Tất cả chúng ta luôn phải chung sống
với rất nhiều người - rất nhiều “nguồn” ý muốn khác nhau. Ngay trong một gia
đình cũng đã là muôn vàn sự khác biệt – muôn vàn những yêu cầu, đòi hỏi, ước mong,
sở thích, v.v… cần được người nhà “hiểu” và “chiều” nếu không muốn xảy ra “va
chạm”.
Vậy ai sẽ hiểu - sẽ chiều ai
đây?
Trong bất cứ một đời sống chung
nào – Trong bất cứ một cộng đồng nào – Tất cả các thành viên đều phải có khả
năng và kỹ năng dẹp bỏ “cái tôi” của mình mà chiều ý những “cái tôi” khác khi cần
– Vì lợi ích của cái “Chung”. Chừng nào lợi ích của cái “Chung” không còn được
những cái “riêng” vun bồi nữa thì chừng đó, sự tan rã và đổ vỡ của khối chung
đó – của cộng đồng đó chỉ còn là vấn đề thời gian.
Nhu cầu được làm theo ý mình của mỗi
chúng ta đều rất lớn, vì ai cũng có một “cái tôi” khác biệt với mọi người và muốn
được “tự do” không “ngăn ngại”. Chúng ta thường mù quáng chạy theo “cái tôi” –
chạy theo “ý riêng” của mình mà không ý thức được rằng trong chúng ta còn một nhu
cầu “to lớn” không kém cần được “thỏa mãn” là được sống chung với con người – Được
thuộc về một cộng đồng phù hợp. Chỉ tới khi rơi vào trạng thái cô đơn, cô độc,
bị mọi người xa lánh – chán ghét, không muốn “chơi”, không muốn “xài” thì chúng
ta mới ước ao: Phải chi ngày đó chịu khó hơn một chút, hiền và ngoan hơn một
chút.
Giao tiếp giữa “Người và Người”
là một nhu cầu bức xúc cần được thỏa mãn từ sâu trong bản năng của mỗi con người.
Sống hoàn toàn không có con người xung quanh, nhiều đứa trẻ đã trở thành “thú vật”.
Sống cô đơn, cô độc trong nhiều tháng, nhiều năm (mà không có bản lĩnh, ý chí
và đường lối tu tập đúng đắn) thì chúng ta sẽ trở nên bất ổn về tâm lý và xuất
hiện trạng thái “thèm người” – Khao khát được nhìn thấy con người, được tiếp
xúc, được nói chuyện – Tới nỗi, một khi đã rơi vào tình trạng nặng nề rồi thì hễ
thấy bất cứ một ai – dù là người mình không quen hay đã từng vô cùng ghét bỏ
chúng ta cũng sẵn sàng lao vào ôm lấy mà mừng vui, hớn hở.
Trong đời sống thượng tôn “cá
tính” – chúng ta thường nhầm lẫn nghiêm trọng giữa “khác biệt” và “dị biệt”. Mặc
dù cả hai đều “không giống” với bình thường, nhưng một bên là phi thường còn một
bên là “bất thường” - Chúng khác nhau “một trời một vực”.
Trong khi “Khác biệt” là những yếu
tố có tác động tích cực và tới cuối cùng sẽ luôn được mọi người chấp nhận – Muốn
tạo ra “khác biệt” phải trải qua một quá trình rất khó khăn, vất vả, vì không
những cần hiểu biết rất nhiều mà còn phải có sự trải nghiệm thực tế cùng khả
năng “tư duy sáng tạo” rất lớn; Còn “Dị biệt” thì rất dễ tạo ra vì nó thường
thuận theo “bản năng” lười biếng, dễ dãi, buông tuồng, nhiều tham muốn cá nhân
của chúng ta: Như rất dễ để trở thành một đứa trẻ hư hỏng bất cần đời – bất cần
người, rất dễ để trở thành một người đàn ông lười biếng – dị hợm – ba hoa, rất
dễ để trở thành một người phụ nữ buông thả - sa ngã – ăn chơi đua đòi, rất dễ để
trở thành một cá nhân vô ích – vô kỷ luật – lập dị - tách biệt trong cộng đồng,
v.v… Và càng “dị biệt” thì chúng ta càng nhanh chóng bị “đá” ra khỏi cộng đồng.
