người khác. Bạn có biết hay không? Châm ngôn của Marketing là “Nói mãi một điều không thật thì nó sẽ thành sự thật” – Loài người chúng ta cực kỳ “nhẹ dạ” trước những lời “xác quyết mạnh mẽ” – Và ngành lừa đảo luôn tận dụng triệt để “điểm yếu” này mà khiến cho chúng ta rơi vào trạng thái “cả tin”.

(*)

Khoe khoang là nói quá nhiều về bản thân, nhưng “nói ít” hay “quá ít” về mình hoặc những quan điểm, ý kiến, góc nhìn của mình cũng chưa hẳn đã là người “Kín đáo” - Bởi rất nhiều khi chúng ta “ít nói” là vì thực sự chúng ta chẳng có gì/chẳng biết gì để nói; hoặc do bản tính thô lỗ, cộc cằn trong ta quá lớn – Mỗi lời nói ra đều bộc lộ sự hung dữ, ác độc, nhẫn tâm (làm người khác sợ hãi, không dám đến gần) nên ta phải cố giấu mình cho kỹ.

Người thâm sâu hiểm độc là những người không loanh quanh kiếm tìm những khoái cảm lặt vặt từ khoe khoang – khoác lác mà mưu tính những “lợi ích” sâu xa hơn, lớn lao hơn (Thiên về việc tranh đấu - giành giật phần hơn về mình) nên họ luôn ý thức giữ gìn “sự bí mật” để đảm bảo “thành công” – Họ “Kín đáo” một cách “khôn ngoan”.
Nhưng cho dù một người hoàn toàn không có ý xấu với cuộc đời, chỉ một lòng muốn làm những điều lợi ích cho mọi người thì cũng phải có ý thức “giấu mình” vì “khôn ngoan” này: Bởi song hành với “Khoe khoang – muốn mình hơn tất cả” là  “Đố kỵ - không muốn ai bằng mình” – Hai thứ bản năng sẵn sàng trở thành vũ khí sát thương “hạng nặng” vẫn luôn hiện hữu trong “lòng dạ” của mỗi “con người” suốt nhiều ngàn năm qua. Nếu bộc lộ bản thân với ý tốt mà thiếu sự khôn ngoan (không tính đến sự “thích hợp” của hoàn cảnh) thì chúng ta cũng sẽ bị “triệt hạ” ngay lập tức bởi những tâm hồn đố kỵ và ác tâm - Để rồi rốt cùng cũng chẳng còn “tồn tại” để mà làm được bất cứ điều gì tốt đẹp cho mọi người.

(*)

Nếu cho riêng mình thì lời khoe khoang nhất định phải trừ bỏ vì tâm lý “háo danh” bệnh hoạn trong mỗi chúng ta vốn đã quá nặng nề - Vấn đề là phải làm nó “thuyên giảm” chứ không phải “xoa dịu - vỗ về” để rồi bệnh càng thêm bệnh.

Nhưng có rất nhiều khi chúng ta cũng cần phải chia sẻ về mình (làm một ví dụ, một tấm gương nho nhỏ) để cổ vũ, khích lệ mọi người tiến lên trong cuộc sống: Nếu lúc này ta từ chối vì sợ làm nặng thêm bệnh “háo danh” của mình thì ta sẽ trở thành một người ích kỷ; nhưng nếu ta cứ nói ra “ào ào” mà không có sự kiểm soát thì hẳn nhiên “cái tôi” của chúng ta sẽ càng lúc càng phình to ra và nổ tung vào một thời điểm thích hợp.

Vậy nên, làm được năm thì chỉ được nói ra một (Tỷ lệ: 5:1) – “Có” càng nhiều mà “chi” càng ít thì càng giàu – Làm được càng nhiều mà “bộc lộ - chia sẻ” càng ít thì càng “đi tiếp” được dài lâu, bền vững. Tự nói ra một “ưu điểm” của bản thân thì ngay lập tức phải chèn vào vài ba “khuyết điểm” để “tự cân bằng” lại – Điều này đồng nghĩa với việc, chừng nào ta có khả năng tự nhìn nhận ra vô vàn khuyết điểm của mình thì chừng đó ta mới có đủ năng lực“tự bộc lộ” bản thân mà “khuyến khích” người khác.

(*)

“Tôi chẳng có lỗi gì cả”, “Tôi chẳng làm gì sai cả”, “Tôi không có gì xấu để mà phải tu hay sửa”, v.v…Tôi và bạn – Tất cả chúng ta đều đã từng nói ra những lời tương tự như vậy. Vì “cái tôi” bên trong mỗi chúng ta quá lớn – Nó che lấp hết mọi lỗi lầm của ta, nó cho ta cái “ảo tưởng” rằng trong ta chỉ toàn những điều “tốt đẹp”, còn xấu xa chỉ “tồn tại” trong người khác mà thôi. Vậy nên, ai cũng tự nhận mình là người tốt (người có “tu tâm”) nhưng thực tế là thế giới vẫn luôn chật kín những thói hư tật xấu và những “cái tâm” (tâm tính) chẳng hề “có tu” một chút nào.

