300x250 AD TOP

Trần Hải Anh (PD.Châu Nhật Vi)

Powered by Blogger.

About Me

My photo
Cuộc đời của Con là công trình của Ba, Mẹ.

VIỆT NAM & ĐẠO PHẬT

TẠI SAO??? - Ở VIỆT NAM,  CÁI GÌ HAY HO  CŨNG THUỘC VỀ/LIÊN QUAN TỚI ĐẠO PHẬT Đó là vì những điều lịch sử cơ bản như sau: (*) 1.      Thời...

Search This Blog

Search This Blog

Translate

Translate

Pages

Wednesday, June 5, 2019

Niềm tin


Loài người chúng ta tổ chức đời sống theo sự quần cư thành các cộng đồng chứ không sống riêng lẻ theo từng cá nhân. Mỗi người ngay từ khi sinh ra đã ngay lập tức có một “cộng đồng” -  có ba, có mẹ, ông bà, anh chị, v.v… (một gia đình nhỏ) “bao quanh” - Ảnh hưởng. Thậm chí, nếu không may mắn nhận được sự bao bọc từ người thân thì chúng ta cũng phải “chung sống” với rất nhiều người trong một “cộng đồng” không có quan hệ máu mủ (trại trẻ, mái ấm, người đỡ đầu, v.v…) – Tóm lại, nếu rời xa cộng đồng thì chúng ta không thể tồn tại.

Cách nghĩ, cách sống của cộng đồng người mà từ nhỏ tới lớn chúng ta tiếp xúc (gia đình, bạn bè, làng xóm, trường học, vùng miền, đất nước, v.v…) cung cấp một “tư tưởng nền” cho chúng ta “ứng xử” hàng ngày. Bên cạnh đó, trong quá trình học tập, trải nghiệm – ngày càng gia tăng kiến thức, hiểu biết thì chúng ta sẽ có ngày càng nhiều “quan điểm cá nhân”. Những quan điểm này có thể trùng hợp hoặc không còn ăn khớp với “tâm thức chung” của cộng đồng chúng ta đang chung sống vì nó phụ thuộc rất nhiều vào những điểm “đặc trưng” trong cấu trúc vật lý, tâm sinh lý và nghiệp báo của mỗi người.  

Những “quan điểm cá nhân” trong tư tưởng làm cơ sở để mỗi người nhìn nhận, phán đoán và lựa chọn những “Niềm tin” trong cuộc sống của mình. Mà khi chúng ta “tin” vào điều gì thì đồng nghĩa với việc chúng ta “cho” đó là sự thật mà mình buộc phải “tuân phục”Đi theo. Do đó, niềm tin có khả năng chi phối thái độ, cách ứng xử và cả “nghiệp báo” – “số phận” của chúng ta.

Như nếu chúng ta có niềm tin sai lầm rằng: “Sống trong đời là lấy mắt trả mắt, lấy răng trả răng” – Thì chúng ta phải luôn hơn thua, luôn dung dưỡng ý định trả đũa – “báo thù” mọi hành vi làm tổn hại/ tổn thương đến cá nhân mình – Chúng ta sẽ không bao giờ “hòa giải” được những bất hòa/những hiểu lầm và xung đột, vì trong chúng ta không có sự nhẫn nhịn, tha thứ và khoan dung. Cuộc đời chúng ta  vì vậy mà sẽ luôn cô độc, cô đơn và đau khổ vì hiếm ai “dám” có ý muốn lại gần, kết thân, gắn bó.

Ngược lại, nếu chúng ta có lòng tin vững chắc vào luật Nhân Quả - Nghiệp báo, thì mỗi khi bị động chạm/xúc phạm, chúng ta sẽ ngay lập tức tự xét lại  “Nhân – Quả” trong quá khứ của mình. Nếu mình có lỗi thì “bình an” chấp nhận “quả báo khổ” – Nếu mình không có lỗi thì vững tin rằng luật Nhân Quả công bằng sẽ tự có sắp xếp thích hợp và mình không cần phải bận tâm thêm nữa. Do đó, chúng ta không cần nuôi dưỡng ý nghĩ trả thù, không cần "hao tâm tổn trí" - tìm mọi thủ đoạn và phương tiện làm tổn hại tới “đối phương” để “truy tìm” sự công bằng cho bản thân – Cuộc đời vì vậy cũng dễ dàng cho ta và dễ chịu cho tất cả mọi người.
Tác động của “Niềm tin” đến “Vận mạng” của chúng ta là vô cùng lớn lao. Nếu chọn đúng thì ta sống đúng và đời sống ta thăng hoa. Nếu chọn sai thì ta tin sai, hiểu sai, sống sai và sẽ phải trả giá bằng chính cuộc đời của mình. Do đó, trước khi quyết định “đặt trọn” cuộc đời vào một "niềm tin" nào đó thì ta phải thật khôn ngoan, sáng suốt trong việc thu thập – nghiên cứu, cân nhắc, đánh giá các thông tin liên quan – Phải thật cảnh giác và cẩn thận – Tuyệt đối không cẩu thả, dễ dãi mà tùy tiện “tiếp nhận" để rồi tự xô đẩy cuộc đời mình vào hầm chông, hố thẳm một cách ngu ngốc, dại khờ.