(*)
Trong thực tế, mỗi chúng ta luôn
trong trạng thái “thuộc” về một cộng đồng nào đó (gia đình, làng xóm, trường học,
công sở, quê hương, đất nước, nhóm bạn làm ăn, nhóm bạn học hành v.v… ) - Và cộng
đồng nào cũng đòi hỏi chúng ta phải có trách nhiệm - bổn phận tương ứng trong
vai trò là một thành viên. Như trong một gia đình, một người con cần chăm chỉ học
hành, phụ giúp công việc vừa sức, nghe lời người lớn; một người mẹ cần quán xuyến
công việc nhà, dạy dỗ con cái, phụ giúp kinh tế khi cần ; một người cha thì phải
làm trụ cột trong gia đình cả về kinh tế và các mối quan hệ xã hội - đem lại
“an ninh” cho cả nhà, v.v…
Khi mỗi thành viên trong cộng đồng
đều hoàn thành những trách nhiệm và bổn phận “được giao” thì cộng đồng sẽ trở
nên ổn định, bền vững – Làm thành một môi trường lý tưởng cho các cá nhân có thể phát huy hết mọi năng lực và phẩm chất tốt đẹp tiềm tàng. Như cách các loài
cây nương nhau tồn tại trong một khu rừng vậy: Khi đứng cạnh bên nhau, chúng ta
sẽ có đủ khả năng để tận dụng mọi cơ hội và đủ sức mạnh để đương đầu với mọi biến
cố lớn lao.
Chúng ta không thể sống nếu thiếu
tập thể và tập thể thì không thể “sống” nếu thiếu sự “hòa hợp” – Duy trì sự
“hòa hợp” là giải pháp duy nhất để một tổ chức tồn tại lâu dài - “Sống hòa hợp” là con đường duy nhất
để một cá nhân tồn tại trong xã hội. Nhưng sự “hòa hợp” luôn bị đặt trong tình
thế giằng co quyết liệt giữa cái “chung” và cái “riêng”, nên rất cần phải có những
“Bộ quy tắc ứng xử” hợp lý, cụ thể, rõ ràng - Được cả cồng đồng tự nguyện tuân
thủ để làm vị “trọng tài” công tâm trong các cuộc “giằng co” đó.
(*)
Sau đây, xin được giới thiệu với
các bạn bộ quy tắc “Lục hòa” (Sáu sự hòa hợp) trong tăng đoàn của Đức Phật để
chúng ta cùng nhau tìm ra những ứng dụng thiết thực cho cuộc sống của mình.
1. Hòa hợp trong nề nếp sinh hoạt (Thân hòa đồng xứ)
Khi chung sống cùng nhau, người mới tới cần học hỏi “nề nếp
sinh hoạt chung” với những người đã đến trước từ lâu. Đồng thời, cả người đến
trước và người đến sau đều phải có ý thức trong việc nỗ lực “dung hòa” những
“khác biệt” mang tính cá nhân để tạo dựng sự nương tựa, tin cậy, giúp đỡ lẫn
nhau trong đời sống. Người tới trước phải chủ động bao dung, nhường nhịn, hy
sinh cho người tới sau còn nhiều bỡ ngỡ, lạ lùng. Người tới sau phải ý thức về
sự “thiếu hiểu biết” của mình trong một môi trường mới để nhún nhường, khiêm hạ,
nhu thuận (dễ dàng vâng lời) theo những chỉ dẫn của những người tới trước một
cách vui vẻ.
Thói quen mỗi người mỗi khác, nhưng khi vào một tập thể thì
tất cả mọi người đều phải tuân thủ một “thói quen chung” – Một thời khóa chung.
Và tất cả những sự khác biệt mang tính “cá thể” làm ảnh hưởng tới nề nếp chung
đó thì đều bị triệt tiêu, loại bỏ không thương tiếc.
Nên rất nhiều người “sợ hãi” đời sống tập thể vì những “khó
chịu” mà nó gây ra. Những nội quy giữ gìn “nề nếp sinh hoạt chung” trở thành những
“vật cản” ngăn trở chúng ta nuông chiều, “thỏa mãn” bản thân theo những thói
quen đã cũ (tập khí) – Mà khi những nhu cầu bản năng không được thỏa mãn “như ý
muốn” thì những cảm giác khó chịu, bực bội sẽ ùn ùn phát khởi trong tâm ta. Người
nào có “bản năng” càng lớn thì những thúc bách trong “nội tâm” càng bùng phát dữ
dội - Càng khiến cho ta dễ dàng nóng giận, tức tối và nhanh chóng chán ghét nếp
sống mới hơn.