“Không thấy được lỗi mình” nên chúng ta không hình thành được tâm lý “sửa lỗi” và con đường “chuộc lỗi” để bản thân được ngày một tốt lên, cuộc đời ngày một tươi sáng lên. Không nhìn ra được cái hay của mọi người xung quanh nên mỗi ngày chúng ta đã “vùi dập” không biết bao nhiêu những “nụ hoa” của thế giới: Vì ta ghét nên dẫu “người” có mười điều tốt ta cũng phủ nhận tất cả, chà đạp tất cả. Vì ta không ưa nên dẫu “người” có trăm ngàn điều tốt ta cũng chẳng mảy may ngó ngàng, khích lệ. Vì ta “căm hờn” nên dẫu “người” có cả vạn điều hay ta cũng quyết lòng “tiêu diệt” cho “biến mất” khỏi mắt mình, v.v…

Ta sẽ không bao giờ có khả năng “nhìn nhận” lỗi lầm của mình và “thừa nhận” cái hay của người khác nếu không có những phút lắng lòng trong yên tĩnh – Nếu không có những khoảng thời gian lắng đọng - Không lăng xăng chạy nhảy hay tìm cầu, loạn động. Như mặt hồ nước nếu cứ cuộn sóng ào ào, bọt tung trắng xóa thì ngoài bọt ra sẽ chẳng thấy bất cứ điều gì – Nếu “tâm trí” ta cứ mãi loạn động trong kiểu suy nghĩ “cố hữu” rằng “mình hay – người khác dở” thì ta cứ việc lặn hụp cuồng điên trong những ảo tưởng về bản thân mình.

Hãy một lần đứng vào một vị trí khác, thay đổi một góc nhìn khác – một lối tư duy khác về bản thân mình: Tĩnh lặng hơn một chút, khiêm tốn hơn một chút, bao dung hơn một chút, thương yêu hơn một chút – Để dần thoát khỏi bóng tối của “cái tôi” bản năng cuồng điên, khờ dại; Để mỗi ngày một biết thêm rằng - Ta và người tất cả đều như nhau, tất cả đều đầy những thói hư tật xấu, những “tật bệnh” trong tâm lý và những “nỗi đau khổ” trong cuộc đời; Để dần biết “nghiêm khắc” với bản thân hơn và “khoan dung” với mọi người hơn -  Để đạo đức bản thân của ta mỗi ngày một hoàn thiện hơn và cuộc sống quanh ta mỗi ngày một thân ái, dễ chịu hơn cho tất cả mọi người.  

Thiền để làm gì? – Cũng chỉ là như vậy. Gột rửa sạch sẽ cái “tâm” của mình mỗi ngày.

“Tu tâm” là gì? – Chính là bất kể chuyện gì xảy ra cũng đều xoay vào bên trong để “tìm lỗi mình” trước. Bớt trách đời, dứt trách người và luôn nhận trách nhiệm về mình.

(*)

Trong chiến trận, trên thương trường, trong tâm lý, trên con đường “tu tập – sửa mình”, v.v… Bất cứ lĩnh vực nào cũng cần tới sự “bí mật” và “kín đáo”. Nếu mới có chút gì hay cũng “oang oang” phách lối thì cuối cùng cũng chẳng đi tới đâu. “Nói trước thì bước không qua” là bài học muôn đời ông bà xưa truyền lại: Trên đời này, mọi việc đều là những biến cố bất thường, dùng một lời “khẳng định” để nói về một điều “bất định” thì đủ hiểu là mang dây buộc mình. Làm được thì cũng thường (vì đã tuyên bố rồi) mà làm không được thì mất uy tín, tổn thất lòng tự tin.

Có một lý thuyết phương Tây khuyên rằng: Nên nói ra dự định của mình trước mặt “nhiều người” để tự gây sức ép buộc bản thân phải vượt qua “tính ỳ” để thành công nếu không muốn bị “mất mặt”. Điều này có thể đúng với những người sẵn sàng sống chết vì “danh dự” bản thân – Nhưng sẽ không đúng với phần lớn tất cả chúng ta. Đó là lý do vì sao câu tục ngữ của các cụ xưa vẫn truyền khẩu muôn đời còn “chiêu thức tâm lý” này thì có vẻ không phổ biến lắm. Dù sao thì, lựa chọn như thế nào là quyền của mỗi người.

(*)

Nếu đã gọi là bản năng thì vô cùng khó khăn để “ngăn trở”. Như bản năng là phải ăn – Không ai có thể không ăn. Bản năng là phải sống – Tất cả chúng ta luôn nỗ lực từng ngày để “kiếm” sống. Bản năng của các loài hữu tính là giao phối, sinh sản  - Tất cả các loài sinh vật đều phải không ngừng kết cặp và sản sinh thế hệ sau kể cả con người mặc dù chúng ta hoàn toàn có quyền “tự lựa chọn”, v.v…

Do đó, để có thể hình thành được sự "Kín đáo" trong tâm - “đi ngược” lại bản năng thích khoe khoang – Không muốn nói về bản thân mình và những cái hay của mình cho người khác biết phải cần tới một sức mạnh nội lực rất lớn.
Nhưng chừng nào còn muốn bản thân mình ngày một tốt đẹp hơn, đạo đức hơn, bình an hơn, hạnh phúc hơn, v.v… thì chừng đó ta còn phải tự dặn mình phải luôn “Kín đáo” - Không những vì sự “khôn ngoan” mà quan trọng nhất vẫn là ta phải tự mình thấy được – Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, tấ cả chúng ta thật sự chẳng có gì đáng để khoe khoang cả.

Nếu thành tựu của chúng ta là 10 thì những sai trái, lỗi lầm, thiếu sót, thiếu hụt, bất toàn, bất cập, v.v… của chúng ta còn gấp trăm ngàn lần hơn như vậy. Một phút giây thỏa mãn – Một lời nói khoe khoang là ta đã tự đẩy mình vào vị trí bất lợi hơn trên hành trình hoàn thiện bản thân. 






0 comments:

Post a Comment