(*)

Bất cứ nguồn thông tin nào đi qua đầu óc của ta với mục đích “chinh phục” lòng tin của ta thì đều phải được cân nhắc kỹ lưỡng. Những nguồn tin đó thường là gì?

Đó là những câu chuyện “truyền miệng” được đưa đẩy qua lời đồn. Dạng này cực kỳ nguy hiểm khi nó được “nói ra” từ miệng của những người chúng ta đã thân quen, tin tưởng - Vì niềm tin mà chúng ta đã “trao” cho những “đối tượng” này sẽ khiến chúng ta dễ dàng dỡ bỏ những hàng rào “phòng thủ” trong tư tưởng mà nhanh chóng chấp nhận những câu chuyện được họ “kể lại” (Sức “thuyết phục” của những câu chuyện phụ thuộc rất lớn vào mức độ “uy tín” của người “truyền tin”). Tuy nhiên, ta phải luôn ghi nhớ rằng, ai trong cuộc đời cũng đầy rẫy sai lầm và hạn chế - Người ta thân/ ta quen cùng những gì họ nói ra hoặc tin tưởng cũng vậy – cũng không bao giờ là luôn đảm bảo đúng sự thật hoàn toàn. 

Cuộc đời ta thì ta phải tự chịu trách nhiệm, nên “niềm tin” của ta – Ta nhất định phải tự mình “cân nhắc”.
Đó cũng có thể là những học thuyết khoa học trên mọi lĩnh vực. 

Và bởi  khoa học là “Người hùng” – là “vị cứu tinh” của toàn thể Nhân loại – Đưa nhân loại đến với ánh sáng của “Sự thật” – Những điều bị che đậy, kìm hãm, bóp nghẹt bởi Tôn giáo Thần Quyền trong suốt nhiều thế kỷ (Giai đoạn “Đêm Trường Trung Cổ").  Do đó, rất nhiều người trong chúng ta đặt niềm tin tuyệt đối vào khoa học – biến “khoa học” từ một tinh thần tư duy lý tính trong sáng - cởi mở - Thành một loại “tôn giáo biến tướng” mà không hay.

Trong khi khoa học vẫn còn rất nhiều vấn đề chưa đủ sức làm sáng tỏ - Tới nỗi nhà bác học vỹ đại Isacc Newton phải thốt lên rằng: “Những gì chúng ta đã biết là giọt nước mà những gì chúng ta chưa biết là cả một Đại Dương” – Chúng ta thực sự vẫn chỉ là một đứa trẻ đang trong quá trình “lớn khôn” giữa biển sóng bao la những điều bí ẩn của Vũ trụ. Những giả thuyết hôm nay được cho là đúng thì ngay hôm sau có thể trở thành sai nếu một giả thuyết “thuyết phục” hơn xuất hiện. Vì vậy, một mực cho rằng Khoa học là “tất cả” – Khoa học là “chân lý – bất di bất dịch, không bao giờ thay đổi” - Đích thực là một “Tôn giáo” đáng sợ nhất – Mù quáng nhất.

Nếu không có sự soi sáng của lý trí và trí tuệ thì “Niềm tin” xây đắp trong cảm tính – Trong cảm xúc ghét thương sẽ khiến cho chúng ta trở nên vô cùng “bất hợp lý” giữa cuộc đời - Cả trong ý nghĩ, lời nói và hành động – Cho dù đó là niềm tin dành cho “Khoa học”.
(*)

Người thật thà giản đơn, không có bản lĩnh trí và trí tuệ, không có thói quen suy xét “đa chiều” mà dễ dãi chấp nhận, “tin tưởng” mọi điều được “nghe” thì gọi là người “Cả tin”.

Người cả tin có thể là người thật sự khờ khạo, không đủ năng lực để phân định đúng sai ; Có thể là người tư duy đơn thuần không gian dối nên mất sự cảnh giác trước cuộc đời; Nhưng phần lớn “Cả tin” là những người thích “buôn chuyện”, có thói quen ưa nghe ngóng và “tuyên truyền” những câu chuyện “lạ” để thỏa mãn trí tò mò và tham muốn được mọi người “chú ý” - lắng nghe. Trong khi người đa nghi “thái quá” (đa nghi như Tào Tháo) thì chẳng tin ai bao giờ - Trong lòng chỉ chứa chấp đầy những hoài nghi, gian dối, ác tâm và kiêu mạn.

Nhiều khi ta “tin tưởng” vì đã quá nhiều lần được “làm cho tin tưởng” – Nhưng hãy luôn nhớ rằng: “Gây tạo uy tín” là chìa khóa của nghệ thuật “Lừa đảo lòng tin”.  Kẻ lừa đảo lòng tin chỉ ra đòn quyết định vào lần thứ 100 sau 99 lần đã giữ đúng những “lời hứa hẹn”.