Nhưng đâu phải mình ta mới có “cái tôi”? Đâu phải mình ta mới
có một “bản năng” to lớn “thích được nuông chiều”? Đâu phải ta luôn luôn có thể
sống đơn độc một mình mà không cần quan hệ với bất cứ ai? Không học được cách
chung sống vui vẻ, hòa hợp trong một tập thể là một tín hiệu “rõ ràng” của một
bản lĩnh yếu kém và một cuộc đời thất bại.
Để dễ chấp nhận mọi chuyện hơn, chúng ta phải luôn ghi nhớ
rằng: Mặc dù mình đang phải vì mọi người mà từ bỏ “lối sống cá nhân” nhưng sự
thật là tất cả mọi người cũng đã phải “vì mình” mà từ bỏ những lối sống cá nhân
của họ - Đây là sự công bằng và tình thương yêu mà chúng ta cần phải có để dành
cho nhau. Mỗi người nhường nhịn một chút, hy sinh một chút để đem tới sự “dễ chịu
tối đa” cho tất cả mọi người.
Vì vậy, chung sống trong một tập thể càng lớn thì những
“cái tôi” càng nhanh chóng bị tịch thu “đất sống” – Càng giúp cho chúng ta tiêu
diệt “bản ngã” nhanh hơn, tăng cường bản lĩnh chịu đựng gian khó và khả năng “điều phục” (chế ngự - chuyển hóa) những bản năng tiêu cực trong nội tâm mình (biếng
nhác, ham ăn, ham ngủ, vô ý thức, vô kỷ luật, v.v...).
Bước số một tiến vào đời sống tập thể: Từ bỏ “thói quen” cá
nhân.
2. Hòa hợp trong ngôn
ngữ (Khẩu hòa vô tranh)
Đức Phật dạy ta phải biết nói những lời êm dịu, tao nhã, khả
ái, đem lại lợi ích cho mọi người – Khiến mọi người cảm thấy dễ nghe, dễ chịu
và muốn nghe hoài – nghe mãi để thiết lập nên nhiều mối quan hệ tốt đẹp với
nhau. Mà lời nói khả ái, êm dịu, dễ nghe thì chỉ có thể đến từ một nội tâm giàu
lòng yêu thương, nhân ái – Nên nếu trong tâm ta không có những hạt mầm thương
yêu lành thiện thì càng luyện tập nhiều “thủ thuật” về giọng nói - Ta càng trở
nên “không thật” trong mắt mọi người.
Sự chung đụng giữa những điều khác biệt (những “cái tôi”)
không thể nào tránh khỏi “va chạm”. Không xử lý tốt những va chạm nhỏ thì chuyện
bé xe ra to, chuyện to thành đổ vỡ. Ghi nhớ rằng: Trong bất cứ tình huống nào,
giải pháp tối ưu luôn luôn là “Nhẫn nhục”: Không phản ứng vội vàng – Định tĩnh
trong nội tâm (chỉ) để không nóng giận làm phức tạp tình hình - Nhìn nhận toàn
diện sự việc (quán): Xét lỗi mình, “hiểu cho” góc độ của người đối diện – Cuối
cùng là ý thức sửa lỗi mình, rút kinh nghiệm để không “tái phạm” và bình an để
mọi chuyện đi qua.
Những nguyên nhân căn bản gây ra xung đột trong đời sống cộng
đồng là nói xấu người khác (dù có ác ý hay chỉ đơn thuần là muốn “mua vui”); Có
bất đồng nhưng không trực tiếp đến với nhau để “gỡ bỏ” mà lại đi “lòng vòng”
làm mọi chuyện ngày càng thêm phức tạp; luôn “xét lỗi” người mà không lo sửa lỗi
mình hoặc “sửa lỗi nhau” không đúng lúc, đúng chỗ.
Đặc biệt trong tiếng Việt còn có một nguyên nhân gây xung đột
rất lớn đến từ những đại từ “xưng hô”: Những đại từ phổ thông trong “dân gian” (thằng,
con, nó, mày, tao,…) khi bình thường thì có vẻ bình dị, gần gũi, thậm chí “thân
thiết” – Nhưng khi xảy ra xung đột (khi “tâm thức” của tất cả mọi người đều “sục
sôi” ý nghĩ đối phương đang “nhục mạ - coi thường” mình) thì chẳng khác nào
xăng A92 đổ thêm vào lửa.
Bước số hai tiến bào đời sống tập thể: Luôn tự dặn lòng
mình thương yêu tất cả mọi người để nói được những lời ái ngữ. Có ý thức trong
việc loại bỏ các nguyên nhân gây “bùng nổ” xung đột và thành thạo kỹ năng “Nhẫn
nhục” để giải quyết xung đột trong bình yên.
3. Cùng nhau tuân thủ
những điều luật chung (Giới hòa đồng tu)
Một tập thể cấu thành từ nhiều cá thể khác nhau, cũng giống
như một cỗ máy lớn cấu thành từ nhiều chi tiết nhỏ - Cần tuân thủ “tuyệt đối”
những nguyên tắc và quy định “bắt buộc” trong quá trình vận hành để đảm bảo bộ
máy hoạt động “trơn tru”. Cũng vậy, bất cứ tổ chức nào muốn có sự hoạt động ổn
định, hài hòa giữa nhiều “cá thể” khác biệt thì bắt buộc phải “lên” cho được
hai danh sách đầy đủ - hợp lý về những điều “phải làm” và “không được phép
làm” (Những chuẩn mực, điều luật và nguyên tắc) để mỗi thành viên có cơ sở tự
điều chỉnh hành vi của mình cho thích hợp.
Kỷ luật trong đời sống hay “Giới luật” trong nhà Phật đều
là tập hợp những công cụ “bảo hiểm” cho đời sống của chúng ta “đi” trong an
toàn và “hiệu quả”. Bởi “cái tôi” trong chúng ta thực sự rất ngu si và thường
hay sai lầm. Nếu cái gì cũng nghe “bản năng mách bảo” thì chúng ta sẽ “lầm lạc”
rất nhiều.
Từ mấy ngàn năm qua, đạo Phật không hề có một “chế tài xử phạt” nào
trong hầu hết tất cả các trường hợp vi phạm “Giới luật”. Vậy tại sao các “Giới
luật” đó còn được bảo lưu tới tận ngày hôm nay? Sức mạnh thực sự đã “duy trì”
những “Giới luật” này nằm ở đâu? - Đó chính là tính “hợp lý tự thân” của mỗi một
giới luật. Bất cứ ai nghiêm túc thực hành thì đều nhận thấy được “công năng” của “Giới”
và rồi “tự nguyện” ra sức giữ gìn - Nhiều người cùng tự nguyện giữ gìn khiến
“Giới luật” được lưu truyền đầy đủ tới tận ngày hôm nay.
Mấy ngàn năm qua cũng vậy mà mấy ngàn năm sau cũng vậy:
không sát hại sinh vật thì được an ổn, không dối trá gian manh thì được an ổn,
không tà dâm ngoại tình thì được an ổn, không đua đòi trộm cắp thì được an ổn,
khi ngủ nằm nghiêng về bên phải thì “bảo hộ” được tim – thuyên giảm “mộng mị”,
giữ gìn nơi ở sạch sẽ và đặc biệt trú trọng giữ sạch nhà vệ sinh thì đời sống
được mạnh khỏe – an vui (Lưu ý rằng, vào mấy ngàn năm trước – chả có ai “bận
tâm” tới cái “toilet” cả!), v.v…
Như vậy, muốn giữ được “kỷ luật” một cách “thoải mái” –
không “khó chịu” thì ta phải thay đổi cách nhìn và quan niệm của mình về những
quy định bắt buộc trong một tập thể - Ý thức rõ đây là những bức tường “bảo hộ”
mình khỏi những nguy hiểm, sai lầm và thất bại – Thay vì luôn nghĩ chúng là những bức
tường giam hãm - tước bỏ “tự do” của mình.
Phải biết rằng: Buông bỏ những “tự do” bản năng tầm thường,
ta sẽ có được những “Tự do” lo lớn hơn trong đời sống.