Rất nhiều khi chúng ta “tin” vì nhiều người khác “cũng tin”. Rất nhiều phong tục, thậm chí hủ tục hết sức “vô lý” – Thậm chí gây nguy hiểm cho cả cộng đồng nhưng vẫn được cả cộng đồng “đồng lòng” gìn giữ vì cùng “chung một niềm tin” - Như những lễ hội đầy khát máu - sân hận kiểu chọi trâu, đâm trâu, chém lợn, hay đầy tính ái dục bừa bãi như các phiên chợ tình v.v…
Mặc dù Phật Hoàng Trần Nhân Tông khi xưa đã cất công đi khắp mọi miền đất nước vừa dạy dân tu tập trong đời sống, vừa nỗ lực dỡ bỏ các “biểu tượng” - “phong tục” mang tính dục nhiễm ra khỏi văn hóa của dân ta nhưng tới nay vẫn còn rất nhiều tàn dư sót lại được phụng dựng tản mát ở đâu đó khắp cả nước. Vậy mới thấy: Khi hợp lý - “Truyền thống” là sức mạnh giữ gìn cả dân tộc. Nhưng khi vô lý thì “Truyền thống” sẽ trở thành những con ác quỷ thiêu đốt cả cộng đồng trong lối sống sai lầm và cố chấp.

Phụ nữ có trực giác mạnh hơn đàn ông và vì vậy, phụ nữ rất “hay xài” và cũng rất “hay tin” vào trực giác của mình. Thế nhưng “đúng” thì đôi khi mà “sai” thì thường trực nên phụ nữ là “lực lượng” chiếm phần “đông đảo” trong các “sự kiện” mê tín dị đoan - Những hoạt động mang tính tâm linh đơn thuần dựa vào “tình cảm”“niềm tin vô căn cứ”.

Người may mắn có nhiều “tài năng” thì thường hay “mê tín” vào ý nghĩ chủ quan của mình – Luôn dễ dàng đánh giá mọi người là sai và chỉ mình ta là đúng. Người tin vào thuyết Định mệnh – Bói toán thì ưa cúng cầu – Luôn mong mỏi lợi ích “cá nhân” và luôn biếng nhác làm việc thiện theo đạo lý Nhân – Quả.

Một khi để cho “Niềm tin” tăng trưởng tới mức “cực đoan” – “cực độ” (Cuồng tín) thì ta sẽ luôn bị “thiêu đốt” trong một trạng thái tâm thức sục sôi căm hận – Sẵn sàng cuồng điên “Tạo nghiệp” -  Cuồng điên “ép uổng” mọi người không được sống “trái” với “niềm tin” của ta – Không thể chịu đựng nổi bất cứ một quan điểm “khác biệt” nào dù chỉ là rất nhỏ. Luôn muốn tất cả mọi người PHẢI tin giống ta - PHẢI làm như ta - PHẢI sống theo cách như ta đã chọn - Nếu không chịu “tuân theo” thì bất chấp tất cả mà “Tiêu diệt” cho bằng sạch.
(*)

Trên thế giới có bao nhiêu tỉ người thì có cấp số nhân bấy nhiêu tỉ quan điểm và “Niềm tin”. 

Có những niềm tin “xây dựng” cá nhân, vun bồi Thế giới và có rất nhiều những niềm tin “hủy hoại” nhân cách – “phá nát” tâm hồn của các cá nhân rồi qua đó mà đào mồ, đánh bom, khủng bố -  Quyết tâm “như núi” một lòng hủy diệt cả thế giới dám “ngoan cố” đi ngược lại “niềm tin” của cộng đồng mình.

Do vậy, việc lựa chọn “Niềm tin” của mỗi cá nhân không chỉ ảnh hưởng tới đời sống của riêng mỗi người mà còn có tác động đến cả cộng đồng, đến cả nhân loại. Chúng ta kể từ khi sinh ra đã bị buộc chung trong cùng một vận mệnh – Mà chỉ vì chưa bao giờ đủ tĩnh lặng để nhìn lại thật sâu nên chúng ta mới thường xuyên thờ ơ, lạnh nhạt.
Xin hãy mở rộng lòng mình – Vượt thoát bức tường “cá nhân” - Để nhìn thấy, để cảm nhận sâu sắc những nỗi đau của thế giới, hay chí ít cũng là những rạn vỡ trong đất nước mình - cộng đồng mình – những người thân xung quanh mình mà sáng suốt lựa chọn một “Niềm tin” đúng đắn - Có khả năng mang lại hạnh phúc, an vui cho tất cả: Để tin - Để sống. 

Bởi "Niềm tin" không chỉ cho riêng ta - "Niềm tin" của ta còn liên quan tới an vui và hạnh phúc của tất cả mọi người



0 comments:

Post a Comment