Bước số ba tiến vào đời sống tập thể: Tuân thủ kỷ luật
chung.
4. Hòa hợp trong những
cái “Thấy – Biết” (Kiến hòa đồng giải)
Nếu mọi kiến thức và hiểu biết may mắn có được ta đều cất
giấu kín, “giữ chặt” cho riêng mình – Không chia sẻ với ai thì chuyện gì sẽ xảy
ra?
Phương Đông “huyền bí” là nơi khai hóa ra rất nhiều kiến thức
và hiểu biết khoa học trước cả Phương Tây “năng động”, nhưng vì người phương
Đông có “tập tính” quá ích kỷ - không chịu chia sẻ hiểu biết và kinh nghiệm cho
cộng đồng mà chỉ truyền trao luẩn quẩn trong gia đình, họ tộc nên “quả báo” là
xã hội phương Đông ngày nay gần như toàn bộ đều trở thành kẻ chạy theo “đuôi”
xã hội phương Tây: từ lối sống, cách ăn mặc, cách tư duy, cách giáo dục cho tới
mọi thứ phương tiện – công cụ thường ngày.
Sự “chiếm đoạt” kiến thức và hiểu biết cho riêng mình sẽ
không giúp ta đạt được thành công trong cuộc sống vì chẳng ai muốn “hợp tác” với
những người chỉ bo bo nắm giữ lợi thế cho riêng mình – Mà thành công càng lớn
thì càng cần nhiều sự trợ sức và giúp đỡ của mọi người. Hơn nữa, khi ta không
chia sẻ những điều ta biết cho tập thể thì cả tập thể chỉ còn mình ta giỏi! –
Và khi một tập thể hầu hết là người dở thì nó buộc phải tan rã – Ta vì vậy cũng
sẽ chẳng còn “đất sống” mà tiếp tục “huênh hoang”.
Vậy nên, biết được gì hay, học được gì mới hãy chia sẻ cho
tất cả mọi người để chúng ta cùng nhau đi lên. Nếu mỗi người có một cái hay “chịu”
chia sẻ thì cả tập thể sẽ có rất nhiều cái hay để “trao đổi” cho nhau – Mỗi một
có nhân sẽ có rất nhiều cái hay để cùng nhau góp sức xây dựng tập thể. Đi chung
với tập thể tuy không nhanh nhưng chắc chắn sẽ được xa hơn rất nhiều khi đơn bước
độc hành.
Bước số 4 tiến vào đời sống tập thể: Hãy chia sẻ tất cả những
kiến thức và hiểu biết mình có được với tất cả mọi người.
5. Hòa hợp trong
“Tâm ý” (Ý hòa đồng duyệt)
“Bằng mặt mà không bằng lòng” là phương châm sống của rất
nhiều người trong số chúng ta. Để tránh bị “mích lòng”, nhiều khi chúng ta cứ tỏ
ra vui cười, đồng thuận cho “qua” mọi chuyện mà chẳng hề cảm thấy vui vẻ hay
yêu thích gì người đối diện. Tệ hơn nữa là trước mặt thì đồng tình mà sau lưng
lại chống phá. Một tập thể không bao giờ hòa hợp được nếu trong nội bộ còn dung
dưỡng những cá nhân gian dối như vậy.
Nhiều thành viên “giả đối” sẽ làm nên một tập thể giả gối.
Một tập thể giả dối – không có sự cảm thông – hòa hợp thật sự, thậm chí luôn âm
thầm chống phá, công kích lẫn nhau thì không có được sức mạnh đoàn kết. Tuy đứng
chung một chỗ nhưng bản chất là đã rời nhau rất xa.
Luôn phải ý thức rằng: Chỉ “tập thể “ nào được xây dựng
trên nền tảng của tình yêu thương thì mới có sự “hòa hợp” thật sự. Chừng nào
chúng ta không còn muốn dành cho nhau sự thấu hiểu, cảm thông và chia sẻ nữa
thì chừng đó tập thể của chúng ta đã bắt đầu đánh mất sự hòa hợp – đánh mất đi
sức mạnh đoàn kết.
Đức Phật dạy ta, muốn tạo dựng được một đời sống “hòa hợp”
thật sự thì phải lấy “tình thương” làm cái “nhân” chung để mọi người cùng
chuyên tâm hướng về gieo trồng, chăm sóc - Từng bước “xóa nhòa” đi những khác
biệt – Từng bước làm cho lòng yêu thương ăn sâu bén rễ, đâm chồi nảy lộc trong
sâu thẳm tâm thức của mỗi người.
Bước số 5 tiến vào đời sống tập thể: Luyện tập phát khởi
lòng yêu thương để “tâm ý” có được sự hòa hợp – đồng cảm với tất cả mọi người.
Sự “chính xác” đạt được khi lấy các “dụng cụ đo lường” làm
tiêu chuẩn phân chia.
Sự “hòa hợp” đạt được khi lấy “tình thương và trí tuệ” làm
tiêu chuẩn để phân chia.
Cân đo đong đếm để phân chia cho “chính xác” thì dễ, tất cả
mọi người phải mặc nhiên công nhận. Nhưng sự phân chia cho “hợp lý” (theo nhu cầu
và mức độ đóng góp cho tập thể) không những cần đảm bảo tính công bằng và thuận
lợi tối đa cho số đông - mà còn phải nhận được sự “đồng lòng” rất lớn mỗi thành viên
trong đoàn thể. Bởi lợi ích thì tới ngay một lúc, nguyên tắc là phải “chia đều”
– Nhưng thực tế từng lúc thì bao giờ cũng có nhiều chênh lệch: Như trong lúc đó
ta chưa cần nhưng người khác thì cần, trong lúc đó ta còn “nhịn” được nhưng người
khác lại cần “nhiều” hơn mới đủ, v.v… Cho dù đã phân chia “hợp lý” rồi,
nhưng không nhận được sự “đồng thuận” của tất cả mọi người thì tập thể đó cũng
không đạt được sự hòa hợp.
Bước số 6 tiến vào đời sống tập thể: Chấp nhận rằng, rất
nhiều khi trong đời sống, mắt ta nhìn và các loại “dụng cụ đo lường” không đủ
khả năng để thể hiện một sự hợp lý. Phải có tình thương và con mắt trí tuệ để
nhìn sâu hơn vào thực tế mà hiểu và chấp nhận mọi “chênh lệnh” trên hình thức
thì mới có thể thoát khỏi những đố kỵ chi ly, vụn vặt, nhỏ nhặt của bản năng
ích kỷ - Mới có thể chung sống hòa hợp, lâu dài với mọi người và được mọi người
“bao bọc”, chở che mỗi khi xảy ra “biến cố”. Bởi gieo nhân hy sinh, chia sẻ thì
mới có thể nhận được “quả” bảo bọc, giữ gìn.
(*)
Tóm lại, cội gốc của sự hòa hợp là lòng thương yêu. Vì chỉ
có lòng thương yêu mới phát xuất ra được những chất liệu quý giá để xây dựng sự
“hòa hợp” trong một tổ chức/đoàn thể/ tập thể/….như: tinh thần hy sinh, nhường
nhịn, bảo bọc – che chở, đoàn kết - giúp đỡ lẫn nhau, v.v…
Bốn nguyên tắc bắt buộc phải tuân thủ trong quá trình xây dựng
tinh thần hòa hợp là: Củng cố ý thức vượt lên trên sự “khác biệt” của mỗi cá
nhân vì “sự hòa hợp” chung (không “tôn thờ” cái riêng thái quá); Tìm thật nhiều
điểm tương đồng giữa mình và mọi người để tăng cường sự gắn kết; Mở rộng tầm
nhìn và tự đặt cho bản thân những “sứ mệnh lớn lao” để không bị hao tâm tổn trí
vào việc “so đo” những điều nhỏ nhặt – gây chia rẽ đoàn thể; Đặc biệt, với những
người con Phật (Phật Tử): Phải luôn ghi khắc trong tâm – Mỗi ngày chúng ta sống
là một ngày chúng ta bước đi trên con đường tiến về “Vô ngã” – Do đó, chúng ta
không cần quan trọng “cái tôi” hay những cái “của tôi”. Nếu vứt bỏ “cái tôi” tới
đâu mà tạo nên được sự “hòa hợp” - thăng tiến cho tập thể trong lâu dài thì cứ
việc vứt bỏ tới đó.
(*)
Trên đây là quy tắc “Lục hòa” để tạo dựng một đời sống hòa hợp trong “tập thể” những người đi theo con đường Đức Phật chỉ dạy. Hãy thử lấy
bất cứ một trường hợp “xung đột” - bất
hòa nào, trong bất kỳ một tổ chức nào – bất cứ gia đình nào, ở bất cứ lĩnh vực/phương
diện nào mà bạn biết - Đem ra phân tích theo sáu góc độ này, bạn sẽ thấy những “căn nguyên”
đổ vỡ “hiện ra” vô cùng rõ ràng và cụ thể.
Những lời dạy này ra đời cách đây đã mấy ngàn năm, trong
khi những khóa học về “Làm việc nhóm” hay “Quản lý xung đột” – “Quản trị sự khác
biệt” chỉ rầm rộ xuất hiện ở nước ngoài mấy chục năm trước và ở nước ta trên dưới
chục năm nay nhưng bạn thấy đó: Những lời dạy của Đức Phật vẫn thể hiện được một
lối tư duy toàn diện, sắc bén, cập nhập “bức xúc” thời đại chứ chẳng hề thua
kém nếu không muốn nói là vượt trội hơn hẳn về tính cô đọng – súc tích và thiết
thực.
(*)
Đời sống có bao nhiêu lĩnh vực quan tâm thì Đức Phật có bấy
nhiêu lời dạy hữu ích cho ta “tùy nghi” áp dụng: Từ vật lý – Toán học (cấu trúc “rỗng không” của vật chất, chiều
kích không gian – thời gian trong vũ trụ, sự gợi mở về muôn ngàn sự sống trên
các hành tinh khác, những con số cực lớn và cực nhỏ, sự tương đối và tuyệt đối của vũ trụ, v.v…); Hóa học – Sinh học – Tâm lý học - Y học (giải phẫu học, cơ chế tâm thức
sinh tâm lý, căn nguyên bệnh tật, cách chữa bệnh béo phì – khô gầy – mất ngủ -
căng thẳng/stress,…; thế giới của các vi sinh vật, sự hình thành của chúng ta cả
trước và trong thai mẹ; cách thức luyện tập để có sự cân bằng cảm xúc và trí
não, v.v…); Kinh tế học (quy luật
phân phối của cải – vật chất, nguyên nhân gây sụp đổ nền kinh tế, cách thức làm
giàu, cách phân phối thu nhập định kỳ, cách đầu tư và vận hành doanh nghiệp hiệu
quả, mối tương quan giữa năng suất làm việc và trạng thái tinh thần của người
lao động, nguyên nhân phản bội trong kinh doanh, hóa giải biến cố trong doanh nghiệp
bằng tư duy Nhân Quả, cân bằng đời sống gia đình và việc làm ăn, …),v.v…
Thế mới biết, không phải ngẫu nhiên mà phần lớn các nhà khoa học – Bác học vỹ đại với tư duy logic, lý tính - “khó lòng” tiếp nhận những sự “huyền
hoặc” “kỳ bí” lại vô cùng yêu quý và ngưỡng mộ đạo Phật: Ngoài sự cao siêu, huyền bí, vô cùng khó hiểu và khó cảm nhận với trình độ của chúng ta - Đạo Phật còn vô vàn, không kể xiết những lý thuyết thực hành thiết thực - cụ thể trong đời sống hàng ngày - Những gì phần lớn người trẻ chúng ta ngày nay biết về đạo Phật (được "truyền thừa" từ các thế hệ ông bà, cha mẹ cách đây trên dưới vài trăm năm) chỉ là một "góc nhỏ" vô cùng "khiêm tốn" trong biển Phật Pháp bao la,
vi diệu mà thôi.
Càng đi trong giáo Pháp nhiều bao nhiêu thì ta càng phải ngỡ ngàng bấy nhiêu trước sự “đứng lặng” của thời gian trong những lời Đức Phật dạy. Đức Phật hiểu rõ những con người của thế kỷ 20 - 21 chúng ta hôm nay tới từng chi tiết nhỏ - Trong khi chúng ta – Những con
người tự cho mình là các “trí thức” thời hiện đại, gọi thời đại Đức Phật xuất hiện trên đời là "Cổ đại" thì mức độ “hiểu biết” về
Người lại chẳng đáng “cát bụi” gì…
0 comments:
Post a Comment